Suy dinh dưỡng ở trẻ em – các cách phân loại?

Suy dinh dưỡng ngày nay là một vấn đề sức khỏe trẻ em được cộng đồng quan tâm. Việc phân loại suy dinh dưỡng giúp cho điều trị trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

1. Suy dinh dưỡng là gì?

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu vitamin, năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, biểu hiện nhiều mức độ khác nhau nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ.

Nguyên nhân:

  • Sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng: Nuôi nhân tạo bằng nước cháo, nước đường, bột loãng, cai sữa quá sớm, ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng,…
  • Bệnh lý: nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy kéo dài, cường giáp, hội chứng ruột ngắn, hội chứng mất protein qua ruột, rò đường tiêu hoá,…
  • Các bệnh mạn tính: Suy thận mạn, bệnh gan mạn, suy tim nặng,…
  • Trẻ đẻ non, đẻ yếu, suy dinh dưỡng bào thai
  • Dị tật bẩm sinh: sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh,…
  • Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đông con, tập quán nuôi dưỡng lạc hậu,…

Ở giai đoạn đầu triệu chứng nghèo nàn dễ bỏ sót, thường biểu hiện bằng:

  • Ngừng tăng cân hoặc sụt cân
  • Lớp mỡ dưới da mỏng dần
  • Da xanh dần
  • Trẻ chậm biết đi, ít hoạt bát

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị bệnh lý đi kèm
  •  Cung cấp chế độ ăn phù hợp
  •  Bổ sung vitamin và khoáng chất

2. Các cách phân loại suy dinh dưỡng?

2.1 Phân loại theo Gomez (1956)

Là phương pháp phân loại được dùng sớm nhất, dựa trên chỉ số cân nặng theo tuổi quy ra % cân nặng chuẩn.

phan-loai-suy-dinh-duong-theo-Gomez-1956
Phân loại suy dinh dưỡng theo Gomez 1956

Ưu điểm: phân loại đơn giản.

Nhược điểm: Không phân biệt được cấp hay đã lâu.

2.2 Phân loại theo Welcome (1970)

Phân loại dựa vào cân nặng theo tuổi và triệu chứng phù.

phan-loai-suy-dinh-duong-thao-Welcome-1970
Phân loại suy dinh dưỡng theo Welcome 1970

Ưu điểm: Phân loại được các thể của suy dinh dưỡng nặng.

Nhược điểm: Không phân biệt được cấp hay mạn tính.

Kwashiorkor là SDD thể phù do trẻ ăn quá nhiều bột thừa glucid, thiếu lipid và protid. Trẻ sẽ có triệu chứng phù, rối loạn sắc tố da, lớp mỡ dưới da còn nhưng không chắc, gan thường to, chướng bụng, rối loạn tiêu hoá và biểu hiện thiếu vitamin.

Marrasmus là SDD thể teo đét do trẻ bị đói thực sự, cơ thể phải huy động glucid, chất béo, đạm nên trẻ mất hết mỡ dưới da, mặt hốc hác, mắt trũng, da khô, gầy đét, da bọc xương. Trẻ có biểu hiện của thiếu vitamin, thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu đạm, thiếu máu nhưng nhẹ hơn thể phù và gan không to, ít bị tiêu chảy hay rối loạn tiêu hoá.

2.3 Phân loại theo Waterlow (1972)

Phân loại dựa vào cân nặng theo chiều cao và chiều cao theo tuổi.

phan-loại-suy-dinh-duong-theo-Waterlow-1972
Phân loại suy dinh dưỡng theo Waterlow 1972
  • SDD gầy còm là phản ánh sự cấp tính.
  • SDD còi cọc là biểu hiện trong quá khứ.
  • SDD gầy còm + còi cọc biểu hện sự mạn tính.

Ưu điểm: Biết được cấp tính hay mạn tính.

2.4 Phân loại theo WHO (2006)

Phân loại dựa vào 3 chỉ số: cân nặng, chiều cao, tuổi của trẻ.

  • Cân nặng/tuổi Z-score < -2: Suy dinh dưỡng thể nhẹ cận
  • Chiều cao/tuổi Z-score < -2: Suy dinh dưỡng thể thấp còi
  • Cận nặng/chiều cao Z-score < -2: Suy dinh dưỡng thể gầy còm

SDD thể nhẹ cân: Cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi. Tình trạng nhẹ cân không cho biết chính xác đây là trong quá khứ hay hiện tại.

SDD thể thấp còi: Là giảm mức độ tăng trưởng của cơ thể, biểu hiện của mạn tính, có thể bắt đầu sớm từ bào thai do mẹ bị thiếu dinh dưỡng. Được xác định khi chiều cao thấp hơn với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới. Thể này thường gặp trong trường hợp thiếu dinh dưỡng kéo dài.

SDD thể gầy còm: Là hiện tượng phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính làm cho trẻ ngừng lên cân hoặc tụt cân, trong khi chiều cao không thay đổi. Thể này thường gặp trong trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng cấp tính như tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp cấp.

Hiện nay, WHO đề nghị lấy điểm ngưỡng ở dưới 2 độ lệch chuẩn (-2SD) so với quần thể tham chiếu để coi là nhẹ cân. Từ đó có thể chia thêm các mức độ sau đây:

  • Từ -2SD đến -3SD: Thiếu dinh dưỡng độ I (vừa)
  • Từ -3SD đến -4SD: Thiếu dinh dưỡng độ II (nặng)
  • Dưới -4SD: Thiếu dinh dưỡng độ III (rất nặng)

Chiều cao theo tuổi thấp phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc thuộc về quá khứ, làm cho đứa trẻ bị còi (stunting). Thường lấy điểm ngưỡng ở -2SD (thể vừa) và -3SD (thể nặng) so với quần thể tham chiếu.

Cân nặng theo chiều cao thấp phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng ở thời kỳ hiện tại, gần đây, làm cho đứa trẻ ngừng lên cân hoặc tụt cân nên bị còm (wasting). Các điểm ngưỡng giống như hai chỉ tiêu trên.
Khi cả hai chỉ tiêu chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao đều thấp hơn ngưỡng đề nghị, đó là thiếu dinh dưỡng thể phối hợp, đứa trẻ vừa còi vừa còm.

2.5 Chỉ số MUAC

Áp dụng cho trẻ từ 6-59 tháng tuổi

  • MUAC< 115 mm: SDD cấp nặng
  • 115 mm<MUAC <125 mm: SDD cấp mức độ trung bình
  • MUAC> 125 mm: Trẻ bình thường

Tuỳ từng thể sẽ có những triệu chứng, tiến triển điều trị khác nhau. Chúng ta cần hiểu và phân loại được từng thể để có thể điều trị kịp thời, đúng đắn cho trẻ.




Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *