Sự sống răng trụ – Lưu ý bảo tồn trong phục hình cố định.

Sự sống của răng trụ luôn luôn cần được lưu tâm để bảo tồn mỗi khi thực hiện phục hình cố định trên bệnh nhân. Việc bảo tồn tốt giúp cho răng chắc khỏe, cố định tốt trên cung hàm, đảm bảo được chức năng làm trụ và không bị đổi màu, cải thiện thẩm mỹ. Ngoài ra, không chỉ bảo tồn chỉ trong quá trình sửa soạn phục hình, các Nha sĩ cần chú ý bảo tồn cả trước và sau giai đoạn này. Cùng tìm hiểu sâu hơn trong bài viết dưới đây.

su-song-rang-tru
Bảo tồn tốt răng trụ trong phục hình đóng góp rất nhiều vào sự thành công của điều trị

1. Ưu điểm khi bảo tồn sự sống răng trụ trong lĩnh vực phục hình cố định

Trong phục hình cố định, răng trụ có thể là răng sống hay răng đã được lấy tủy và chữa nội nha. Răng trụ có tuỷ sống có nhiều thuận lợi vì những lý do sau:

– Tủy răng sống là yếu tố góp phần vào sự khỏe mạnh và vững chắc cho mô răng và mô nha chu của răng trụ, nhờ đó đem lại chức năng và bền vững cho phục hình.

– Răng sống không bị đổi màu nên giữ được sự thẩm mỹ trong trường hợp mang chụp từng phần hay inlay.

– Nếu tuỷ bị tổn thương, sau khi làm phục hình một thời gian sẽ gây đau nhức và những triệu chứng bệnh lý khác, cũng như gây khó khăn, tốn kém cho việc tái điều trị.

– Việc chữa nội nha cho răng trụ không phải luôn luôn bảo đảm hoàn toàn sự lành mạnh và ổn định lâu dài cho mô nha chu vì:

+ Phương pháp, phương tiện và kỹ thuật điều trị nội nha có thể sai sót.

+ Những bất thường về giải phẫu và sinh lý như: ống tuỷ cong, chân răng có ống tuỷ phụ lớn, v.v…

2. Các phương pháp dự phòng để bảo tồn sự sống cho răng trụ

Các kích thích có thể ảnh hưởng đến tủy có thể chia làm 4 nhóm chính:

– Cơ học: như chấn thương, lực nhai quá tải, mài cùi không đúng kỹ thuật.

– Nhiệt: phát sinh trong suốt lúc mài cùi răng hay răng tiếp xúc những chất có nhiệt độ quá cao hay quá thấp.

– Hóa học: Một số chất sát khuẩn mạnh, thuốc, một số chất trong thức ăn.

– Vi khuẩn: Xâm nhập ống ngà qua chỗ mài hay chỗ sâu răng.

2.1. Giai đoạn khám bệnh nhân

1. Tuổi bệnh nhân: để ước lượng kích thích, hình dạng buồng tủy (kết hợp phim Xquang) để chọn kiểu phục hình thích hợp và có sự lưu ý trong khi mài cắt cùi răng. Bệnh nhân cùng nhiều tuổi, xu hướng buồng tuy càng nhỏ lại.

2. Tình trạng vệ sinh răng miệng, tình trạng bệnh nha chu nếu có, xác định tình trạng bệnh sâu răng để điều trị đúng mức, chọn kiểu phim chụp thích hợp và chỉ dẫn vệ sinh răng miệng nhất là ở vùng có phục hình cố định.

3. Hình dạng giải phẫu và vị trí của răng trên cung răng như: chiều cao, độ thắt eo ở cổ răng, răng nghiêng, răng trồi, răng xoay để có phương hướng điều chỉnh nha hoặc chọn hướng lắp, lựa chọn kiểu phục hình thích hợp, mài cùi không hại tuỷ răng.

4. Đánh giá tình trạng sâu răng, mòn răng và độ nhạy cảm của răng để chọn kỹ thuật phục hồi răng và mài răng thích hợp.

5. Khám tình trạng khớp cắn. lập kế hoạch điều chỉnh khớp cắn. Chọn số lượng, vị trí răng trụ sẽ dùng để các lực tác động lên phục hình không gây chấn thương răng trụ.

6. Khảo sát mẫu hàm nghiên cứu để bổ sung cho khám lâm sàng, chọn hướng lắp thích hợp cho phục hình nhằm tiết kiệm mô răng.

2.2. Giai đoạn mài cùi răng – Lưu ý bảo tồn sự sống răng trụ

– Những kích thích trong giai đoạn mài cùi răng phần lớn do:

+ Sự phát sinh nhiệt khi mài cắt.

+ Kích thích cơ học trong lúc mài.

– Tủy răng có sức đề kháng đối với các kích thích và có khả năng hồi phục nếu kích thích không vượt quá ngưỡng. Mặc dù, giới hạn chịu đựng nhiệt độ của tủy chưa được xác định rõ rệt. Có tác giả đã chứng minh rằng một răng có thể bị làm nóng lên đến 600F trong 10 giây, vẫn có sự hồi phục của tủy, chứng tỏ bằng sự thành lập ngà thứ phát sau đó.

– Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng nhiệt độ khi mài răng:

+ Dụng cụ mài: độ sắc giảm thì thời gian mài sẽ kéo dài và có xu hướng áp lực mũi mài tăng. Ngoài ra, đường kính của nó ảnh hưởng đến tốc độ mài.

+ Vận tốc quay của dụng cụ mãi cùng nhanh thì nhiệt độ phát sinh càng cao.

+ Áp lực mũi tăng thì nhiệt sẽ tăng.

+ Độ rung của dụng cụ mài cắt sẽ gây chấn động cho răng và màng nha chu, giảm hiệu quả mũi cắt.

+ Khoảng thời gian mũi khoan tác dụng lên răng; mặc dù nhiệt độ được giữ thấp, sự mài liên tục làm tuỷ bị tổn thương nhiều hơn là với nhiệt độ cao hơn nhưng thời gian mài ngắn hơn.

– Vì vậy, để bảo vệ sự sống cho răng trụ ở giai đoạn này cần lưu ý và thực hiện các biện pháp sau:

+ Mũi khoan, đá mài phải có cạnh, sắc và có hình dạng, kích thước phù hợp cho từng kiểu cùi răng để giảm thiểu lực đè và thời gian ma sát vào răng nhằm giảm sự phát sinh nhiệt gây hại cho tuỷ.

+ Mũi khoan phải quay đồng làm để tránh chấn động khi mài, sử dụng máy siêu tốc phải cẩn thận hơn.

+ Mài gián đoạn, không đè mạnh lên răng, quan trọng nhất là phải tưới nước làm nguội. Nước sẽ làm phân tán nhiệt, trôi đi những mảnh vụn mô răng hoặc kim loại, không cho bám dính vào dụng cụ mài làm tăng hiệu quả mài cắt. Lượng nước tưới dùng làm nguội khi mài nên tối thiểu là 1,5mL/phút.

Phun nước làm tăng hiệu quả mài gấp 10 lần khi mài men so với việc không dùng phương tiện làm mát.

– Swerdlow và Stanley cho biết, một sửa soạn trên ngà răng cách tuỷ 0,3mm được làm nguội đúng mức sẽ không làm cho tủy bị tổn thương, trong khi nếu khoảng cách gấp đôi mà không làm nguội sẽ làm tuỷ bị tổn thương.

– Nên gây tê khi mài để giảm kích thích cho tuỷ, tránh sự khó chịu cho bệnh nhân.

2.3. Giai đoạn làm phục hình tạm

– Trong thời gian đợi phục hình, cùi răng phải được che chở bằng một phục hình tạm để tránh những kích thích hóa học, nhiệt độ và vi khuẩn ở môi trường miệng.

– Phục hình tạm phải được làm tương đối chính xác, đúng dạng giải phẫu để bảo điểm sự lành mạnh cho mô nha chu và gắn bằng loại xi măng gắn tạm.

2.4. Giai đoạn lắp phục hình chính thức

– Trước khi lắp vĩnh viễn phục hình chính thức lên cùi răng, cần gắn tạm khoảng một tuần để theo dõi và phát hiện các dấu hiệu không tốt cho niêm mạc, răng trụ, mô nha chu, khớp cắn, chức năng nhai để điều chỉnh sửa chữa.

– Loại bỏ tất cả những điểm vướng của phục hình trong mọi cử động của hàm dưới. Một chấn thương cơ học lâu dài sẽ gây hỏng màng nha chu và tuỷ răng bị ảnh hưởng.

– Một điểm cần chú ý xem có xuất hiện hiện tượng điện hoá học giữa các kim loại khác nhau không

– Cùi răng trước khi lắp phải được làm sạch bằng cát đánh mịn, rửa sạch, lau khô bằng bông hoặc thổi nhẹ bằng hơi ẩm. Không được dùng chất sát trùng mạnh dễ gây kích thích tuỷ.

Xi măng phải trộn đúng tỷ lệ bột, nước, đúng kỹ thuật, có thể trộn trên một miếng kính lạnh để làm giảm nhiệt phát sinh trong suốt lúc trộn để tăng thêm thời gian làm việc. Nếu trộn nhiều chất lỏng, lượng chất lỏng thừa sau khi xi măng kết tỉnh sẽ bị hấp thụ bởi tế bào chất của sợi ngà, gây thoái hoá tế bào tạo ngà.

2.5. Giai đoạn khám định kỳ

Việc tái khám định kỳ 6 tháng một lần giúp cho bác sĩ phát hiện điều trị sớm các lệch lạc của hệ nhai, trong đó có phục hình nhằm bảo vệ sự sống cho rằng trụ.
Khám định kỳ còn giúp chúng ta kiểm tra việc giữ vệ sinh răng miệng của bệnh nhân nhất là ở vùng có phục hình.

Nguồn: Sách Phục hình cố định – NXB Giáo dục Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *