Đau là một triệu chứng thường gặp trên lâm sàng. Nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên y tế là đánh giá được mức độ đau của bệnh nhân nhằm đưa ra hướng điều trị thoả đáng cho từng cá thể. Bài viết dưới đây giúp trả lời cho câu hỏi đau là gì, phân loại và chẩn đoán đau trên lâm sàng
1. Đau là gì?
Định nghĩa đau của Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (International Association for the Study of Pain – IASP) năm 1994: “Đau là một cảm giác khó chịu và sự chịu đựng về cảm xúc, chủ yếu đi kèm theo tổn thương tổ chức hoặc mô tả như là một tổn thương tổ chức, hoặc cả hai”.
2. Phân loại
Có 3 cách phân loại chính trên lâm sàng hiện nay
2.1. Phân loại đau theo cơ chế gây đau
– Đau cảm thụ (nociceptive pain): là đau do tổn thương tổ chức (cơ, da, nội tạng…) gây kích thích vượt ngưỡng đau.
Đau cảm thụ có 2 loại:
- Đau thân thể (somatic pain) là đau do tổn thương mô da, cơ, khớp…
- Đau nội tạng (visceral pain) là đau do tổn thương nội tạng.
– Đau thần kinh (neuropathic pain): Là chứng đau do những thương tổn nguyên phát hoặc những rối loạn chức trong hệ thần kinh gây nên.
Đau thần kinh chia 2 loại:
- Đau thần kinh ngoại vi (peripheral neuropathic pain) do tổn thương các dây hoặc rễ thần kinh (Ví dụ: đau sau herpes, đau dây V, bệnh thần kinh ngoại vi do đái tháo đường, bệnh thần kinh ngoại vi sau phẫu thuật, bệnh thần kinh ngoại vi sau chấn thương…);
- Đau thần kinh trung ương (central neuropathic pain) do tổn thương ở não hoặc tủy sống (ví dụ: đau sau đột quỵ não, xơ não tủy rải rác, u não, chèn ép tủy…)
– Đau hỗn hợp (mixed pain): gồm cả 2 cơ chế đau cảm thụ và đau thần kinh. Ví dụ: đau thắt lưng với bệnh lý rễ thần kinh, bệnh lý rễ thần kinh cổ, đau do ung thư, hội chứng ống cổ tay…
– Đau do căn nguyên tâm lý (psychogenic pain)
2.2. Phân loại đau theo thời gian
Đau cấp tính (acute pain): là đau mới xuất hiện, có cường độ mạnh mẽ, có thể được coi là một dấu hiệu báo động hữu ích. Thời gian đau dưới 3 tháng.
Đau mạn tính (chronic pain) là chứng đau dai dẳng tái đi tái lại nhiều lần.
Bảng 1: Đặc điểm đau cấp tính và đau mạn tính
Đau cấp tính | Đau mạn tính | |
Mục đích sinh học | Có ích – Bảo vệ | Vô ích – Phá hoại |
Cơ chế gây đau | Đơn yếu tố | Đa yếu tố |
Phản ứng của cơ thể | Phản ứng lại | Thích nghi dần |
Yếu tố cảm xúc | Lo lắng | Trầm cảm |
Mục đích điều trị | Chữa khỏi | Tái thích ứng |
2.3. Phân loại theo khu trú đau
Đau cục bộ (local pain): là cảm nhận vị trí đau trùng với vị trí tổn thương.
Đau xuất chiếu (referred pain): là cảm nhận vị trí đau ở vị trí khác với vị trí tổn thương. Tại lớp V sừng sau tủy sống, có những neuron đau không đặc hiệu gọi là neuron hội tụ, tại đây sẽ hội tụ những đường cảm giác đau hướng tâm xuất phát từ da, cơ xương và vùng nội tạng, làm cho não khi tiếp nhận thông tin từ dưới lên sẽ không phân biệt được đau có nguồn gốc ở đâu, và thường được hiểu nhầm là đau xuất phát từ vùng da tương ứng.
Đau lan xiên: là cảm giác đau gây ra do sự lan tỏa từ một nhánh dây thần kinh này sang một nhánh thần kinh khác. Ví dụ khi kích thích đau ở một trong ba nhánh của dây thần kinh sinh ba (dây V) có thể đau lan sang vùng phân bố của hai nhánh kia.
3. Lâm sàng
3.1. Đánh giá đau cần được xem xét thông qua các thông tin cơ bản sau
- Biểu hiện khu trú đau? (khuếch tán hay lan truyền).
- Tính chất đau? (Như kim châm, ẩm ướt, bỏng rát).
- Mức độ đau? (chịu được, không chịu được).
- Thời gian xuất hiện và tồn tại cơn đau? (cấp tính, tản mạn, tái phát, kéo dài, mạn tính).
- Tình trạng đau? (yên lặng, căng thẳng, khi nằm, khi ngồi, khi đứng, khi đi).
- Triệu chứng đi kèm với đau? (chóng mặt, nhịp tim nhanh).
- Thông tin khác? (tuổi, nghề nghiệp, thói quen trong sinh hoạt…)
3.2. Triệu chứng đau thân thể
Đau thân thể thường có vai trò nhận cảm thụ của các thụ cảm thể, là cơ chế thường gặp nhất trong phần lớn các chứng đau cấp tính và mạn tính.
- Kích thích gây cảm giác đau rõ ràng.
- Đau khu trú ở một vị trí rõ rệt phù hợp với vị trí tổn thương
- Cơn đau giảm nếu bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau ngoại vi và các phương pháp phong bế vô cảm.
3.3. Triệu chứng đau nội tạng
Đau liên quan tới tổn thương cơ quan nội tạng (dạ dày, phổi, gan…). Vị trí khu trú không rõ ràng như đau thân thể. Có thể gây đau xuất ra vùng da tương ứng.
3.4. Triệu chứng đau thần kinh
Đau thần kinh thường gây đau mạn tính
Vị trí khu trú đau không rõ ràng
Đan xen giữa các triệu chứng âm tính (giảm cảm giác), triệu chứng dương tính (tăng cảm đau, loạn cảm đau) và biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật (thay đổi màu da, dày móng, ra mồ hôi lạnh, phù…) trên cùng một vùng chi phối thần kinh.
Tính chất và cường độ đau: thường đau rất dữ dội. Cảm giác đau bỏng cháy, đau như dao đâm, đau như điện giật, đau giằng xé…
Có thể đau tự phát (stimulus – independent pain) hoặc đau do kích thích (stimulus evoked pain). Các kích thích thông thường không gây đau ở người bình thường lại có thể gây bùng phát đau ở bệnh nhân đau thần kinh.
Các loại thuốc giảm đau truyền thống (thuốc giảm đau không steroid, corticoid…) không có tác dụng giảm đau
Cách khám chức năng từng sợi thần kinh cảm giác
Loại sợi | Cảm giác | Phương tiện khám |
Aβ | Xúc giác | Miếng bông, giẻ mềm |
Ad |
Kim châm, vật sắc nhọn Lạnh |
Âm thoa (4-128Hz), kim nhọn
Vật lạnh (20oC) |
C | Ấm | Vật ấm (40oC) |
Tăng cảm đau (Hyperalgesia): là tình trạng tăng đáp ứng kích thích đau với những kích thích dưới ngưỡng gây đau. Theo loại kích thích, có thể chia tăng cảm đau thành các loại tăng cảm đau cơ học (mechanical hyperalgesia), tăng cảm đau hóa học (chemical hyperalgesia) và tăng cảm đau nhiệt độ (thermal hyperalgesia).Loạn cảm đau (Allodynia): là tình trạng xuất hiện đau với ngay các kích thích vô hại (non-noxious stimulus). Loạn cảm đau là một dạng đặc biệt của tăng cảm đau.
Dị cảm (Paresthesia): xuất hiện các cảm giác bất thường không do kích thích từ bên ngoài: ví dụ cảm giác kiến bò, kim châm, tê buồn…
Đau tự phát/ đau không phụ thuộc kích thích (stimulus – independent pain): cơn đau bùng phát tự nhiên, không cần kích thích từ bên ngoài.
Đau do kích thích (stimulus – evoked pain): đau khi có kích thích từ bên ngoài (cơ học, nhiệt, hóa học).
3.5. Đau do căn nguyên tâm lý
Đau do những cảm giác bản thể hay nội tại, đau do bị ám ảnh nhiều hơn là đau thân thể.
Đau không điển hình, không có ví trí rõ rệt, thường đau lan toả.
Đau thường gặp ở những bệnh nhân bị trầm cảm, tự kỷ ám thị về bệnh tật, tâm thần phân liệt.
Điều trị bằng các loại thuốc an thần, trị liệu tâm lý thường có hiệu quả.
3.6. Các hậu quả thứ phát
Các ảnh hưởng lên chức năng thần kinh gây ra các rối loạn nội tiết, chuyển hoá. Bệnh nhân thường lo lắng, trầm cảm, mất ngủ.
Nguồn: Hội thần kinh học Việt Nam
Leave a Reply