Ghép phổi là một phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh phổi nghiêm trọng, bao gồm bệnh phổi kẽ, suy hô hấp mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính(COPD), … Ghép phổi có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bằng cách giảm các triệu chứng của bệnh phổi nghiêm trọng và mang lại khả năng hô hấp tối ưu. Đây là hướng phát triển có nhiều tiềm năng trong tương lai.
1. Tổng quan về ghép phổi
Ghép phổi là một loại ghép tạng, là giải pháp điều trị dành cho nhiều bệnh phổi mạn tính giai đoạn cuối, khi không thể kéo dài thời gian sống với các biện pháp điều trị khác. Người cho tạng có thể là người cho sống – hiến một phần tạng của họ (thùy gan, thùy phổi) hay 1 trong 2 tạng (thận), nhưng đa số là người cho chết não, thường hiến nhiều tạng – gọi là người cho đa tạng chết não.
Ghép phổi thuộc loại ghép tạng phức tạp nhất gồm: ghép 1 phổi, ghép 2 phổi, ghép thùy phổi, ghép phổi từ người cho chết não, từ người cho sống, ghép phổi và tim; trong đó phổ biến nhất là kỹ thuật ghép 2 phổi từ người cho đa tạng chết não. Ở Việt Nam, ghép phổi vẫn trong giai đoạn khởi động, từ tháng 9/2020 đến cuối năm 2021 đã thực hiện được 8 ca ghép hai phổi, trong đó có 7/8 ca ghép từ người cho chết não và có 1 ca bệnh phổi kẽ.
2. Chỉ định ghép phổi
Tiêu chuẩn người nhận phổi theo hướng dẫn của hội ghép tim phổi quốc tế (ISHLT):
2.1. Có chỉ định ghép phổi
- Bệnh căn: gồm 80 bệnh chia theo 4 nhóm. Chiếm tới 95% gồm COPD, IPF, xơ nang phổi, giãn phế nang do thiếu hụt alpha 1 antitrypsin, và TALĐPM.
- Mức độ bệnh phổi nặng, không đáp ứng hoặc không còn giải pháp điều trị nội khoa, nguy cơ tử vong > 50% trong vòng 2 năm (theo LAS – Lung Allocation Score).
- Tiên lượng trên 80% sống được ≥ 90 ngày sau ghép. Không có bệnh ngoài phổi có nguy cơ tử vong trong 5 năm. Không có các vấn đề tâm lý xã hội, và được trợ giúp đầy đủ.
2.2. Không có bất kỳ loại bệnh nào trong các chống chỉ định tuyệt đối sau:
- Nhiễm trùng phổi, ngoài phổi – chưa được kiểm soát; Lao đang hoạt động;
- Bệnh ác tính mới phát hiện 2 năm; Suy nặng chức năng các cơ quan khác (tim, gan, thận, não);
- Bệnh mạch vành nặng;
- Rối loạn đông máu không điều chỉnh được;
- Dị dạng cột sống – lồng ngực nặng; BMI ≥ 35 kg/m2;
- Đang hút thuốc lá;
- Nghiện rượu hoặc thuốc gây nghiện;
- Các vấn đề tâm lý xã hội chưa được điều trị, hoặc không tuân thủ điều trị.
2.3. Chỉ có 1 – 2 loại trong các chống chỉ định tương đối:
- Tuổi> 65 tuổi;
- BMI = 30 – 34.9 kg/m2;
- Suy dinh dưỡng nặng;
- Loãng xương nặng – có triệu chứng;
- Tiền sử phẫu thuật cắt phổi;
- Nhiễm khuẩn, nấm có khả năng kháng thuốc cao;
- Nhiễm HIV;
- Đang nhiễm HBV, hoặc HCV;
- Không có hỗ trợ xã hội.
2.4. Tuổi từ 15 – 60 tuổi; Đã điều trị nội khoa đầy đủ chống nhiễm trùng phổi (nếu có).
2.5. Không có thêm các yếu tố bất lợi sau:
- Tình trạng lâm sàng không tốt tại thời điểm ghép (huyết động không ổn định, thở máy xâm nhập hoặc ECMO – chưa được thăm dò đầy đủ để ghép phổi);
- Đang dùng corticoid liều cao; Tiểu đường hoặc loãng xương nặng;
- Đang mắc bệnh nặng ở đường tiêu hóa (loét, viêm, xuất huyết).
3. Tiên lượng sau ghép phổi
- Tỷ lệ thải ghép cấp tính phổ biến trong năm đầu tiên sau ghép phổi, khoảng 30-40% có ít nhất một đợt trong năm đầu tiên sau ghép.
- Rối loạn chức năng phổi ghép nguyên phát là nguyên nhân chính gây tử vong trong vòng 30 ngày đầu, và bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh có khả năng sống sót sau ghép phổi kém nhất trong các bệnh phổi.
- Tuy nhiên, ghép phổi vẫn là một lựa chọn điều trị rất có ý nghĩa cho những NB bị bệnh phổi kẽ sau khi điều trị nội khoa thất bại, vì tạo ra một cơ hội sống sót và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Thống kê của ISHLT cho thấy những người được ghép phổi có chất lượng cuộc sống, sức khỏe chung tốt hơn và nhiều người thậm chí có thể trở lại làm việc. Có tới 30% NB đang làm việc sau 1 năm và 50% đang làm việc sau 5 năm Tuy nhiên, ghép phổi còn có nhiều rủi ro và nhận thức của NB về những rủi ro này là rất quan trọng trước khi ghép phổi, cần được giải thích và chia sẻ với NB. Cần làm tất cả các biện pháp thích hợp để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ xung quanh việc ghép phổi, từ đó có thể cải thiện kết quả lâu dài.
Ghép phổi có thể cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc các bệnh phổi nặng mà không thể điều trị bằng các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, việc thực hiện ghép phổi cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia y tế có kinh nghiệm và bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ sau khi ghép để đảm bảo sự thành công của phẫu thuật và tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply