Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ảnh hưởng đến đường tiêu hoá, do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Bệnh này thường xảy ra ở các nước đang phát triển hoặc ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Bệnh tả có thể lây lan nhanh chóng qua nước uống hoặc thực phẩm bị nhiễm bẩn bởi phân của người mắc bệnh. Việc điều trị bệnh nhanh chóng và kịp thời giúp giảm các triệu chứng bệnh và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân.
1. Nguyên tắc
– Cách ly bệnh nhân.
– Bồi phụ nước và điện giải nhanh chóng và đầy đủ.
– Dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn.
2. Điều trị cụ thể
2.1. Bồi phụ nước và điện giải
– Bù nước bằng đường uống: Áp dụng cho những trường hợp nhẹ, giai đoạn đầu chưa mất nước nhiều và giai đoạn hồi phục. Có thể áp dụng tại nhà hoặc ở các cơ sở y tế.
+ Các loại dịch dùng đường uống: Oresol (ORS) (gồm NaCl 3,5g, NaHCO3 2,5g, KCl 1,5g và glucose 20g) pha với một lít nước đun sôi để nguội.
Có thể pha dịch thay thế: 8 thìa nhỏ (thìa cà-phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước; hoặc nước cháo 50g gạo và một nhúm (3,5g) muối hoặc nước dừa non có pha một nhúm muối.
+ Nên cho uống theo nhu cầu. Nếu nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.
– Bồi phụ khối lượng tuần hoàn bằng truyền tĩnh mạch:
+ Tổng lượng dịch truyền trong ngày:
Tổng lượng dịch truyền trong ngày = A + B + M
Trong đó:
A: Lượng dịch mất trước khi đến viện (theo mức độ mất nước).
B: Lượng phân và chất nôn mất tiếp khi nằm viện.
M: Lượng nước duy trì trong ngày.
+ Các loại dịch truyền:
Natri clorid 0,9% hoặc Ringer lactat (4 phần)
Natri bicarbonat 1,4% (1 phần)
Glucose 5% (1 phần)
+ Bổ sung thêm kali clorid (KCl): mỗi 1 lít dịch truyền pha thêm 1g KCl. Khi bệnh nhân uống được thay bằng đường uống.
– Cách thức truyền dịch:
+ Giai đoạn 1: Từ 4-6 giờ đầu bù nước và điện giải đã mất trước khi đến bệnh viện, dựa vào mức độ mất nước.
+ Giai đoạn 2: Bù nước và điện giải đã mất trong khi nằm viện và lượng dịch duy trì.
+ Cần phải truyền nhanh bằng nhiều tĩnh mạch lớn hoặc truyền vào tĩnh mạch trung tâm.
+ Cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, hematocrit, áp lực tĩnh mạch trung tâm (nếu có điều kiện) để điều chỉnh tốc độ truyền dịch cho thích hợp. Những trường hợp nặng cần theo dõi điện giải đồ để điều chỉnh cho phù hợp.
+ Khi hết nôn và uống được thì dùng dung dịch uống.
2.2. Điều trị kháng sinh
– Thuốc được dùng ưu tiên:
+ Nhóm fluoroquinolon (Ciprofloxacin 1g/ngày, Norfloxacin 800mg/ngày, Ofloxacin 400mg/ngày) uống chia hai lần/ngày, trong 3 ngày (Không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Thận trọng khi dùng cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi).
+ Azithromycin 10 mg/kg/ngày uống trong 3 ngày.
+ Cloramphenicol 30 mg/kg/ngày uống chia 3 lần, dùng trong 3 ngày.
– Đối với trẻ em < 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú: Dùng azithromycin.
– Nếu không có sẵn các thuốc trên có thể dùng:
+ Erythromycin 1g/ngày uống chia 4 lần/ngày (trẻ em 40 mg/kg/ngày), dùng trong 3 ngày; hoặc
+ Doxycyclin 300 mg uống 1 liều (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).
CHÚ Ý: Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột như morphin, opizoic, atropin, loperamide…
c) Dinh dưỡng
– Nên cho bệnh nhân ăn sớm, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Trẻ còn bú tăng cường bà mẹ.
3. Phân loại bệnh nhân để điều trị
– Căn cứ vào lâm sàng có thể xếp thành 4 loại để xử trí.
Bảng phân loại bệnh nhân để điều trị
Loại |
Các triệu chứng chính |
Nơi điều trị |
Phương pháp điều trị |
I |
– Tiêu chảy vài lần, phân ít, nhão
– Không nôn – Mạch, huyết áp bình thường, chưa có dấu hiệu mất nước |
Tại tuyến cơ sở (xã, phường hoặc tại nhà) | – Uống kháng sinh
– Uống dung dịch Oresol |
II |
– Tiêu chảy nhiều nhưng tự chủ được
– Không nôn tự nhiên – Mất nước nhẹ – Mạch, huyết áp bình thường |
Tại trạm y tế xã, phường hoặc trung tâm y tế quận/huyện | – Uống kháng sinh
– Uống dung dịch Oresol – Truyền dịch |
III |
– Tiêu chảy nhiều
– Nôn dễ dàng – Có triệu chứng mất nước trung bình – Huyết áp hơi hạ – Mạch nhanh, yếu – Mệt lả |
Tại trung tâm y tế quận/huyện hoặc tuyến tỉnh. Nếu tại trạm y tế xã cần có sự hỗ trợ của bác sỹ và điều dưỡng tuyến trên | – Truyền dịch là chính. Nếu mạch và huyết áp trở về bình thường, bài niệu tốt, còn tiêu chảy nhẹ cần duy trì bằng dung dịch uống (ORS)
– Uống kháng sinh |
IV |
– Tiêu chảy và nôn nhiều gây nên mất nước nặng, thiểu niệu hoặc vô niệu
– Truỵ mạch: Huyết áp không đo được, mạch nhỏ khó bắt |
Bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương. Có thể điều trị tại tuyến huyện nhưng cần có bác sỹ tuyến tỉnh hỗ trợ | – Truyền dịch với tốc độ nhanh
– Theo dõi mạch, huyết áp, lượng nước tiểu, áp lực tĩnh mạch trung tâm – Uống kháng sinh |
– Khi có dịch tả xảy ra, số lượng bệnh nhân đông, việc phân loại bệnh nhân để có thái độ xử trí đúng đắn sẽ làm giảm được tổn phí và hạ được tỷ lệ tử vong.
– Trường hợp bệnh tả nặng, mạch huyết áp không đo được phải cấp cứu tại chỗ (tuyến xã, tuyến huyện). Nếu trong tình trạng này mà vận chuyển lên bệnh viện tuyến trên quá xa thì tiên lượng càng nặng thêm. Do đó khi có dịch tả xảy ra tại cơ sở nên tổ chức cấp cứu tại chỗ, cần tăng cường bác sỹ và điều dưỡng tuyến trên hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, dây truyền…
4. Tiêu chuẩn ra viện
– Hết tiêu chảy.
– Tình trạng lâm sàng ổn định.
– Kết quả xét nghiệm cấy phân âm tính 3 lần liên tiếp. Ở những cơ sở không có điều kiện cấy phân thì cho bệnh nhân ra viện sau khi ổn định về mặt lâm sàng được 1 tuần.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply