Thuốc vận mạch

Tổng quan về thuốc vận mạch

Thuốc vận mạch thường xuyên được sử dụng tại các đơn vị điều trị tích cực (ICU) để duy trì huyết động cho những bệnh nhân nặng như một biện pháp điều trị hỗ trợ quan trọng và ngày càng trở thành những thuốc nền tảng trong điều trị một số hội chứng tim mạch quan trọng.

1.Phân loại thuốc vận mạch

Hiện nay, chưa có một thống nhất phân loại nào về các thuốc vận mạch được sử dụng trên lâm sàng. Do mỗi thuốc khác nhau đều tác động trên các receptor khác nhau, các receptor này gây ra các hiệu ứng khác nhau trên nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể; chính vì vậy tác dụng của mỗi thuốc trên lâm sàng là phức tạp và khó dự đoán chính xác, do đó các phân loại các thuốc chỉ mang tính chất tương đối.

2.Phân loại theo cấu tạo hóa học

Các thuốc vận mạch có thể được chia thành hai nhóm theo cấu trúc phân tử, bao gồm catecholamin và non-catecholamin. Các thuốc catecholamin lại được chia nhỏ hơn thành hai nhóm nhỏ gồm catecholamin tự nhiên và các catecholamin tổng hợp.

2.1. Các catecholamin:

Là hợp chất hữu cơ có chứa nhân catechol và một chuỗi bên amin. Có những catecholamin được tổng hợp tự nhiên trong cơ thể người, đóng vai trò như những hormon hoặc chất truyền tín hiệu thần kinh (neurotransmitter): epinephrine, norepinephrine, dopamine.

Các catecholamine tổng hợp như phenylephrine (loại bỏ 1 nhóm hydroxyl của nhân thơm -phenyl trong phân tử epinephrine nên có thời gian bán thải dài hơn vì không bị chuyển hóa bởi COMT), isoproterenol (tương tự epinephrine nhưng có chứa gốc – isopropylamine), dobutamine (cấu trúc phân tử lớn, thay thế nguyên tử hydro của gốc amine trong phân tử epinephrine bằng 2-(3,4-dihydroxyphenyl)ethyl; bởi vẫn còn nhân catechol nên bị bán thải rất nhanh bởi COMT).

2.2. Các non-catecholamin:

Bao gồm các thuốc như milrinone, levosemindan hay vasopressin.

3.Phân loại dựa vào ảnh hưởng đến huyết động

Về tác dụng lên huyết động, các thuốc vận mạch được chia thành hai nhóm chính: Thuốc gây co mạch (vasoconstrictor) và thuốc gây tăng sức co bóp cơ tim (inotrope). Mặc dù vậy, các thuốc gây co mạch cũng có các đặc tính gây tăng co bóp cơ tim, trong khi các thuốc gây tăng sức co bóp cơ tim cũng có tác động nhất định trên mạch máu, vì vậy hiện nay người ta còn chia ra ba nhóm thuốc vận mạch:

  • Thuốc co mạch – tăng sức co cơ tim (inoconstrictor): epinephrine,norepinephrine, dopamine.
  • Thuốc giãn mạch-tăng sức co bóp cơ tim (inodilator): dobutamine, milrinone…
  • Thuốc co mạch (vasoconstrictor): phenylephrine, vasopressin…

4.Phân loại dựa vào vị trí, cơ chế tác dụng

Các thuốc vận mạch còn được phân loại theo đích tác dụng (các receptor), bao gồm:

  • Các thuốc tác động lên receptor adrenergic: epinephrine, norepinephrine, dobutamine…
  • Thuốc tác động trên receptor dopaminergic: dopamine.
  • Thuốc tác động lên receptor vasopressin (chủ yếu là receptor V1): vasopressin. Thuốc điều hòa tín hiệu phosphodiesterase nội bào: milrinone, amrinone.

5.Cơ chế tác dụng

5.1. Các receptor

Các thuốc vận mạch tác dụng thông qua các receptor tại các cơ quan đích, hiểu biết đầy đủ về sự phân bố các receptor và tác dụng của từng loại thuốc vận mạch lên các receptor là điều cốt lõi để sử dụng hiệu quả các thuốc vận mạch.

5.1.1. Alpha-adrenergic receptor

Các receptor alpha có chung một nhóm các chức năng, bao gồm co cơ trơn mạch máu, co động mạch vành. Hoạt hóa receptor α1 gây tác dụng chủ yếu làm co các cơ trơn, cụ thể làm co cơ trơn thành mạch, gây co mạch. Hoạt tính của receptor α1 còn làm thay đổi chuyển hóa và tăng sức co cơ tim thông qua các cơ chế chưa được rõ ràng. Hoạt hóa các receptor hậu synap α2 gây giãn mạch thông qua sự sản xuất nitric oxide. Phối hợp giữa các hoạt động co mạch – giãn mạch của receptor alpha giúp điều chỉnh sự tưới máu, nhất là đối với tuần hoàn của mạch vành.

5.1.2. Beta-adrenergic receptor

Hoạt hóa receptor β1 chủ yếu gây ảnh hưởng trên tim. Các chất có hoạt tính đồng vận receptor β1 làm tăng tần số tim, tăng sức co cơ tim, từ đó làm tăng hiệu năng co bóp của tim và tăng cung lượng tim. Tần số tim tăng là kết quả của tăng tính tự động nút xoang, tăng tính tự động và khả năng dẫn truyền xung động của cơ tâm thất, tăng tốc độ dẫn truyền xung động qua nút nhĩ thất. Tăng thể tích nhát bóp đạt được nhờ kết quả của tăng sức co cơ tim. Hoạt hóa receptor β2 làm giãn các cơ trơn. Đối với các giường mạch của hệ thống mạch vành, mạch tạng và mạch cơ vân, hoạt hóa receptor β2 gây tác dụng giãn mạch. Thêm vào đó receptor β2 còn làm tăng tần số tim và tăng sức co cơ tim, dù tác dụng này không nhiều.

5.1.3. Dopaminergic receptor

Đã có trên 7 loại receptor dopaminergic được phát hiện, trong đó receptor D4 là loại được tìm thấy ở tim người. Thông qua receptor dopaminergic, dopamine làm tăng cung lượng tim thông qua tăng sức co cơ tim và ở những mức liều nhất định, làm tăng tần số tim. Tại thận, dopamine tác động trên receptor D1 và D2 gây tác động lợi tiểu và tăng thải natri. Trên mạch máu phổi, các receptor D1, D2, D4 và D5 gây ra các tác dụng giãn mạch.

5.1.4. Vasopressin receptor

Vasopressin là một peptid giúp điều hòa sự giữ nước của cơ thể, còn được biết đến là hormon chống bài niệu, được giải phóng khi cơ thể bị mất nước, làm thận tăng giữ nước (mà không giữ muối), giúp cô đặc và giảm thể tích nước tiểu.

Thuốc cũng làm tăng huyết áp nhờ tác dụng co mạch (trung bình) thông qua hoạt hóa các receptor V1 ở các giường mao mạch nhưng chủ yếu là các cơ trơn ở tiểu động mạch ngoại biên. Khi hoạt hóa các receptor này ở mức độ cao, sức cản mạch sẽ tăng lên đáng kể và trở thành một cơ chế bù trừ quan trọng giúp giữ mức huyết áp bình thường khi cơ thể ở trạng thái sốc giảm thể tích.

Trong các điều kiện sinh lý thông thường, hoạt hóa receptor V1 gây co mạch nhưng không làm thay đổi huyết áp vì có sự bù trừ của phản xạ baroreceptor.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ Dược sĩ dược lâm sàng và đã đưa hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại đạt chuẩn vào công tác thăm khám, chẩn đoán và điều trị hỗ trợ các bệnh lý về tim mạch và hồi sức cấp cứu.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *