Bé gái Adelyn được sinh ra với dị tật tai bên phải. Tuy nhiên, nhờ phương pháp đặt khuôn nhựa, tai của bé đã được định hình lại một cách hiệu quả và không cần can thiệp phẫu thuật phức tạp sau này.
Những cặp bố mẹ khi vừa chào đón thiên thần nhỏ của mình ra đời, họ thường rất thích thú với những ngón tay, ngón chân, chiếc mũi và đôi tai nhỏ xinh của bé. Lindsey và Michael cũng không ngoại lệ khi họ chào đón cô con gái Adelyn của mình vào tháng ba vừa rồi. Cặp vợ chồng này cùng với chị gái lớn McKenzie, rất háo hức chào đón sự xuất hiện của Adelyn, yêu quý tính cách và cả vẻ ngoài của cô con gái nhỏ.
Khuôn giúp chỉnh sửa dị tật tai trong những tuần đầu đời của trẻ
“Con bé khi vừa chào đời rất dễ thương , hiền lành và trông giống mẹ,” Lindsey chia sẻ trong niềm tự hào.
Khi còn ở bệnh viện, cặp đôi ở St. Michael, Minnesota đã nhận thấy tai phải của Adelyn có vẻ khác hẳn so với tai trái của bé.
“Phần sụn trên tai phải của con bé bị uốn cong,” Lindsey nói. “Nó gần như hoàn toàn bị gập lại.”
Vì lo lắng nên Lindsey đã hỏi các chuyên gia y tế tại đây về tình trạng tai của Adelyn.
“Họ nói với tôi rằng nó có thể tự hồi phục, nhưng tôi cứ lo lắng,” cô nhớ lại. “Tôi đã bắt đầu lên Google tìm kiếm các giải pháp và tìm thấy trang web EarWell và bác sĩ Pearson. Tôi đã đặt cuộc hẹn với bác sĩ ngay lập tức.”
Cuộc hẹn đó với bác sĩ Susan Pearson, một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và phẫu thuật vùng đầu -mặt-cổ tại Mayo Clinic Health System ở Mankato, Minnesota. Bà được đào tạo chuyên sâu về sửa chữa hình dạng tai bằng phương pháp phẫu thuật và không phẫu thuật. Một phương pháp không can thiệp phẫu thuật được gọi là EarWell, sử dụng khuôn nhựa để tái tạo lại hình dạng của tai trong những tuần đầu đời.
Bác sĩ Susan cho biết: “Khoảng 25% trẻ sơ sinh bị dị tật ở tai, trong khi 70% sẽ không cải thiện theo thời gian hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn”. “Thật may mắn là 90% đến 95% các trường hợp này sẽ cải thiện với kỹ thuật uốn tai”.
Trong quá trình điều trị, một khuôn nhựa được đặt lên tai của trẻ sơ sinh và được giữ ở đó bằng băng dính hai mặt. Thủ thuật này không gây đau và trẻ sơ sinh có thể nghe được bình thường thông qua khuôn nhựa. Việc đeo thiết bị này liên tục trong hai đến sáu tuần, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của dị tật và can thiệp vào thời điểm nào ở trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Pearson giải thích rằng thời gian rất quan trọng trong quá trình điều trị uốn tai.
Bác sĩ cho biết: “Khoảng thời gian cho kết quả tốt là khá hẹp. Trong tháng đầu đời, sự linh hoạt của sụn tai của trẻ là do nồng độ Estrogen của mẹ trong cơ thể trẻ. Nồng độ Estrogen sẽ giảm sau thời điểm này và sụn tai bắt đầu cứng. Việc đặt khuôn sớm có thể uốn lại tai khi sụn tai còn linh hoạt”.
Adelyn đã được 1,5 tuần tuổi trong cuộc hẹn đầu tiên với bác sĩ Pearson, là người đã xác nhận đây là dị tật tai và giải đáp những thắc mắc của cặp vợ chồng.
“Bác sĩ Pearson nói cô ấy là ứng cử viên tốt cho phương pháp uốn tai. Cô ấy đã cung cấp rất nhiều thông tin và dành thời gian để giải thích mọi thứ,” Lindsey cho biết.
Cặp vợ chồng đã quyết định thử phương pháp này cho Adelyn.
“Bố mẹ của cô bé rất chủ động và hợp tác,” bác sĩ Pearson nói. “Họ đã tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đến phòng khám và hiểu biết rõ về phương pháp khuôn tai.”
Ngày hôm ấy, bác sĩ đã đặt khuôn tai lên tai phải của Adelyn trong khi cô bé còn tỉnh táo ở phòng khám. Những ngày sau, gia đình đã lái xe hơn ba giờ đồng hồ để đến Mankato theo dõi hàng tuần.
“Ban đầu, chúng tôi không thể biết chắc rằng khuôn tai có hiệu quả hay không. Khó có thể nhìn thấy khi cái khuôn bao phủ tai cô bé.” Lindsey nói. “Nhưng sau cuộc gặp đầu tiên, tai cô bé dường như đứng thẳng hơn.”
Lindsey và Michael cho biết Adelyn không cảm thấy khó chịu khi đeo khuôn và chiếc khuôn không ảnh hưởng đến chế độ ăn uống hay giấc ngủ của cô bé. Riêng việc tắm gội là điều duy nhất mà phụ huynh cần thay đổi trong những tuần điều trị của cô.
Lindsey cho biết: “Chúng tôi phải giữ chiếc khuôn đúng vị trí và cần đến bốn bàn tay trong lúc tắm cô bé, ngoài ra không có vấn đề gì khác.”
Sau ba tuần, bác sĩ Pearson đã gỡ khuôn tại phòng khám. Sụn trên tai phải của cô bé không còn lồi và bây giờ đã đối xứng với tai trái của cô bé. Tai của Adelyn không cần thêm bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Trước và sau khi dùng khuôn đã giúp cải thiện hình dạng vành tai của Adelyn.
“Chiếc khuôn không làm đau và đã phát huy tác dụng. Tai của cô bé trông rất xinh” Michael nói. “Giờ đây không có sự khác biệt về hình dáng ở hai tai cô bé nữa.”
Bác sĩ Pearson giải thích rằng với phương pháp này, Adelyn tránh được một ca phẫu thuật tai xâm lấn trong tương lai, gọi là otoplasty.
“Đó là một ca phẫu thuật lớn và mang tính xâm lấn để sửa chữa dị tật tai. Thông thường, kết quả không được tự nhiên như dùng khuôn tai” bà cho biết. “Tiến hành phẫu thuật khi trẻ vào khoảng 5 đến 6 tuổi và mất từ 60 đến 90 phút cho mỗi tai.”
Việc tránh được phẫu thuật này là “trút đi một gánh nặng” cho Lindsey và Michael.
“Tôi nghĩ rằng phẫu thuật có thể là lựa chọn duy nhất của Adelyn và chúng tôi sẽ đi đến chuyên khoa Tai-Mũi-Họng sau này,” Lindsey nói. “Điều quan trọng là phụ huynh được thông tin sớm và không cần chờ đợi đến khi tai của bé được phục hồi.”
Bác sĩ Pearson đồng ý và nhấn mạnh rằng kết quả tốt của Adelyn có thể đạt được vì được can thiệp sớm.
“Với phương pháp này, việc đi đến phòng khám càng sớm càng tốt. Đặt khuôn tai càng sớm, kết quả càng khả quan.” Bà cho biết.
Bài viết được dịch từ Mayoclinic.org.
Leave a Reply