Kỹ thuật trám răng bằng xi măng thuỷ tinh (GIC).

Xi măng thuỷ tinh – Glass Ionomer Cement (GIC) được Wilson và Kent giới thiệu lần đầu vào năm 1972 từ xi măng polycarboxylat kẽm bằng cách thay thế acid phosphoric bằng polyacrylic. GIC được sử dụng rộng rãi nhờ hai ưu điểm (1) Bám dính tốt vào men, ngà răng bằng cơ chế hoá học và (2) Phóng thích fluor vào mô răng xung quanh nên có khả năng phòng sâu răng thứ phát. Bài viết này sẽ đưa bạn đọc hiểu thêm về kỹ thuật trám răng bằng xi măng thuỷ tinh (GIC) 

1. Đặc điểm của GIC

GIC
Minh hoạ bản chất của GIC

1.1. Đặc điểm lý học

– Không dẫn điện, dẫn nhiệt kém, thời gian đông cứng vừa phải.

– Sự hòa tan: đa số các xi măng trám răng đều bị hoà tan dần với nước bọt. Sự hoà tan có nhiều lý do, với GIC sẽ xảy ra dưới 3 hình thức sau:

+ Tan rã do trộn còn non.

+ Sự mòn theo thời gian.

+ Sự rạn vỡ.

Trong 24 giờ đầu khi GIC tiếp tục đóng cứng có khả năng tan rữa. Do vậy, GIC cần phải bồi verni sau khi trầm. Sau 3 ngày GIC đồng cứng hoàn toàn, hiện tượng mòn cơ học bắt đầu xảy ra. Vì có độ chịu mài mòn kém nên GIC không trám ở vị trí chịu lực.

1.2. Đặc điểm hoá học

Phản ứng định dạng (phản ứng làm định hình khối vật liệu): Qua 3 giai đoạn: Hoà tan; Nhão hoá; Đông cứng.

a) Giai đoạn hoà tan:

– Khi trộn bột với nước, acid tác động vào lớp ngoài thuỷ tinh với các ion Al, ion Ca, ion F.

– Quá trình định dạng xảy ra từ từ, sau 24 giờ thì xi măng sẽ ổn định. Tuy rằng sau 3 – 6 phút xi măng đã cứng về phương diện vật lý và cơ học.

b) Giai đoạn nhão hoá:

– Sự định dạng lúc ban đầu phụ thuộc vào sự phản ứng nhanh của ion Ca với nhóm carboxyl của acid hơn là ion Al.

– Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giai đoạn này nếu bề mặt chất trám không được bảo vệ bằng lớp vecni. Nếu không có lớp vecni này, các ion Al khuếch tán ra ngoài, mất kết nối với chuỗi acid polyacrylic, ảnh hưởng đến quá trình định dạng GIC. Lớp vecni còn có tác dụng tránh cho bề mặt chất trám bị ngấm nước, làm ổn định phản ứng định dạng GIC.

c) Giai đoạn đông cứng:

Giai đoạn này kéo dài trong 7 ngày. Lúc đầu là 30 phút để ion Al tham gia phản ứng liên kết nối chéo phân tử chuỗi acid, làm thành cầu muối Al. Quá trình này còn tiếp tục xảy ra cho đến khi GIC đông cứng hoàn toàn.

Sự bám dính hoá học:

– Có hai loại bám dính hoá học: bám dính bằng liên kết ion và bằng liên kết hydro.

– GIC có khả năng bám dính vào men và ngà. Trên men, người ta cho rằng các ion polyacrylic phản ứng với cấu trúc apatite (di chuyển ion calci và phosphat, tạo ra một lớp trung gian của ion polyacrylic, phosphat và calci) hay gắn trực tiếp vào calci của apatite.

– Sự bám dính có thể là dạng bám dính hydro với collagen của khung protein ngà phối hợp với liên kết ion vào apatite của ngà. Sự bám dính trên men tốt hơn trên ngà.

1.3. Đặc điểm sinh học

– pH khởi đầu rất acid, vì vậy bệnh nhân ngay sau khi trám rất nhạy cảm (ê buốt, sau 7 – 8 giờ sẽ ổn định).

– Polyacrylic là acid yếu, ít kích thích tủy.

– Trong một số trường hợp có thể gây thoái hoá tuỷ, do vậy chỉ trám khi lớp ngà trên tuỷ >0,5mm.

– Phóng thích fluor: Trong thời gian đóng cứng, GIC có khả năng giải phóng fluor dưới dạng ion, phòng sâu răng và kháng khuẩn. Do phóng thích fluor nên GIC tăng khả năng tái khoáng cho mỏ cứng (đáy và thành lỗ trám), chống sâu răng thứ phát.

1.4. Đặc điểm thẩm mỹ

Độ trong của GIC là do các hạt thuỷ tinh. GIC không có độ trong đạt thẩm mỹ như composite, do vậy ít dùng cho răng cửa.

Có hai loại GIC là quang trùng hợp và hóa trùng hợp, loại quang trùng hợp đã được cải tiến đạt được tính thẩm mỹ cao hơn.

2. Chỉ định của GIC

– Trám vĩnh viễn cho răng sữa.

– Trám vĩnh viễn cho các loại lỗ trám:

+ Loại V: Các kích thước khác nhau theo phân loại vị trí– kích thước.

+ Loại I: Kích thước 1, 2 theo phân loại vị trí – kích thước (sâu hố rãnh và sườn núm)

+ Loại II: Kích thước 1, 2 theo phân loại vị trí – kích thước.

+ Loại III: Kích thước 1, 2 theo phân loại vị trí – kích thước.

+ Loại IV: Sử dụng cùng pin ngà.

– Kỹ thuật trám răng không sang chấn.

– Gắn cầu chụp.

– Kỹ thuật trám Sandwich: trám lót GIC làm nền cho composite.

– Sâu răng tiến triển hoặc những bệnh nhân có nguy cơ sâu răng cao.

3. Cách sử dụng GIC

Trộn bột và nước trên mặt nhẫn của kính hoặc giấy đánh, dùng que đầu bẹt đưa chất trám.

Tỷ lệ bột/ nước phụ thuộc vào từng loại GIC của các hãng khác nhau và mục đích sử dụng khác nhau. Dưới đây là tỷ lệ tham khảo theo mục đích sử dụng:

– Loại I (dùng để gắn cầu chụp): bột/ nước = 1,5 : 1

– Loại II (trám răng): bột/ nước = 3 : 1

– Loại III (dùng để trám lót): bột/ nước = 1,5 : 1

Thời gian trộn là 30 giây để có hỗn hợp tốt nhất.

4. Kỹ thuật trám GIC

Bước 1: Cách ly răng: tốt nhất là đặt đam cao su

Bước 2: Tạo lỗ trám

– Dùng mũi khoan trụ kim cương hạt mịn lấy hết mô ngà nhiễm khuẩn dựa trên nguyên tắc tiết kiệm mô cứng. Sau đó dùng mũi khoan tròn nhỏ lấy sạch ngà nhiễm khuẩn ở các thành và đáy lỗ trám.

– Tạo lỗ trám loại V:

Những tổn thương sâu chân răng trên bệnh nhân cao tuổi hay những người sâu răng tiến triển nên được trám kín bằng GIC. Điều trị lõm hình chêm ở cổ răng tự phát bị mài mòn, hoặc mòn hoá học bằng GIC đều phù hợp nếu không quá đòi hỏi thẩm mỹ.

Việc chuẩn bị lỗ trám như sau: Dùng mũi khoan tròn nhỏ (đường kính 008, đường kính 012) lấy đi mô ngà viêm và mô ngà nứt gãy. Sau đó dùng mũi khoan kim cương hạt mịn với tốc độ trung bình để mở rộng tối thiểu.

– Tạo lỗ trám loại I, II, III:

Chỉ định: Bệnh nhân cao tuổi, tổn thương sâu răng tiến triển và tụt lợi thường bị sâu ở phía gần. Vùng tụt lợi dễ dàng bị sau ở mặt trong và ngoài dạng chữ V. Việc chuẩn bị lỗ trám dạng rãnh gần giống amalgam cũng được áp dụng khi dùng GIC. Sử dụng mũi khoan kim cương hạt mịn mở rộng hố rãnh vùng tổn thương, mở rộng lối vào đầy đủ để làm sạch các thành lỗ sau, lấy đi ngà nhiễm khuẩn. Sau đó, dùng mũi khoan tròn nhỏ để làm sạch các thành men trên nguyên tắc tiết kiệm mô cứng.

Bước 3: Dùng khuôn trám, chén gỗ cho lỗ trám mặt bên.

Bước 4: Che tủy bằng calci hydroxyd (khi tạo lỗ trám nếu đáy của lỗ trám cách trần buồng tủy dưới hoặc bằng 0,5mm).

Bước 5: Xử lý ngà bằng acid nhẹ loãng (gồm chất xử lý ngà hoặc dung dịch acid polyacrylic 10%) trong vòng 20 giây, sau đó rửa sạch, thổi khô.

– Trộn bột nước theo đúng tỷ lệ trong thời gian trộn 30 giây để có hỗn hợp tốt nhất.

Bước 6: Dùng que đưa chất trám đặt nhanh và hơi dư một chút lượng GIC, dùng cây điêu khắc tạo hình lỗ trám, cố gắng làm trơn nhẵn bề mặt miếng trám bằng dụng cụ cầm tay.

Bước 7: Tháo đam cao su.

Bước 8: Điều chỉnh khớp cắn và tạo hình xoang mới trám bằng mũi khoan kim cương mịn không phun nước.

Bước 9: Hoàn thiện mối trám bằng đĩa đàn hồi có đầu trơn và chén cao su.

Bước 10: Bôi verni mối trám.

5. Một số lưu ý khi trám GIC

GIC-2
GIC là bước tiến mới trong công nghệ vật liệu nha khoa

5.1. Sự mài mòn bề mặt chất trám GIC

– Quá trình bị mài mòn của GIC liên quan với

+ Sự hoà tan của GIC do: trộn bột còn non, sự mòn theo thời gian, sự rạn vỡ.

+ Không bôi verni sau trám.

+ Trám ở những vị trí chịu lực nhai lớn (do tính chịu lực của GIC kém).

– Các biện pháp chống sự mài mòn:

+ Trộn vật liệu theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

+ Không trám ở những vị trí chịu lực nhai lớn.

+ Điều chỉnh độ cắn khít đúng.

+ Mài nhẵn và đánh bóng tốt.

+ Bôi verni sau trám.

5.2. Bọng khí

– Bọng khí trong lòng khối vật liệu sẽ làm giảm khả năng chịu lực của GIC có thể gây rạn hoặc vỡ mối trám.

Nguyên nhân:

+ Khoảng trống để lại do giữa các lần đặt chất trám hoặc khi đặt chất trám bịt đường ra của khí, làm khí không thoát ra được và tích tụ ở đáy mới trám.

+ GIC quánh sẽ bị kéo khỏi bề mặt trong khi đặt chất trám.

Giải pháp:

+ Kỹ thuật cẩn thận hơn.

+ Sửa chữa các đường viên bị bọng bằng việc chuẩn bị lại vùng đó và trám lại.

5.3. Điểm tiếp xúc không tốt

Nguyên nhân:

– Sử dụng matrix không đúng, di chuyển trong khi trám, matrix không tiếp xúc trực tiếp với bề mặt răng bên cạnh.

– Sử dụng chêm gỗ không đúng.

– GIC dính bị kéo khỏi lá matrix trong khi đặt chất trám.

– Matrix quá dày.

Giải pháp:

– Sử dụng matrix, chém gỗ đúng kỹ thuật.

– Cẩn thận khi đặt GIC.

– Trám lại.

5.4. Sự lưu giữ kém

Nguyên nhân:

– Vùng trám bị nhiễm nước bọt và dịch miệng.

– Tiếp xúc sớm với răng đối diện, hoặc trám quá cao.

– Trám ở những vị trí chịu lực nhai lớn.

Giải pháp:

– Cách ly tốt.

– Ở những vị trí chịu lực nhai lớn cần lựa chọn chất trám khác.

– Điều chỉnh cắn đúng.

Nguồn: Nha khoa cơ sở tập 2 – NXB Giáo dục Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *