Quy trình phẫu thuật cắt túi mật nội soi

Phẫu thuật cắt túi mật nội soi là phẫu thuật cắt bỏ túi mật, một cơ quan hình quả lê nằm bên dưới gan. Thường gặp nhất trong các phẫu thuật điều trị sỏi túi mật, polyp túi mật và ung thư túi mật. Phillipe Mouret thực hiện lần đầu tiên vào năm 1987 tại Lyon – Pháp và ở Việt Nam vào năm 1992. Ngày nay, phẫu thuật cắt túi mật nội soi được phổ biến rộng rãi, là một phẫu thuật ít xâm lấn, người bệnh có thể xuất viện và phục hồi sớm sau mổ.

1. Chỉ định

– Sỏi túi mật có triệu chứng hoặc kích thước lớn.
– Viêm túi mật
– Polyp túi mật có triệu chứng, đa polyp hoặc polyp có kích thước > 1cm.

2. Chống chỉ định

– Chống chỉ định của phẫu thuật nội soi ổ bụng nói chung: tiền sử mổ bụng, không thể bơm CO2 khoang ổ bụng (do suy tim, bệnh hô hấp…)
– Chống chỉ định của phẫu thuật ổ bụng nói chung: rối loạn đông máu nặng, bệnh lý tim mạch hô hấp không cho phép thực hiện gây mê toàn thân.

3. Chuẩn bị

3.1. Người thực hiện: Phẫu thuật viên chuyên khoa Ngoại tiêu hoá – Gan mật
3.2. Phương tiện:
– Bàn mổ có thể dạng chân, quay các chiều.
– Giàn máy mổ nội soi: nguồn sáng, máy bơm khí, khí CO2, màn hình, dao điện (đơn cực và lưỡng cực).
– Bộ dụng cụ mổ nội soi: 04 trocar (02 trocar 10mm; 02 trocar 5mm); banh có răng – không răng; móc đốt điện; kìm cặp clip; kìm cặp kim; kéo; ống kính 90o hoặc 45o.
3.3. Người bệnh:
– Các xét nghiệm cơ bản phục vụ cuộc mổ, lưu ý tiền sử đau, sốt, vàng da là các triệu chứng của sỏi ống mật chủ kèm theo.
– Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan.
– Siêu âm ổ bụng tối thiểu hai lần khẳng định không có bất thường ở đường mật chính.
3.4. Hồ sơ bệnh án:
– Hoàn thành các thủ tục hành chính theo quy định: bệnh án chi tiết, biên bản hội chẩn, biên bản khám trước khi gây mê, giấy cam đoan đồng ý phẫu thuật.

4. Các bước tiến hành

4.1. Kiểm tra hồ sơ: Tên tuổi người bệnh, chẩn đoán, chỉ định, chống chỉ định

Cắt túi mật nội soi
4.2. Kiểm tra người bệnh: Đúng người (tên, tuổi,…), đúng bệnh.
4.3. Thực hiện kỹ thuật:
4.3.1. Tư thế:
– Người bệnh nằm ngửa, 2 chân có thể khép hoặc dạng 90°, tay phải khép, tay trái dạng 90°. Màn hình đặt ở phía đầu bên tay phải người bệnh.
– Người thực hiện đứng bên trái người bệnh, người phụ cầm camera đứng phía dưới người thực hiện hoặc giữa 2 chân, dụng cụ viên đứng phía dưới.
4.3.2. Vô cảm:
– Mê nội khí quản.
– Có đặt ống thông dạ dày, không cần đặt ống thông bàng quang.
4.3.3. Kỹ thuật:
– Mở bụng theo kỹ thuật mini-open ở dưới rốn để đặt trocar 10mm. Bơm hơi ổ bụng, duy trì áp lực trong ổ bụng 10 – 12 mmHg.
– Đưa camera quan sát, lựa chọn vị trí đặt các trocar tiếp theo: trocar 10mm dưới mũi ức; trocar 5mm ở bờ ngoài cơ thẳng to ngang bên phải rốn; trocar 5mm ở dưới bờ sườn phải đường nách giữa.
– Chỉnh bàn tư thế đầu cao, nghiêng trái tối đa.
– Dùng banh có răng đưa qua lỗ trocar dưới sườn cầm vào đáy túi mật đẩy lên trên và sang phải tối đa để bộc lộ vùng cổ túi mật và cuống gan.
– Dùng banh không răng đưa qua lỗ trocar bờ ngoài cơ thẳng cầm vào phễu túi mật, quan sát xem có bất thường ống mật chủ (có giãn không), ống cổ túi mật (có giãn không).
– Dùng móc dao điện phẫu tích vào tam giác Calot ở mặt sau và mặt trước, bộc lộ được động mạch túi mật, ống cổ túi mật.
– Cặp clip vào động mạch túi mật và ống cổ túi mật, phải nhìn rõ ống gan chung khi cặp, dùng kéo cắt động mạch túi mật và ống cổ túi mật. Dùng móc điện giải phóng giường túi mật tỉ mỉ, cầm máu giường túi mật.
– Cho túi mật vào túi nylon, lau sạch ổ bụng, cầm máu kỹ. Trường hợp viêm nhiễm, dịch mật đục bẩn có thủng túi mật nên đặt dẫn lưu dưới gan và đưa vào ở lỗ trocar dưới sườn phải.
– Lấy túi mật qua lỗ trocar rốn, đóng các lỗ trocar bằng chỉ tiêu.

5. Theo dõi sau phẫu thuật

  • Hai giờ đầu tiên sau phẫu thuật cắt túi mật nội soi, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bất thường như đau, hoặc các dấu hiệu sinh tồn khác.
  • 6 đến 8 giờ sau khi kết thúc phẫu thuật, người bệnh có thể được ăn và vận động nhẹ nhàng để giúp lưu thông máu, tăng vận động đường mật nhằm giảm đau viêm sau thủ thuật và giảm đầy trướng bụng. Để tránh ứ dịch ở phổi, trong những ngày ở viện bạn cần tập hít sâu, thở chậm và thở bằng cơ bụng.
  • Ngày đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh được theo dõi các dấu hiệu biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, rò rỉ mật. Thời điểm này cần chú ý đến các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, nôn, sốt… để kịp thời thông báo cho bác sĩ điều trị.
  • Sau phẫu thuật, bạn có thể được về nhà sau 1 – 2 ngày nằm viện và có thể bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên trong tuần đầu tiên, hầu hết mọi người vẫn thấy bị đau, nhưng tình trạng này sẽ được cải thiện dần trong 2 – 3 tuần tiếp theo.

6. Xử trí tai biến

  • Chảy máu trong ổ bụng: do tuột clip động mạch túi mật hoặc từ giường túi mật, nội soi kiểm tra hoặc mổ mở để cầm máu.
  • Viêm phúc mạc: do tuột clip ống cổ túi mật hoặc thương tổn đường mật chính, mở bụng kiểm tra và xử trí theo thương tổn.
  • Áp xe tồn dư: thường gặp ở vị trí hố túi mật, điều trị kháng sinh kết hợp chọc hút dưới siêu âm.

Nguồn: Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện, Bộ Y tế.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *