Loét dạ dày-tá tràng: Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

Bệnh loét dạ dày-tá tràng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở nhiều người trên khắp thế giới. Đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa và có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, từ đau bụng, buồn nôn đến khó tiêu và tiêu chảy. Bệnh loét dạ dày tá tràng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh loét dạ dày tá tràng, các triệu chứng và các cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh loét dạ dày tá tràng.

1. Lâm sàng loét dạ dày – tá tràng

1.2. Triệu chứng cơ năng

Không biểu hiện triệu chứng cơ năng: 70% BN không biểu hiện triệu chứng, nhưng sau đó có xuất hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa hoặc thủng ổ loét. Thường gặp ở người lớn tuổi, có sử dụng thuốc kháng viêm NSAIDs.

Biểu hiện là cơn đau mang tính chất đặc thù:
+ Đau bụng thường tự phát ở vùng thượng vị với tính chất co rút, xoắn vặn hay nóng rát, lan ra sau lưng hay sau xương ức, giảm ở tư thế nằm hay uống các loại thuốc kiềm hay thức ăn nhẹ.
+ Có tính chất nhịp điệu trong ngày: liên quan đến bữa ăn.
+ Có tính chu kỳ: đợt đau – đợt lành, đợt tái phát.
+ Ngoài ra, còn có thể: ợ hơi, ợ chua. Rối loạn tiêu hóa: nôn, buồn nôn, ỉa chảy.
→Những triệu chứng này cần được lưu ý vì có thể là triệu chứng của viêm dạ dày đi kèm hay tiền triệu chứng của những biến chứng sắp xảy ra.

1.3. Triệu chứng thực thể

  • Triệu chứng cơ năng phong phú. Ngược lại thăm khám lâm sàng đa số trường hợp rất bình thường. Có thể chỉ có 1 cảm giác đau vùng thượng vị khi ấn.
  • Thể trạng chung của bệnh nhân vẫn bình thường, có thể hơi gầy đi một ít trong các đợt đau.
  • Hội chứng loét chỉ điển hình trong 60-70% trường hợp, vì vậy tỉ lệ không điển hình khá cao. Hội chứng loét gồm một vài triệu chứng gợi ý như đau mơ hồ vùng thượng vị, khó tiêu, đau xoắn quặn. Do đó, hỏi bệnh sử rất quan trọng.

*Vậy chẩn đoán loét dạ dày-tá tràng về mặt lâm sàng

  • Tính chất thay đổi theo bữa ăn trong ngày.
  • Tính chất định kỳ của cơn đau.
  • Tính hằng định của triệu chứng đau.

*Một số yếu tố giúp chẩn đoán loét dạ dày – tá tràng:

+ Loét dạ dày: thường ở người lớn tuổi, có nhóm máu A hay B, cơn đau nhịp nhàng sau các bữa ăn và xuất hiện sớm (~ vài chục phút → vài giờ) sau đó giảm cho đến bữa ăn sau. Đáp ứng với thuốc trung hòa acid kém hơn so với loét hành tá tràng.
+ Loét hành tá tràng: thường gặp ở người trẻ tuổi và nam nhiều hơn nữ, có nhóm máu O. Thường đau ở vùng thượng vị chếch phải, thường đau đói hoặc đau sau ăn ~ 2-3h, đau đêm. Ăn vào hoặc sử dụng các thuốc trung hòa acid thì đỡ đau nhanh.

2. Cận lâm sàng

2.1. X quang dạ dày: có uống baryte (hiện ít dùng)

Đây là phương pháp thăm dò gián tiếp để tìm các ổ đọng thuốc của ổ loét. Độ nhạy của phương pháp này ≈80%, tỉ lệ phát hiện bệnh giảm đi nếu ổ loét nhỏ (<5cm)(nhược điểm), có sự hiện diện của sẹo loét cũ, hoặc ở những bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày. → Góp phần phân biệt ổ loét lành tính và ổ loét ung thư.

2.2. Nội soi dạ dày:

Nội soi dạ dày bằng ống mềm rất có giá trị để chẩn đoán xác định loét, trong trường hợp nghi ngờ có thể sinh thiết. Độ nhạy ≈ 90%.(có thể thay đổi tùy vào vị trí ổ loét và kinh nghiệm bác sĩ nội soi). Ngoài ra, nội soi có thể dùng để điều trị cầm máu tại chỗ đối với các ổ loét có chảy máu.
+ Ưu điểm: mô tả được hình ảnh ổ loét (vị trí, số lượng, kích thước, tính chất: cấp/mạn, nông/sâu, bờ đều/không đều, đáy sạch/có chất hoại tử và các tổn thương kèm theo(viêm, trợt)) và hỗ trợ chẩn đoán bằng clo test, sinh thiết.

2.3. Khảo sát độ toan dịch vị:

– Bằng cách đo nồng độ toan dịch vị cơ bản và lưu lượng toan dịch vị bằng các nghiệm pháp như Histamin và Insulin.
– Dịch vị lúc đói: bình thường khoảng 40-80ml khi đói, pH 1,6-1,8; acid tự do: 15mEq/l, toàn phần: 27 mEq/l.
Dịch khi đói > 100ml là đa tiết hay do dạ dày bị ứ trệ và < 30ml là giảm tiết.
MAO (Maximal Acide Output): dịch vị sau khi kích thích bằng Histamin, Pentagastrin hoặc Insulin.
BAO (Basal Acide Output): định lượng dịch vị cơ bản vào sáng sớm ngủ dậy (dịch đói) hay dịch vị ban đêm.
PAO (Peak Acide Output): định kết quả của 2 mẫu có lượng acid cao nhất (lưu lượng đỉnh).

2.4. Siêu âm qua thành bụng:

  • Trên siêu âm, loét dạ dày tá tràng cho hình ảnh dày thành, giảm hồi âm, ổ đọng hơi ở đáy ổ loét.
  • Chụp cắt lớp vi tính: ít dùng do giá thành đắt, thường được chỉ định khi nghi ngờ có biến chứng: loét dò vào ổ bụng, nghi ung thư.

2.5. Chẩn đoán HP:

a. Các xét nghiệm xâm lấn:

a.1. Test Urease nhanh (CLO test): dựa trên mẫu mô sinh thiết tương đối rẻ tiền, cho kết quả nhanh chóng, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao (trên 90%). Do đó, được áp dụng rộng rãi.

*Nhược điểm: Có thể cho kết quả âm tính giả, khi:
+ Vị trí lấy mẫu mô làm xét nghiệm không đúng theo khuyến cáo.
+ Bệnh nhân mới vừa sử dụng kháng sinh, kháng tiết acid hay Bismuth.
+ Các kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng ở các cơ quan trong cơ thể.

a.2. PCR: phương pháp này cũng dựa trên mẫu mô sinh thiết nhưng vẫn chưa được phổ biến lắm.

*Nhược điểm: Cần thời gian chờ đợi kết quả lâu và đắt hơn so với các phương pháp chẩn đoán khác như xét nghiệm hơi thở 13C, 14C và xét nghiệm Urease.

a.3. Nuôi cấy: có kết quả 7-10 ngày. Sử dụng trong trường hợp điều trị HP thất bại sau 2 lần, cần nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh phù hợp.

b. Các xét nghiệm không xâm lấn:

b.1. Chẩn đoán huyết thanh bằng ELISA(tức là lấy máu để XN): sau 2 tuần nhiễm HP sẽ xuất hiện kháng thể lưu hành trong máu và kháng thể này tồn tại ít nhất 6 tháng. Do đó, không nên sử dụng xét nghiệm để đánh giá hiệu quả diệt trừ.

b.2. Chẩn đoán qua hơi thở (tức là cho bn uống 1 viên Ure): Độ nhạy và độ đặc hiệu của XN dựa trên 13C hoặc 14C đều đạt 95% và tương đương với xét nghiệm CLO test. Dùng để kiểm tra hiệu quả diệt trừ HP khi BN không có chỉ điịnh kiểm tra lại bằng nội soi dạ dày.
*Ưu điểm: Nhanh, hiệu quả, dùng cho BN CCĐ với nội soi và CĐ huyết thanh.
*Nhược điểm: Đắt, chỉ cho NVYT biết BN có bị nhiễm HP hay không. Có thể cho kết quả âm tính giả, khi:
+ BN mới vừa sử dụng kháng sinh, kháng tiết acid hay Bismuth.
+ Các kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng ở các cơ quan trong cơ thể.

*Nguyên tắc của xét nghiệm hơi thở 13C hoặc 14C: bệnh nhân được uống viên thuốc có chứa urê mang carbon đánh dấu (13C/14C). Nếu bệnh nhân bị nhiễm HP, men urease do vi khuẩn sản xuất ở dạ dày sẽ thuỷ phân phân tử urê chứa carbon đánh dấu và giải phóng 14CO2. 13CO2/14CO2 sẽ được hấp thu vào máu và được thải ra ngoài qua đường hô hấp. Bệnh nhân được yêu cầu thổi hơi vào một bong bóng và khí trong hơi thở của bệnh nhân sẽ được đưa qua một máy đếm nhấp nháy phóng xạ để định lượng 13CO2/14CO2.

b.3. Tìm kháng nguyên trong phân
Độ chính xác của XN tìm KN trong phân chẩn đoán HP tương đương XN hơi thở khi sử dụng kỹ thuật đơn dòng.
Tại VN: giá trị của XN chưa đồng nhất và không cao, nên dè dặt khi phân tích kết quả.

Lưu ý:
Các PP chẩn đoán HP (xét nghiệm CLO Test, test hơi thở, tìm kháng nguyên trong phân) có thể bị âm tính giả khi BN mới vừa sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng tiết acid và Bismuth.
Cần lưu ý rằng các thuốc kháng sinh sử dụng để điều trị nhiễm trùng tại các cơ quan khác vẫn có thể làm cho các xét nghiệm âm tính giả.
Vì vậy, trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HP cần xác định chắc chắn rằng BN đã ngưng uống toàn bộ kháng sinh và Bismuth ít nhất 4 tuần, ngưng các thuốc thuộc nhóm PPI và Anti H2 ít nhất 2 tuần.

Nguồn tham khảo: 

  1. Bài giảng Loét dạ dày – tá tràng nội tiêu hoá trường Đại học Tây Nguyên 2020
  2. Sách lâm sàng nội tiêu hoá ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *