Bệnh nhân nhổ răng – Quản lý và chăm sóc.

Để chắc chắn rằng sự thành công trước, trong và sau quá trình phẫu thuật bệnh nhân nhổ răng số 8, Nha sĩ cần chú ý những việc cần làm và hiểu rõ bản chất của quá trình lành thương. Cùng tìm hiểu trong bài viết này.

benh-nhan-nho-rang-khon
Những lưu ý trong vấn đề nhổ răng khôn

1. Những việc cần làm trong lần hẹn bệnh nhân nhổ răng đầu tiên

Hỏi bệnh nhân

Những câu hỏi về các bệnh lý y khoa nói chung cần được bệnh nhân đọc kỹ và trả lời đầy đủ. Phẫu thuật viên nên hỏi:

  • Bệnh nhân có kiểm tra sức khỏe định kỳ không?
  • Bệnh nhân có uống thuốc gì sau những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ không?
  • Bệnh nhân có uống Aspirin không?
  • Bệnh nhân có thường bị dị ứng hay bị dị ứng với thuốc gì không?
  • Bệnh nhân có bệnh gì khác không?

Trước khi quyết định nhổ răng và cho thuốc trước bệnh nhân nhổ răng; trong phần bệnh sử, cần kiểm tra bệnh nhân có bao giờ bị viêm lợi trùm hay chưa.

Khám lâm sàng

Sau khi khám trong và ngoài miệng, phẫu thuật viên có thể đánh giá hết thông tin để quyết định phẫu thuật hay không. Cần cho bệnh nhân biết về những nguy cơ có thể xảy ra nếu không điều trị cũng như những tai biến có thể xảy ra khi phẫu thuật. Cung cấp cho bệnh nhân tờ cam đoan phẫu thuật để chắc chắn rằng bệnh nhân đã rõ những tại biến trong và sau phẫu thuật và đã đồng ý phẫu thuật. Tờ cam đoan phẫu thuật này không có nghĩa là loại bỏ hết trách nhiệm của bác sĩ trong quá trình phẫu thuật.

Tuy nhiên khi xảy ra kiện tụng, nó chứng minh rằng bệnh nhân đã được cung cấp đầy đủ thông tin về các nguy cơ có thể xảy ra và đây là cơ sở pháp lý khi giải quyết tranh chấp.

Những hướng dẫn trước khi phẫu thuật trong miệng

Phẫu thuật viên phải cung cấp cho bệnh nhân những hướng dẫn cần thiết. Nó gồm tóm tắc những lưu ý trước cũng như sau phẫu thuật nhằm giảm phản ứng viêm và tránh các biến chứng.

Trước phẫu thuật

Để cho cuộc phẫu thuật (bằng gây tê) có thể tiến hành với điều kiện tối ưu; bệnh nhân phải thực hiện những yêu cầu sau:

  • Dùng thuốc theo toa.
  • Không được uống Aspirin hay thuốc có nguồn gốc từ salicylic acid trong 10 ngày trước phẫu thuật.
  • Tránh hút thuốc, uống rượu bia trong 12 giờ trước phẫu thuật.
  • Ăn uống bình thường trước phẫu thuật.

Sau phẫu thuật

Để vết thương lành tốt và tránh những biến chứng có thể xảy ra, bệnh nhân cần thực hiện những yêu cầu sau:

  • Trong 24 giờ sau phẫu thuật:
    • Cắn chặt gạc liên tục ngay tại vị trí vừa nhổ răng, thay gòn 3 lần nếu cần.
    • Chườm lạnh ngay sau mổ trong 15 phút, cách nhau mỗi 30 phút trong vòng 4 giờ. Điều này giúp giảm sưng và chảy máu.
    • Uống thuốc theo toa ngay cả khi không thấy dấu hiện sưng đau trong những giờ đầu sau phẫu thuật.
    • Tránh ăn uống thức ăn nóng.
    • Không hút thuốc.
    • Tránh súc miệng. Trong những trường hợp có chảy ít máu, bệnh nhân có thể súc miệng bằng nước lạnh và cắn chặt gạc lại ngay tại vị trí phẫu thuật.
    • Nằm tư thế đầu cao nếu nằm xuống.
  • Trong tuần đầu tiên sau mổ:
    • Súc miệng bằng nước sạch, lạnh, cắn gạc ngay tại vết thương; gạc nên thay sau mỗi 10 phút nếu có chảy máu. Liên hệ ngay bác sĩ phẫu thuật.
    • Đánh răng bằng nước lạnh, tránh vùng mổ.
    • Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn trên toa và đúng thời gian.

Đánh giá tia X

Đánh giá phim tia X bằng phim thường quy nhưng tốt nhất là khảo sát bằng CT- scanning trước phẫu thuật.

Thuốc trước mổ

Giảm đau

Dùng thuốc giảm đau không có nguồn gốc từ salicylic acid 30 phút trước mổ.

Kháng sinh: Dùng kháng sinh cho bệnh nhân trong tất cả những trường hợp có:

  • Bệnh lý valve tim, tiểu đường, thận hay bệnh có liên quan đến hệ thống miễn dịch.
  • Tiền sử viêm lợi trùm hay hình ảnh thấu quang trong xương tại vị trí phẫu thuật nghĩ nhiều do viêm nhiễm.

Thuốc an thần: Một số trường hợp cần thuốc an thần, bệnh nhân cần đi tiểu trước phẫu thuật và có hai người theo dõi liên tục sau phẫu thuật đến khi bệnh nhân ổn định.

Các giai đoạn phẫu thuật

Chăm sóc bệnh nhân

Nhóm mổ cần thống nhất và chắn chắn rằng cuộc mổ diễn ra thành công, ngoài bảo đảm chất lượng của cuộc mổ, còn cần phải lưu ý rằng:

  • Trước phẫu thuật: chắc chắn rằng bệnh nhân (người lớn) đã tin tưởng điều trị. Sự thành công của phẫu thuật, đặc biệt dưới gây tê, tùy vào mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân ở lần hẹn đầu tiên.
  • Trong suốt quá trình phẫu thuật: bệnh nhân nên được theo dõi liên tục, đặc biệt là những dấu hiệu bệnh nhân xỉu.
  • Sau phẫu thuật: các hướng dẫn đã được nói ở lần gặp đầu tiên cần nhắc lại, giải thích cho bệnh nhân rõ.

Các giai đoạn sau phẫu thuật

Thuốc sau phẫu thuật

  • Giảm đau: Trong 24 giờ đầu cần phải uống thuốc giảm đau, sau 24 giờ tiếp theo thì chỉ uống khi cần.
  • Kháng sinh: Kháng sinh toàn thân cần thiết khi bệnh nhân có các bệnh lý toàn thân như đã đề cập ở trên, xương bộc lộ nhiều trong quá trình phẫu thuật.
  • Kháng viêm: Cùng với kháng sinh, thuốc kháng viêm steroid hay non-steroid cần cho bệnh nhân.
  • Súc miệng: Súc miệng trong 24 giờ sau phẫu thuật.
  • Theo dõi: Những lần hẹn theo dõi sau phẫu thuật là lần hẹn đầu tiên sau 7 ngày mổ. Với những lần hẹn này, bệnh nhân cần được theo dõi và hướng dẫn sau mổ giúp tránh những biến chứng của phẫu thuật và lành thương.
  • Cắt chỉ
    • Ở bệnh nhân hay lo lắng, tốt nhất là dùng chỉ tiêu trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với trường hợp khâu bằng chỉ không tiêu, cắt chỉ là thủ thuật nhẹ nhàng, hầu như không đau. Dùng kéo đầu nhọn và chắc chắn rằng chỉ được cắt và lấy ra hoàn toàn. Bất cứ những đoạn chỉ nào dù nhỏ còn lại cũng đều có khả năng gây nhiễm trùng.
    • Thời gian lành thương khác nhau đối với từng bệnh nhân, vì thế có nhiều bệnh nhân có thể cắt chỉ trễ sau 8 ngày mổ.
  • Vệ sinh răng miệng:
    • Sau khi cắt chỉ, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi súc miệng và đưa bàn chải đánh răng vào vùng mổ. Trong suốt những tuần tiếp theo, nên súc miệng bằng dung dịch 0.2% chlohexidine gluconate nhằm giúp vết thương lành nhanh hơn.
    • Dù có yêu cầu bệnh nhân ngưng hút thuốc sau phẫu thuật, phẫu thuật viên nên nhấn mạnh lại những tác hại của thuốc lá lên quá trình lành mô mềm sau mỗi lần hẹn.

Theo dõi sự lành thương

Đóng vết mổ: Phẫu thuật viên nên lưu ý 3 trường hợp sau:

  • Với răng ngầm: Sau khi bệnh nhân nhổ răng và xương ổ răng còn lại được làm sạch, cần đặt vạt lại đúng vị trí ban đầu của nó. Mô mềm và nuớu vùng lồi củ xương hàm trên khâu lại cẩn thận, chỉ khâu nên cắt sau 1 tuần. Phẫu thuật này thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi.
  • Răng mọc ngầm một phần: Trong những trường hợp răng mọc kẹt một phần, thường không thể khâu kín sau khi phẫu thuật. Phần niêm mạc của đường rạch được khâu lại theo bờ-bờ. Bờ xương ổ răng được gọt dũa kỹ đồng thời khâu lại hai mép vết thương bằng mũi giảm căng trên ổ răng. Mũi khâu phía xa R7 có tác dụng bảo vệ khối xương ổ và chân R7 (có thể lộ trong quá trình phẫu thuật).
  • Mất bám dính:
    • Trong trường hợp bệnh nhân có viêm lợi trùm, cần làm sạch ổ răng để loại trừ các bệnh tích đồng thời xử lý mặt chân R7 nếu có lộ ra. Điều này giúp kích thích tái bám dính cho R7.
    • Trong 3 trường hợp trên, cần tiến hành kiểm tra mô nha chu của răng cối kế cạnh trong suốt quá trình liền thương.
    • Sau phẫu thuật, mô niêm mạc cần được đặt lại vị trí cũ. Sự sửa chữa sinh học sẽ tái tạo lại những cấu trúc và phục hồi lại những chức năng vốn có của mô mềm trước đó. Lớp thượng mô bắt đầu tái sinh, bắt đầu từ lớp tế bào đáy trong vòng 5 ngày sau mổ. Vùng đỉnh xương ổ răng, mặt chân răng được bao bọc bởi những lớp mô sợi collagen. Mô còn lại này giúp hệ thống mô sợi tái bám dính trên R7 sau này (Schroeder). Điều này giải thích tại sao vạt bao phía trước cần được băng ép bằng gạc sau phẫu thuật tại gai nướu. Giảm đến mức tối thiểu cục máu đông tại vùng này nhằm giúp sự lành thương nguyên phát.

Sự lành thương tại gờ xương ổ răng

Trong tuần đầu tiên, mô hạt thay thế cục máu đông. Vào tuần thứ hai, mô liên kết và các bè xương xuất hiện ở đáy ổ răng, bắt đầu từ thành ổ răng. Sau 4-5 tuần, lớp lamina dura biến mất trên phim tia X.

Gờ xương ổ răng (phía lưỡi và phía má) của ổ răng sẽ tái tạo lại hình thể và trở nên tròn hơn. Tuy nhiên, phía xa chân R7 có thể xuất hiện mô mới nhưng ở những mức độ khác nhau trong ổ răng. Nhiều nghiên cứu cho thấy các vấn đề lành thương vùng này. Kết luận của hầu hết các nghiên cứu này là:

  • Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân nhổ răng trước 25 tuổi sẽ không xảy ra hiện tượng tiêu xương sau 2 năm theo dõi (Marmary et al; Kugelberg et al)
  • Ngược lại, thành lập túi bên trong xương là bình thường ở người lớn tuổi (trên 25 tuổi). Vì thế, tuổi bệnh nhân là yếu tố quan trọng trong quá trình lành thương.
  • Khi R8 kẹt, những vùng quanh thân và chân R7 không phải là yếu tố gây bệnh và không có hiện tượng tiêu chân xảy ra. Nếu R8 kẹt vào R7, bề mặt chân R7 có thể bị tiếp xúc với R8, nhưng không có hiện tượng nhiễm trùng xảy ra. Trong trường hợp này, lúc mổ cần phải bảo vệ bề mặt chân răng này và phần xương ổ giữa R8 & R7.
  • Tuy nhiên, ở những trường hợp R8 không mọc ngầm, bao mầm răng thông với môi trường miệng trong nhiều năm có thể đưa đến tiêu chân R7 và vách xương giữa R7 và R8.
  • Trong tất cả các trường hợp, theo dõi hậu phẫu và vệ sinh răng miệng thật kỹ là điều cần thiết giúp lành thương tốt. Xương quanh ổ R8 thường bị tiêu trong những ngày đầu tiên sau mổ. Tuy nhiên, nó có thể tái sinh bằng vị trí lúc đầu sau 10 tuần ở bệnh nhân trẻ hơn 25 tuổi.

Theo Korbendau, J. M., & Korbendau, X. (2019). Clinical success in impacted third molar extraction. Quintessence International Editeur.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *