Bệnh sán lá ruột nhỏ là một bệnh lây nhiễm do sán lá ruột nhỏ (Metagonimus yokogawai) gây ra. Bệnh này phổ biến ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá ruột nhỏ rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng và nâng cao cho sức khỏe cộng đồng.
1. Trường hợp bệnh nghi ngờ
Là trường hợp có tiền sử dịch tễ ăn cá nước lợ hoặc cá nước ngọt chưa nấu chín hoặc ướp muối hoặc người sống ở vùng lưu hành sán lá ruột nhỏ và có một trong các triệu chứng sau:
+ Mệt mỏi, chán ăn;
+ Đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, bụng chướng, tiêu chảy không thường xuyên;
+ Thiếu máu;
+ Xét nghiệm: bạch cầu ái toan tăng.
2. Trường hợp bệnh xác định
Là trường hợp bệnh nghi ngờ và xác định thêm một trong các xét nghiệm cận lâm sàng sau:
– Xét nghiệm phân hay dịch tá tràng xác định có trứng sán lá ruột nhỏ;
– Nội soi ống tiêu hóa tìm được sán lá ruột nhỏ trưởng thành;
– Xét nghiệm PCR xác định được sán lá ruột nhỏ.
3. Chẩn đoán phân biệt
– Sán lá gan nhỏ: Triệu chứng lâm sàng có thể có vàng da tắc mật; Sán lá gan nhỏ gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, viêm xơ đường mật gây dày thành đường mật và giãn nhẹ đường mật. Đặc biệt trứng sán lá ruột nhỏ họ Heterophyidae rất giống trứng sán lá gan nhỏ cả về hình thái và kích thước. Trứng sán lá ruột nhỏ họ Echinostomatidae dễ nhầm với trứng giun đũa không thụ tinh.
– Giun lươn đường ruột: xét nghiệm soi tươi phân tìm thấy ấu trùng giun lươn trong phân hoặc ELISA phát hiện kháng thể giun lươn dương tính.
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị sớm, đúng thuốc đặc hiệu, đúng phác đồ;
– Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng cho người bệnh;
– Người bệnh tái khám sau điều trị 1 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị; nếu người bệnh còn nhiễm bệnh sán lá ruột nhỏ thì tiếp tục điều trị nhắc lại liệu trình điều trị;
– Người bệnh có bệnh nền kèm theo, thì phải kết hợp điều trị bệnh nền.
4.2. Điều trị đặc hiệu
a) Thuốc: praziquantel viên nén 600 mg.
b) Liều dùng
– Đối với người lớn và trẻ em ≥ 4 tuổi: Liều 25 mg/kg/ngày, liều duy nhất, uống ngay sau khi ăn, không được nhai thuốc.
– Đối với trẻ em < 4 tuổi: Tham khảo bác sỹ trong quá trình điều trị và theo dõi chặt.
c) Chống chỉ định
– Không được dùng cho phụ nữ có thai;
– Những người có cơ địa dị ứng với thuốc;
– Người đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, suy gan, suy thận, bệnh tâm thần…
d) Hướng dẫn bệnh nhân chú ý khi sử dụng thuốc:
– Thời kỳ cho con bú: Người mẹ ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc và 72 giờ sau liều cuối cùng; trong thời gian này sữa phải được vắt bỏ;
– Không sử dụng rượu, bia trong thời gian điều trị;
– Không lái xe, điều khiển máy móc trong khi uống thuốc và cả trong 24 giờ sau khi uống praziquantel vì thuốc có thể gây chóng mặt buồn ngủ;
– Thận trọng với người già, người suy dinh dưỡng, người có rối loạn tiền đình.
4.3. Điều trị triệu chứng
Tùy theo biểu hiện triệu chứng lâm sàng để chỉ định các thuốc điều trị phù hợp.
– Giảm đau bụng: bằng các thuốc chống co thắt đường uống.
+ Thuốc chống co thắt không kháng tiết cholin.
+ Thuốc chống co thắt kháng tiết cholin.
– Tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa: các men tiêu hóa nguồn gốc vi khuẩn như antibio 1g, ngày 6 viên chia 3 lần;
– Bù nước, điện giải bằng uống oresol: trẻ em 4 – 5 tuổi ngày uống 750 đến < 1.000ml; trên 5 tuổi ngày uống 1.000ml.
– Phù: xét nghiệm có giảm albumin máu < 35 g/l, hoặc albumin > 35 g/l kèm theo phù ngoại biên nặng thì có chỉ định truyền dịch albumin theo công thức:
Lượng albumin cần bù = [0,25 (g/dl)- Albumin/máu hiện tại (g/dl)] x cân nặng (kg) x 0,8.
– Thiếu máu: Bổ sung acid folic, viên sắt, vitamin B12 trong trường hợp thiếu máu nhẹ, uống trong vòng 3 – 6 tháng.
4.4. Điều trị hỗ trợ
– Nâng cao thể trạng có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
– Sử dụng vitamin tổng hợp.
4.5. Theo dõi sau điều trị
4.5.1. Theo dõi điều trị nội trú
Người bệnh được theo dõi điều trị nội trú khoảng 5 – 7 ngày, được làm các xét nghiệm để chẩn đoán theo dõi điều trị, đánh giá chức năng cơ quan của cơ thể; đối với những bệnh nhân có bệnh nền, làm các xét nghiệm để theo dõi và điều trị các bệnh nền liên quan.
4.5.2. Theo dõi điều trị ngoại trú và sau điều trị nội trú
– Khám lại sau 1 tuần: người bệnh được đánh giá lại công thức máu, chức năng gan; xét nghiệm phân tìm trứng sán lá ruột nhỏ;
– Khám lại sau 1 tháng sau điều trị: người bệnh được đánh giá lại công thức máu, chức năng gan; xét nghiệm phân tìm trứng sán lá ruột nhỏ;
– Sau 1 tuần hoặc sau 1 tháng, nếu xét nghiệm phân người bệnh còn có trứng sán lá ruột nhỏ hoặc con sán trưởng thành, thì cho bệnh nhân nhập viện và nhắc lại liệu trình điều trị nội trú.
5. Tiêu chuẩn khỏi bệnh
Các triệu chứng lâm sàng giảm hoặc hết và xét nghiệm phân không tìm thấy trứng sán lá ruột sau điều trị 1 tháng.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply