Dung dịch bơm rửa: Ethylene Diamine Tetraacetic Acid (EDTA)

Ethylenediaminetetraacetic acid (EDTA) là một trong những dung dịch bơm rửa phổ biến trong điều trị nội nha, với tác dụng hòa tan mô khoáng hóa và các mảnh vụn ngà trong ống tủy. Bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức về cơ chế cũng như ứng dụng trong lâm sàng của dung dịch bơm rửa này, giúp các bác sĩ Răng Hàm Mặt thực hành nội nha đạt kết quả tối ưu.

edta-bom-rua
EDTA là một dung dịch bơm rửa quan trọng trong điều trị nội nha
  1. Tổng quan về EDTA

Ethylenediaminetetraacetic acid, viết tắt là EDTA, là một axit aminopolycarboxylic, là chất rắn không màu tan trong nước. EDTA thường được sử dụng như một dung dịch bơm rửa vì nó có khả năng chelate-hóa và loại bỏ phần khoáng của lớp “smear layer” trên ngà răng.

Đây là một axit polyaminocarboxylic có công thức [CH2N(CH2CO2H)2]2. Điểm nổi bật của nó như một chất chelate là do khả năng kết hợp các ion kim loại có điện tích hai hoặc ba như Ca2+ và Fe3+. Sau khi kết hợp với EDTA, các ion kim loại vẫn còn ở trong dung dịch nhưng có tính tác dụng giảm đi.

  1. Lịch sử sử dụng EDTA như một dung dịch bơm rửa

Hợp chất này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1935 bởi Ferdinand Munz, người đã tổng hợp hợp chất từ ethylenediamine và axit chloroacetic. Chất chelate được giới thiệu vào lĩnh vực nha khoa để hỗ trợ cho việc chuẩn bị các ống tủy hẹp và vôi hóa vào năm 1957 bởi Nygaard-Østby. Hiện nay, EDTA chủ yếu được tổng hợp từ ethylenediamine (1,2-diaminoethane), formaldehyde (methanal) và sodium cyanide.

  1. Cơ chế hoạt động của EDTA

Khi tiếp xúc trực tiếp trong một khoảng thời gian dài, EDTA loại bỏ các protein bề mặt vi khuẩn bằng cách kết hợp với các ion kim loại từ màng tế bào, điều này cuối cùng dẫn đến sự chết của vi khuẩn.

Như các chất chelate khác, EDTA tạo thành một phức chất ổn định với canxi. Khi tất cả các ion có sẵn đã được kết hợp, sự cân bằng được thiết lập và không có sự hòa tan ra nào xảy ra thêm nữa; do đó, EDTA tự hạn chế sự hoạt động của chính mình.

  1. Ứng dụng của EDTA trong điều trị nội nha

Việc làm sạch hoàn chỉnh của hệ thống ống tủy yêu cầu sự kết hợp các dung dịch bơm rửa hòa tan mô hữu cơ và vô cơ. Vì NaOCl chỉ có tác dụng hòa tan mô hữu cơ, các dung dịch khác nên được sử dụng để loại bỏ lớp vôi hay mô vô cơ trên bề mặt “smear layer” và mảnh vụn ngà trong hệ thống ống tủy. Sử dụng các chất hủy khoáng, như EDTA và CA, với vai trò là các dung dịch phụ trợ trong quá trình điều trị tủy được khuyến nghị. Dung dịch EDTA đầu tiên được khuyến nghị có nồng độ 15% và pH 7,3.

Hiện nay, EDTA được sử dụng phổ biến nhất dưới dạng dung dịch đã trung hòa 17%. Dung dịch phản ứng với các ion canxi trong mô ngà và tạo thành các phức chất canxi-chelate tan trong nước. Quá trình hủy canxi ở mô ngà là một quá trình tự hạn chế và cuối cùng sẽ dừng lại do thiếu lượng chất chelate có thể phản ứng đủ nhanh.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bơm rửa 10 ml dung dịch EDTA 17% trong 1 phút hiệu quả loại bỏ lớp “smear layer” trên thành ống tủy. Họ quan sát thấy rằng sự hủy khoáng của mô ngà tăng dần tỉ lệ thuận theo thời gian tiếp xúc, nồng độ EDTA (từ 10% đến 17%), và pH (từ 7,5 đến 9).

Việc sử dụng siêu âm áp dụng dung dịch EDTA 17% trong 1 phút rất hiệu quả để loại bỏ lớp “smear layer” trên bề mặt thành ống tủy, đặc biệt là ở phần ba chóp răng, và sử dụng liên tục dung dịch EDTA trong quá trình điều trị tủy cũng được khuyến khích.

Mặc dù axit citric có vẻ mạnh hơn một chút ở nồng độ tương tự so với EDTA, cả hai chất đều cho thấy hiệu quả cao trong việc loại bỏ lớp vôi của lớp “smear layer”. Ngoài khả năng làm sạch, các chất chelate còn có thể loại bỏ được các màng sinh học bám trên thành ống tủy. Điều này có thể giải thích tại sao dung dịch bơm rửa EDTA đã được chứng minh có hiệu quả cao hơn nước muối sinh lý trong việc giảm vi sinh vật trong ống tủy mặc dù khả năng kháng khuẩn của nó là có hạn.

Tác động của các chất chelate trong việc điều trị các ống tủy hẹp, cong và canxi hóa để tạo ra đường trượt phụ thuộc vào cả độ rộng của ống tủy và lượng chất hoạt động có sẵn, vì quá trình hủy khoáng canxi sẽ tiếp diễn cho đến khi tất cả các chất chelate đều tạo thành phức chất với canxi.

  1. Tương tác với NaOCl

Trình tự mà mô ngà thành ống tủy được tiếp xúc với NaOCl và EDTA có ảnh hưởng đến mức độ xói mòn mô dentin trên thành ống tủy chính. Trong nghiên cứu được báo cáo bởi Qian và cộng sự, không có sự xói mòn nào được phát hiện khi các chất hủy khoáng được sử dụng như một lần rửa cuối sau khi bơm rửa bằng NaOCl. Tuy nhiên, xói mòn mô ngà xung quanh và giữa các ống ngà được phát hiện khi EDTA được sử dụng trước, sau đó là 5,25% NaOCl.

Tuy nhiên, EDTA làm mất khả năng tan mô của NaOCl, bởi hầu hết các phần tử clo tự do không được phát hiện trong khi kết hợp hai dung dịch này. Trong thực hành lâm sàng, điều này có nghĩa là EDTA và NaOCl nên được sử dụng riêng biệt. Trong quy trình bơm rửa xen kẽ, lượng lớn NaOCl nên được sử dụng để rửa sạch các mảnh vụn của EDTA đã được trung hòa bởi nước muối sinh lý

  1. Tương tác với CHX

Trong điều kiện bình thường, dung dịch CHX không hòa tan trong EDTA. Kết quả là kết tủa được tạo thành, đây là một muối được hình thành bởi sự trung hòa điện tích của CHX cationic bằng EDTA anionic.

Phương trình ion là:

2HEDTA3- (aq) + 3H2CHX2+ (aq) ↔ (HEDTA)2(H2CHX)3 (S)

Kết tủa này được biết là làm giảm khả năng của EDTA trong việc loại bỏ lớp “smear layer”

  1. Tương tác với nhiệt

Tăng nhiệt độ của dung dịch EDTA là điều không mong muốn, bởi chất chelate có một phạm vi nhiệt độ mà chúng có thể hoạt động tốt nhất. Khi EDTA được đun nóng từ 20 đến 90°C, khả năng kết hợp canxi giảm.

Nguồn tham khảo

  1. Martos J, Ferrer Luque CM, González-Rodríguez MP, Arias-Moliz MT, Baca P. Antimicrobial activity of essential oils and chloroform alone and combinated with cetrimide against Enterococcus faecalis biofi lm. Eur J Microbiol Immunol (Bp). 2013;3(1):44–8.
  2. Keleş A, Köseoğlu M. Dissolution of root canal sealers in EDTA and NaOCl solutions. J Am Dent Assoc. 2009;140(1):74–9
  3. European Society of Endodontology. Quality guidelines for endodontic treatment: consensus report of the European Society of Endodontology. Int Endod J. 2006;39(12):921–30.

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *