Thuốc giảm đau ngực là một phương pháp chính để giảm triệu chứng đau ngực trong bệnh động mạch vành mạn. Thuốc giảm đau ngực có thể giúp giãn các mạch máu và giảm sự co thắt của cơ tim, giúp cung cấp oxy đến tim và giảm đau ngực.
1. Giới thiệu
Bệnh động mạch vành mạn là một bệnh lý về tim mạch phổ biến, nó được xem là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng liên quan đến tim mạch. Bệnh này xảy ra khi các động mạch chuyên chở máu đến tim mạch bị hẹp hoặc bị tắc đột ngột, gây ra sự suy giảm lưu lượng máu đến tim mạch và dẫn đến các triệu chứng như đau ngực, khó thở và mệt mỏi.
Triệu chứng chính của bệnh động mạch vành mạn là đau thắt ngực, thường được miêu tả là cảm giác nặng nề hoặc áp lực trong vùng ngực. Đau thường xảy ra khi người bệnh vận động hoặc khi gặp tình huống căng thẳng tâm lý. Đau ngực có thể kéo dài và lan rộng đến vùng lưng, cổ, tay trái hoặc cả hai tay.
Thuốc giảm đau ngực là một phương pháp chính để giảm triệu chứng đau ngực trong bệnh động mạch vành mạn.Có nhiều loại thuốc để điều trị triệu chứng đau thắt ngực nhanh chóng cũng như lâu dài, lựa chọn và phối hợp thuốc là khác nhau giữa các cá nhân.
2. Các thuốc giảm đau ngực
Các loại thuốc giảm đau ngực trong bệnh động mạch vành mạn bao gồm: nitrat, beta-blocker và calcium-channel blocker.
- Nitrat Giãn hệ động mạch vành và hệ tĩnh mạch, giảm triệu chứng đau thắt ngực dựa trên cơ chế giải phóng nitric oxide (NO) và giảm tiền gánh.
- Beta-blocker: Chẹn beta giao cảm là thuốc khởi đầu trong điều trị giảm đau ngực ở hầu hết bệnh nhân. Giảm tiêu thụ oxy cơ tim do giảm nhịp tim, giảm co bóp cơ tim và giảm hậu gánh. Giảm tái cấu trúc cơ tim do giảm sức căng thành thất trái. Kéo dài thời kỳ tâm trương, tăng tưới máu động mạch vành, làm tăng cung cấp oxy cơ tim.Lợi ích của việc điều trị chẹn beta giao cảm lâu dài đã được chứng minh trên bệnh nhân hội chứng ĐMV mạn tính do giảm gánh nặng thiếu máu cục bộ, cải thiện sống còn ở bệnh nhân có giảm chức năng thất trái hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim
- Chẹn kênh canxi có vai trò trong cải thiện cung cấp oxy cho tim do giảm sức cản mạch vành, tăng dòng chảy động mạch hệ thống. Làm giảm nhu cầu oxy cơ tim bằng cách giảm co bóp cơ tim, giảm sức cản mạch hệ thống và giảm huyết áp. Tuy nhiên, các thuốc chẹn kênh canxi chưa được chứng minh làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và mắc bệnh trên bệnh nhân hội chứng động mạch vành mạn.Gồm 2 nhóm dihydropyridine (amlodipine, felodipine, lacidipine, nifedipine) và nondihydropyridine (diltiazem và verapamil).
Các nhóm thuốc khác:
- Ivabradine: Có vai trò trong kiểm soát tần số tim và triệu chứng đau thắt ngực. Có thể sử dụng kết hợp cùng hoặc thay thế thuốc chẹn beta giao cảm khi không dung nạp với thuốc chẹn beta.
- Nicorandil: Là một dẫn xuất nitrat của nicotinamide được sử dụng để phòng ngừa và điều trị đau thắt ngực lâu dài, có thể kết hợp với thuốc chẹn beta giao cảm.
- Trimetazidine: Là thuốc điều chỉnh chuyển hóa năng lượng cơ tim, giảm nhu cầu oxy cơ tim, giúp cải thiện tình trạng đau ngực
3. Chiến lược điều trị thuốc giảm đau thắt ngực bằng thuốc
Chiến lược tiếp cận từng bước điều trị thuốc chống đau thắt ngực trong hội chứng mạch vành mạn được đề nghị phụ thuộc vào một số đặc điểm ban đầu của bệnh nhân . Đáp ứng không hoàn toàn hoặc dung nạp kém ở mỗi bước cần chuyển sang bước tiếp theo. Chiến lược phải được điều chỉnh theo đặc điểm và sự ưa thích của mỗi bệnh nhân và không nhất thiết theo các bước được đề nghị.
Thuốc Nitrat tác dụng ngắn được dùng cắt cơn đau ngực gắng sức.
Thuốc nhóm 1 :Beta-blocker, Chẹn kênh canxi.
Thuốc nhóm 2 : Nitrat tác dụng kéo dài, Ivabradine, Nicorandil, Trimetazidine.
Liệu pháp chuẩn | Nhịp tim nhanh (> 80 l/p) | Nhịp tim chậm ( < 50 l/p) | RLCNTT hoặc suy tim | Huyết áp thấp | |
Bước 1 | CB hoặc CC | CB hoặc CC Non- DHP | CC DHP | CB | CB liều thấp hoặc CC Non- DHP liều thấp |
Bước 2 | CB + CC DHP | CB và CC Non- DHP | NTDD | Thêm NTDD hoặc IVAB | Thêm NTDD liều thấp |
Bước 3 | Thêm thuốc hàng thứ 2 | Thêm IVAB | CC DHP+ NTDD | Thêm thuốc hàng thứ 2 khác | Thêm IVAB hoặc TMZ |
Bước 4 |
Thêm nicorandil hoặc TMZ |
Bảng 1: Các bước dùng thuốc giảm đau thắt ngực. RLCNTT: rối loạn chức năng thất trái, CB: chẹn beeta, CC: chẹn kênh canxi, DHP: DIHYPROPYRIDIN, NTDD: nitrat tác dụng kéo dài, IVAB: Ivabradine, TMZ: Trimetazidine.
4. Những lưu ý
Cần lưu ý những điểm sau đây:
- Không tự ý dùng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ: Thuốc giảm đau ngực là những loại thuốc mạnh và có tác dụng đến hệ thống tim mạch, vì thế cần được sử dụng đúng liều lượng và thời gian chỉ định. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc: Nếu sử dụng thuốc gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc khó thở, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn kịp thời.
- Kiểm soát liều lượng và thời gian sử dụng thuốc: Việc sử dụng quá liều hoặc dùng thuốc quá lâu có thể gây ra các tác dụng phụ và làm giảm hiệu quả điều trị. Do đó, bệnh nhân cần kiểm soát liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Leave a Reply