Bệnh sâu răng được coi là bệnh đa yếu tố do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Trong bài viết này sẽ liệt kê các vai trò của các yếu tố tác động tới bệnh sâu răng, nhằm cung cấp hiểu biết tổng quan cho đối tượng Nha sĩ. Cùng tìm hiểu thêm.
1. Vai trò của vi khuẩn
Mảng bám răng là một màng mỏng bám trên bề mặt răng có chứa nhiều vi khuẩn nằm trên khung vô định hình từ mucoid nước bọt và polysaccharide (glucan) của vi khuẩn ngoại bào. Các acid sinh ra từ các chất có trên mảng bám răng có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng.
1.1. Vai trò gây bệnh sâu răng của mảng bám
Các chất đường từ thức ăn sẽ nhanh chóng khuếch tán vào mảng bám, được vi khuẩn chuyển hóa thành acid (chủ yếu là acid lactic, ngoài ra còn có acid acetic và acid propionic). pH của mảng bám có thể giảm xuống tới 2 sau 10 phút ăn đường. mật độ tập trung cao của vi khuẩn trên mảng bám có vai trò quan trọng trong hiện tượng giảm nhanh chóng pH mảng bám. Sau khoảng 30 – 60 phút, pH mảng bám quay trở về pH ban đầu do sự khuếch tán của đường và các acid mảng bám ra mỗi trường miệng và sự khuếch tán của các ion chất đệm từ nước bọt vào mảng bám. Các ion chất đệm này có vai trò hoà loãng và trung hoà acid trong mảng bám. Nếu pH tới hạn của mảng bám <5,5 thì sẽ gây hiện tượng mất khoáng men răng.
Mảng bám là giao diện trao đổi hoá học giữa nước bọt và bề mặt men răng.
1.2. Các vi khuẩn có khả năng gây bệnh sâu răng trong mảng bám
– Streptococcus mutans là chủng vi khuẩn có khả năng gây sâu răng cao nhất trong nghiên cứu thực nghiệm trên động vật.
– Các chủng vi khuẩn khác như S. sanguis, S. mitis, S. oralis và các loại Actinomyces và Lactobacillus cũng gây sâu răng thực nghiệm trên động vật. Actinomyces đặc biệt có vai trò quan trọng trong sâu chân răng, kết hợp cùng các chủng S. mutans và Lactobacillus. Do S. mutans và Lactobacillus có vai trò đặc biệt trong sâu răng nên trong điều tra dịch tễ học, người ta dùng test sàng lọc đơn giản đánh giá mức độ của 2 vi khuẩn này trong nước bọt như là một yếu tố chỉ điểm của bệnh sâu răng đang hoạt động.
2. Vai trò của carbohydrate với bệnh sâu răng
– Sự lên men đường có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng. Các loại carbohydrate khác nhau có đặc tính gây sâu răng khác nhau. Sucrose (đường mía) có khả năng gây sâu răng cao hơn các loại đường khác. Glucose, maltose, fructose galactose và lactose cũng là các carbohydrate có khả năng gây sâu răng cao trong nghiên cứu thực nghiệm.
– Đường trong chế độ ăn có thể chia thành 2 loại: Đường nội sinh (đường trong hoa quả và rau) và đường ngoại sinh (đường bổ sung, nước quả, sữa). Đường ngoại sinh có khả năng gây bệnh cao hơn, do vậy nên giảm đường ngoại sinh trong chế độ ăn.
– Sự liên quan trực tiếp giữa chế độ ăn đường và tỷ lệ bệnh sâu răng phụ thuộc vào cách thức và tần suất ăn đường hơn là tổng lượng đường tiêu thụ của mỗi cá thể, Nguy cơ sâu răng sẽ cao hơn ở những cá thể ăn đường giữa các bữa ăn, cung cấp carbohydrate dự trữ cho sự chuyển hóa của vi khuẩn trên mảng bám (thói quen ăn vật) và ở những cá thể hay ăn các loại đường dính trên bề mặt răng.
3. Răng
3.1. Men răng
– Khả năng hòa tan men tỷ lệ nghịch với nồng độ fluor của men răng do các tỉnh thể fluorapatite ít bị hoà tan bởi acid hơn các tinh thể hydroxyapatite khi pH trên 4.5 (đây là pH tới hạn của fluorapatite).
– Nồng độ của ion fluor trong cấu trúc men răng có thể lên tới 2500 – 4000 p.p.m, nhưng nồng độ trong nước bọt chỉ ở mức 0,03 P.P.M. Do vậy, sự kết hợp của ion fluor vào cấu trúc của răng trong quá trình phát triển hoặc sử dụng fluor tại chỗ sau khi răng mọc làm giảm sự hủy khoáng và tăng cường khả năng tái khoáng men răng.
– Men răng thiểu sản hay men răng kém khoáng hóa có thể ảnh hưởng đến tiến triển của tổn thương sâu răng, nhưng không gây tăng tỷ lệ các tổn thương khởi phát.
3.2. Hình thể răng
Các răng có hố rãnh sâu có nguy cơ sâu răng cao do sự tập trung mảng bám.
3.3. Vị trí răng
Răng lệch lạc làm tăng khả năng lưu giữ mảng bám.
4. Các yếu tố bệnh nguyên khác
4.1. Nước bọt và bệnh sâu răng
Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ răng khỏi các acid gây sâu răng nhờ các yếu tố sau:
– Dòng chảy, tốc độ dòng chảy của nước bọt là yếu tố làm sạch tự nhiên để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại sau ăn và vi khuẩn trên bề mặt răng. Bằng chứng lâm sàng là chứng khô miệng do tia xạ, do dùng thuốc hoặc một số tình trạng bệnh lý toàn thân làm cho tỷ lệ sâu răng rất cao và nặng nề.
– Cung cấp các ion Ca”, PO,” và fluor để tái khoáng hóa men răng, các bicarbonate tham gia vào quá trình đệm.
– Tạo một lớp màng mỏng (pellicle) từ nước bọt có vai trò như một hàng rào bảo vệ men răng khỏi pH nguy cơ. Hàng rào này ngăn cản sự khuếch tán của các ion acid vào răng và sự di chuyển của các sản phẩm hòa tan từ apatite ra khỏi mô răng. Nó có thể ức chế sự khoáng hoả để hình thành cao răng từ các ion calci và phosphat quá bão hoà trong nước bọt.
– Cung cấp các kháng thể IgG, IgM để kháng vi khuẩn.
Số lượng và chất lượng nước bọt thay đổi trong ngày, tăng vào ban ngày và giảm về đêm. Nước bọt không kích thích chứa ít chất đệm bicarbonat và ion calci và nhiều ion phosphate hơn. Nhai kẹo cao su hoặc acid có trong thức ăn có thể kích thích tăng số lượng nước bọt lên rất nhiều. Nồng độ chất đệm bicarbonat có thể tăng lên 60 lần khi có kích thích, ion calci tăng nhẹ, ion phosphate không tăng. Nước bọt cung cấp các yếu tố bảo vệ tự nhiên để tái tạo lại mô răng khi pH ở mức nguy cơ (pH thách thức). Giảm dòng chảy nước bọt đến mức tối thiểu (0,7mL/phút) sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.
4.2. Chế độ ăn
Chế độ ăn có chứa nhiều phosphate có khả năng giảm tỷ lệ sâu răng. Tăng chất béo trong khẩu phần ăn có thể làm giảm tác động của các tác nhân gây bệnh sâu răng.
– Ăn nhiều đường, nhất là ăn vặt thường xuyên giữa các bữa ăn chính làm tăng nguy cơ sâu răng.
– Thói quen ăn uống trước khi đi ngủ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, việc cho bú bình kéo dài với sữa và các loại chất ngọt, nhất là bú trong khi ngủ làm tăng tỷ lệ sâu răng, gây nên hội chứng bú bình.
– Chỉnh nha, sử dụng hàm giả bán phần, trám răng không đúng quy cách làm tăng khả năng lưu giữ các mảnh thức ăn, mảng bám vi khuẩn, do đó làm tăng nguy cơ gây sâu răng.
– Yếu tố di truyền: Liên quan đến hình thể, cấu trúc răng, nước bọt, độ nhạy cảm với vi khuẩn… Tuy nhiên nó chỉ tác động rất nhỏ so với yếu tố môi trường, những gia đình bố mẹ bị sâu răng nhiều con cái cũng có khuynh hướng sâu răng nhiều chủ yếu là do bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng.
4.3. Miễn dịch với bệnh sâu răng
Bệnh sâu răng ở người có liên quan tới sự hình thành các kháng thể kháng S. mutans trong nước bọt và trong huyết thanh, nhưng phần lớn ở các cá thể, tính miễn dịch hoạt động tự nhiên này rất ít hiệu quả. Cơ chế miễn dịch nào phòng bệnh sâu răng thì vẫn chưa được biết cụ thể.
Nguồn:
1. Nguyễn Dương Hồng (1979), “Bệnh học sâu răng” Răng Hàm Mặt, Tập 1. Nhà xuất bản Giáo dục.
2. A.T. Hara, C. Silami de Magalhaes et al (2002), “effect of fluoride-containing restorative systems associated with dentifrices on root dentin”. Journal of Dentistry, 30:205-212.
3. C.-Y.S. Hsu, T.H. Jordan et al (2000). “Effects of low-energy co2 laser irradiation and the organic matrix on inhibition of enamel demineralization” Journal of Dental Research, 79:1725-1730.
4. Gilberto Minostroza H., (2009),” Dental caries,, 3th edition, Ripano book
5. James B., William R., Thomas J. Et al (2006), “Fundamentals of Operative
dentistry” 3th edition, Quintessent book.
6. Luciana B., AubreyS., Marcelo B. (2008), “The association of dental caries with social factors and nutritional status in Brazilian preschool children”, Eur J Oral Sci, 116: 37-43 Printed in Singapore.
7. M. Lenander-Lumikari. V. Loimaranta (2000), “Saliva and Dental Caries” Adv Dent Res 14:40-47.
8. Moun G., Hume W., (2009), “Prervation and restoration of tooth structure”, 2nd edition, Mosby, 1998.
9. National Institutes of Health Office of the Director (2001). “Diagnosis and Management of Dental Caries Throughout Life” Volume 18, Number 1.
10. Samuel Akpata (2011), “Dental Caries,, eighth edition, Mosby.
Leave a Reply