Các yếu tố có thể ảnh hưởng tới hành vi của trẻ tại phòng nha bao gồm: Quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ, sự ảnh hưởng của gia đình và bạn bè, tác động của các cuộc điều trị trong quá khứ và chính môi trường phòng nha. Hãy cùng bóc tách vấn đề sâu hơn
1. Quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ
Sự phát triển của trẻ bao gồm nhiều yếu tố liên quan đến các khía cạnh về tăng trưởng thể chất, tinh thần và cảm xúc. Những yếu tố này luôn luôn thay đổi tuy theo từng giai đoạn phát triển, nha sĩ có thể đánh giá một cách có hiệu quả sự phát triển và thay đổi thể chất xảy ra ở trẻ nhưng khía cạnh tinh thần khó đánh giá hơn.
Những trẻ bị các bệnh gây tổn thương mô não: viêm não, viêm màng não, chấn thương sọ não, bệnh não úng thuỷ, bại não,… có thể hồi phục không để lại di chứng nhưng cũng có thể tổn thương hệ thần kinh trung ương, biểu hiện lâm sàng có thể là những biểu hiện rối loạn hệ thần kinh trung ương như động kinh hoặc rối loạn vận động như bại não, chậm phát triển trí tuệ…. Ngoài ra có những trẻ có vẻ bình thường về thể chất nhưng lại có những vấn đề về hành vi. Những trẻ này được gửi đến nha sĩ như những bệnh nhân “không thể xử lý được” và có thể gợi ý một xáo trộn ở não. Việc xử lý hành vi của nhóm trẻ này cần áp dụng những kỹ năng khác với những kỹ năng của trẻ bình thường.
2. Sự ảnh hưởng hành vi của gia đình và bạn bè, môi trường sống xung quanh
Các yếu tố tâm lý, xã hội có ảnh hưởng mạnh nhất đến hành vi của trẻ. Gia đình và nhà trường cùng góp phần định hình lên hành vi của trẻ, trong đó ảnh hưởng của gia đình lên tâm lý của trẻ rất quan trọng. Như vậy, tính cách của trẻ sẽ tuỳ thuộc vào môi trường tốt hay xấu.
Ảnh hưởng của gia đình đến từ những người ở quanh trẻ như: bố mẹ, anh chị em, ông bà,… người mẹ có ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất, mẹ là người đã nuôi dưỡng trẻ suốt thời thơ ấu, là người tạo ra sự gần gũi về thể chất và cảm xúc giữa mẹ con. Vì có sự lệ thuộc qua lại giữa mẹ con, trẻ mong muốn được nâng đỡ và bảo vệ khỏi những đe doạ, hành vi của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào hành vi của mẹ. Nếu bà mẹ bị tác động của điều trị nha khoa trong quá khứ hoặc sợ con mình gặp bác sĩ nha khoa, sự lo âu, sợ hãi này có thể truyền sang con và tạo cho trẻ một ám ảnh sợ hãi trước khi đến khám. Ngược lại, nếu người mẹ biết rõ những ảnh hưởng của bản thân lên đứa trẻ và làm gương tốt khiến trẻ tích cực đi nha sĩ. Ảnh hưởng của gia đình lên tâm lý trẻ còn liên quan đến anh chị em, đứa trẻ thường rập khuôn hành vi của anh chị dù tốt hay xấu. Những vấn đề trong nội bộ gia đình cũng có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Trong những gia đình có nhiều bất hoà hoặc trẻ chỉ còn cha hoặc mẹ thường cảm thấy không an toàn. Kết quả sẽ tạo ra một kiểu hành vi không có lợi cho quan hệ giữa trẻ và nha sĩ.
Ảnh hưởng của bạn bè lên trẻ tuy không nhiều như ảnh hưởng của anh chị em nhưng có thể tác động tiềm tàng đến trẻ. Nếu bạn bè đã có một kinh nghiệm nha khoa không tốt hoặc phóng đại những điều gặp phải, sẽ gây ảnh hưởng xấu cho trẻ, làm cho trẻ trở lên sợ hãi khi đi khám nha sĩ.
3. Tác động của các cuộc điều trị trong quá khứ
Những ảnh hưởng do các tác động điều trị của các nha khoa trong quá khứ đều có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ.
Nếu trẻ có ấn tượng tốt ở lần thăm khám nha khoa đầu tiên, sẽ tạo cho trẻ có hành vi tốt mãi về sau, trẻ sẽ có niềm tin vào nha sĩ và sẵn sàng đương đầu với các điều trị nha khoa.
Ngược lại, nếu ở lần đầu tiên đi khám trẻ đã có ấn tượng không tốt, ấn tượng đó sẽ theo trẻ suốt về sau, làm cho trẻ có cảm giác sợ hãi khi đi khám, từ đó tạo ra những hành vi, thái độ không thuận lợi ở trẻ.
4. Sự ảnh hưởng hành vi của trẻ và môi trường phòng nha
Môi trường phòng nha có ảnh hưởng đến sự chuẩn bị tâm lý cho trẻ. Một phòng nha buồn tẻ, lạnh lẽo, trang trí không hấp dẫn sẽ ảnh hưởng không tốt đến hành vi của trẻ sau đó. Phòng nha cho trẻ nên có hình ảnh tranh trí sinh động, đồ chơi, không gian chơi… để tạo cho trẻ cảm giác thoải mái và trẻ sẽ dễ chấp nhận với các điều trị nha khoa.
Thái độ và cách làm việc của bác sĩ nha khoa và trợ thủ cũng ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Chính thái độ và cách nha sĩ diễn đạt sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ nhiều hơn là những gì được làm. Những hành vi không tích cực của những lần khám y khoa trước đó có thể được điều chỉnh lại bằng thái độ tích cực của gia đình và sự tái huấn luyện hành vi của đội ngũ nha khoa.
Nguồn: Sách Răng trẻ em – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply