Bệnh sâu răng – Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán.

Ngày nay phần lớn các tác giả đều thống nhất rằng: sâu răng là một bệnh nhiễm khuẩn của tổ chức calci hoá được đặc trưng bởi sự huỷ khoáng của thành phần vô cơ và sự phá huỷ thành phần hữu cơ của mô cứng. Tổn thương là quá trình phức tạp bao gồm các phản ứng hoá lý liên quan đến sự di chuyển các ion bề mặt giữa răng và môi trường miệng và là quá trình sinh học giữa các vi khuẩn mảng bám với cơ chế bảo vệ của vật chủ. Bài viết sau sẽ nói về chi tiết các triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán căn bệnh này.

benh-sau-rang
Bệnh sâu răng – căn bệnh rất phổ biến trong xã hội ngày nay

1. Triệu chứng lâm sàng

Sâu răng chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu tổn thương sớm chưa hình thành lỗ sâu và giai đoạn đã hình thành lỗ sâu.

1.1. Triệu chứng lâm sàng tổn thương sâu răng sớm

Các tổn thương sâu răng ở giai đoạn chưa hình thành lỗ sâu, hay nói khác hơn là giai đoạn tổn thương mới chớm thường là sâu men.

Theo điều tra của CREDES ở Pháp năm 1998, chi phí cho điều trị bệnh răng miệng rất cao đứng vị trí thứ 3 (6,3% trong tổng số chi phí điều trị tất cả các loại bệnh) sau bệnh tim mạch và các rối loạn tâm thần; Năm 2000: trong tổng số trường hợp từ chối yêu cầu điều trị của bác sĩ thì từ chối chăm sóc răng, hàm giả – chỉnh nha chiếm 46%; Năm 2002: trong tổng số chi phí chăm sóc răng từ năm 1982 – 2001 thì chi phí để làm hàm giả: 34,1%, chỉnh nha: 6,3% và nha khoa bảo tồn là: 59,6%.

Do vậy, nhu cầu dự phòng và chẩn đoán sớm sâu răng để điều trị bằng các thuốc tái khoáng hoả không cần khoan răng phục hồi là hết sức cần thiết để đảm bảo kết quả tốt hơn cũng như là giảm đi chi phí điều trị cho bệnh nhân và ngân sách nhà nước.

Các tổn thương sâu răng ở giai đoạn sớm chỉ được xác định bằng mắt và các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán khác chứ không được thăm khám bằng thám trâm, tránh làm sập lớp bề mặt của tổn thương.

1.1.1. Thăm khám bằng mắt:

Thổi khô bề mặt răng thấy tổn thương là các vết trắng, độ đặc hiệu của phương pháp này là 90% nhưng độ nhạy trung bình hoặc thấp 0,6 – 0,7. Các vết trắng chỉ có thể nhìn thấy sau khi thổi khô là những tổn thương có khả năng hồi phục cao bằng cách điều trị tái khoáng hóa mà không cần phải mài răng, ngược lại, những vết trắng có thể nhìn thấy ngay ở trạng thái ướt không cần phải làm khó răng thì khả năng hồi phục sẽ thấp hơn.

1.1.2. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán các tổn thương sớm:

– Phim cánh cắn: Các dấu hiệu mất cản quang ở mặt bên hoặc mặt nhai trên Xquang chỉ có thể cho phép chẩn đoán là có sự hủy khoáng chứ không chẩn đoán được sự phá hủy lớp bề mặt và sự hình thành lỗ sâu, trừ khi tổn thương bị phá huỷ rộng.

– ERM (đo điện trở men): đang được phát triển, có độ nhạy và độ đặc hiệu đều cao.

– Laser huỳnh quang:

+ Giá trị được chẩn đoán là có tổn thương sâu răng khi con số hiển thị trên màn hình từ 14 (14 <DD > 25: sâu men; 25 < DD> 35: sâu men hoặc sâu ngà; DD > 35: sâu ngà). Người ta cho rằng các sản phẩm chuyển hoá của vi khuẩn là tác nhân gây phát huỳnh quang.

+ Ứng dụng:

• Được sử dụng để phát hiện sớm và xác định số lượng tổn thương sâu ở mặt nhai và mặt nhẫn của răng, đặc biệt là ở vị trí hố rãnh nghi ngờ và các tổn thương sâu răng dạng ẩn.

• Thiết bị laser huỳnh quang có thể phát hiện được mức độ hoạt động của tổn thương sâu răng với độ chính xác trên 90% nhưng không xác định được độ rộng, sâu của tổn thương. Kết quả cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như mức độ huỷ khoáng của tổn thương, mảng bám răng và các chất khác còn dính trên bề mặt hố rãnh.

– Ánh sáng xuyên sợi (DIFOTI): Digital imaging fiber-optic transillumination):

+ Nguyên tắc hoạt động: Sử dụng chùm tia sáng trắng mạnh truyền qua sợi cáp quang tới đầu dò được đặt ở một mặt của răng, tia sáng sau khi chiếu qua răng được thu nhận ở mặt đối diện bởi một camera có khả năng chuyển các tín hiệu quang học sang tín hiệu điện, các tín hiệu này được truyền tới máy tính để xử lý và hiển thị hình ảnh tổn thương trên màn hình.

+ Ứng dụng:

• Được sử dụng để phát hiện sớm các tổn thương sâu răng và các vết nứt, rạn vỡ ở các bề mặt của răng, đặc biệt là ở mặt bên trước khi nó xuất hiện trên Xquang.

• Phát hiện các tổn thương sâu thứ phát.

• Bệnh nhân có thể quan sát được tận mắt các tổn thương răng của mình ngay tại thời điểm khám.

• Kiểm soát việc trám bít có hiệu quả.

Tuy trong một số trường hợp phương pháp này không xác định được kích thước lỗ sâu một cách chính xác (mặt nhai), nhưng có thể nói phương pháp này là lý tưởng nhất trong việc thay thế cho chụp phim cảnh cắn để phát hiện tổn thương sâu ở mặt bên.

– Phát hiện sớm sâu răng nhờ khả năng phát huỳnh quang tự nhiên của răng: Hỗ trợ thăm khám lâm sàng và có thể thay thế cho tia X, độ nhạy là 0,73, độ đặc hiệu là 0,99.

+ Nguyên tắc hoạt động:

• Từ lâu, người ta đã biết sự mất khoảng của men, ngà làm thay đổi đặc tính quang học của răng hoặc có thể nhìn thấy bằng mắt thường như “vết trắng”. Phương pháp này dựa trên khả năng phát huỳnh quang tự nhiên của răng dưới điều kiện ánh sáng nhất định. Nếu tổ chức răng bị tổn thương mất khoảng thì khả năng phát huỳnh quang sẽ kém hơn so với tổ chức răng bình thường với mức độ tương ứng.

• Từ một nguồn sáng bình thường, ánh sáng đi qua bộ lọc sáng chỉ còn lại ánh sáng màu xanh da trời, chiếu vào răng trong miệng. Hình ảnh huỳnh quang được thu nhận bởi một camera màu CCD, dữ liệu được truyền về máy tính để lưu giữ và xử lý với một phần mềm thích hợp.

+ Ứng dụng:

• Phát hiện sớm tổn thương sâu răng ở mặt nhai, mặt ngoài, mặt trong của răng, xác định kích thước tổn thương (độ sâu, rộng).

• Đánh giá được sự thay đổi mức độ mất khoáng tiến triển hay tái khoáng của tổn thương, do đó được dùng để kiểm soát sự phục hồi của tổn thương trong điều trị dự phòng.

• Phát hiện và định lượng được mảng bám răng, cao răng.

• Hạn chế trong việc phát hiện và đánh giá tổn thương mặt bên.

1.2. Chẩn đoán sâu răng giai đoạn hình thành lỗ sâu

Thông thường trên lâm sàng là sâu ngà.

1.2.1. Triệu chứng cơ năng:

Có thể có hội chứng ngà ê buốt với các kích thích (như nóng lạnh, chua, ngọt) ngừng kích thích hết ê buốt. Trên lâm sàng đôi khi chúng ta gặp những trường hợp sâu răng ở giai đoạn ổn định, đáy lỗ sau cứng, lòng chảo, màu xám đen, bệnh nhân có thể không có dấu hiệu ê buốt khi gặp các kích thích trên. Như vậy không có nghĩa là tuỷ đã chết mà cần phải có thêm các thử nghiệm khác như thử nghiệm điện, thử nhiệt hoặc thử cơ học để kiểm tra xác định tình trạng của tuỷ răng.

1.2.2. Triệu chứng thực thể:

+ Tổn thương có thể gặp các mặt răng, tỷ lệ tổn thương ở các vị trí còn phụ thuộc vào ở từng độ tuổi hay loại răng. Đặc biệt ở người lớn tuổi có thể tổn thương gặp ở mặt bên. Người ta thấy rằng, nếu chỉ khám bằng dụng cụ thông thường trên lâm sàng chi phát hiện được 30% tổn thương sâu răng, còn 70% phát hiện tổn thương sâu răng mặt bên nhờ vào phim cánh cắn.

+ Có lỗ sâu, đáy gồ ghề, đổi màu, màu sắc thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của tổn thương.

+ Khi khám thấy đáy lỗ sâu tổn thương mềm người ta cho rằng đó là sâu răng đang tiến triển. Nếu khám thấy đáy lỗ sâu cứng đó là bệnh sâu răng đã ổn định. Theo một số tác giả thì mỗi đợt tiến triển hay ngừng kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm ở lỗ sâu nhỏ 2-3mm.

+ Theo tiến triển: Bệnh sâu răng cấp thường đáy lỗ sâu mềm có nhiều ngà mủn, sâu răng mạn đáy lỗ sâu đen cứng.

c) Xquang:

Phim có giá trị nhất đó là phim cánh cắn. Chú ý trên phim Xquang, các dấu hiệu mất cản quang ở mặt bên hoặc mặt nhai trên Xquang chỉ có thể cho phép chẩn đoán là có sự hủy khoáng chứ không chẩn đoán được lớp bề mặt đó bị phá huỷ và sự hình thành lỗ sâu, trừ khi tổn thương phá huỷ rộng.

d) Thử nghiệm:

Trước đây người ta thường thử nghiệm lạnh bằng Kelen, nhiều năm gần đây người ta thử nghiệm lạnh hay dùng thỏi đá để thử có độ chính xác cao hơn. Theo một số tác giả thử nghiệm lạnh cũng chỉ đáp ứng được 70%.

Phương pháp thử nghiệm phải được tiến hành theo đúng cách nếu không sẽ có kết quả không chính xác.

e) Các bước tiến hành:

+ Trước khi thử cần làm sạch các yếu tố ngoại lai như cao răng hay mảng bám răng.

+ Chặn nước bọt và làm khô vùng răng cần thử nghiệm.

+ Thử nghiệm từ răng lành đến răng bệnh lý.

+ Vị trí thử nghiệm ở 1/3 giữa dịch về phía cổ răng ở mặt ngoài.

Ngưỡng kích thích điện từ 2 – 6 Micro Ampe.

Trong điều kiện thiếu phương tiện thử nghiệm, khi chúng ta khoan lấy ngà bệnh lý để tạo lỗ hàn, nếu bệnh nhân thấy buốt có giá trị thử tuỷ dương tính.

1.3. Các trường hợp khó chẩn đoán:

1.3.1. Lỗ sâu hố rãnh

Khó phát hiện bằng thăm khám. Tiêu chuẩn chẩn đoán gồm có 3 dấu hiệu chính sau:

1) Đáy rãnh mềm.

2) Men răng đục xung quanh hố rãnh.

3) Ngà mềm có thể bị bong ra do thăm khám.

Men răng hủy khoáng trở nên xốp, trắng như phấn, đục khi thổi khô. Khi sự hủy khoáng lan xuống đường ranh giới men – ngà, tổn thương lan sang bên tạo một lớp men không có ngà nâng đỡ, đổi màu nâu xám xung quanh rãnh.

1.3.2. Lỗ sâu mặt bên

Chụp phim cánh cắn là phương pháp phát hiện lỗ sâu mặt bên sớm nhất. Nếu sự hủy khoáng dưới bề mặt lan rộng đến ngà răng làm cho ngà đổi màu, có thể nhìn thấy phần men đổi màu từ phía mặt nhai hoặc mặt trong và mặt ngoài.

1.3.3. Lỗ sâu chân răng

Thường gặp ở người già do bệnh nha chu, chân răng bị lộ. Bề mặt lỗ sâu có thể đổi màu, đáy cứng là biểu hiện của sự tái khoáng hóa và lỗ sâu ngừng tiến triển, ngược lại, nếu lỗ sau đang hoạt động thì đáy mềm và bớt đổi màu.

2. Chẩn đoán xác định

2.1. Tổn thương sâu răng sớm (thường là sâu men)

Dựa vào dấu hiệu lâm sàng và các phương tiện hỗ trợ.

2.2. Sâu ngà

Dựa vào triệu chứng cơ năng và thực thể: Có hội chứng ngà, có lỗ sâu, thử nghiệm tuỷ dương tính với ngưỡng đáp ứng bình thường.

3. Chẩn đoán phân biệt

3.1. Tổn thương sâu răng sớm: cần chẩn đoán phân biệt với

3.1.1. Bệnh nhiễm fluorose

Các chấm thường nhẫn, nhiều ở mặt ngoài, có đều ở các răng đối xứng.

3.1.2. Sinh men bất toàn

– Hình dạng: Tổn thương thường lan theo chiều rộng hơn, có tính chất từng lớp.

– Vị trí: Đỉnh núm hoặc bờ cắn (hiếm khi có bệnh sâu răng), mặt ngoài răng, tổn thương thường gặp ở cả nhóm răng có cùng thời gian hình thành.

3.2. Sâu ngà:

Cần chẩn đoán phân biệt với

3.2.1. Tiêu thân răng

Vị trí thường ở cổ răng, đáy tổn thương hình nhị diện, rất cứng, nhẵn và bóng.

3.2.2. Mòn mặt nhai

Gặp ở người lớn tuổi đáy cứng và nhẵn.

3.2.3. Viêm tủy mạn tính

Có cơn đau tuỷ.

3.2.4. Tuỷ hoại tử

Có tiền sử cơn đau tuỷ điển hình, răng đổi màu, thử tủy âm tính.

Nguồn: 

1. Nguyễn Dương Hồng (1979), “Bệnh học sâu răng” Răng Hàm Mặt, Tập 1. Nhà xuất bản Giáo dục.
2. A.T. Hara, C. Silami de Magalhaes et al (2002), “effect of fluoride-containing restorative systems associated with dentrifices on root dentin”. Journal of Dentistry, 30:205-212.
3. C.-Y.S. Hsu, T.H. Jordan et al (2000). “Effects of low-energy co2 laser irradiation and the organic matrix on inhibition of enamel demineralization” Journal of Dental Research, 79:1725-1730.
4. Gilberto Minostroza H., (2009),” Dental caries,, 3th edition, Ripano book
5. James B., William R., Thomas J. Et al (2006), “Fundamentals of Operative
dentistry” 3th edition, Quintessce book.
6. Luciana B., AubreyS., Marcelo B. (2008), “The association of dental caries with social factors and nutritional status in Brazilian preschoolchildren”, Eur J Oral Sci, 116: 37-43 Printed in Singapore.
7. M. Lenander-Lumikari. V. Loimaranta (2000), “Saliva and Dental Caries” Adv Dent Res 14:40-47.
8. Moun G., Hume W., (2009), “Prervation and restoration of tooth structure”, 2nd edition, Mosby, 1998.
9. National Institutes of Health Office of the Director (2001). “Diagnosis and Management of Dental Caries Throughout Life” Volume 18, Number 1.
10. Samuel Akpata (2011), “Dental Caries,, eighth edition, Mosby.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *