Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD

Theo Hội Lồng ngực Hoa Kỳ/Hiệp Hội Hô hấp châu Âu 2013 “Phục hồi chức năng hô hấp là một can thiệp toàn diện dựa trên sự lượng giá cẩn thận người bệnh tiếp theo sau là chương trình điều trị phù hợp với từng người bệnh bao gồm tập vận động, giáo dục sức khỏe và thay đổi thái độ hành vi, được thiết kế nhằm cải thiện tình trạng thể chất và tâm lý của bệnh nhân COPD và khuyến khích tuân thủ điều trị lâu dài”.

Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD giúp cải thiện triệu chứng của bệnh
Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD giúp cải thiện triệu chứng của bệnh

1. Mục tiêu phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD

Giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng các hoạt động thể chất và xã hội trong đời sống hàng ngày. Chương trình phục hồi chức năng hô hấp đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích. (Bảng 1)

Bảng 1. Những lợi ích của chương trình phục hồi chức năng hô hấp

Cải thiện khó thở, tình trạng sức khỏe và khả năng vận động ở bệnh nhân ổn định. Bằng chứng loại A
Giảm nhập viện trong số bệnh nhân vừa ra khỏi đợt cấp ≤ 4 tuần. Bằng chứng loại B
Giáo dục sức khỏe đơn thuần không đem lại hiệu quả. Bằng chứng loại C
Tự quản lý bệnh kèm trao đổi với nhân viên y tế cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm nhập viện. Bằng chứng loại B

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định:

Chương trình phục hồi chức năng hô hấp nên thực hiện ở tất cả những bệnh nhân COPD ngay cả ở giai đoạn sớm. Đặc biệt, phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện đối với các trường hợp sau dù đã được dùng thuốc tối ưu:

– Khó thở và các triệu chứng hô hấp mạn tính.

– Chất lượng cuộc sống kém, giảm tình trạng sức khỏe chung.

– Khó khăn khi thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.

– Lo âu, trầm cảm.

– Suy dinh dưỡng.

– Tăng sử dụng dịch vụ y tế (đợt cấp và nhập viện nhiều, thăm khám nhiều lần…).

– Rối loạn trao đổi khí bao gồm hạ oxy máu.

2.2. Chống chỉ định

– Có các vấn đề về chỉnh hình hoặc thần kinh có thể làm hạn chế khả năng đi lại hoặc phối hợp trong lúc tập vận động.

– Độ khó thở mMRC ≥ 4.

– Có các bệnh phối hợp như bệnh tâm thần, bệnh tim mạch không ổn định.

3. Đánh giá bệnh nhân COPD trước khi tham gia phục hồi chức năng hô hấp

– Đo CNTK và phân nhóm ABCD theo GOLD.

– Đánh giá bệnh đồng mắc: tim mạch, cơ xương khớp, tâm thần kinh.

– Đánh giá khả năng gắng sức bằng các nghiệm pháp đi bộ.

– SpOgiảm > 4% sau gắng sức là có nguy cơ thiếu oxy máu khi gắng sức.

– Đánh giá sức cơ của các cơ hô hấp và cơ tứ đầu đùi.

– Đánh giá dinh dưỡng (cân nặng, khối nạc, % mỡ…).

– Đánh giá lo âu, trầm cảm…

4. Tập vận động cho bệnh nhân COPD

Là thành phần chủ yếu và bắt buộc của chương trình PHCN hô hấp và là cách tốt nhất để cải thiện hoạt động cơ xương ở bệnh nhân BPTNMT.

Phương thức tập luyện bao gồm tập sức bền (endurance), tập sức cơ (strenght), các bài tập căng giãn, tập cơ hô hấp.

– Tập sức bền: tập chi dưới nhằm làm khỏe các cơ giúp đi lại và cải thiện hoạt động tim phổi. Tập chi trên giúp giảm bớt khó thở và giảm bớt nhu cầu thông khí trong các hoạt động dùng tay.

Cách tập: tập chi dưới: dùng thảm lăn (khởi đầu từ 800m/giờ, tăng dần cho đến 5 km/giờ hoặc xe đạp lực kế (khởi đầu bằng 30 vòng/phút) hoặc đi bộ trên mặt phẳng. Tập chi trên: dùng máy tập tay cơ công kế (arm cycle ergometer), nâng tạ tự do hoặc bằng đàn hồi.

– Tập sức cơ: lập đi lập lại nhiều lần cùng một động tác làm gia tăng khối cơ và sức cơ tại chỗ, nên vận động nhịp nhàng, tốc độ kiểm soát từ chậm đến trung bình, kết hợp với hít vào khi giãn cơ và thở ra khi co cơ. Các cơ nên tập: cơ tứ đầu đùi, cơ tam đầu, cơ nhị đầu, cơ Delta, cơ ngực lớn…

Cách tập: chi dưới: đạp xe, nâng chân, băng đàn hồi, bước bậc thang, bài tập ngồi đứng…; chi trên: máy tập (khởi đầu 50 vòng/phút không kháng lực), nâng tạ tự do (khởi đầu: 1/4 kg – 1 kg), băng đàn hồi, ném bóng… Lập lại 8 – 12 lần/động tác x 1 – 3 đợt/buổi tập x 2 – 3 ngày/tuần.

Các bài tập căng giãn: cải thiện các bất thường về tư thế và dáng đứng có ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp như cứng cột sống, lệch cột sống, nhô vai, lệch vai….; bao gồm cả chi trên lẫn chi dưới như bắp tay, bắp chân, khoeo chân, cổ, vai…

– Tập cơ hô hấp: tập vận động cơ hô hấp có thể được thêm vào bài tập vận động, giúp tăng cường hoạt động của cơ hô hấp và giảm bớt khó thở trong sinh hoạt hàng ngày. Tập cơ hô hấp chỉ định cho những bệnh nhân có bằng chứng hoặc nghi ngờ yếu cơ hô hấp. Dụng cụ tập cơ hô hấp là dụng cụ nhỏ gọn, giúp người bệnh tăng khả năng hít vào. Số lần tập trung bình: 30 lần/15 phút.

Cường độ tập luyện: cần phù hợp với độ nặng của bệnh, mức độ hạn chế do triệu chứng bệnh, bệnh lý đi kèm và sự năng động của từng người bệnh. Thường sử dụng các điểm triệu chứng để điều chỉnh và duy trì mức độ vận động như

– Thang điểm Borg. Điểm Borg 4 – 6 là mục tiêu thích hợp khi luyện tập.

– Nhịp tim trong lúc tập sao cho xấp xỉ 75% nhịp tim tối đa (NTTĐ) theo công thức:

NTTĐ = 220 – tuổi.

Các biện pháp hỗ trợ: để việc tập vận động có thể đạt hiệu quả tối ưu:

– Thuốc giãn phế quản trước khi tập vận động giúp cải thiện khả năng gắng sức.

– Thở oxy: đối với bệnh nhân giảm bão hòa oxy khi gắng sức, oxy giúp tăng khả năng gắng sức và giảm khó thở. Đối với bệnh nhân không hạ oxy máu khi gắng sức, oxy giúp gia tăng hiệu quả tập sức bền. Đối với bệnh nhân đang thở oxy dài hạn tại nhà nên tăng lưu lượng oxy khi vận động.

– Dụng cụ hỗ trợ đi lại: một số bệnh nhân nên sử dụng các dụng cụ như gậy, khung đẩy có bánh xe (wheeled walking aid) với tư thế chồm người ra phía trước với điểm tựa ở hai tay giúp giảm bớt khó thở và tăng khả năng gắng sức.

– Các phương pháp tập thở: bao gồm thở chúm môi, thở ra chủ động, các tư thế đối phó khó thở và cách phối hợp giữa tập thở và các hoạt động thường ngày.

– Các kỹ thuật làm sạch phế quản: bao gồm ho hữu hiệu, kỹ thuật thở ra mạnh (forced expiratory technique – FET, dẫn lưu tư thế và vỗ rung.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *