Thông khí cơ học là một phương pháp y tế được sử dụng rộng rãi để hỗ trợ quá trình thở của bệnh nhân. Máy thở hoạt động bằng cách cung cấp không khí hoặc oxy với áp lực phù hợp thông qua ống thở được đưa vào đường hô hấp của bệnh nhân, thường là qua miệng hoặc mũi hoặc thông qua chổ mở khí quản. Thông khí cơ học được sử dụng trong nhiều trường hợp, với nhiều thông số và chế độ thở máy cơ bản khác nhau để phù hợp với các bệnh cảnh nhất định.
1. Chỉ định của thở máy
Máy thở thường được sử dụng nhiều trong các khoa chăm sóc tích cực, phòng cấp cứu và trong phòng phẫu thuật. Nó được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp, chẳng hạn như hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và suy hô hấp. Một số chỉ định của máy thở gồm:
- Suy hô hấp cấp
- Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS)
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Tình trạng suy tim
- Bệnh nhân mắc COVID-19
- Bệnh nhân hôn mê hoặc rối loạn tri giác
- Cơn hen nặng
- Chấn thương hoặc phẫu thuật
2. Một số thông số cơ bản của máy thở
Máy thở có nhiều thông số để đo lường và kiểm soát quá trình hô hấp của bệnh nhân. Một số thông số tiêu biểu gồm:
- Thể tích khí lưu thông (VT): lượng khí được cung cấp cho mỗi hơi thở và thường được đo bằng đơn vị mililit (mL).
- Tần số thở (RR): số nhịp thở mỗi phút của bệnh nhân
- Nồng độ oxy hít vào (FiO2): nồng độ oxy được cung cấp bởi máy thở và thường được biểu diễn dưới dạng phần trăm.
- Áp lực dương cuối khi thở ra (PEEP):áp lực được giữ ở trong phổi ở cuối khi thở ra để ngăn ngừa đóng sập của phế nang và cải thiện sự oxy hóa
- Áp lực hít vào (IP): Áp lực được cung cấp bởi máy thở trong giai đoạn hít vào.
3. Một số chế độ thở máy cơ bản
Assist-control (AC)
Trong chế độ AC, bác sĩ xác định lượng thông khí tối thiểu bằng cách thiết lập RR và VT. Bệnh nhân có thể tăng lượng thông khí bằng cách kích hoạt thêm các nhịp thở tự thân. Mỗi nhịp thở do bệnh nhân khởi động sẽ nhận được lượng VT được thiết lập trước. Đây là chế độ thở máy cơ bản, được sử dụng phổ biến.
Ví dụ, nếu bác sĩ thiết lập tần số thở là 20 lần mỗi phút và VT là 500 mL, lượng thông khí tối thiểu có thể là 10 L mỗi phút (20 lần thở mỗi phút nhân với 500 mL mỗi lần thở). Nếu bệnh nhân kích hoạt thêm 5 lần thở ngoài 20 lần đã đặt trước đó, máy thở sẽ cung cấp 500 mL cho mỗi lần thở và lượng thông khí mỗi phút sẽ là 12,5 L (25 lần thở mỗi phút nhân với 500 mL mỗi lần thở).
Synchronized Intermittent mandatory ventilation (SIMV)
Trong chế độ SIMV, máy thở cung cấp các nhịp thở bắt buộc theo tần số cài đặt trước nhưng đồng bộ với nhịp thở tự phát của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể thở tự do giữa các nhịp thở bắt buộc. Nếu bệnh nhân khởi động một hơi thở trong khoảng thời gian giữa hai lần hô hấp được cung cấp bởi máy thở, máy thở sẽ đồng bộ với hơi thở của bệnh nhân và cung cấp một mức VT hoặc áp lực tương ứng với giá trị được thiết lập trên máy thở. Các nhịp thở do máy khởi phát trong chế độ SIMV có thể được cài đặt trước để đạt được một mức áp lực (còn gọi là pressure-controlled) hay một mức thể tích lưu thông (volume-controlled) cài trước. Chế độ thở máy này thường được sử dụng trong quá trình cai máy thở, giúp bệnh nhân thích nghi với việc thở tự do và giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào máy thở.
Pressure-support ventilation (PSV)
Trong chế độ này, máy thở cung cấp áp lực bổ sung để hỗ trợ cho quá trình thở tự nhiên của bệnh nhân. Nhịp thở được khởi phát bởi bệnh nhân và máy thở chỉ cung cấp áp lực bổ sung theo giá trị được cài trước để giảm công thở của bệnh nhân. PSV thường được sử dụng cho bệnh nhân có thể thở tự nhiên, nhưng cần thêm hỗ trợ để vượt qua sự kháng cự của đường hô hấp và phổi. Khi bệnh nhân khởi động một hơi thở, máy thở cung cấp một mức độ áp lực hỗ trợ được thiết lập sẵn để hỗ trợ cho công thở của bệnh nhân, giúp cải thiện thông khí và oxy hóa máu. PSV thường được sử dụng kết hợp với các chế độ máy thở khác như SIMV. Nó cũng có thể được sử dụng trong quá trình cai máy thở. Chế độ PSV với mức áp lực hỗ trợ thấp (từ 5-10 cmH2O) thường được áp dụng để giúp bệnh nhân kháng trở của đường dẫn khí nhân tạo trong quá trình cái máy
Ngoài ra còn nhiều chế độ thông khí khác như: IMV, CPAP, PRCV… Việc sử dụng các chế độ thở này đòi hỏi nhân viên y tế có kinh nghiệm và được đào tạo đầy đủ. Điều này bởi vì mỗi chế độ thở đều có những thông số và thiết lập riêng, và việc thiết lập sai có thể gây ra các vấn đề liên quan đến hô hấp và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Khi sử dụng máy thở cơ khí, các chuyên gia y tế tại Vinmec luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng để áp dụng các chế độ phù hợp và cung cấp chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Nguồn tham khảo: Uptodate
Leave a Reply