Việc thiết kế vạt đúng ở vùng thẩm mỹ và nắm được nguyên tắc chung giúp hạn chế những sai sót và lỗi xảy ra trong quá trình điều trị, cải thiện thẩm mỹ của bệnh nhân và đạt được sự thành công như mong muốn. Cùng tìm hiểu những nguyên tắc chung liên quan đến việc thiết kế vạt ở vùng thẩm mỹ.
1. Giới thiệu chung
Phần này chủ yếu trình bày về các loại vạt cho những trường hợp mất răng xen kẽ bán phần, hầu hết các ví dụ được miêu tả là những implant đơn lẻ đặt ở vùng răng thẩm mỹ. Các nguyên tắc tương tự có thể áp dụng với những khoảng mất răng dài hơn.
2. Thiết kế vạt ở vùng thẩm mỹ – Nguyên tắc chung
Một vài sách phẫu thuật đã trình bày về kỹ thuật đặt implant mà không cần lật vạt, tuy nhiên nếu phẫu thuật viên không có kinh nghiệm có thể dễ dẫn đến gây thủng xương thành bên. Kỹ thuật này phù hợp với các trường hợp đặt implant đơn lẻ tức thì trực tiếp vào ổ răng sau nhổ. Thiết kế và lật vạt nên bộc lộ đủ sống hàm, gồm cả những phần xương lõm, giúp xác định rõ các cấu trúc giải phẫu quan trọng. Tương tự như với các phẫu thuật khác, vạt còn phải dễ được khâu đóng lại với lực căng tối thiểu, đường rạch vạt phải nằm trên vùng xương lành mạnh.
Trong hầu hết các trường hợp, ta luôn có thể dùng đường rạch giữa sống hàm. Đường rạch này có thể mở rộng đến khe nướu của răng bên cạnh, sau đó lật vạt niêm mạc màng xương rộng rãi về phía chóp để cho phép nhìn thấy rõ đường viền xương.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng tôi chủ trương dùng thêm đường rạch giảm căng để hỗ trợ bóc tách và bộc lộ vật.
Những đường rạch giảm căng nằm ngay cạnh răng đòi hỏi phải đặc biệt cẩn thận. Đường rạch có thể song song nhau và chạy theo chiều dọc trên phần xương lành mạnh để sau khi khâu đóng sự tái tạo mạch máu (tái tưới máu) không bị ảnh hưởng. Đường rạch có thể hơi loe về phía chóp nếu muốn nhìn thấy đường viền xương ở đó rõ ràng hơn. Việc tránh đặt đường rạch giảm căng nghiêng chéo trên bề mặt chân răng lồi lên cũng rất quan trọng, vì vết thương có thể không lành nếu phần xương bên dưới bị hở và điều này có thể dẫn đến tụt nướu
Cần cẩn thận khi rạch giảm căng hoặc bóc tách vạt, tránh làm tổn thương các cấu trúc giải phẫu quan trọng như thần kinh cằm… Lật vật ở vùng kênh răng cửa hiếm khi gây các biến chứng liên quan như dị cảm, chảy máu. Các đường rạch giảm căng ngắn ở phía khẩu cái cũng rất hiệu quả, tuy nhiên không cần mở rộng quá xa để tránh cắt nhằm các mạch máu lớn.
Ở những vùng có ít mô sừng hóa, nếu vạt được mở rộng về phía khẩu cái, đôi khi rất hữu hiệu nếu đặt đường rạch đỉnh sống hàm hơi thiên về phía khẩu cái hàm trên, là vùng được xem là có nhiều mô sừng hóa hơn.
Thiết lập vật kiểu này cũng là một chiến lược có ích trong những trường hợp cần phải ghép xương ở mặt ngoài, giúp đảm bảo đủ khâu kín vạt cách xa bề mặt implant, vật liệu ghép hay màng tái sinh xương có hướng dẫn. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần cẩn thận đặt đường rạch giảm căng cách vùng ghép xương ít nhất một khoảng bề rộng của một răng ở mỗi bên.
Điều còn tranh cãi chủ yếu khi thiết kế vạt cho răng đơn lẻ đó là vạt có nên bao gồm gai nướu, và có cần bóc tách gai nướu răng bên cạnh hay không. Việc tránh bóc tách gai nướu là để nhằm bảo tồn thẩm mỹ các cấu trúc gai nướu, vì nếu mất sẽ rất khó hoặc thậm chí không thể tạo lại được.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khoảng mất răng hẹp theo chiều gần xa, ta không thể tránh được phải lật vạt ở cả phần gai nướu. Trường hợp ta chỉ giữ lại được một mảnh mô mềm mỏng ở mặt bên của răng bên cạnh, sự cấp máu của nó sẽ bị ảnh hưởng rất xấu, ta nên bóc tách toàn bộ phần mô này để không gây hại thêm nữa. Các tác giả hiện nay thường lật cả gai nướu như vạt ở hình trên mà không gây hại đến đường viền mô mềm về sau. Do đó, chúng tôi khuyến cáo như sau:
1. Với những khoảng mất răng nhỏ hơn hoặc bằng 7mm theo chiều gần xa, bóc tách luôn cả gai nướu.
2. Với những khoảng từ 8mm trở lên, một đường rạch đỉnh sống hàm 5-6mm và đường rạch giảm căng sẽ cho phép giữ lại đủ chiều rộng cho gai nướu, do đó khuyến cáo bảo tồn gai nướu.
3. Nếu có cân nhắc vì cần phải bộc lộ các cấu trúc giải phẫu như thần kinh răng cửa hoặc có thể phải chỉ định ghép mô thì một lần nữa, chúng tôi cũng khuyến cáo dùng vạt rộng hơn bóc tách luôn cả gai nướu.
Các đường rạch được miêu tả ở trên là những đường rạch đơn giản ngang biểu mô, mô liên kết, màng xương và xuống tới xương. Ở những vùng mô mềm qua dày ta có thể dùng những đường rạch tinh xảo hơn để tạo mép vạt gối đầu thay vì chỉ là một đầu ghép chập đơn giản (hình 8.9). Điều này đòi hỏi đường rạch phải xuyên quan biểu mô, rồi mở rộng theo chiều ngang ở giữa mô liên kết, sau đó tiếp tục bằng một đường rạch dọc qua màng xương. Đầu ghép nối bán phần như vậy cho phép che phủ vạt chắc chắn hơn ở những vùng dự kiến sẽ ghép xương.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D.Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply