Có nhiều phương pháp có thể sử dụng có hiệu quả miễn là các nhà lâm sàng hiểu được mục đích của việc cả hai lồi cầu đều nằm hoàn toàn trong ổ khớp và bó dưới cơ chân bướm ngoài hoàn toàn giãn. Bài viết sau nêu ra các phương pháp và ứng dụng chúng trong việc xác định tương quan tâm/tâm thích nghi.
1. Kỹ thuật hai tay trong xác định tương quan tâm
Kĩ thuật hai tay không phải là phương pháp duy nhất để đưa hàm dưới về vị trí tương quan tâm. Nhưng trong các nghiên cứu của chúng tôi với hơn 3000 báo cáo của các nha sĩ đều nhận thấy rằng đó là phương pháp chính xác nhất và khả năng lặp lại cao nhất. Một số nghiên cứu của các trường đại học cũng công nhận điều này. Vì thế, lý do đầu tiên để sử dụng kỹ thuật này chính là độ chính xác của kỹ thuật.
Kĩ thuật hai tay đạt được vị trí sinh lý nhất và sự thẳng hàng của phức hợp lồi cầu đĩa khớp. Gilboe 3 nghiên cứu sự sắp xếp của lồi cầu và đĩa khớp bằng việc sử dụng chụp cắt lớp lồi cầu (arthrotomography), ông đã liên kết được vị trí và sự sắp xếp của lồi cầu và đĩa khớp tới một vị trí khớp tối ưu. Sau đó, ông so sánh vị trí tối ưu và sự sắp xếp đó với những kết quả đạt được bằng các phương pháp khác nhau trong việc ghi tương quan tâm. Ông thấy rằng kĩ thuật hai tay có tác động có lợi trên trường hợp đĩa khớp bị di dời nhẹ trong khi hướng dẫn cằm thực sự di chuyển đĩa về phía trước nhiều hơn. Gilboe cho thấy lý do tại sao thao tác hàm dưới một cách thích hợp có thể đặt đĩa khớp ở vị trí mong muốn nếu sai lệch không phải là quá lớn: “kỹ thuật hai tay của Dawson đưa hàm dưới về phía sau trong khi đồng thời tác động lực hướng lên trên vào lồi cầu”.
Kĩ thuật hai tay được thiết kế để đạt được vị trí cao nhất của phức hợp lồi cầu-đĩa khớp. Williamson báo cáo kết quả nghiên cứu từ các nghiên cứu hình ảnh màng (laminographic) ủng hộ khái niệm này “Sự cần thiết để đạt được vị trí cao nhất của lồi cầu trở nên rõ ràng và có xu hướng ủng hộ giả thuyết của Dawson: tương quan tâm là khi lồi cầu ở vị trí cao nhất trong hõm khớp.
Kĩ thuật hai tay cung cấp một kiểm tra nhanh về:
1. Tính chính xác của vị trí này.
2. Sự sắp xếp của phức hợp lồi cầu đĩa khớp.
3. Tính toàn vẹn của các diện khớp.
Đây là sự khác biệt quan trọng nhất giữa kĩ thuật hai tay với các phương pháp xác định vị trí hàm khác. Khả năng tác động áp lực mạnh hướng lên trên qua lồi cầu trong khi răng không chạm nhau là chìa khoá để kiểm tra khớp đã hoàn toàn vào vị trí. Đây cũng là một bước quan trọng trong quá trình xác định liệu có các bệnh lý cấu trúc bên trong bao khớp.
Kĩ thuật hai tay có ưu điểm là nhanh chóng và đơn giản. Khi kỹ thuật này được thực hiện chính xác, vị trí tương quan tâm có thể thường xuyên được tìm thấy và xác nhận trong một vài giây. Tất nhiên, kỹ thuật này phải được học và luyện tập thành thạo để có được kết quả đáng tin cậy, cũng như tất cả các kỹ thuật khác. Bởi vì tương quan hàm-hàm chính xác rất quan trọng với cắn khớp, bao gồm sự lặp lại của những sai lệch tương quan tâm trong suốt quá trình cân bằng hay chỉ là điều chỉnh khớp cắn đơn giản sau các thủ thuật trong miệng, việc xác định tương quan tâm là một thủ thuật quan trọng mà các nha sĩ cần biết. Khi đã làm tốt kĩ thuật này, các nhà lâm sàng có khả năng kiểm soát chuyển động của hàm. Trong hầu hết các trường hợp, nó giúp loại bỏ nhu cầu thực hiện các thủ thuật không cần thiết như điều chỉnh khớp cắn hoặc chỉnh lại vị trí và gần như hoàn toàn loại bỏ nhu cầu sử dụng thuốc để làm giảm các hoạt động cơ.
