Viêm gan B mạn là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do virus viêm gan B (HBV) gây ra. HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỉ lệ nhiễm HBV >8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con.
HBV có thể gây viêm gan tối cấp, viêm gan cấp và viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, HCC. Hơn 95% người lớn bị viêm gan B cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng virus. Điều trị viêm gan B cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ.
1. Chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B mạn.
- HBsAg và/hoặc HBV DNA dương tính ≥ 6 tháng, hoặc
- HbsAg dương tính và anti-HBc IgM âm tính.
2. Điều trị viêm gan B mạn.
2.1 Mục tiêu điều trị.
- Ức chế lâu dài sự sao chép của HBV.
- Cải thiện chất lượng sống, ngăn ngừa diễn tiến xơ gan, HCC.
- Dự phòng lâu truyền HBV cho cộng đồng bao gồm dự phòng lây truyền mẹ con.
- Dự phòng đợt bùng phát viêm gan B.
2.2 Nguyên tắc điều trị.
- Lựa chọn ban đầu là các thuốc uống nucleotide analogues (NA). Chỉ nên dùng phác đồ có Peg-IFN đối với một số trường hợp đặc biệt.
- Điều trị viêm gan B mạn với NA là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời.
- Tuân thủ điều trị.
2.3 Chuẩn bị điều trị.
- Tư vấn cho người bệnh về các vấn đề sau:
+ Sự cần thiết, mục tiêu và hiệu quả điều trị với thuốc kháng virus.
+ Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị (cách uống thuốc, uống thuốc đúng giờ, tái khám đúng hẹn).
+ Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, theo dõi và đánh giá điều trị.
+ Thời gian điều trị lâu dài, có thể suốt đời (với NA).
+ Tác dụng không mong muốn của thuốc.
+ Biến chứng HCC có thể xảy ra, kể cả trong quá trình điều trị thuốc kháng virus, đặc biệt các trường hợp có xơ hóa gan F ≥3.
+ Tổng phân tích tế bào máu.
+ AST, ALT, creatinine huyết thanh.
+ Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan khi cần thiết như bilirubin, albumin, tỉ lệ prothrombin, INR.
+ Siêu âm bụng, AFP.
+ HBeAg, tải lượng HBV DNA.
+ Anti-HCV.
+ Đánh giá giai đoạn xơ hóa gan bằng chỉ số APRI hoặc một trong các kĩ thuật: Fibroscan, sinh thiết gan.
+ Nếu người bệnh điều trị Peg-IFN cần làm thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp (TSH, FT3, FT4), điện tâm đồ.
+ Các xét nghiệm khác theo chỉ định lâm sàng.
3. Các chỉ định điều trị viêm gan B mạn.
3.1. Đối với trường hợp xơ gan còn bù hoặc mất bù.
Chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và/hoặc kết quả đánh giá xơ hóa gan là F4 bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc sinh thiết.
Điều trị khi tải lượng HBV DNA trên ngưỡng bất kể nồng độ ALT và tình trạng HBeAg.
3.2. Đối với trường hợp không xơ gan.
Điều trị viêm gan B mạn cho người bệnh khi đáp ứng cả 2 tiêu chuẩn.
- Tổn thương tế bào gan.
- AST, ALT >2 lần giới hạn trên và/hoặc
- Xơ hóa gan F ≥ 2
- Virus đang tăng sinh:
- HBV DNA ≥ 20,000 IU/mL (≥10exp5 copies/mL) nếu HBeAg dương tính.
- HBV DNA ≥2,000 IU/mL (≥10exp4 copies/mL) nếu HBeAg âm tính.
Đối với các trường hợp chưa đáp ứng đủ 2 tiêu chuẩn trên, chỉ định điều trị khi có một trong các tiêu chuẩn sau:
+ Trên 30 tuổi với mức ALT cao hơn giới hạn trên kéo dài (ghi nhận ít nhất 3 lần trong khoảng 24 – 48 tuần) và HBV DNA >20,000 IU/mL, bất kể tình trạng HBeAg.
+ Có tiền sử gia đình có HCC hoặc xơ gan.
+ Có các biểu hiện ngoài gan như viêm cầu thận, viêm đa khớp, cryoglobulin máu, viêm đa nút động mạch.
+ Tái phát sau ngưng điều trị thuốc kháng virus HBV.
3.3. Thuốc điều trị.
- Tenofovir disoproxil fumarate (TDF): liều 300mg/ngày, chỉnh liều theo mức lọc cầu thận. Trẻ em ≥12 tuổi và ≥35kg dùng liều như người lớn. Tác dụng phụ: Bệnh thận, hội chứng Fanconi, hội chứng loãng xương, nhiễm toan lactic.
- Entecavir (ETV): liều 0.5mg/ngày (1mg/ngày nếu từng sử dụng lamivudine hoặc có xơ gan mất bù), chỉnh liều theo mức lọc cầu thận. Tác dụng phụ: nhiễm toan lactic.
- Tenofovir alafenamide: liều 25mg/ngày, không cần giảm liều trong suy thận. Trẻ ≥12 tuổi dùng liều người lớn. Tác dụng phụ: nhiễm toan lactic, không chỉ định cho xơ gan mất bù.
- Peg-IFN-α-2a người lớn và IFN-α-2b cho trẻ em: 180µg/tuần. Trẻ ≥1 tuổi: 6 triệu đơn vị/m2 x3 lần/tuần. Tác dụng phụ: giả cúm, mệt mỏi, rối loạn tâm thần, giảm bạch cầu, rối loạn miễn dịch ở người lớn, chán ăn và sụt cân.
3.4. Thời gian điều trị.
- Với thuốc NA, điều trị kéo dài, có thể suốt đời. Người xơ gan phải điều trị suốt đời. Người chưa xơ gan: điều trị lâu dài, có thể xem xét ngưng điều trị trong các trường hợp sau đây.
+ Viêm gan B mạn có HBeAg dương: ngưng sau khi điều trị thêm 12 tháng kể từ khi chuyển huyết thanh HBeAg hoặc mất HBsAg.
+ Viêm gan B mạn có HBeAg âm tính: ngưng điều trị khi tải lượng HBV DNA dưới ngưỡng và mất HBsAg.
+ Nếu không thể đo tải lượng HBV DNA thì ngưng thuốc khi mất HBsAg ít nhất 12 tháng.
+ HBcrAg âm tính.
- Chỉ ngưng khi người bệnh có điều kiện theo dõi định kỳ trong thời gian dài để đánh giá khả năng tái hoạt HBV sau khi ngưng thuốc.
Nguồn: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút B. Bộ Y tế 2019.
Leave a Reply