Lo lắng sợ hãi trong răng hàm mặt thường được cho là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân thất bại trong việc bắt đầu hoặc tiếp tục các điều trị răng hàm mặt. Do đó, bác sĩ răng hàm mặt cần phải học hỏi và trau dồi kỹ năng tiếp cận bệnh nhân cũng như kỹ thuật sử dụng phương pháp điều trị đa dạng để làm giảm sự sợ hãi và lo lắng cho bệnh nhân. Bài viết này sẽ đề cập sâu về khái niệm lo lắng và sợ hãi trong Nha khoa, giúp Nha sĩ có cái nhìn tổng quan và chung nhất với vấn đề trên.
1. Giới thiệu chung về vấn đề lo lắng và sợ hãi trong Nha khoa
Lo lắng và sợ hãi trong răng hàm mặt thường được cho là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân thất bại trong việc bắt đầu hoặc tiếp tục các điều trị răng hàm mặt. Các bác sĩ răng hàm mặt tại Anh và Mỹ đã công nhận sợ hãi răng hàm mặt là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà răng hàm mặt hiện đại phải đối mặt. Theo Lundgren năm 2004, có 4-16% người trưởng thành có sợ hãi răng hàm mặt, tỷ lệ này cao hơn ở trẻ em, 6,7-20%. Với những bệnh nhân trưởng thành có lo lắng trầm trọng thì tỷ lệ tương tự như ở trẻ em. Lo lắng và sợ hãi răng hàm mặt không chỉ làm bệnh nhân ngại đi điều trị mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, bác sĩ răng hàm mặt cần phải học hỏi và trau dồi kỹ năng tiếp cận bệnh nhân cũng như kỹ thuật sử dụng phương pháp điều trị đa dạng để làm giảm sự sợ hãi và lo lắng cho bệnh nhân.
2. Các khái niệm về lo lắng và sợ hãi trong Nha khoa
Trong thực hành răng hàm mặt, lo lắng và sợ hãi răng hàm mặt là hai vấn đề thường gặp nhất và bác sĩ răng hàm mặt cần phải phân biệt rõ ràng hai khái niệm này để có thái độ xử trí thích hợp, nâng cao hiệu quả điều trị răng hàm mặt.
– Lo lắng răng hàm mặt là trạng thái khó chịu, bồn chồn, lo sợ một cách mơ hồ, không thoải mái trước khi đến gặp bác sĩ răng hàm mặt. Sự lo lắng, bất an của bệnh nhân đều không có nguyên nhân, liên quan đến đe dọa không có thật, hầu hết nó xuất phát từ những suy nghĩ, tưởng tượng của bệnh nhân. Trong quá trình phát triển tâm lý, sự lo lắng ở trẻ biểu hiện theo nhiều cách khác nhau tùy vào độ tuổi.
– Sợ hãi răng hàm mặt là phản ứng của cơ thể khi được tiếp xúc với dụng cụ răng hàm mặt, với bác sĩ răng hàm mặt hoặc tiếp nhận dịch vụ chăm sóc răng hàm mặt cụ thể. Tình huống nguy hiểm này là có thật đang xảy ra, chủ thể phản ứng lại bằng sợ hãi. Mức độ của sự sợ hãi có liên quan đến mối đe dọa và đối tượng sẽ có những cách phản ứng khác nhau. Sự phản ứng ngắn ngủi này sẽ biến mất khi sự nguy hiểm qua đi. Đây là cơ chế giúp cơ thể có thể né tránh, từ chối hoặc chấp nhận các tình huống răng hàm mặt. Tuy nhiên có điều cần lưu ý là sự sợ hãi sẽ làm giảm mức độ chịu đau và tăng cảm giác bản thể của bệnh nhân.
– Ngoài ra, còn một khái niệm nữa thường được nhắc tới trong thực hành răng hàm mặt đó là “ám ảnh răng hàm mặt”. Ám ảnh răng hàm mặt được định nghĩa là tình trạng rối loạn tâm lý do một nỗi sợ hãi dai dẳng, thường trực trước một đối tượng hoặc một tình huống nào đó. Ám ảnh răng hàm mặt sẽ tồn tại trong vòng nhiều hơn 6 tháng. Đây là nguyên nhân khởi phát sự sợ hãi. Người ám ảnh răng hàm mặt không chỉ lo lắng đơn thuần mà còn rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi.
Mặc dù xảy ra trong các hoàn cảnh khác nhau, sợ hãi trong trường hợp nguy hiểm có thật, còn lo lắng xuất phát từ những nguy hiểm có trong tưởng tượng. Tuy nhiên, sợ hãi và lo lắng lại có mối tương quan với nhau. Sợ hãi có thể gây ra sự lo lắng, và lo lắng có thể sinh ra sợ hãi. Sợ hãi răng hàm mặt là mức độ cao, trầm trọng hơn lo lắng răng hàm mặt. Ám ảnh răng hàm mặt lại ở mức độ cao hơn sợ hãi răng hàm mặt.
3. Nguồn gốc và sự phát triển của lo lắng sợ hãi
Theo nghiên cứu của Sidney Finn, sự sợ hãi là cảm xúc đầu tiên chống lại những nguy hiểm sống còn và được hình thành rất sớm sau khi sinh ra. Phần lớn các bậc chủ mẹ đều gây ra những sự sợ hãi về răng miệng khi muốn trừng phạt con cái họ. Sự sợ hãi đó bị coi là nhân tố trực tiếp làm hại tới cuộc sống và hạnh phúc của trẻ. Trẻ em nên được giáo dục về răng hàm mặt không phải là để sợ hãi và cha mẹ không bao giờ lấy răng hàm mặt làm công cụ để đe dọa trẻ.
3.1. Sợ hãi khách quan
Được hình thành do các kích thích trực tiếp lên cơ thể. Chúng là các phản ứng với kích thích do cảm thấy, nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy hoặc nếm thấy và không thích hoặc không chấp nhận. Những sợ hãi chủ quan trong ngành răng hàm mặt là kết quả từ những hiểu biết sai lầm về các vấn đề răng miệng gặp phải trước đó. Trẻ em sợ màu trắng của áo đồng phục và mùi của hầu hết các thuốc và hóa chất ở trong bệnh viện. Do đó trách nhiệm của bác sĩ răng hàm mặt là phải thay thế những cảm giác sợ hãi đó bằng sự chăm sóc đầy yêu thương và tạo ra được sự tin tưởng.
3.2. Sợ hãi chủ quan
Đa số trẻ em đều chưa tới phòng khám răng hàm mặt trước đó nhưng chúng vẫn sợ các thao tác răng hàm mặt. Nguyễn nhân là do những cảm xúc chủ quan do người khác đem lại mà bản thân trẻ chưa từng trải qua. Cha mẹ có thể kể về điều khó chịu hoặc những cơn đau mà trẻ đã từng mắc phải làm cho trẻ nhớ mãi những nỗi sợ hãi đó trong tâm trí.
Sợ hãi chủ quan có hai loại: do nhắc lại và do tưởng tượng.
– Sợ hãi nhắc lại: do trẻ quan sát được từ những người khác và sau đó chính bản thân chúng ghi nhớ sự sợ hãi đó khi trải qua những tình huống thực tế. Sự sợ hãi của trẻ có mối liên quan rất gần với sự sợ hãi của chính cha mẹ mình. Nếu cha mẹ buồn trẻ cũng thấy buồn, nếu cha mẹ thể hiện sự sợ hãi thì trẻ cũng cảm thấy sợ hãi.
– Sợ hãi tưởng tượng: khi một người mẹ sợ tới bác sĩ răng hàm mặt thì cũng vô tình làm cho con của mình cũng sợ tương tự như thế khi theo dõi biểu hiện của mẹ. Sợ hãi loại này thường biểu hiện ở bố mẹ và đạt được ở những đứa trẻ chưa từng có nhận thức gì về vấn đề đó, nó hằn sâu trong tâm trí trẻ và rất khó mất đi.
Những đứa trẻ sợ hãi khi trưởng thành sẽ thành những cha mẹ sợ hãi và sẽ truyền sự sợ hãi cho chính những người con của mình như là một chu trình gắn kết chặt chẽ.
Nguồn: Tâm lý và đạo đức trong Răng Hàm Mặt – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply