Thông khí cơ học nằm sấp là phương pháp thông khí được cung cấp khi bệnh nhân trong tư thế nằm sấp. Đây là một phương pháp được sử dụng trong điều trị hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) nhằm cải thiện sự oxy hóa khi các phương pháp thông khí truyền thống không đủ hiệu quả (ví dụ: thông khí bảo vệ phổi). Các chỉ định, chống chỉ định và một số biến chứng liên quan đến phương pháp này sẽ giới thiệu trong bài viết.
1. Chỉ định tư thể nằm sấp trong điều trị hội chứng nguy kịch hô hấp cấp
Trong điều trị hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), việc khởi động chiến lược thông khí bảo vệ phổi là bước nền tảng đầu tiên để giảm thiểu tổn thương phổi và cải thiện tình trạng hô hấp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không đáp ứng hoặc thất bại trong việc tối ưu hóa cài đặt thông khí bảo vệ phổi, thông khí cơ học nằm sấp có thể được áp dụng như một phương pháp điều trị bổ sung, miễn là không có chống chỉ định. Tư thế nằm sấp cũng được sử dụng rất nhiều trong điều trị các bệnh nhân suy hô hấp nặng do SARS-CoV-2 ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tư thế này được đặc biệt sử dụng nhiều trong bối cảnh bệnh nhân nguy kịch hô hấp nặng khi điều kiện của cơ sở y tế có giới hạn, không thể khởi động các can thiệp tích cực hơn như ECMO.
Như vậy, chỉ định chủ yếu của phương pháp thông khí nằm sấp là ARDS mức độ nặng, không thành công với chiến lược thông khí bảo vệ phổi. Tư thế nằm sấp không giúp ích đáng kể cho những bệnh nhân mắc ARDS nhẹ hoặc vừa. Một số dấu hiệu mà tư thế nằm sấp có thể có lợi:
- Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp nặng – PROSEVA định nghĩa hội chứng nguy kịch hô hấp cấp nặng là những trường hợp có tỷ lệ phân áp oxy động mạch/nồng độ oxy trong khí hít vào (PaO2:FiO2) <150 mmHg với FiO2 ≥0,6 và PEEP ≥5 cm H2O; tại thời điểm nhập viện, PaO2 trung bình là 80 mmHg, FiO2 là 0.8 và tỷ lệ PaO2: FiO2 là 100 mmHg.
- Giảm oxy máu khó điều trị do ARDS – định nghĩa là tỷ lệ PaO2: FiO2 ≤100 mmHg với PaO2 ≤60 mmHg mặc dù các thiết lập thông khí đã được tối ưu hóa ở FiO2=1
- Đôi khi tư thế nằm sấp được lựa chọn như một phương pháp chờ đợi thiết lập ECMO khi đã có chỉ định của ECMO.
2. Chống chỉ định tư thế nằm sấp
2.1 Chống chỉ định tuyệt đối
- Chảy máu cấp tính như sốc chảy máu hoặc cho ra máu, vì tư thế nằm sấp có thể làm tăng chảy máu và gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác.
- Đa chấn thương hoặc gãy xương, đặc biệt là các gãy xương không vững ở các vị trí như: đùi, chậu hoặc mặt, vì tư thế nằm sấp có thể gây ra thêm tổn thương cho các vùng này và làm trầm trọng tình trạng của bệnh nhân.
- Cột sống không ổn định, vì tư thế nằm sấp có thể gây ra các tổn thương cho tủy sống hoặc cột sống và dẫn đến yếu liệt hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.
- Áp lực nội sọ tăng hơn 30 mmHg hoặc áp lực tưới máu não thấp hơn 60 mmHg, vì tư thế nằm sấp có thể làm tăng áp lực trong sọ và làm giảm áp lực tưới máu não
- Phẫu thuật khí quản hoặc cắt xương ức trong vòng hai tuần, vì tư thế nằm sấp có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
2.2 Chống chỉ định tương đối
- Sốc (ví dụ: áp suất động mạch trung bình <65 mmHg kéo dài)
- Phẫu thuật vùng bụng gần đây
- Gắn máy tạo nhịp tim gần đây
- Bỏng nặng
- Các trường hợp triển vọng sống giới hạn đáng kể (suy hô hấp phụ thuộc oxy hay máy thở)
3. Biến chứng của thông khí cơ học tư thể nằm sấp
- Chèn ép thần kinh (ví dụ như đám rối cánh tay)
- Tắc nghẽn lưu thông tĩnh mạch (gây phù mặt)
- Lệch ống nội khí quản
- Loét do tỳ đè
- Tổn thương mắt
- Nôn ói
- Loạn nhịp thoáng qua
- Giảm oxy máu thoáng qua
Các nghiên cứu về tác động bất lợi của thông khí tư thế nằm sấp đối với bệnh nhân vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Các bằng chứng được đưa ra hiện tại chưa thể kết luận về các tác động không mong muốn của tư thế nằm sấp so sánh với tư thế nằm ngửa truyền thống. Do đó, việc quyết định sử dụng tư thế nằm sấp cho bệnh nhân cần được đưa ra sau khi đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro và lợi ích liên quan đến từng trường hợp cụ thể.
Tóm lại, tư thế nằm sấp được chỉ định cho bệnh nhân mắc ARDS nặng và khó điều trị. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tư thế này có nhiều chống chỉ định và có thể gây ra các biến chứng không mong muốn. Bệnh nhân cần được đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra quyết định sử dụng tư thế nằm sấp và tránh các biến chứng có thể có.
Khi sử dụng máy thở nhân tạo, các chuyên gia y tế tại Vinmec luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng để áp dụng các kỹ thuật tiến bộ và cung cấp chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
Douglas WW, Rehder K, Beynen FM, Sessler AD, Marsh HM. Improved oxygenation in patients with acute respiratory failure: the prone position. Am Rev Respir Dis. 1977 Apr;115(4):559-66. doi: 10.1164/arrd.1977.115.4.559.
Leave a Reply