Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) là một dạng tổn thương phổi nặng và nguy hiểm đến tính mạng, có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh lý này được đặc trưng bởi tổn thương viêm lan rộng trong phổi, dẫn đến sự suy giảm trao đổi khí và suy hô hấp. Nhận biết và điều trị ARDS kịp thời là rất quan trọng để cải thiện kết quả điều trị và giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh lý này. Các nhà lâm sàng thường dùng bộ tiêu chuẩn Berlin để chấn đoán và đánh giá mức độ của ARDS.
1. Nguyên nhân của ARDS
Hơn 60 nguyên nhân khả dĩ có thể dẫn đến ARDS đã được xác định. Các nguyên nhân tiềm năng khác tiếp tục xuất hiện khi càng ngày càng có nhiều phương pháp điều trị mới bắt đầu được ứng dụng và tác động xấu lên hệ hô hấp của những phương pháp này bắt đầu được ghi nhận. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân phổ biến giải thích cho phần lớn các trường hợp ARDS. Ngoài ra còn có những yếu tố bệnh lý khác đóng vai trò là những yếu tố thúc đẩy của ARDS. Một số nguyên nhân phổ biến nhất của ARDS được chọn lọc để giới thiệu trong bài viết này:
- Nhiễm trùng huyết – Được biết đến là nguyên nhân phổ biến nhất của ARDS. Các tính trạng liên quan đến nhiễm trùng nặng nên luôn là nguyên nhân đầu tiên cần được xem xét khi ARDS phát triển ở bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng nghiêm hoặc liên quan đến sốt mới xuất hiện. Nguy cơ tiến triển ARDS đặc biệt cao ở những bệnh nhân nhiễm trùng nặng và tiền sử nghiện rượu.
- Hít sặc – Nghiên cứu kinh điển của Mendelson cho thấy hít phải các chất tiết từ dạ dày có pH<2.5 có khả năng gây tổn thương rộng rãi nhu mô phổi và dẫn đến ARDS. Gần các nghiên cứu trên động vật tiếp tục cho thấy hít phải các chất dịch từ dạ dày không có hoặc ít có tính axit cũng có thể gây ra tổn thương rộng rãi đến phổi. Điều này chứng tỏ các men tiêu hóa ở dạ dày và các hạt thức ăn nhỏ cũng đóng góp vào tổn thương phổi. Các dữ kiện từ các nguyên cứu quan sát chỉ ra rằng ARDS xuất hiện ở khoảng 1/3 bệnh nhân được ghi nhận là có các đợt hít sặc chất dịch từ dạ dày.
- Viêm phổi – Đối với các trường hợp ARDS xuất hiện từ bên ngoài bệnh viện, viêm phổi có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất. Các tác nhân gây viêm phổi có thể dẫn đến ARDS cũng rất đa dạng, bào gồm từ phế cầu kinh điển, tụ cầu vàng, Legionella pneumophila, Pneumocystis jirovecii, các trực khuẩn Gram âm đường ruột hay các vi rút đường hô hấp (đặc biệt là SARS-CoV-2 trong những năm đại dịch gần đây). Đối với viêm phổi mắc phải ở bệnh viện diễn tiến đến ARDS, các tác nhân thường gặp là tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh và các trực khuẩn Gram âm đường ruột khác.
- Chấn thương nặng – ARDS là một biến chứng của chấn thương nặng với tỷ lệ xuất hiện khoảng 10%. Một số tình huống thường dẫn đến ARDS liên quan chấn thương như: Dập phổi hai bên do chấn thương ngực kín, thuyên tắc mỡ do gãy xương dài, nhiễm trùng vết thương hay vết bỏng
- Truyền máu – Truyền nhiều chế phẩm máu cũng là một yếu tố nguy cơ gây ARDS.
2. Tiêu chuẩn Berlin trong chẩn đoán ARDS
Năm 2011, Hiêp hội hồi sức Châu Âu (European Society of Intensive Care Medicine) xây dựng bộ tiêu chuẩn chẩn đoán ARDS và giới thiệu tại Hội nghị Âu – Mỹ thống nhất về ARDS tại Berlin năm 2012. Bộ tiêu chuẩn gồm 4 tiêu chỉ chuẩn đoán và phân độ ARDS dựa trên mức độ thiếu oxy máu.
2.1 Tiêu chuẩn chẩn đoán
Theo tiêu chuẩn Berlin năm 2012, Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) được chuẩn đoán khi đáp ứng đủ cả 04 tiêu chí sau:
- Các triệu chứng hô hấp phải bắt đầu trong vòng một tuần sau một sự tổn thương đã biết trước trên lâm sàng hoặc bệnh nhân phải có các triệu chứng mới hoặc triệu chứng trở nên nặng hơn trong tuần qua.
- Cả hai phế trường có hình ảnh thâm nhiễm mờ trên X-quang hoặc phim CT mà không được giải thích hoàn toàn bởi tràn dịch màng phổi, xẹp thùy phổi, xẹp phổi hay các nốt ở phổi.
- Suy hô hấp của bệnh nhân không được giải thích hoàn toàn bởi suy tim hoặc quá tải dịch.
- Bệnh nhân phải có sự suy giảm khả năng oxy hóa máu của phổi, theo định nghĩa của tỉ lệ phân áp oxy động mạch/nồng độ oxy khí hít vào (PaO2/FiO2) ≤ 300 khi thở với áp lực dương cuối thì thở ra (PEEP) ≥ 5 cmH2O.
2.2 Phân độ ARDS
ARDS được phân thành 3 mức độ nhẹ – trung bình – nặng dựa trên tỷ só PaO2/FiO2 với PEEP ≥ 5 cmH2O. Để xác định tỉ lệ PaO2/FiO2, cần phải phân tích khí máu động mạch. Để tính toán tỉ lệ PaO2/FiO2, cần đo PaO2 tính bằng mmHg và FiO2 được biểu thị dưới dạng một số thập phân có giá trị từ 0,21 đến 1.
- Nhẹ: 200 < PaO2/FiO2 ≤ 300 với PEEP ≥ 5 cmH2O
- Trung bình: 100< PaO2/FiO2 ≤ 200 với PEEP ≥ 5 cmH2O
- Nặng: PaO2/FiO2 < 100 với PEEP ≥ 5 cmH2O
Việc chẩn đoán sớm ARDS là vô cùng quan trọng để đưa ra liệu pháp điều trị hiệu quả và giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, chúng tôi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị ARDS, đảm bảo tối đa khả năng phục hồi sức khỏe của bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo:
The ARDS Definition Task Force*. Acute Respiratory Distress Syndrome: The Berlin Definition. JAMA
Leave a Reply