Kiến thức sức khỏe có thể là yếu tố đủ để hình thành và thay đổi hành vi, nhưng ở những trường hợp khác nó có thể chỉ là yếu tố cần. Không phải mọi cá nhân luôn hiểu biết về hành vi sức khỏe răng miệng thích hợp, nhưng cũng không nên cho rằng kiến thức sẽ đảm bảo cho những thay đổi về hành vi. Tuy rằng kiến thức được coi là quan trọng, nhưng cần được diễn đạt sao cho dễ hiểu tùy theo dõi tượng. Việc chuyển từ kiến thức sang hành vi phụ thuộc vào phạm vi rộng của các yếu tố bên trong và bên ngoài như đã nói ở trên, và đòi hỏi phải có những kỹ năng cụ thể (yếu tố cho phép), nó có thể bao gồm cả những kỹ năng trao đổi giữa các cá nhân với nhau.
1. Một số lý thuyết giải thích hành vi cá nhân
– Mô hình niềm tin sức khỏe theo Rosenstock (1966) và Becker (1974) là một trong các nỗ lực nhằm giải thích các hành vi sức khoẻ. Các cá nhân sẽ có nhiều khả năng thay đổi hành vi có hại để thực hiện và duy trì hành vi mới có lợi cho sức khỏe răng miệng khi nhận thức được:
+ Nguy cơ của họ với một bệnh cụ thể và sự trầm trọng của bệnh này.
+ Sức khỏe của họ bị đe dọa bởi bệnh này (do hành vi của họ gây ra).
+. Sẽ thu được nhiều lợi ích hơn so với những trở ngại có thể gặp phải khi thực hiện hành vi phòng bệnh (thay đổi hành vi có hại).
+ Có nhiều thông tin về phòng bệnh, có sự khuyến khích để thay đổi hành vi.
Ví dụ: áp dụng mô hình này để giáo dục sức khoẻ các cá nhân có nguy cơ bị các bệnh viêm quanh răng, bệnh ung thư niêm mạc miệng để thay đổi hành vi hút thuốc lá.
Lý thuyết về hành động hợp lý và hành vi được lập kế hoạch (có dự định): lý thuyết này đưa ra một cách giải thích về hành vi có thể được dự đoán trước bởi ý định của cá nhân để thực hiện hành vi đó.
Quá trình thay đổi hành vi không giống nhau giữa các cá nhân khác nhau. Có những người luôn sẵn sàng thay đổi cách ứng xử của mình khi họ cảm nhận có sự không phù hợp, tuy nhiên có những người rất chậm hoặc không thay đổi hành vi. Sử thay đổi hành vi thường diễn ra theo hai hướng:
– Thay đổi tự nhiên: hành vi thay đổi theo điều kiện tự nhiên như đôi khi chúng ta có những thay đổi cách ứng xử của mình theo cộng đồng xung quanh mà không suy nghĩ nhiều về điều đó.
– Thay đổi có kế hoạch: đối tượng lập kế hoạch thay đổi hành vi của mình như đối tượng từng bước từng bước giảm dần số lượng hút thuốc lá mỗi ngày rồi tiến tới từ bỏ hẳn.
2. Các giai đoạn thay đổi hành vi
Thay đổi hành vi là một quá trình và thông thường chuyển dịch qua nhiều giai đoạn ở các cá nhân, gồm năm giai đoạn chính.
1. Chưa quan tâm thay đổi hành vi:
Cá nhân chưa có hiểu biết về vấn đề sức khỏe họ đang mắc, chưa nhận thấy nguy cơ tiềm tàng của hành vi hay lối sống không lành mạnh của họ. Sau khi tiếp cận nguồn thông tin, đối tượng đã biết, đã được cung cấp kiến thức mặt có lợi nếu thay đổi hành vi.
2. Quan tâm, dự định để thay đổi hành vi:
Cá nhân đã có thông tin về nguy cơ của các hành vi không lành mạnh và nhận thấy các lợi ích của sự thay đổi. Đối tượng đã chấp nhận thay đổi nhưng còn chưa sẵn sàng vì còn thiếu một số thông tin và sự trợ giúp để đi đến quyết định. Giai đoạn này cần có sự trợ giúp về tinh thần, vật chất, đặc biệt sự giúp đỡ của tổ chức đoàn thể, bạn bè để tạo nên môi trường thuận lợi giúp các cá nhân thay đổi hành vi.
3. Cam kết, sẵn sàng thay đổi:
Cá nhân có sự quyết tâm thay đổi hành vi. Họ đã có ý định thay đổi và chuẩn bị cho sự thay đổi hành vi của mình. Cần được giúp đỡ để lập một kế hoạch cụ thể cho sự thay đổi.
4. Hành động:
Cá nhân thử nghiệm thực hiện hành vi mới, đồng thời đánh giá những lợi ích mà họ nhận được từ việc thực hiện hành vi mới. Họ có thể gặp phải một số khó khăn trong thời gian đầu thay đổi thói quen, do đó cần hướng dẫn, trợ giúp để vượt qua khó khăn, đồng thời cần có sự động viên, khích lệ tử người thân, bạn bè để đối tượng tiếp tục thực hiện và duy trì hành vi mới.
5. Duy trì hành vi đã thay đổi:
Các cá nhân thực hiện và duy trì hành vi mới có lợi cho sức khỏe của mình. Nếu hành vi mới này diễn ra trong môi trường thuận lợi thì sẽ có tính ổn định và bền vững. cá nhân sẽ nhận thức đúng lợi ích của sự thay đổi sẽ tuyên truyền và vận động người khác làm theo. Tuy nhiên, nếu gặp lại môi trường cũ hoặc những điều kiện thuận lợi cho sự quay trở lại hành vi cũ thì việc duy trì hành vi mới dễ bị phá vỡ, tái diễn hành vi cũ.
Hiểu biết sâu sắc các bước thay đổi hành vi sẽ giúp nhân viên y tế có những can thiệp phù hợp, hiệu quả giúp cho người dân thay đổi và duy trì hành vi mới, có lợi cho sức khỏe.
Các điều kiện cần thiết để thay đổi hành vi:
– Do đối tượng tự nguyện.
– Hành vi phải nổi bật, điển hình, gây hậu quả nhiều tới sức khỏe.
– Được duy trì qua thời gian. – Không quá khó cho đối tượng.
– Phải có sự trợ giúp xã hội.
3. Các dạng hành vi sức khỏe trong phòng khám răng hàm mặt của trẻ em và yếu tố ảnh hưởng
3.1. Phân loại hành vi sức khỏe trong phòng khám răng hàm mặt
Frankl và cộng sự (1962) là phân loại các hành vi ứng xử trong phòng nha theo bốn mức, là phân loại được sử dụng rộng rãi nhất:
– Hoàn toàn tiêu cực: từ chối điều trị, khóc nhiều, sợ hãi, hoặc có các dấu hiệu phản đối điều trị một cách dữ dội.
– Tiêu cực: miễn cưỡng chấp nhận điều trị, nhưng có thái độ bất hợp tác hoặc một số biểu hiện tiêu cực nhưng không rõ ràng (ví dụ: bộ mặt sưng sỉa, trẻ khó gần).
– Tích cực: đồng ý điều trị, đôi khi thận trọng, sẵn lòng hợp tác với bác sĩ răng hàm mặt, đôi khi tỏ ra dè dặt nhưng vẫn tuân theo những chỉ dẫn của bác sĩ răng hàm mặt.
– Hoàn toàn tích cực: có mối liên hệ tốt với bác sĩ răng hàm mặt, rất vui vẻ hài lòng khi điều trị, vui vẻ lạc quan trọng các tình huống.
3.2. Mô tả các dạng hành vi sức khỏe trong phòng khám răng hàm mặt
– Hành vi hợp tác: trẻ tỏ ra thoải mái, rất ít khi lo sợ. Một số trẻ còn tỏ ra hào hứng, nhiệt tình khi đi khám răng. Một số trẻ khác thì có những đặc điểm như ở nhóm có thái độ tích cực theo phân loại của Frankl. Với những trẻ này có thể chỉ cần giải thích rõ ràng, sử dụng phương pháp tiếp cận đơn giản như: nói – trình bày – làm (tell – show – do) và định hướng hành vi (behavior shaping) cho trẻ là có thể dễ dàng điều trị.
– Thiếu khả năng hợp tác:
+ Bao gồm những trẻ dưới 3 tuổi do chưa thể giao tiếp, vì vậy nếu nhất thiết phải điều trị cần sử dụng các loại thuốc an thần hoặc tiền mê.
+ Những trẻ bị suy nhược hoặc khuyết tật làm hạn chế sự hợp tác theo các cách thông thường. Vì vậy cần phải có sự hiểu biết về sự phát triển thể chất và trí tuệ phù hợp với độ tuổi của trẻ để có những phương pháp kiểm soát hành vi phù hợp như sử dụng ngôn ngữ cơ thể hoặc kìm giữ, dùng thuốc giảm đau an thần.
– Hành vi hợp tác tiềm tàng:
Biểu hiện là những hành vi không tốt, xảy ra ở cả những trẻ khoẻ mạnh bình thường hoặc khuyết tật. Đây là những trẻ hoàn toàn có khả năng thể hiện những hành vi bình thường, cần phân biệt với những trẻ thiếu khả năng hợp tác. Vì vậy, có thể thay đổi hành vi ở những trẻ này phù hợp với nhận thức theo lứa tuổi để trẻ trở nên hợp tác hơn.
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi trong phòng khám răng hàm mặt
Cũng chia làm ba loại yếu tố:
– Các yếu tố tiền đề
+ Sự phát triển thể chất, trí tuệ: liên quan đến nhận thức.
+ Sự sợ hãi, ám ảnh lo lắng,
+ Kinh nghiệm về những lần chữa trị trước đó, nhất là kinh nghiệm đau.
+ Yếu tố văn hoá, niềm tin, tôn giáo…
– Yếu tố củng cố, tăng cường: bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con cái. Nếu bố mẹ có thái độ tích cực cũng sẽ ảnh hưởng tích cực đến con cái. Ngược lại, nếu bố mẹ có những trải nghiệm đau đớn, sợ hãi thì thông thường trẻ cũng sợ hãi. Bố mẹ bị trầm cảm hoặc có tính cách bạo lực, lạm dụng thuốc, con cái thường có những hành vi và cảm xúc bất thường, hay chống đối…
Bên cạnh đó, thái độ và kỹ năng giao tiếp của bác sĩ, trợ thủ và thái độ của người tiếp đón trực tiếp và qua điện thoại (tông giọng, ánh mắt, cử chỉ…) cũng ảnh hưởng đến hành vi của trẻ: giảm bớt lo lắng, tạo sự tin tưởng…
– Yếu tố tạo điều kiện thuận lợi: Môi trường phòng nha: việc bố trí phòng nha thân thiện hay không, việc chứng kiến một trường hợp đang điều trị cũng có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến hành vi của trẻ.
Nguồn: Sách Tâm lý và Đạo đức trong Răng Hàm Mặt – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply