Loãng xương được đặc trưng bởi sự thay đổi sức mạnh của xương. Đây là một trong những bệnh phổ biến nhất với tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh là 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi. Nguyên nhân gây ra loãng xương bao gồm các nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Để chẩn đoán loãng xương, ta dựa vào số đo mật độ xương theo tiêu chuẩn WHO năm 1993 và sửa đổi năm 2001. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh này, việc phòng tránh ngã là một trong những biện pháp quan trọng để tránh biến chứng.
1. Định nghĩa
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2001, loãng xương được đặc trưng bởi sự thay đổi sức mạnh của xương. Sức mạnh này đặc trưng bởi mật độ và chất lượng của xương. Chất lượng của xương sẽ được biểu hiện qua: cấu trúc xương, chu chuyển xương, độ khoáng hóa, tổn thương tích lũy, và tính chất của các chất cơ bản của xương.
2. Phân loại loãng xương
Theo nguyên nhân, loãng xương được chia làm hai loại là:
- Loãng xương nguyên phát: loãng xương sau mãn kinh (typ 1) và loãng xương tuổi già (typ 2).
- Loãng xương thứ phát.
2.1. Cơ chế bệnh sinh của loãng xương nguyên phát
- Loãng xương nguyên phát: khi không tìm thấy căn nguyên nào khác ngoài tuổi tác và/hoặc trình trạng mãn kinh ở phụ nữ.
- Nguyên nhân là do sự mất cân bằng giữa hủy và tạo xương. Điều này gây ra giảm mật độ, hư hỏng cấu trúc xương.
- Khối lượng xương đỉnh đạt được quanh 25 tuổi. Sau đó khối lượng xương ở cả hai giới sẽ ổn định cho đến 45-55 tuổi.
- Sau 55 tuổi, sự mất xương xảy ra nhanh ở phụ nữ với 25%-30% khối lượng xương trong 5-10 năm. Tiếp theo là một giai đoạn mất xương ổn định 0.5%-1% mỗi năm
- Nam giới không có thời điểm mất xương nhanh. Ở nam giới sẽ giảm mật độ xương từ từ với tỷ lệ ổn định.
2.1.1. Loãng xương nguyên phát typ 1
- Thường gặp ở phụ nữ đã mãn kinh vài năm, trong khoảng 50-60 tuổi.
- Nguyên nhân chính là do thiếu hụt estrogen.
- Tổn thương chủ yếu là mất chất khoáng ở xương xốp (xương bè). Biểu hiện là sự lún xẹp các đốt sống, gãy xương tại đốt sống hoặc gãy xương Pouteau – Colles.
2.1.2. Loãng xương nguyên phát typ 2
- Gặp ở cả nam và nữ, thường trên 70 tuổi.
- Nguyên nhân thường do mất chất khoáng toàn thể cả xương xốp (xương bè) và xương đặc (xương vỏ)
- Loại loãng xương này liên quan đến hai yếu tố là giảm hấp thu calci, giảm chức năng tạo cốt bào.
- Các yếu tố nguy cơ: tuổi, estrogen, yếu tố dinh dưỡng, di truyền, các bệnh lý,…
2.2 Loãng xương thứ phát
Nguyên nhân gây ra loãng xương thứ phát thường do một số bệnh hoặc một số thuốc:
- Cường vỏ thượng thận
- Cường cận giáp
- Cường giáp trạng
- Dùng nội tiết tố vỏ thượng thận kéo dài
Một số bệnh ác tính cũng gây ra tình trạng loãng xương:
- Đa u tủy xương
- Ung thư di căn xương
3. Chẩn đoán
3.1. Triệu chứng lâm sàng
Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Các biến chứng bao gồm:
- Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính.
- Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.
- Đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.
- Gãy xương: Các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
3.2. Triệu chứng cận lâm sàng
- Xquang quy ước: hình ảnh đốt sống tăng thấu quang, biến dạng thân đốt sống (gãy làm xẹp và lún các đốt sống), với các xương dài thường giảm độ dày vỏ xương.
- Đo khối lượng xương (BMD) bằng phương pháp đo hấp phụ tia X năng lượng kép (Dual Energy Xray Absorptiometry – DXA) ở các vị trí trung tâm như xương vùng khớp háng hoặc cột sống thắt lưng.
- Một số phương pháp khác: CT Scan hoặc MRI có thể được sử dụng để đánh giá khối lượng xương, đặc biệt ở cột sống hoặc cổ xương đùi.
3.3 Chẩn đoán xác định
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chẩn đoán loãng xương dựa trên đo độ mật độ xương (BMD) bằng kỹ thuật DXA và đánh giá các yếu tố nguy cơ gãy xương. Dưới đây là tiêu chuẩn chẩn đoán của WHO:
- Bình thường: BMD T-score từ -1.0SD trở lên
- Thiếu xương: BMD T-score từ -1.0SD đến -2.5SD
- Loãng xương: BMD T-score dưới -2.5SD
- Loãng xương nặng: T score dưới – 2,5 SD kèm tiền sử/ hiện tại có gãy xương.
4. Phòng bệnh
Loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa:
- Cung cấp đầy đủ calci, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể theo nhu cầu của từng lứa tuổi và tình trạng cơ thể.
- Duy trì chế độ vận động thường xuyên
- Hạn chế một số thói quen: hút thuốc lá, uống nhiều rượu, nhiều cà phê, ít vận động…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bolland MJ et al.” Effective osteoporosis treatment on mortality in eight randomized placebo – controlled trials”. J Clin Endocrinol Metab. 2010;95:1174-1181.
2. IOF guidelines 2010 http://www.osteofound.org/osteoporosis/treatment.html and APLAR guidelines 2010
3. European guidance for the diagnosis and management of osteoporosis in postmenopausal women. International Osteoporosis Foundation and National Osteoporosis Foundation 2012
4. National Osteoporosis Foundation (2013). “Clinician’s guide to prevention and treatment of osteoporosis”.
5. National Institutes of Health (2011), “Dietary supplement fact sheet: Calcium”, http://ods.od.nih.gov/factsheets/Calcium-HealthProfessional/, (10/9/2013).
6. Bệnh học nội khoa – Đại học Y Hà Nội
Leave a Reply