Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý phổi mãn tính, thường gặp ở người hút thuốc lá hoặc có tiếp xúc với các chất độc hại khác. Bệnh có thể gây khó thở, ho, và giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Chăm sóc giảm nhẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân COPD.
1. Hỗ trợ dinh dưỡng
1.1. Đánh giá dinh dưỡng
– Dựa vào cân nặng hoặc BMI: suy dinh dưỡng khi BMI < 21 kg/m2, hoặc sụt cân ngoài ý muốn > 1% cân nặng trong 6 tháng gần đây, hoặc sụt cân ngoài ý muốn > 5% cân nặng trong 1 tháng gần đây.
– Dựa vào chỉ số khối không mỡ FFMI (Fat free mass index): khối không mỡ bao gồm các cơ quan, cơ, xương và nước, có thể được ước tính bằng đo bề dày nếp gấp da, đo kháng trở điện sinh học (bio – electric impedance). FFMI được tính bởi công thức FFM / chiều cao2; gọi là gầy đét khi FFMI < 16kg/m2 ở nam và < 15kg/m2 ở nữ.
1.2. Điều chỉnh suy dinh dưỡng
– Chế độ ăn: tính toán nhu cầu năng lượng cơ bản (nam 24 kcal/kg/24h, nữ 22kcal/kg/24h), có hiệu chỉnh các hệ số hoạt động, mức độ tắc nghẽn, phân bố khẩu phần theo tỉ lệ đạm 1g/kg/ngày; béo 20 – 30 % và carbohydrat: 40 – 50 % tổng năng lượng hàng ngày. Nên dùng khẩu phần giàu chất béo ở những bệnh nhân COPD có tăng thán khí trong máu với paCO2 > 50mmHg.
– Dùng thuốc: dùng steroids đồng hóa kết hợp với tập vận động, uống hoặc tiêm bắp, từ 2 – 6 tháng có thể giúp tăng khối không mỡ mà không tăng khối mỡ.
2. Hỗ trợ tâm lý
COPD thường kèm theo tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác, nhưng thường không được nhận biết và điều trị đúng mức. Các bệnh lý tâm thần kinh có sẵn cũng thường làm cho các rối loạn tâm lý nặng nề hơn.
2.1. Tầm soát
Đánh giá tình trạng tâm lý xã hội bằng các bảng câu hỏi tầm soát (Hospital Anxiety and Depression Questionnaire hay Beck Depression Inventory) và nhận biết các trạng thái tâm lý đa dạng của bệnh nhân như lo lắng, sợ hãi, giận dữ, tội lỗi, bất chấp, oán giận, buồn phiền, sầu khổ, vô dụng, tự cô lập, thất vọng…
2.2. Xử trí
Những bệnh nhân rối loạn tâm lý trung bình và nặng nên được điều trị chuyên khoa. Các bệnh nhân còn lại nên được tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn các kỹ năng đối phó với stress: tập thư giãn, thả lỏng cơ, yoga…
3. Điều trị giảm nhẹ khó thở
Khó thở kháng trị với điều trị thông thường khá thường gặp, chiếm tỉ lệ 50% ở giai đoạn nặng, nhất là những năm cuối đời, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống và khiến cho người bệnh hầu như tàn phế. Ngoài các thuốc giãn phế quản kinh điển, điều trị giảm nhẹ hoặc xoa dịu khó thở bao gồm cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
3.1. Oxy liệu pháp
Thở oxy liên tục ở bệnh nhân COPD nặng có hạ oxy máu lúc nghỉ giúp giảm khó thở, giảm tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống; không có bằng chứng thở oxy giảm khó thở ở bệnh nhân COPD nặng không có hạ oxy máu.
3.2. Thở máy không xâm nhập
Thở máy không xâm nhập áp lực dương tại nhà được chỉ định cho bệnh nhân tăng CO2 máu mạn tính (paCO2 ≥ 52 mmHg) có thể giúp cải thiện thời gian sống còn.
3.3. Morphin
Thường dùng Morphin dạng viên uống phóng thích chậm liều trung bình 20mg/ ngày, điều chỉnh liều mỗi tuần trong 4 – 6 tuần đầu (Bảng 5.3), lưu ý dạng Morphin phun khí dung không có hiệu quả.
Bảng. Phác đồ điều trị khó thở bằng Morphin ở bệnh nhân BPTNMT giai đoạn cuối đời
Phác đồ | Liều dùng |
Khởi đầu | + Khởi đầu với Morphin uống 0,5mg 2 lần/ngày x 2 ngày, sau đó tăng lên 0,5mg uống mỗi 4 giờ đến hết tuần 1. |
Tăng liều | + Nếu dung nạp, tăng liều lên 1mg uống mỗi 4 giờ trong tuần 2; sau đó tăng thêm 1mg/ tuần cho đến khi đạt liều thấp nhất có hiệu quả giảm khó thở.
+ Khi liều ổn định đã đạt được (vd: không thay đổi liều đáng kể trong 2 tuần và giảm khó thở), thay bằng Morphin dạng phóng thích chậm với liều tương đương. |
Tác dụng phụ | + Nếu bị nhiều tác dụng phụ của Morphin (nôn ói, lú lẫn..), có thể thay thế bằng Hydromorphin uống với liều tương đương (1mg Hydromorphin = 5mg Morphin).
+ Cho thuốc chống táo bón và thuốc làm mềm phân để tránh táo bón do morphin. |
3.4. Các biện pháp không dùng thuốc
Các biện pháp có hiệu quả giảm khó thở bao gồm vỗ rung thành ngực, thở chúm môi…
Tóm lại, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân COPD bao gồm các biện pháp hỗ trợ cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Việc đưa ra chế độ chăm sóc phù hợp phải dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân và được thực hiện dưới sự giám sát của bác sỹ chuyên khoa hô hấp.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply