Bài viết sau tập trung giải thích các khái niệm rất sơ lược liên quan đến lĩnh vực chỉnh nha: Lực thông thường, lực trong chỉnh hình răng- mặt và các nguyên lý về sự thay đổi phát triển xương. Nha sĩ cần nắm rõ các khái niệm, hiểu bản chất và có khả năng áp dụng vào thực tế để đạt được kết quả cao nhất.
1. Khái niệm về lực
1.1. Định nghĩa
– Lực là một sức kéo hoặc đẩy đặt lên một vật làm di chuyển vật đó đến một vị trí khác trong không gian. Lực được biểu hiện bởi một vector về hướng, đường hoạt động, chiều và cường độ.
+ Chiều dài của vector chỉ cường độ của lực, chiều của mũi tên chỉ chiều di chuyển và đường thẳng của chiều đó là đường hoạt động.
+ Đặt vào một vật đặc một lực có cường độ, chiều, hướng và đường hoạt động không thay đổi thì sẽ có tác dụng y hệt nhau khi đặt vào bất cứ điểm nào.
Đơn vị: Newtons (N), hưng thường được đo bằng grams hay ounces.
1.2. Hợp lực
Để di chuyển một vật, ta có thể đặt lên nó một hay nhiều lực. Khi đó, cần phải tính hợp lực để biết được tác dụng của nó.
Các lực có thể là:
– Song song và cùng chiều: R=F+f.
– Song song và ngược chiều: R=F−f.
– Đồng quy: hai lực đồng quy được thay thế bằng một hợp lực. Đó là đường chéo của hình bình hành được tạo bởi hai lực đồng qui đó. Ngược lại, một lực có thể được thay thế bằng hai lực mà hợp lực dựa trên sơ đồ đường chéo hình bình hành.
1.3. Trung tâm cản
Trung tâm cản là điểm của một vật đặc mà ta có thể tạo các đường hoạt động của một lực có cường độ, hướng, điểm đặt lực vào một chiều bất kỳ để có được một di chuyển ngang vật đặc đó.
Trung tâm cản của xương hàm trên là vùng đỉnh của chân răng hàm nhỏ thứ nhất và thứ hai hàm trên (Theo Tanne và Hitoro).
Theo Miki thì trung tâm cản nằm giữa răng hàm nhỏ thứ nhất và thứ hai theo chiều trước sau, giữa ổ mắt và phía xa lỗ apex của răng hàm lớn thứ nhất theo chiều dọc. Theo Haat, trung tâm cản của xương hàm trên là 5mm ở phía trên sàn mũi.
Nếu có một lực tác động lên xương hàm trên thì xương hàm không chỉ di chuyển mà còn quay xung quanh tâm cản nhờ một moment lực. Khoảng cách từ điểm tác động lực tới trung tâm cản gọi là cánh tay momen lực.
1.4. Lực trong chỉnh hình răng-mặt
Lực tự nhiên do các cơ của hệ thống hàm mặt tạo nên. Lực cơ học dùng để thay đổi chiều hướng phát triển của xương và răng. Lực trong chỉnh hình răng-mặt tác động lên xương và răng thông qua khí cụ chỉnh hình trong miệng hoặc ngoài mặt (là khí cụ tạo nên sức ép và sức căng để đưa đến sự thay đổi vị trí của răng hoặc xương) phụ thuộc vào những yếu tố sau:
– Phản ứng của mô vùng miệng với lực.
– Lực của khớp cắn.
– Cường độ của lực.
– Hướng của lực.
– Thời gian lực hoạt động.
– Kích thước và đặc điểm của vùng đặt lực và vị trí tác động của lực tại vùng đó.
1.5. Thời hạn tác dụng của lực trong chỉnh hình
Thời gian duy trì lực chỉnh hình răng mặt được phân loại theo yếu tố suy giảm lực.
– Lực liên tục: cường độ lực vẫn còn được duy trì (mặc dù rất nhỏ) giữa các lần tăng lực.
– Lực gián đoạn: Cường độ lực giảm đến không giữa mỗi lần tăng lực
Cả hai loại lực liên tục và gián đoạn đều đều được tạo bởi khí cụ chỉnh hình cố định.
– Lực ngắt quãng: cường độ lực giảm đột ngột đến không khi khí cụ chỉnh hình răng mặt được tháo ra sau đó cường độ lực trở lại mức độ ban đầu khi khí cụ được mang trở lại miệng. Lực ngắt quãng có ở các khí cụ do bệnh nhân tự mang như hàm tháo lắp, Headgear, Face mask, chun kéo.
2. Các nguyên lý trong sự thay đổi tốc độ phát triển của xương
2.1. Nguyên lý chung về lực trong chỉnh hình
Khi dùng một lực tác động lên xương hàm sẽ làm thay đổi tốc độ và hướng phát triển của xương.
Lực trong chỉnh hình răng mặt áp dụng lên răng có khả năng phát tán ra ngoài và tác động đến vị trí xa của xương, nó có thể làm thay đổi kiểu phát triển của hàm.
Hàm trên phát triển bằng cách:
– Chồng lên xương mới tại đường ráp khớp trước và sau chúng.
– Đẩy ra trước nhờ kéo dài nền sọ.
– Di chuyển xuống dưới, ra phía trước nhờ vào sự phát triển của các mô mềm kề sát.
Sự căng tại các đường ráp khớp khi hàm trên thay đổi khỏi các cấu trúc đỡ của chúng đã kích thích cho sự hình thành xương mới.
Hàm dưới được kéo xuống dưới và ra trước nhờ các mô mềm xung quanh. Khi phản ứng, mỏm xương lồi cầu phát triển lên trên và về phía sau để duy trì khớp thái dương hàm.
Như vậy, khi có một lực chống lại sự dịch chuyển xuống dưới và về phía trước của một trong hai hàm sẽ làm giảm mức phát triển và ngược lại, khi tăng thêm lực kéo thì sẽ làm tăng sự phát triển của chúng.
2.2. Ảnh hưởng của lực chỉnh hình tới hàm trên và tầng giữa mặt
Các vị trí quan trọng của sự phát triển hàm trên, chỗ có thể thấy sự thay đổi tốc độ phát triển là các đường ráp khớp gắn hàm trên với:
– Xương gò má.
– Xương khẩu cái.
– Xương bướm và khu vực chính mũi cũng như đường khớp giữa vòm miệng.
Khi xương hàm trên kém phát triển, tác động thêm một lực tự nhiên làm tách đường ráp khớp nhiều hơn sẽ làm tăng sự phát triển. Theo kinh nghiệm y học thì chỉ cần sử dụng một lực vừa phải tác động vào xương để ngăn cản sự phát triển về phía trước của hàm trên (lực dùng để kiềm chế sự phát triển của hàm trên là khoảng 500gr tức là 250g cho mỗi bên cung hàm và tác dụng lực thông qua răng hàm lớn thứ nhất) nhưng phải cần một lực lớn hơn để tách đường ráp khớp và kích thích sự phát triển (khoảng 1000gr để đưa hàm trên ra trước và lực được phân bố hầu hết trên các răng hàm).
Sử dụng lực nặng, liên tục gây phá hoại chân răng và lợi. Vì vậy, nên dùng lực nặng nhưng ngắt quãng sẽ ít ảnh hưởng có hại đến lợi và chân răng hơn, đồng thời ít gây nên hiện tượng chuyển dịch răng.
Mặt khác, mức độ gài vào nhau của các gai xương ngang qua các đường ráp khớp cũng ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị. Khi còn nhỏ, có ít hoặc không có hiện tượng cài răng lược. Việc tách các màng xương tại các đường ráp khớp của chúng tương đối dễ dàng.
Sơ đồ này cho thấy hình ảnh mô học của đường ráp khớp giữa vòm miệng ở (A) lúc bé: khi đường ráp khớp gần như là đường thẳng; (B): mới lớn; (C): đã lớn. Các vùng nhỏ của xương bắt ngang qua đường ráp khớp phát triển (sau 17 tuổi) sự mở rộng của xương hàm là rất khó.
Giống như các đường ráp khớp của xương mặt, đường ráp khớp giữa vòm miệng ngày càng quanh co và cài vào nhau càng nhiều khi tuổi càng lớn.
Trong giai đoạn đường khớp giữa khẩu cái chưa liền xương, có thể tạo được tác động tách đường ráp khớp nếu có thiết kế hợp lý và lực có đủ độ lớn. Sự cài khớp tăng dần khiến việc tách khớp trở nên khó khăn, đặc biệt là sau tuổi dậy thì. Độ tuổi thích hợp cho điều trị nong hàm là khoảng 6 – 15 tuổi và có sai lệch theo giới và tuổi dậy thì của từng trẻ.
Khi các vùng nhỏ của xương bắc qua đường ráp khớp phát triển (sau 16 tuổi) sự mở rộng xương hàm là không thể được.
Như vậy, muốn kéo dài toàn bộ hàm trên về phía trước hoặc nong rộng hàm sang bên chỉ thực hiện được khi trẻ nhỏ, khi mà các đường ráp khớp còn chưa cài vào nhau nhiều.
3. Neo chặn lực trong chỉnh nha
Theo William: vùng neo chặn là vùng để chống lại những di chuyển không mong muốn.Trong đó, neo chặn tự nhiên là lực của mỗi răng bình thường trong một môi trường lành mạnh chống lại lực muốn đẩy nó.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến răng bị di chuyển là bề mặt chân răng. Theo Freeman thì diện tích bề mặt chân răng càng rộng thì lực chống lại sự di chuyển của răng đó càng lớn. Vùng neo chặn sẽ được tăng cường hơn nếu ta liên kết cả một nhóm răng.
Theo: Sách Điều trị kém phát triển chiều ngang và chiều trước sau xương hàm trên – NXB Y học
Leave a Reply