Cận lâm sàng chỉ định trong suy tim mạn

Suy tim là một hội chứng lâm sàng có nguyên nhân bệnh học đa dạng, dẫn đến biến đổi cấu trúc, chức năng của tim. Kết quả là áp lực trong buồng tim tăng cao, cung lượng tim giảm. Hầu hết các trường hợp suy tim là do sự rối loạn chức năng của cơ tim, bao gồm tâm thu, tâm trương hoặc cả hai. Tuy nhiên, sự bất thường tại van, màng ngoài tim, nội mạc tim và sự rối loạn dẫn truyền nhịp cũng là nguyên nhân đóng góp cho sự phát triển của suy tim.

Suy tim mạn là thuật ngữ để chỉ những bệnh nhân đã được chẩn đoán và đang điều trị suy tim ổn định hoặc những người bệnh có triệu chứng suy tim khởi phát từ từ.

1.Triệu chứng

Các triệu chứng cơ năng điển hình hay gặp trên hầu hết các bệnh nhân:

  • Khó thở và cơn khó thở kịch phát về đêm
  • Giảm khả năng gắng sức, tăng thời gian nghỉ giữa hai lần gắng sức
  • Mệt mỏi
  • Phù mắt cá chân

Các triệu chứng không điển hình, gặp trên một số bệnh nhân:

  • Ho về đêm
  • Thở rít
  • Cảm giác chướng bụng
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Hồi hộp, đánh trống ngực
  • Chóng mặt
  • Ngất
  • Cảm giác khó thở khi cúi người

suy tim mạn

Khi thăm khám, bác sỹ có thể thấy các dấu hiệu đặc hiệu của suy tim mạn như sau:

  • Tĩnh mạch cổ nổi
  • Phản hồi gan – tĩnh mạch cổ dương tính
  • Tiếng ngựa phi
  • Tăng diện đập của mỏm tim

2.Các phương pháp cận lâm sàng

2.1.Các peptide bài niệu : BNP, NTpro-BNP

Ngưỡng giá trị để chẩn đoán loại trừ suy tim:

  • B-type natriuretic peptide (BNP) < 35 pg/mL
  • N-terminal pro-B-type natriuretic peptide (NTpro-BNP) < 125 pg/mL

2.2.Điện tim 12 chuyển đạo

Hình ảnh điện tâm đồ bình thường: ít khả năng suy tim

Hình ảnh điện tâm đồ bất thường (rung nhĩ, có sóng Q bệnh lý, tăng gánh thất trái, phức bộ QRS giãn rộng): tăng khả năng chẩn đoán suy tim

2.3.Siêu âm tim

Đây là biện pháp thăm dò chính khảo sát chức năng tim, qua các thông tin về: phân suất tống máu thất trái, kích thước các buồng tim, vận động các thành tim, tính chất các van tim, chức năng tâm trương, chức năng thất phải, áp lực động mạch phổi để đánh giá cấu trúc, chức năng tim.

2.4.Chụp X-quang tim phổi

Hỗ trợ chẩn đoán suy tim: dấu hiệu ứ huyết phổi, bóng tim to, cung động mạch phổi nổi

Hỗ trợ chẩn đoán loại trừ: bệnh lý phổi, màng phổi

2.5.Các xét nghiệm máu thường quy

Giúp chẩn đoán nguyên nhân, chẩn đoán loại trừ, tiên lượng và hỗ trợ quá trình điều trị

công thức máu

Hoá sinh : urê, creatinine, AST, ALT, các thành phần lipid máu, tuyến giáp…

2.6.Nghiệm pháp gắng sức (thuốc, thể lực)

Giúp phát hiện triệu chứng cơ năng của suy tim trong trường hợp không khai thác được rõ ràng từ người bệnh và đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim khi gắng sức ở người bệnh đang cân nhắc tái tưới máu mạch vành.

Ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF), bệnh van tim hoặc những trường hợp khó thở không giải thích được nguyên nhân, siêu âm tim gắng sức có thể giúp chẩn đoán phân biệt.

2.7.Cộng hưởng từ tim

Trong chụp cộng hưởng từ tim, hình ảnh thu được trong pha muộn với gadolinium (LGE), thì T1 và sự phân bố thể tích dịch ngoại bào cho phép đánh giá được mức độ xơ hóa/ sẹo cơ tim dưới nội tâm mạc, điển hình với trường hợp thiếu máu cục bộ cơ tim trái ngược với hình ảnh tổn thương sẹo ở lớp giữa thành tim trong bệnh cơ tim dãn nở (giãn).

Ngoài ra, cộng hưởng từ tim còn cho phép phân biệt các tình trạng tổn thương cơ tim đặc trưng như viêm cơ tim, bệnh cơ tim thâm nhiễm amyloid (amyloidosis), bệnh Chagas, bệnh Fabry, bệnh cơ tim xốp, bệnh cơ tim do ứ đọng sắt và bệnh loạn sản cơ tim gây rối loạn nhịp.

2.8.Chụp xạ hình SPECT (single-photon emission CT)

Chụp xạ hình chùm đơn photon (SPECT) có thể được chỉ định để đánh giá tình trạng thiếu máu và sống còn cơ tim, tình trạng viêm hay thâm nhiễm cơ tim. Chụp xạ hình với Technetium (Tc) có gắn bisphosphonate được chứng minh là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán bệnh cơ tim amyloid thể trans-thyretin.

2.9.Chụp động mạch vành qua da

Chụp động mạch vành qua da là phương pháp thăm dò chẩn đoán được khuyến cáo ở những bệnh nhân suy tim có cơn đau thắt ngực hoặc đau ngực “kiểu mạch vành” nhằm chẩn đoán xác định và mức độ tổn thương động mạch vành. Phương pháp này cũng có thể được chỉ định ở những bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm có nguy cơ từ trung bình đến cao mắc bệnh mạch vành và ở những bệnh nhân có khả năng cần can thiệp tái tưới máu.

3. Chẩn đoán suy tim mạn

Chẩn đoán suy tim dựa trên sự kết hợp các triệu chứng cơ năng, thực thể và các xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng.  Phác đồ chẩn đoán suy tim của Bộ y tế: suy tim mạn

Nguồn: 1857/QĐ-BYT


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *