Phục hình: Đường hoàn tất và tổng quan về Inlay, Onlay.

Bài viết này nói về lý thuyết cơ bản trong phục hình răng – đường hoàn tất. Việc sửa soạn đường hoàn tất tốt giúp phục hình được kín khít trên răng, tạo lưu giữ tốt, tăng độ bền, đảm bảo lực nhai sinh lý và hạn chế các bệnh liên quan đến nha chu của bệnh nhân. Ở phần hai, bài viết nói về hai dạng phục hình phổ biến, đó là Inlay và dạng biến thể của nó – Onlay ứng dụng trên lâm sàng. Cùng tìm hiểu!

1. Khái niệm đường hoàn tất trong lĩnh vực phục hình

Đường hoàn tất là đường mài cuối cùng xung quanh mỏm cụt thân răng, là nơi rìa chụp ôm lấy thân răng mài.

1.1. Vai trò của đường hoàn tất

– Đối với răng mang chụp: Rìa chụp sát khít với thân răng nên chụp thêm bền vững và răng không bị sâu tái phát.

– Đối với tổ chức nâng đỡ răng: Đường hoàn tất góp phần giảm thiểu tối đa các tác động có hại của phục hình lên tổ chức nâng đỡ răng.

Về thẩm mỹ: Đường hoàn tất đúng giúp rìa chụp kết thúc hợp lý góp phần đảm bảo thẩm mỹ của phục hình.

1.2. Các loại đường hoàn tất trong phục hình

1.2.1. Bờ xuôi (feather edge)

Gồm hai loại:

– Feather edge: Loại đường hoàn tất này mài rất ít mô răng, mài thẳng hoặc cong theo hình dạng răng thật, thường không phân biệt rõ ranh giới giữa phần mài và phần chưa mài, nó gần như liên tục với phần răng lành bên dưới.

– Knife/chisel edge: Loại này tương tự như loại feather edge nhưng đường hoàn tất thấy rõ hơn do mặt đứng của thân răng được mài nghiêng nhiều hơn.

Ưu điểm: Loại đường hoàn tất này để thực hiện, tiết kiệm được mô răng, khả năng lưu giữ phục hình tốt.

Nhược điểm: Rìa chụp mỏng nên khó đúc và dễ biến dạng khi thử chụp.

Chỉ định: Dùng trong các trường hợp làm chụp kim loại đúc, chụp dập, chụp kim loại quý hai phần.

1.2.2. Bờ vai (shoulder edge)

Đường hoàn tất được mài như một bậc thang, mặt đẩy thẳng góc với sườn của mỏm cụt, loại này lấy đi nhiều tổ chức cứng của răng.
(Khi mặt đứng và mặt ngang không vuông góc với nhau mà làm thành một góc tù thì đường hoàn tất đó gọi là bờ nghiêng. Nếu cuối phần nằm ngang của bờ vai được mài vát, khi đó gọi là bờ vai vát).

– Ưu điểm: Đảm bảo thẩm mỹ, giúp tăng sự ổn định của phục hình.

– Nhược điểm: Lấy đi nhiều tổ chức cứng của răng.

– Chỉ định: Áp dụng cho các trường hợp làm chụp kim loại đúc cẩn nhựa, cần sứ hoặc phủ sứ, chụp Jacket.

phuc-hinh
a) Mô tả chiều dày tổ chức răng
b) Mô tả lực tác động lên răng

1.2.3. Bờ cong (chamfer)

Đường hoàn tất dạng bờ cong gồm ba loại:

– Bờ cong sâu.

– Bờ cong vừa.

– Bờ cong nhẹ.

Ưu điểm: tiết kiệm tổ chức cứng của răng hơn bờ vai.

Nhược điểm: phục hình không đẹp và ổn định bằng bờ vai. Chỉ định: làm chụp Jacket, chụp kim loại cẩn nhựa hoặc sứ.

phuc-hinh-2
Tổng quan các dạng bờ trong phục hình

1.3. Vị trí đường hoàn tất trong phục hình

1.3.1. Đường hoàn tất trên lợi

Đường hoàn tất trên lợi được thực hiện khi:

– Thể trạng nhạy cảm với bệnh nha chu.

– Loại răng để kháng với sâu răng tốt.

– Thân răng dài hoặc trung bình.

– Phục hình cho răng phía trong hay mặt trong các răng trước.

– Cổ răng bị co thắt.

– Răng bị nghiêng.

– Răng bị tụt lợi tới đường có răng hoặc dưới cổ ràng.

1.3.2. Đường hoàn tất ngang lợi

Đường hoàn tái ngang lợi được thực hiện khi:

– Bệnh nhân trẻ

– Rãnh lợi nông.

1.3.3. Đường hoàn tất dưới lợi

Đường hoàn tất dưới lợi được thực hiện khi:

– Mô răng yếu, dễ bị sâu.

– Chiều cao thân răng thấp.

– Phục hình răng phía trước.

– Răng đã được điều trị tủy tốt.

– Hình dáng và vị trí răng bình thường.

2. Tổng quan về Inlay và Onlay trong phục hình

Inlay là một mảnh bịt hay bộ phận giả nhỏ bằng kim loại, sứ hoặc nhựa để phục hồi lại hình dáng của răng, nó có thể phục hồi một hay nhiều mặt của thân răng.

Các biến thể của inlay:

phuc-hinh-5
Các biến thể của Inlay

– Onlay: Khi inlay bao phủ toàn bộ một hoặc nhiều mặt của thân răng.

– Pinlay: Khi inlay có thêm các chốt lưu.

– Pinledge: Khi các onlay ở mặt trong các răng cửa, răng nanh có bậc và chốt lưu.

Các vật liệu làm inlay:

– Hợp kim quý: vàng+bạc, vàng+bạc+đồng+platin.

– Hợp kim thường: crom+coban+titan.

– Nhựa.

– Sứ.

2.1. Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

– Dùng phục hồi thân răng bị sâu thay cho miếng hàn.

– Làm phần giữ cho cầu răng.

– Nên làm trên bệnh nhân có mô răng tốt, buồng tuỷ nhỏ, hình thể răng bình thường về chiều cao và chiều ngoài trong.

– Bệnh nhân vệ sinh răng miệng tốt.

– Nếu răng sống nên làm inlay, nếu răng đã điều trị tủy nên làm onlay phủ mặt nhai hoặc chụp toàn phần.

Chống chỉ định:

– Buồng tủy rộng.

– Mô răng yếu, dễ bị sâu.

– Thân răng quá ngắn.

– Răng xoay.

– Vệ sinh răng miệng kém.

2.2. Ưu và nhược điểm

Ưu điểm:

– Là một miếng hàn răng bền, đẹp.

– Phục hồi hình thể giải phẫu của răng tốt hơn miếng hàn thông thường.

– Tiết kiệm mô răng hơn chụp răng.

– Bảo vệ bờ men tốt, nhất là inlay kim loại.

– Dễ kiểm soát tủy răng.

– Vệ sinh tốt, nhất là inlay mặt bên.

Nhược điểm:

– Đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao.

– Tốn nhiều mô răng hơn so với cách hàn răng thông thường.

– Sức giữ kém nhất trong số các loại trụ cầu.

2.3. Các bước làm inlay trong phục hình

Inlay thường được làm để thay thế cho miếng hàn trong điều trị và cũng hay được sử dụng trong phục hình nhất là inlay mặt nhai và mặt bên để làm trụ cho cầu răng.

2.3.1. Phương pháp tạo hốc inlay

Về nguyên tắc, các thành của hốc inlay cũng gần thẳng góc với đáy bao nhiêu thì inlay càng ổn định, khi không thể mài sâu thì cần đòi hỏi sự song song của các thành và hốc inlay, phải có đường chéo lớn hơn chiều ngang của miệng hốc inlay, tuy nhiên cần quan tâm tới phản ứng của tuỷ răng trong suốt quá trình mài răng. Dưới đây là cách mãi một hốc inlay có hai mặt: mặt nhai và mặt bên.

a) Mài mặt nhai (xoang phụ):

Dùng mũi khoan hình nón cụt phá men ở rãnh giữa rồi dùng mũi khoan trụ mở rộng về phía trũng bên và gờ bên cả phía xa và phía gần. Hốc inlay được mở theo các rãnh của mặt nhai, các thành bên phải thoát và phân kỳ về phía mặt nhai một góc 0 – 5 độ, phần cuối của hốc inlay nên tạo đuôi én để giúp lưu tốt. Đáy hốc inlay được mài phẳng và trũng xuống thành 2 bình diện để giúp inlay lưu tốt và phù hợp với hình dáng trần buồng tủy. Phía mặt xa sát gờ bên dùng mũi khoan hình nón trụ nhỏ tạo một hố sâu 1,5mm để tăng thêm sức giữ của hốc inlay.

b) Mài mặt bên (xoang chính):

Dùng mũi khoan kim cương hình nón trụ phá gờ bên gần rồi mài sâu xuống ngà răng ở mặt bên để tạo một hốc ở mặt bên. Hốc này có các vách ngoài, vách trong, vách tuỷ, vách lợi. Các vách ngoài trong hơi phân kỳ về phía mặt nhai và sâu về phía tuỷ 2mm, mở rộng về phía ngoài trong đến vùng chải rửa được của mặt bên răng.

Vách tuỷ (vách trục) được mài cong theo hình dáng của thân răng và buồng tuỷ.

Vách lợi nằm sát đỉnh núm lợi, có bề mặt phẳng và hợp với vách tuỷ một góc 45 độ để tăng sức giữ cho inlay.

c) Mài vát bờ cạnh hốc inlay:

Dùng mũi khoan mài vát các vách đứng cho có góc, vạt bờ miệng các thành hốc inlay để kim loại che phủ các trụ men.

1.3.2. Tạo mẫu sáp

Theo hai phương pháp:

a) Trực tiếp:

– Bôi vaseline vào thành và đáy hốc Inlay.

– Làm mềm sáp rồi nhồi nên cho đầy hốc.

– Cho bệnh nhân cắn chặt.

– Cắm que đúc rồi gửi xuống lab để đúc inlay theo phương pháp “đúc thay thế sáp”,

b) Gián tiếp:

Lấy khuôn 2 hàm trên dưới rồi gửi xuống labo để gia công.

1.3.3. Đúc inlay: Được tiến hành tại labo.

1.3.4. Thử và gắn inlay: Được thực hiện như làm một phục hình cố định.

Nguồn: Phục hình cố định  – NXB Giáo dục Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *