Thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin (Angiotensin-converting enzyme (ACE) inhibitors), gọi tắt là thuốc ức chế men chuyển(UCMC), tác dụng trực tiếp lên hệ RAA, là nhóm thuốc hết sức quan trọng mà các bác sĩ lâm sàng cần nắm rõ trong thực hành điều trị bệnh tim mạch
1.Giới thiệu chung
Từ đầu những năm 1980 khi vai trò của hệ Renin-angiotensin-aldosterone (RAA) trong cơ chế bệnh sinh của một số bệnh lý tim mạch được làm sáng tỏ, những loại thuốc tác động lên hệ RAA đã ra đời và đến nay đã trở thành những thuốc nền tảng trong điều trị suy tim, tăng huyết áp và có vai trò quan trọng trong dự phòng tiên phát và thứ phát nhiều bệnh lý tim mạch.
Thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin (Angiotensin-converting enzyme (ACE) inhibitors), gọi tắt là thuốc ức chế men chuyển, tác dụng trực tiếp lên hệ RAA, là nhóm thuốc hết sức quan trọng mà các bác sĩ lâm sàng cần nắm rõ trong thực hành điều trị bệnh tim mạch.
2.Phân loại
2.1. Ba nhóm thuốc ức chế men chuyển
Dựa vào dược động học, có thể chia thuốc ức chế men chuyển thành ba nhóm:
- Nhóm thứ nhất là nhóm thuốc có tính chất hỗn hợp hoạt tính (đại diện là captopril), có nghĩa là nhóm thuốc này khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa, và cả chất chuyển hóa lẫn thuốc ban đầu đều có hoạt tính.
- Nhóm thứ hai là nhóm thuốc được coi là “tiền chất” (với đại diện là enalapril, zofenopril). Các thuốc này chỉ có hoạt tính khi được chuyển hóa tại gan thành dạng acid.
- Nhóm thứ ba là nhóm thuốc tan trong nước, không bị chuyển hóa trong cơ thể và được thải trừ qua thận (ví dụ như lisinopril).
2.2. Một số khác biệt của các loại thuốc ức chế men chuyển
Các loại ức chế men chuyển (ƯCMC) có tác dụng nhanh và ngắn như captopril có lợi thế hơn khi điều trị các trường hợp THA khẩn trương so với các ƯCMC có đỉnh tác dụng muộn hơn, do khả năng hạ huyết áp nhanh chóng.
Các loại ƯCMC có thời gian tác dụng ngắn như captopril, enalapril có lợi thế hơn trong điều trị suy tim do giảm được nguy cơ tụt huyết áp thì đầu kéo dài và nếu trong trường hợp tụt huyết áp xảy ra việc dừng thuốc cũng giúp phục hồi huyết áp nhanh hơn, do đó cũng giảm nguy cơ gây suy thận.
Các ƯCMC không phải tiền chất như lisinopril có tác dụng nhanh hơn do không phải trải qua chu trình chuyển hóa, đồng thời cũng ít bị ảnh hưởng bởi sự chuyển hóa của các thuốc dùng kèm và chức năng gan. Hiện tượng phù mạch cũng ít gặp hơn ở captopril so với enalapril, quinapril, ramipril.
Một số ƯCMC khác còn có tác dụng ức chế renin tiết ra từ các mô cơ quan khác, bởi vì hệ thống renin – angiotensin không chỉ có mặt ở mạch máu và thận mà còn hiện diện ở tim, gan, não, tuyến thượng thận và một số mô cơ quan khác. Do đó, về mặt lý thuyết giúp lý giải phần nào sự khác biệt trong tác dụng của các loại ƯCMC khác nhau. Ví dụ: quinapril và ramipril có thể làm giảm tái cấu trúc cơ tim do khả năng ngấm và gắn vào mô cơ tim, làm ức chế hoạt động của các angiotensin có nguồn gốc từ cơ tim… Các loại ƯCMC tác dụng kéo dài có thời gian bán hủy từ 24 – 48h như cilazapril, perindopril, quinapril, ramipril, zofenopril, trong đó zofenopril có thời gian tác dụng dài gấp 5 lần captopril.
3.Cơ chế tác dụng
Các hoạt động của enzyme chuyển (ACE) chủ yếu diễn ra tại nội mô mạch máu của phổi, lưới mạch máu và cả trong động mạch vành. Angiotensinogen được sinh ra tại gan, sau đó dưới tác động của enzyme renin sẽ chuyển thành angiotensin I. Enzyme renin này được hình thành từ trong tế bào cận tiểu cầu thận và các nguyên nhân gây tăng tiết enzyme này là:
- Giảm dòng máu tới thận (Ví dụ: trong trường hợp thiếu máu hoặc tụt áp).
- Giảm nồng độ natri tại ống thận.
- Kích thích thụ thể β adrenergic. Enzyme chuyển dạng angiotensin không những có vai trò giúp chuyển angiotensin I thành angiotensin II mà còn làm thoái giáng bradykinin thành những peptid bất hoạt. Chính vì vậy, thuốc ƯCMC là nhóm thuốc có tác dụng giãn mạch do nó ngăn cản sự hình thành của angiotensin II và giữ cho bradykinin không bị thoái giáng. Angiotensin II sau khi được hình thành từ angiotensin I thông qua renin sẽ tác động lên các thụ thể AT (Angiotensin receptor) mà trong đó chủ yếu là các thụ thể AT-1 dẫn đến những ảnh hưởng hoạt động chức năng trên nhiều cơ quan.
Angiotensin II không chỉ được tạo ra dưới tác dụng của enzyme chuyển dạng mà còn bởi enzyme chymase. Tuy nhiên, vai trò của loại enzyme này vẫn còn đang tranh luận và trên thực tế thuốc ức chế thụ thể không có hiệu quả hơn so với nhóm thuốc ƯCMC nên cũng dễ hiểu khi không có nhiều các thử nghiệm lâm sàng về sử dụng thuốc ức chế enzyme chymase.
Có ít nhất hai thụ thể của angiotensin II đó là AT-1 và AT-2. Nhóm thuốc ức chế thụ thể liên kết đặc hiệu với các thụ thể AT-1, là các thụ thể đảm nhiệm phần lớn tác dụng sinh lý của angiotensin II, ngăn cản không cho angiotensin II gắn vào thụ thể và do đó làm mất hiệu lực của angiotensin II. Ở thai nhi, AT-1 có vai trò kích thích tăng trưởng, chính vì vậy thuốc ƯCMC và thuốc ức chế thụ thể chống chỉ định dùng ở phụ nữ có thai. Ngược lại, thụ thể AT2 lại có vai trò kìm hãm sự tăng trưởng của thai nhi ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Ở người lớn, vai trò của thụ thể AT-2 vẫn còn chưa được làm sáng tỏ và còn nhiều tranh luận. Angiotensin II có tác dụng kích thích tuyến vỏ thượng thận tiết ra aldosteron làm tăng tái hấp thu nước và natri ở ống thận.
Ở những bệnh nhân suy tim, nồng độ aldosteron có thể tăng hơn 20 lần so với người bình thường. Aldosteron có tác động xấu lên tim do thúc đẩy quá trình xơ hóa cơ tim và rối loạn chức năng nội mạc thành mạch. Angiotensin II thúc đẩy quá trình giải phóng norepinephrine từ tận cùng các dây thần kinh và làm gia tăng hoạt động của hệ adrenergic.
Ngoài ra, angiotensin II còn làm tăng tác dụng co mạch thông qua kích thích thụ thể α1. Do tác dụng điều hòa của thần kinh phế vị nên tần số tim không tăng nhiều trong khi vẫn còn hiện tượng co thắt mạch ngoại biên. Ngoài tác dụng làm cản trở sự hình thành angiotensin II, các thuốc ƯCMC còn đồng thời ức chế sự thoái giáng bradykinin. Bradykinin thúc đẩy nội mạc thành mạch tăng tiết các chất giãn mạch là nitric oxide và các prostaglandin (prostacyclin và prostaglandin E2). Thuốc ƯCMC làm tăng nồng độ bradykinin, trong khi nhóm thuốc ức chế thụ thể thì không có hiệu quả này do không tác động vào quá trình thoái giáng của bradykinin, do đó nhóm thuốc ức chế thụ thể ít gặp những tác dụng không mong muốn do bradykinin gây ra như ho hoặc phù mạch so với nhóm ƯCMC.
Leave a Reply