Sàng lọc ung thư phổi cho đối tượng có nguy cơ cao

Ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo GLOBOCAN, tại Việt Nam, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với hơn 26.000 ca mắc bệnh và 24.000 ca tử vong được ghi nhận vào năm 2020. Hiện nay, ung thư phổi có thể được sàng lọc để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

hut-thuoc-la-lam-tang-nguy-co-ung-thu-phoi
Người hút thuốc lá lâu năm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi

1. Tổng quan về ung thư phổi

Ung thư phổi là ung thư bắt đầu từ các thành phần của phổi và có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới và gây tử vong đáng kể. Ung thư phổi thường liên quan đến hút thuốc, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở những người không hút thuốc.

Có hai loại ung thư phổi chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-Small Cell Lung Cancer – NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer – SCLC). NSCLC là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% trong tất cả các trường hợp, trong khi SCLC chiếm khoảng 15% các trường hợp. NSCLC được chia thành ba loại phụ chính: ung thư phổi tế bào tuyến, ung thư phổi tế bào vảy và ung thư phổi tế bào lớn.

Các triệu chứng của ung thư phổi có thể khác nhau tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho dai dẳng, đau ngực, khó thở, mệt mỏi và sụt cân. Tuy nhiên, một số người bị ung thư phổi có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi ung thư tiến triển.

Chẩn đoán ung thư phổi thường bao gồm sự kết hợp của các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang ngực và chụp CT scan ngực, cũng như sinh thiết để xác nhận sự hiện diện của các tế bào ung thư. Các lựa chọn điều trị ung thư phổi bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch, và việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư, cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

2. Những đối tượng nào cần sàng lọc ung thư phổi?

Những đối tưởng có nguy cơ cao mắc bệnh có thể được kể đến như:

  • Những người hút thuốc lá, thuốc lào trong thời gian dài, kể cả hút thuốc chủ động và thụ động.
  • Những người tiếp xúc thường xuyên với các chất độc hại như:
    • Amiăng: công nhân khai thác và nghiền amiăng, sản xuất hàng dệt amiăng, công nhân phá dỡ thạch cao,…
    • Khí radon: đây là loại khí sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của Urani, có tính phóng xạ tự nhiên, có ở hầu hết khắp nơi trong lớp vỏ trái đất. Khí radon phát ra từ nền nhà và có thể tích tụ trong nhà.
    • Khí độc hóa học, chất phóng xạ.
    • Khói xe cộ và bụi mịn.
  • Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi: Ung thư phổi có yếu tố di truyền và những người có người thân mắc bệnh trong gia đình có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Những người bị tổn thương phổi mạn tính (COPD) cần được khám sức khỏe định kì nhằm phát hiện sớm ung thư phổi
  • Những người có các triệu chứng của ung thư phổi như ho khan kéo dài, khó thở, đau ngực, ho ra máu, mệt mỏi và sụt cân.
  • Những người trên 50 tuổi: nguy cơ mắc ung thư phổi tăng lên theo tuổi tác.

Theo khuyến nghị của ASCO (American Society of Clinical Oncology):

  • Nên sàng lọc hàng năm cho người từ 55 đến 74 tuổi đã hút thuốc từ 30 năm trở lên bằng phương pháp chụp CT-scan liều thấp. Điều này cũng được khuyến nghị cho những người từ 55 đến 74 tuổi đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm.
  • Chụp CT-scan không được khuyến nghị thường xuyên cho những người hút thuốc lá dưới 30 gói-năm, dưới 55 tuổi hoặc trên 74 tuổi, đã bỏ thuốc hơn 15 năm.

3. Ung thư phổi có thể được sàng lọc bằng những phương pháp nào?

Các phương pháp sàng lọc ung thư phổi bao gồm:

  1. Chụp X-quang ngực: Đây là phương pháp sàng lọc đơn giản và phổ biến nhất để phát hiện ung thư phổi. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm bệnh qua chụp X-quang khó khăn do nhiều trường hợp ung thư phổi chỉ xuất hiện trên hình ảnh khi đã phát triển đến giai đoạn muộn.
  2. Chụp CT-scan ngực: Phương pháp này có độ nhạy cao hơn so với chụp X-quang, giúp phát hiện sớm ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng.
  3. Siêu âm phổi: Đây là phương pháp sàng lọc không xâm lấn, không sử dụng tia X và không gây đau đớn cho bệnh nhân. Siêu âm phổi có thể phát hiện sớm các khối u trong phổi, nhưng độ chính xác của phương pháp này còn tương đối thấp.
  4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường bao gồm các xét nghiệm máu, đo huyết áp và đo khối lượng cơ thể. Việc thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên giúp phát hiện sớm các thay đổi về sức khỏe và có thể giúp phát hiện sớm ung thư phổi.

Tuy nhiên, việc sàng lọc ung thư phổi cũng có những hạn chế và rủi ro nhất định, cần được thực hiện đúng phương pháp và đúng đối tượng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Việc quyết định sàng lọc ung thư phổi cần được đưa ra dựa trên sự thận trọng và đánh giá kỹ lưỡng từ các bác sĩ chuyên khoa.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *