Viêm teo dạ dày mạn tính hay còn gọi là viêm teo dạ dày chuyển sản là một hình thái của viêm dạ dày mạn tính. Đặc điểm của nhóm bệnh này là ngoài hình ảnh thể hiện sự viêm mạn tính còn có tổn thương làm thiểu sản (teo) biểu mô tuyến dạ dày, có thể bị thay thế bằng biểu mô trụ của ruột. Để đánh giá mức độ chuyển sản và dự đoán nguy cơ ác tính hóa của tổn thương viêm teo chuyển sản niêm mạc dạ dày, các nhà giải phẫu bệnh học thường dùng thang OLGA/OLGIM.
1. Định nghĩa và phân loại
Viêm teo dạ dày mạn tính (chronic atrophic gastritis) hay còn gọi là viêm teo dạ dày chuyển sản (metaplastic atrophic gastritis) là một hình thái của viêm dạ dày mạn tính. Đặc điểm của nhóm bệnh này là ngoài hình ảnh mô bệnh học thể hiện sự viêm mạn tính (sự xâm nhiễm của các tế bào viêm mạn tính – các tế bào đơn nhân như mono bào, tương bào và lympho bào) còn có tổn thương làm thiểu sản (teo) biểu mô tuyến dạ dày có thể bị thay thế bằng biểu mô trụ của ruột.
Viêm dạ dày mạn tính được chia làm 03 dạng chính dựa trên nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là hình thái tổn thương quan sát bằng nội soi hay bằng giải phẫu bệnh học. Bên cạnh viêm hang vị do Helicobacter pylori, thì viêm teo niêm mạc dạ dày là một nhóm bệnh lý thuộc nhóm viêm dạ dày mạn tính. Trong đó, viêm teo dạ dày có hai dạng bệnh chính là Viêm teo dạ dày chuyển sản do tự miễn (autoimmune metaplastic atrophic gastritis – AMAG) và Viêm teo dạ dày chuyển sản do môi trường (environmental metaplastic atrophic gastritis – EMAG). Hai dạng này có thể khác biệt về các yếu tố bệnh sinh bệnh và cả hình thái lâm sàng. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, có sự chồng lấp hai dạng này trên mô bệnh học dẫn đến hình thái lâm sàng khó phân biệt.
- Viêm teo dạ dày chuyển sản do tự miễn (autoimmune metaplastic atrophic gastritis – AMAG) – Là dạng sang thương thiểu dưỡng (hay còn gọi là teo) và chuyển sản của biểu mô dạ dày, đặc trưng là tập trung ở vùng thân vị (corpus). Các nghiên cứu trên mô hình động vật cho thấy sự có mặt của kháng thể kháng bơm H+/K+-ATPase trên tế bào thành ở một số cá thể quan sát được AMAG.
- Viêm teo dạ dày chuyển sản do môi trường (environmental metaplastic atrophic gastritis – EMAG) – Là dạng sang thương thiểu dưỡng (hay còn gọi là teo) và chuyển sản ruột của biểu mô dạ dày, đặc trưng là phân bố của sang thương lan tỏa ở cả hang vị và thân vị. Có nhiều yếu tố đóng góp vào cơ chế sinh bệnh học của EMAG, trong đó phần lớn đều có liên quan đến vi khuẩn HP.
2. Chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày
Viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính được chẩn đoán xác định dựa trên các bằng chứng về mô bệnh học. Phương pháp khảo sát lựa chọn ưu tiên là nội soi tiêu hóa trên có sinh thiết. Chỉ định của phương pháp nội soi tiêu hóa trên có sinh thiết xuất phát từ nghi ngờ viêm dạ dày qua các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng.
Triệu chứng lâm sàng chung và đặc trưng của các dạng viêm teo chuyển sản niêm mạc dạ dày (AMAG và EMAG) được giới thiệu và phân tích riêng ở các bài viết về các chủ đề này trên chuyên trang VinmecDr.com
Nội soi tiêu hóa trên có sinh thiết vừa có thể cung cấp hình ảnh đại thể của tổn thương viêm vừa có thể cho thông tin chẩn đoán xác định qua phân tích mô bệnh học. Như đã đề cập ở trên, đặc điểm của nhóm bệnh này là ngoài hình ảnh mô bệnh học thể hiện sự viêm mạn tính (sự xâm nhiễm của các tế bào viêm mạn tính – các tế bào đơn nhân như mono bào, tương bào và lympho bào) còn có tổn thương làm thiểu sản (teo) biểu mô tuyến dạ dày có thể bị thay thế bằng biểu mô trụ của ruột. Phân tích mô bệnh học còn cho phép đánh giá mức độ, qua đó tiên lượng khả năng ung thư hóa của tổn thương chuyển sản. Để đánh giá mức độ của tổn thương viêm dạ dày mạn trên giải phẫu bệnh học, có thể dùng thang OLGA/OLGIM để đánh giá.
Thang OLGA/OLGIM trong đánh giá viêm teo niêm mạc dạ dày
Để giá nguy cơ diễn tiến ác tính hóa của tổn thương viêm teo chuyển sản dạ dày, một nhóm các nhà tiêu hóa và giải phẫu bệnh học đã giới thiệu hai hệ thống phân loại OLGA (Operative Link for Gastritis Assessment) và OLGIM (Operative Link for Gastritic Intestinal Metaplasia) để đánh giá 02 tổn thương chính của viêm dạ dày mạn tính trên giải phẫu bệnh tương ứng là thiểu dưỡng (teo) và chuyển sản ruột.
Để đánh giá thang OLGA/OLGIM cần kết quả mô bệnh học từ 2 vị trí là thân vị (corpus) và hang vị (antrum). Mỗi sang thương teo hay chuyển sản tại mỗi vị trí được đánh giá mức độ theo, hướng dẫn của OLGA/OLGIM với 4 mức độ tương ứng điểm từ 0 đến 3.
Phối hợp mức độ tổn thương của cả 2 vị trí, bệnh lý viêm teo dạ dày chuyển sản được chia làm 5 giai đoạn từ 0 đến IV:
- Giai đoạn 0: Điểm 0 – không có tổn thương ở cả thân vị và hang vị
- Giai đoạn I: Điểm 1 ở vùng thân và điểm 0 hoặc 1 ở vùng hang vị, hoặc điểm 0 ở vùng thân và điểm 1 ở vùng hang vị
- Giai đoạn II: Điểm 2 hoặc 3 ở vùng thân và điểm 0 ở vùng hang vị; điểm 2 ở vùng thân và điểm 1 ở vùng hang; hoặc điểm 0 hoặc 1 ở thân và điểm 2 ở hang vị
- Giai đoạn III: Điểm 3 ở thân và điểm 1 hoặc 2 ở vùng hang vị, hoặc điểm 0 hoặc 1 ở thân và điểm 3 ở hang
- Giai đoạn IV: Điểm 3 ở cả thân và hang vị; hoặc điểm 3 ở thân và điểm 2 ở hang vị hoặc điểm 2 ở thân và điểm 3 ở hang vị.
Đánh giá mức độ tổn thương của viêm teo chuyển sản dạ dày có vai trò trong điều trị và tiên lượng bệnh. Đối với các tổn thương có mức độ cao hơn theo thang OLGA/OLGIM sẽ có khả năng cao diễn tiến thành ung thư dạ dày trong tương lai. Các tổn thương ở các giai đoạn nặng (Giai đoạn III hay IV) được khuyến cáo có những biện pháp quản lý tích cực hơn.
Leave a Reply