Viêm màng não mủ là tình trạng nhiễm khuẩn màng não do các tác nhân gây bệnh có khả năng sinh mủ (chủ yếu là một số loại vi khuẩn) xâm nhập vào màng não gây nên. Là một trong những bệnh cấp cứu nguy hiểm, thường gặp ở trẻ em, nhiều nhất là ở lứa tuổi dưới 3 tuổi, tỷ lệ tử vong và di chứng khá cao.
1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ viêm màng não mủ
1.1 Nguyên nhân:
Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm màng não. Tần suất mắc từng loại vi khuẩn tùy thuộc vào lứa tuổi bệnh nhân và một số yếu tố liên quan tới sức đề kháng của cơ thể. Ba loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ hay gặp nhất là:
- Phế cầu (Streptococcus pneumoniae)
- H. Influenzae (Haemophilus influenzae)
- Não mô cầu (Neisseria meningitidis)
Riêng ở giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, căn nguyên gây bệnh thường gặp nhất là các loại vi khuẩn đường ruột (như E. Coli…), Klebsiella, Listeria, liên cầu nhóm B.
Ngoài ra nhiều loại vi khuẩn và nấm khác cũng có thể là căn nguyên gây VMNM nhưng ít gặp hơn và thường xảy ra trên những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm khuẩn huyết…
1.2 Các yếu tố nguy cơ
1.2.1. Môi trường sống:
Trẻ em ở môi trường tập thể ( nhà trẻ, mẫu giáo…) dễ có nguy cơ mắc hơn các trẻ được chăm sóc tại nhà. Thường ghi nhận là các vi khuẩn Heamophillus influenza tyb B và Neisseria meningitidis.
1.2.2. Các yếu tố chủ thể
– Cơ địa:
- Nam mắc nhiều hơn nữ
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng…
- Người bị cắt lách dễ bị viêm màng não do phế cầu, H.influenza tyb B và trực khuẩn Gram âm.
– Trẻ hay bị mắc các bệnh: nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tai giữa , viêm tai xương chũm, viêm nội tâm mạc …; các ổ nhiễm trùng cạnh màng não (viêm xoang sàng, xoang bướm, xoang trán…).
– Các bệnh lý toàn thân: đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, lao, điều trị corticoid…
– Các bất thường hệ thần kinh gây rò thông dịch não tủy: các dị tật bẩm sinh, thoát vị màng não tủy…
– Chấn thương sọ não, các phẫu thuật thần kinh, dẫn lưu não thất.
2. Cơ chế bệnh sinh viêm màng não mủ
Vi khuẩn xâm nhập vào màng não theo ba con đường: máu, bạch huyết và đường kế cận.
Ở trẻ em, khởi đầu vi khuẩn xâm nhập qua niêm mạc mũi, họng, thanh quản và phế quản, tùy theo phản ứng miễn dịch của cơ thể, vi khuẩn có thể chỉ khu trú và gây bệnh tại chỗ hoặc vào hệ thống mạch máu hay bạch huyết. Qua đường máu, do chức năng bảo vệ của hàng rào máu não ở trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não nhiễm khuẩn tiên phát.
Tác nhân gây bệnh có thể từ các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể, đặc biệt là các vị trí cận kề màng não ( tai giữa, xương chũm, các xoang, hốc mắt…) hoặc từ một ở viêm ở xa (viêm phổi, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn tiêu hóa…); do chấn thương hoặc vết thương vùng sọ não, cột sống… xâm nhập vào màng não gây viêm màng não nhiễm khuẩn thứ phát.
Viêm màng não nhiễm khuẩn xảy ra khi các yếu tố bệnh sinh vượt qua cơ chế đề kháng của cơ thể người bệnh. Cơ chế này bao gồm:
- Tác nhân gây viêm màng não kết dính được và định khu trên bề mặt biểu mô niêm mạc người bệnh
- Xâm nhập và sống sót trong lòng mạch máu
- Vượt qua hàng rào máu não
- Sống được trong dịch não tủy
Một khi vi khuẩn đã được xâm nhập vào trong khoang màng nhện, cơ thể không còn đủ khả năng để ức chế sự nhiễm khuẩn. Người ta đã chứng minh được rằng trong dịch não tủy, lượng bổ thể bị giảm do bị phân hoại bởi các protease bạch cầu. Điều này làm cho hoạt tính opsonic bị giảm đi tại nơi nhiễm khuẩn. Nồng độ Imunoglobulin (IgG) trong dịch não tủy cũng giảm nhiều so với nồng độ trong máu. Ngoài ra, dù có sự gia tăng bạch cầu trong dịch não tủy, nhưng các bạch cầu này mất khả năng opsonic và diệt khuẩn, đưa đến sự gia tăng số lượng lớn vi khuẩn trong dịch não tủy. Do vi khuẩn sử dụng glucose qua chuyển hóa kỵ khí sẽ gây tiêu thụ glucose rất mạnh (làm glucose dịch não tủy giảm thấp) đồng thời vi khuẩn tiết chất lipopolysaccharid kích thích các chất trung gian hóa học gây viêm như prostaglandin, interleukin-1, TNF alpha gây ra phản ứng viêm dị ứng (kéo theo bạch cầu, bổ thể, kháng thể… vào dịch não tủy). Tình trạng nhiễm độc làm thay đổi tính thấm thành mạch gây phù não, tăng áp lực nội sọ và giảm hấp thu dịch não tủy. Một số vi khuẩn còn có thể xâm nhập vào tổ chức não gây viêm nhễm, phù nề não kéo theo các biểu hiện lâm sàng nặng nề.
3. Giải phẫu bệnh viêm màng não mủ
Phản ứng viêm màng não làm cho màng não dày lên nhiều nhất là ở xung quanh các tĩnh mạch, dọc theo chiều cong của não bộ, theo các khuyết sâu của rãnh, quanh tiểu não. Lưu lượng tuần hoàn não bị rối loạn: viêm tắc tĩnh mạch vỏ não gây hiện tượng hẹp lòng mạch hoặc huyết tắc, đưa đến tình trạng nhồi máu hay thiếu máu vùng vỏ não hoặc dưới vỏ não. Vi khuẩn và hiện tượng viêm không xâm nhập trực tiếp vào mô não nhưng phần não kế cận hay bị sung huyết và phù nề, tăng áp lực nội sọ có thể gây trở ngại cho tuần hoàn não. Phù não đôi khi xảy ra khá trầm trọng mặc dù tế bào ở dịch não tủy không cao lắm. Ở một số bệnh nhân hiện tượng này gây tụt não ở thùy thái dương hay tiểu não, chèn ép trung não và hành tủy.
Mủ màng não thường hiện diện trong khoang dưới nhện, nhiều nhất là phần đáy và khoang gần tiểu não, sau đó lan ra hai rãnh lớn trên não. Thành não thất cũng có thể có mủ, mất lớp tế bào phủ mặt trong não thất. Trần mủ màng cứng hiếm xảy ra hơn.
Tổn thương dây thần kinh sọ xảy ra nơi tích tụ nhiều dịch viêm. Thần kinh III và IV có thể tổn thương nặng do tăng áp lực nội sọ. Não úng thủy có thể xảy ra do nghẽn sự lưu thông của dịch não tủy trong não thất hay ngoài não.
Tóm lại, có nhiều căn nguyên vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào màng não qua nhiều con đường: máu, bạch huyết và con đường kế cận. Viêm màng não có thể gây phù não, giãn não thất và tụ mủ khoang dưới nhện. Vì vây, cần phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh để tránh các biến chứng nặng.
Tài liệu tham khảo:
- Trường Đại học Y Hà Nội (2020). Bài giảng nhi khoa
- Catherine L.Tacon and Oliver Flower (2012). Diagnosis and management of bacterial meningitis in the paediatric population: a review
Leave a Reply