2. Miếng chặn răng cửa
2.1. Các dạng miếng chặn răng cửa
Thiết bị xóa chu trình cắn phía trước được chế tạo trực tiếp
Thiết bị xoá chu trình cắn đầu tiên được chế tạo một cách trực tiếp, bằng việc đổ nhựa acrylic tự cứng khớp với rìa cắn của răng cửa trên.
Trong giai đoạn nhão, hàm dưới được đưa về vị trí tương quan tâm. Hàm dưới đóng lại để răng cửa dưới cắn vào nhựa acrylic nhưng không đóng hoàn toàn để các răng sau không chạm nhau. Sau khi nhựa cứng lại, bề mặt răng tiếp xúc được làm phẳng để tạo thành một bề mặt nhẵn phẳng cho phép hàm dưới hoàn toàn di chuyển được theo chiều ngang. Nếu TMJs không bị tổn thương và cơ chân bướm ngoài hoàn toàn không co, bệnh nhân có thể ép chặt để giữ lồi cầu ở tương quan tâm trong khi vật liệu cắn đông cứng nhanh được bơm vào giữa các răng sau. Các thiết bị được sử dụng sau này có kiểu thiết kế giống như thiết bị đầu tiên này. Chúng đều hoạt động theo cách giống nhau đó là ngăn các răng sau chạm nhau để lồi cầu có thể hoàn toàn nằm trong vị trí tương quan tâm. Mặc dù một loạt các thiết bị được tạo ra cho mục đích thương mại, không thiết bị nào có thể khẳng định tính ưu việt hơn các thiết bị khác.
Pankey Jig
Pankey jig được thiết kế nhiều năm trước đây bởi Tiến sĩ Keith Thornton.
Nó không đắt và dễ sử dụng. Nó gắn với các răng cửa hàm trên với nhựa tự cứng hoặc bất kì vật liệu tự cứng nào khác. Các răng hàm dưới trượt tự do trên một bề mặt phẳng để giúp lồi cầu chuyển động về tương quan tâm mà không bị cản trở.
Khí cụ Best-bite
Khí cụ Best-bite hoạt động tương tự như Pankey jig.
Nó gồm một bộ kit với vật liệu có thể được bơm vào để cố định khí cụ. Một cuốn sách của Tiến sĩ Jerry Simons có thể được dùng để giải thích cho bệnh nhân hiểu về mối liên quan giữa cản trở khớp cắn với đau TMJ và đau đầu.
Lucia Jig
Lucia jig cũng hoạt động giống như các điểm chặn răng cửa khác.
Lucia là một trong những người đầu tiên sử dụng điểm chặn răng cửa. Thiết kế ban đầu của ông đã được làm nghiêng để hướng các lồi cầu về phía xa dựa trên quan niệm sai lầm ban đầu là tương quan tâm ở vị trí “sau nhất”. Jig đã được sửa đổi đầu tiên bởi Tiến sĩ Peter Neff để cho phép lồi cầu chuyển động cao nhất mà không bị ảnh hưởng về phía xa.
NTI (Ức chế cảm thụ đau của dây V)
Thiết bị NTI đã được quảng cáo rất nhiều là một thiết bị để điều trị chứng đau nửa đầu và các vấn đề đau mặt khác.
Trong thực tế, nó không hơn cũng không kém hơn bất kỳ miếng chặn răng cửa khác. Nó hoạt động chính xác như các phương pháp khác được mô tả ở trên. Nếu nguyên nhân của đau hệ thống nhai và nhức đầu là một rối loạn cơ-khớp cắn (thường gặp) thì sự nhả khớp các răng sau, vị trí đúng của TMJs và giãn bó dưới cơ chân bướm ngoài sẽ đưa đến vị trí tương quan tâm và giúp giảm đau bao gồm cả đau đầu. Nếu các bệnh lý trong bao khớp là nguyên nhân gây ra đau, thì không một thiết bị nào có thể làm giảm đau hoàn toàn, cũng như có thể đưa về được vị trí tương quan tâm đúng. Thật ra, nếu như có rối loạn trong bao khớp thì việc sử dụng các khí cụ này có thể dẫn đến sự nguy hiểm, khi nó có thể tạo ra sự quá tải lực lên các mô không đúng vị trí đang bị đau.
Thước lá
Thước lá là một trong những khí cụ phổ biến trong việc xác định tương quan tâm, được giới thiệu bởi Tiến sĩ Hart Long nhiều năm trước đây.
Thiết bị này là một lá gồm nhiều lớp polyester linh hoạt có thể được điều chỉnh để có độ dày khác nhau. Nguyên tắc là tách các răng hàm bằng cách đặt thước lá giữa các răng phía trước. Vật liệu này mềm và trơn nên nó cho phép hàm dưới di chuyển ngang khi lồi cầu về đúng vị trí. Nó có thể được sử dụng như một thiết bị xoá chu trình để loại bỏ sự co của cơ chân bướm ngoài. Sau khi tương quan tâm được khẳng định (bằng load testing), các lớp của thước lá có thể được gỡ bỏ cho đến khi răng đầu tiên chạm nhau.
Lưu ý: Tất cả các phương pháp trên đều có giá trị nếu được sử dụng với mục đích đưa lồi cầu về vị trí cao nhất. Tất cả các phương pháp đòi hỏi sử dụng một vật liệu chính xác để ghi lại mối quan hệ giữa các răng sau, khi các răng trước ngăn cản các răng sau tiếp xúc nhai. Cách lý tưởng để sử dụng miếng chặn răng cửa là kết hợp khả năng xoá chu trình nhai của nó với load testing sau khi đạt được tương quan tâm. Sau khi tương quan tâm đã được xác định, bệnh nhân cần cắn chặt răng để giữ cho lồi cầu nằm hoàn toàn trong vị trí đúng trong khi vật liệu ghi dấu cắn được bơm vào và đông cứng. Việc cần ưu tiên là duy trì vị trí lồi cầu ở cả hai bên để đảm bảo rằng không có chuyển động nào của khớp xảy ra ở vị trí tương quan tâm cho đến khi vật liệu ghi dấu đông lại.
2.2. Nhược điểm của phương pháp này trong việc xác định tương quan tâm
Giá trị của miếng chặn răng cửa chủ yếu là ở khử chu trình hoạt động của cơ. Các thiết bị làm điều này bằng cách tách răng hàm phía sau để các điểm chạm phía sau không kích thích cơ gây di chuyển vị trí của lồi cầu. Do đó chúng là những công cụ tuyệt vời để tìm và xác định tương quan tâm. Nhiều nha sĩ thích sử dụng miếng chặn răng cửa như là một bước thông thường trong việc định vị tương quan tâm. Điều này có thể chấp nhận được, nhưng sử dụng miếng chặn răng cửa không loại bỏ được sự cần thiết hay nhu cầu của việc thực hiện kĩ thuật hai tay chính xác.
- Trong thủ thuật tìm sự cân bằng, bạn không thể đánh dấu vị trí cản trở khớp cắn khi miếng chặn răng cửa đã được đặt vào. Kĩ thuật hai tay đảm bảo cho vị trí lồi cầu chính xác trong suốt đường chuyển động tới tiếp xúc răng.
- Kể cả khi sử dụng miếng chặn răng cửa, load testing để kiểm tra vị trí của tương quan tâm vẫn là cách chắc chắn duy nhất để đảm bảo sự chính xác.
- Load testing được thực hiện với biên độ tăng dần từ nhẹ để loại trừ các rối loạn trong bao khớp trước khi tải lực mạnh bởi các cơ nâng hàm khi miếng chặn răng cửa ở đúng vị trí.
- Kĩ thuật hai tay với load testing đã được chứng minh là chính xác mà không cần thêm thiết bị hoặc các bước phụ khác. Tuy nhiên, nếu kết hợp kĩ thuật hai tay với một thiết bị xoá chu trình răng trước sẽ có lợi hơn với nhà lâm sàng vì vậy nó nên được sử dụng.
- Sử dụng bất cứ điều gì để đạt được độ chính xác trong việc ghi lại tương quan tâm – nhưng để chính xác với mức độ hiệu quả cao nhất, bạn sẽ thấy rằng rất đáng để bỏ thời gian và công sức để thành thạo kĩ thuật hai tay. Đó là một kỹ năng mà sẽ được sử dụng trên tất cả các bệnh nhân.
Theo:
1. Kantor ME, Silverman SI, Garfinkel L: Centric relation re- cording techniques: A comparative investigation. J Pros- thet Dent 28:593, 1975.
2. Hobo S, Iwata T: Reproducibility of mandibular centricity in three dimensions. J Prosthet Dent 53:649, 1985.
3. Gilboe D: Centric relation as the treatment position. J Prosthet Dent 50:685-689, 1983.
4. McKee JR: Comparing condylar position repeatability for standardized versus nonstandardized methods of achiev- ing centric relation. J Prosthet Dent 77:280-284, 1997.
5. Roblee R: A comparison of recording methods for centric relation. Thesis at Baylor University, 1989.
6. Lucia VO: A technique for recording centric relation. J Prosthet Dent 14:492, 1964.
7. Long JH Jr: Location of the terminal hinge axis by intra- oral means. J Prosthet Dent 23:11, 1970.
8. Williamson EH: Laminographic study of mandibular condyle position when recording centric relation. J Pros- thet Dent 39:561-564, 1978.
Leave a Reply