Các thuốc alkyl hóa là một nhóm thuốc được sử dụng tương đối rộng rãi trong việc điều trị ung thư, đặc biệt là một số loại ung thư máu, u lympho và các u đặc khác. Việc sử dụng các thuốc này thường gây không ít tác dụng phụ lên người bệnh như nôn mửa, rụng tóc, suy nhược cơ thể, gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Vậy cơ chế gây ra các tác dụng phụ của nhóm thuốc này là gì và làm gì để hạn chế các tác dụng không mong muốn đó, bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên.
1. Các thuốc alkyl hóa là gì và thường được sử dụng trong điều trị loại ung thư nào?
Các thuốc alkyl hóa là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị ung thư bằng cách tấn công và phá hủy các tế bào ung thư. Các nhóm thuốc alkyl hóa thường được sử dụng bao gồm:
• Nitrogen mustards: Bao gồm các thuốc như cyclophosphamide, ifosfamide, chlorambucil và melphalan.
• Nitrosoureas: Bao gồm các thuốc như carmustine, lomustine và semustine.
• Methylating agents: Bao gồm các thuốc như temozolomide, dacarbazine, procarbazine và streptozocin.
• Alkyl sulfonates: Bao gồm các thuốc như busulfan.
• Ethyleneimines: Bao gồm các thuốc như thiotepa.
• Triazines: Bao gồm các thuốc như dacarbazine.
Các thuốc alkyl hóa được chứng minh là có tác dụng điều trị trong một số loại leukemia, u lympho, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt và nhiều loại ung thư khác. Trong đó, thuốc Cyclophosphomide được xem là nhóm có tác dụng rộng và được sử dụng phổ biến, chủ yếu có tác dụng trong các bệnh liên quan tới miễn dịch hoặc sử dụng cho bệnh nhân ghép tạng.
2. Cơ chế hoạt động của các thuốc alkyl hóa
Các thuốc alkyl hóa là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị ung thư bằng cách tấn công và phá hủy các tế bào ung thư. Các thuốc này hoạt động bằng cách gắn vào gốc base của các nucleotide trong chuỗi DNA, từ đó gây ra các đột biến gen và phá hủy tế bào. Các thuốc alkyl hóa cũng có thể ngăn chặn khả năng tái sản xuất của tế bào, từ đó hạn chế sự quay lại của các tế bào ác tính. Hoạt tính này của thuốc tác dụng tới hầu hết các pha của chu kì tế bào. Tuy nhiên vì thuốc tác động mạnh nhất tới các tế bào đang phân chia nhanh, chúng có ảnh hưởng lớn nhất tới các tế bào ác tính vốn có đặc tính phân chia không kiểm soát mà ít ảnh hưởng tới các tế bào khác của cơ thể hơn.
(Các thuốc alkyl hóa là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị ung thư bằng cách tấn công và phá hủy các tế bào ung thư. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách gắn vào gốc base của các nucleotide trong chuỗi DNA, từ đó gây ra các đột biến gen và phá hủy tế bào. Đồng thời, chúng cũng có thể ngăn chặn khả năng tái sản xuất của tế bào, từ đó hạn chế sự quay lại của các tế bào ác tính)
3. Các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc alkyl hóa
Do có tác động lên cả các tế bào khỏe mạnh mặc dù với mức độ ít hơn, các thuốc alkyl hóa thường gây ra các một số tác dụng phụ có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tác dụng phụ đặc trưng cho việc sử dụng các thuốc alkyl hóa là sự ức chế hoạt động tủy xương. Ngoài ra, ảnh hưởng tới các tế bào niêm mạc ruột phân chia nhanh cũng được ghi nhận. Điều này giải thích phần lớn các tác dụng phụ thường gặp của thuốc alkyl hóa, bao gồm:
• Ức chế hoạt động tủy xương: Các thuốc alkyl hóa có thể tác động tới các tế bào gốc đầu dòng (progenitor stem cells), từ đó ảnh hưởng tới hầu hết các dòng tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Tác động lên bạch cầu và tiểu cầu thường gặp từ 3-4 tuần sau khi bắt đầu sử dụng thuốc và kéo dài từ 2-3 tuần.
• Suy giảm miễn dịch: Thuốc alkyl hóa có thể làm suy giảm miễn dịch do ức chế sự sinh sản và phát triển của các tế bào miễn dịch từ tủy xương (TB lympho B, lympho T, bạch cầu đa nhân trung tính, v,v.), tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các bệnh nhiễm trùng. Hiệu ứng ức chế miễn dịch thường lớn nhất ở nhóm Cyclophosphamide.
• Tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: Thuốc alkyl hóa có thể gây ra tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, bao gồm đau bụng, tiêu chảy và táo bón.
• Buồn nôn và nôn mửa: Thuốc alkyl hóa có thể gây ra buồn nôn và nôn mửa, đặc biệt là trong những giờ đầu sau khi tiêm thuốc. Hiện tượng này thường tỉ lệ thuận với liều được sử dụng và các thuốc chống nôn truyền thống thường ít có tác dụng trên nhóm thuốc này.
• Rụng tóc: Thuốc alkyl hóa có thể gây ra rụng tóc tương đối nghiêm trọng. Tóc mọc lại sau khi sử dụng thuốc có thể có sự thay đổi về màu sắc và trở nên xoăn hơn.
• Tác động lên thận và bàng quang: Viêm bàng quang chảy máu là một tác dụng phụ đặc trưng cho thuốc Cyclophosphamide và Ifosfamide, xảy ra do sự xuất hiện của sản phẩm chuyển hóa acrolein trong nước tiểu. Bên cạnh đó, khi sử dụng các thuốc thuộc nhóm Nitrosoureas, tổn thương thận phụ thuộc liều có thể xuất hiện, thậm chí dẫn tới suy thận và tử vong.
• Tác động lên phổi: Viêm phổi kẽ, viêm phế quản, xơ phổi là một số tác dụng phụ trên phổi có thể gây ra bởi việc sử dụng các thuốc alkyl hóa, đặc biệt là Busulfan, Cyclophosphamise và một số thuốc thuộc nhóm Nitrosoureas khi sử dụng lâu dài và có liều tích lũy cao.
• Tác động lên khả năng sinh sản: Ở nam, hiện tượng suy giảm tinh trùng hoặc vô tinh có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc trong khi vô kinh và teo buồng trứng có thể xảy ra ở nữ. Các tổn thương này nhìn chung là có thể hồi phục, trừ một số trường hợp như phụ nữ lớn tuổi và tiền mãn kinh.
• Phát triển các dạng ung thư khác: Việc bệnh nhân phát triển thêm một dạng ung thư thứ cấp khi sử dụng thuốc alkyl hóa đã được báo cáo.
• Tác động lên hệ thần kinh: Hệ thần kinh trung ương và ngoại vi có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng các thuốc alkyl hóa liều cao, gây ra đau đầu, choáng váng, co giật, thay đổi trạng thái nhận thức, hôn mê.
4. Cách hạn chế tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc alkyl hóa
• Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên: Việc uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên có thể hỗ trợ lọc và thải các chất độc chuyển hóa, từ đó hạn chế tác dụng phụ lên thận. Thuốc MESNA cũng có thể được kê để hỗ trợ kích thích bàng quang, từ đó bảo vệ thận và bàng quang.
• Sử dụng garo hoặc đá chườm lên da đầu trong và sau khi truyền Cyclophosphamide có thể làm giảm tác động gây rụng tóc.
• Tích cực bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng để tránh hậu quả do suy giảm miễn dịch. Một số hoạt động dễ dàng có thể thường xuyên thực hiện là rửa tay, đeo khẩu trang tại nơi công cộng, sử dụng các thực phẩm tăng cường miễn dịch.
Để đảm bảo hiệu quả tối đa của việc sử dụng thuốc và hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân cần theo sát chỉ định và hướng dẫn của y bác sĩ. Hãy thông báo cho bác sĩ của mình ngay khi gặp phải những tác dụng phụ kể trên hoặc có bất kì bất thường nào trong quá trình dùng thuốc cũng như thực hiện các xét nghiệm chức năng để theo dõi ảnh hưởng của thuốc lên cơ thể.
Leave a Reply