Quá trình điều trị phục hồi răng do rối loạn quá trình phát triển cũng cần phải theo chỉ định và quy tắc riêng trên từng bệnh nhân, nhóm bệnh. Bài viết sau đây nhằm mục đích giới thiệu tổng quan các phương pháp điều trị phục hồi, chỉ định, chống chỉ định trên từng phương pháp. Cùng tìm hiểu.
1. Điều trị phục hồi – tạo men không hoàn chỉnh
Tuỳ theo mức độ tổn thương trên lâm sàng để chọn các phương pháp điều trị thích hợp:
– Trám thẩm mỹ bằng composite (với răng cửa).
– Phục hình bằng veneer hay chụp bọc với răng cửa, inlay – onlay hay chụp bọc với răng hàm.
1.1. Trám thẩm mỹ bằng composite
– Trường hợp thiểu sản ít, hình thể răng không bị ảnh hưởng chỉ cần trám composite tại vùng thiểu sản. Lưu ý: Nên lựa chọn composite màu men (trong), có thể sử dụng composite lỏng tại những vị trí không chịu lực.
– Trường hợp thiểu sản nhiều ảnh hưởng đến hình thể răng có thể trám composite toàn bộ mặt ngoài răng.
– Chỉ định:
+ Răng có thiểu sản men nhiều gây biến đổi hình dạng răng.
+ Răng có thiểu sản men kèm nhiễm màu mức độ nhẹ và vừa (nhiễm tetracycline mức độ 1 và 2, cân nhắc mức độ 3).
– Chống chỉ định:
+ Khớp cắn không thuận lợi (lệch lạc khớp cắn…).
+ Nhiễm màu quá nặng (nhiễm tetracycline mức độ 4, một số trường hợp mức độ 3).
+ Bệnh nhân có tật nghiến răng hoặc có thói quen ăn các đồ ăn quá cứng.
– Các bước tiến hành:
+ Lập dự án thẩm mỹ: Đắp composite (không sử dụng keo dán và etching) lên toàn bộ vùng thiểu sản, khôi phục lại hình thể răng theo cấu trúc giải phẫu và chiếu đèn. Lấy mẫu cung hàm bệnh nhân và dập máng mềm. Đây sẽ là “dấu khoá” cho phục hình composite sau này.
+ Mài răng: Dùng mũi khoan tròn hoặc trụ tạo những điểm hoặc rãnh định hướng lên bề mặt răng sâu 0,3 – 0,5mm. Sau đó mài toàn bộ mặt ngoài răng theo những điểm (rãnh) định hướng này, lưu ý không xâm phạm vùng kẽ răng. Vì composite có thể gây viêm đường hoàn tất nên để trên lợi (với trường hợp mẫu răng sống) hoặc ngang bằng lợi (với trường hợp răng sậm màu).
+ Tiến hành trám composite nếu răng sẫm màu có thể đặt một lớp opac trước khi đắp composite. Để màu răng tự nhiên nên sử dụng composite màu men cho phần rìa cắn. Sau đó, đặt máng mềm vào và chỉnh sửa composite theo “dấu khóa” đã chuẩn bị trước. Chiếu đèn từng răng và gỡ máng ra.
+ Hoàn thiện, đánh bóng mỗi trám composite.
– Ưu, nhược điểm của trám thẩm mỹ bằng composite
+ Ưu điểm: đơn giản, rẻ tiền.
+ Nhược điểm:
• Composite dễ gây viêm lợi nên đòi hỏi phải hoàn thiện đường hoàn tất thật trơn láng và nên để trên lợi.
• Màu sắc không tự nhiên (đục).
• Dễ bong vỡ.
1.2. Phục hình bằng veneer (mặt dán sứ)
Các bước tiến hành:
– Lập dự án thẩm mỹ: Tương tự như với trám composite nhưng “dấu khoá” được sử dụng là silicon nặng. Đặt silicon nặng phủ lên toàn bộ vùng răng cần làm thẩm mỹ (sau khi đắp composite tạm). Đợi silicon khô và lấy ra. Sử dụng lưỡi dao mổ cắt silicon thành từng lớp mỏng theo trục thân răng của từng răng.
– Mài răng: Tương tự như mài trong trám composite nhưng sau hơn 0,5 – 1mm (tuỳ theo màu sắc lõi răng). Có các loại mặt dán sứ sau:
+ Mặt dán đến rìa cắn.
+ Mặt dán quá rìa (chờm mặt trong).
+ Mặt dán đến gót răng.
Việc lựa chọn loại mặt dán sứ phụ thuộc vào khớp cắn, hình thể răng, mức độ răng cần mài.
– Khi mài luôn chú ý kiểm tra bằng “dấu khoá” silicon để tránh mài quá nhiều mô răng.
– Lấy dấu silicon và gửi xưởng.
– Gắn mặt dán sứ: sử dụng chất dán chuyên dụng. Cần đặt Ruberdam và chỉ co nướu để cách ly nước bọt tốt.
– Ưu, nhược điểm của mặt dán sứ:
+ Ưu điểm:
• Mài ít mô răng, không gây ảnh hưởng tủy.
• Màu sắc đẹp tự nhiên.
• Không gây viêm lợi,
• Là phục hình khá bền vững nếu được làm đúng kỹ thuật.
+ Nhược điểm:
• Đắt tiền.
• Đòi hỏi nha sĩ có kinh nghiệm.
2. Điều trị phục hồi – Trường hợp tạo ngà bất thường
Điều trị các bất thường ngà răng cũng giống như trong bất thường men răng, vừa có mục đích dự phòng các biến chứng mòn răng, vỡ răng, hở tuỷ, vừa có mục đích phục hồi thẩm mỹ. Điều trị tạo ngà bất thường bao gồm các giai đoạn sau:
– Điều trị tủy với những răng có tổn thương tuỷ.
– Trám phục hồi bằng composite.
– Phục hình răng bằng chụp. Mặt dán sứ không phải là lựa chọn trong điều trị tạo ngà bất thường do bệnh nhân thường có khớp cắn không thuận lợi, màu sắc răng quá sậm.
Những bất thường ngà răng – men răng ở hàm răng sữa, răng hỗn hợp, để để phòng mất chiều cao tầm cắn dọc do mòn – vỡ răng, người ta có thể bọc răng bằng những chụp tiền chế.
3. Điều trị phục hồi trường hợp nhiễm màu
3.1. Nhiễm màu sinh lý
Đây là sự nhiễm màu bề mặt, cấu trúc hoá học bên trong không thay đổi. Điều trị những nhiễm màu này chỉ cần lấy cao răng, đánh bóng bề mặt.
3.2. Nhiễm màu bệnh lý
Những nhiễm fluor đơn giản, mảng màu nhỏ – ít (không có tổn thương cấu trúc răng) hay những nhiễm tetracycline mức độ 1 và 2 có thể dùng phương pháp tẩy trắng răng. Có thể sử dụng phương pháp tẩy trắng tại ghế hay tẩy tại nhà.
– Kỹ thuật tẩy tại ghế dùng peroxide carbamide 35% nên dùng kèm máng tẩy để đẩy nguyên tử oxy vào răng, hơn nữa máng có thể sử dụng để duy trì. Kỹ thuật tẩy tại ghế có thể kết hợp với ánh sáng để thúc đẩy quá trình tẩy trắng, tuy nhiên cũng cần lưu ý nếu ánh sáng sinh nhiệt có thể gây ngoại tiêu vùng cổ răng hay gây chết tủy. Vì vậy nên sử dụng ánh sáng không sinh nhiệt (ánh sáng lạnh).
– Tẩy trắng tại nhà dùng gel peroxide carbamide 10 – 22% (tương đương peroxide hydrogen 3,3 – 6,6%) và máng tẩy. Thời gian tẩy trắng:
+ Mỗi ngày đeo máng 2 – 8 giờ.
+ Nhiễm màu tự nhiên (do sự già đi của răng): 1 – 4 tuần.
+ Nhiễm màu bệnh lý.
Màu vàng: 2 – 8 tuần.
Màu nâu: 4 – 12 tuần.
Màu xám: 6 – 20 tuần.
Màu tím: 8 – 24 tuần.
Lưu ý: Sau khi kết thúc quá trình tẩy trắng luôn luôn cho bệnh nhân dùng các thuốc tăng khả năng tái khoáng hóa:
+ Kali nitrat 5% (giảm nhạy cảm).
+ Fluor 0,22% (3 – 5 phút), dùng 3 – 4 tối ngay sau tẩy trắng.
– Với những mảng nhiễm màu (fluor) nhỏ, có thể sử dụng phương pháp vi soi mòn men răng có kiểm soát: Acid clohydric xói mòn 45 – 100 micromet (sản phẩm Opalustre của Ultradent). Bôi acid lên răng, dùng đài cao su đánh bóng.
– Những nhiễm màu tetracyclin mức độ 3,4 cũng nên tẩy trắng trước khi làm veneer 2 tuần.
Nguồn:
1. Robin Onchardson, David G.Gllam (2006). “Managing dentin hypersensitivity”, J Am Dent Assoc, vol.37, no.7, pp 990-998.
2. Jose Martinez Ricarte et al (2008). “Dentinal sensitivity: Concept and methodology for its objective evalution”. Med Oral Patol Oral Cir Bucal, 13 (3), pp. 201-206
3. Howard E Strassler (2008), “Managing dentin hypersensitivity”, Inside Dentistry, vol. 4.
4. Bao-Tram Hoang Dao, Hung Hoang Tu el al (2008), “Evaluation of a natural resin-based new material (Shellac F) as a potential desensitizing agent”, Dental Meiterials, 24, pp.1001-1007.
5. Satoshi Matsui, Masahiro Kozuka (2008), “Stimulatory effects of CO, laser, Er:YAG laser and Ga-Al-As laser on exposed dentinal tubule orifices”, J Clin Biochem Nutr, 42(2), pp.138-143.
6. Mi-Young Song (2010), “Full mouth rehabilitation of the patient with severely worn dentition: a case report”, J Advanced Prosthodontics, 2(3), pp. 106-110.
7. Jonhnson GK, Sivers JE (1987). “Attrition, abrasion and erosion: diagnosis and therapy”, Clin Prev Dent 9, pp.12–16.
8. Dawson P.E (1989). “Evaluation, diagnosis, and treatment of occlusal problems”, Mosby company,2ed, St-Louis.
9. Witkop CJ Jr (1988), “Amelogenesis imperfect, dentinogenesis imperfect and dentin dysplasia revisited: Problem in classification”, J Oral Pathol & Medecine, vol 17 (9-10), pp.547-553.
10. Linda Greenwall (2001), Bleaching techniques in restorative dentistry. 11. Herthersay (2007), “Management of tooth resorption”, Australian Dental Journal
Supplement, 52(1), pp. 105-121.
Leave a Reply