Đầu dưới xương quay là một bộ phận quan trọng của hệ thống cơ xương và có nhiệm vụ hỗ trợ cho các hoạt động vận động của cơ thể. Tuy nhiên, khi đầu dưới xương quay bị tổn thương, chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Gãy đầu dưới xương quay thường xảy ra do các va chạm mạnh hoặc các tai nạn giao thông. Triệu chứng của gãy đầu dưới xương quay bao gồm đau, sưng, khó khăn trong việc di chuyển và xoay đầu. Để chẩn đoán gãy đầu dưới xương quay, các bác sĩ thường sử dụng các phương pháp hình ảnh như chụp X-quang hoặc CT scan. Việc xác định chính xác vị trí và mức độ gãy sẽ giúp các bác sĩ lên phương án điều trị phù hợp.
Nhóm tác giả: PGS.TS. Trần Trung Dũng, ThS.BS. Nguyễn Trung Tuyến, Th.S.BS. Nguyễn Hữu Mạnh, BS. Nguyễn Đức Phong.
1. Điều trị gãy đầu dưới xương quay
- Đa số là nắn kín và bó bột
- Phẫu thuật: hương pháp xuyên kim, kết hợp xương bằng nẹp vít, cố định ngoài
1.1. Bảo tồn
*Chỉ định:
– Gãy đầu dưới xương quay đơn thuần ít di lệch hoặc gãy đầu dưới xương quay kèm trật khớp quay trụ dưới.
– Gãy theo kiểu Pouteau-Colles, Smith’s.
– Gãy cành tươi ở trẻ em.
– Người già mắc các bệnh lý mạn tính không thể thực hiện được phẫu thuật.
*Kỹ thuật:
– Vô cảm: tiêm 1 mũi giảm đau hoặc uống thuốc giảm đau trước khi nắn.
– Phương pháp nắn chỉnh:
+ BN nằm ngửa, khuỷu gấp 90 độ.
+ Người phụ một tay nắm ngón cái, một tay còn lại nắm ngón II-III-IV kéo thẳng trục như vậy để chỉnh di lệch chồng.
+ Người nắn nắm sát ngay trên chỗ gãy, 4 ngón tay của 2 tay vòng ra trước tỳ lên đầu gãy trung tâm để làm đối lực trong khi 2 ngón tay cái đẩy đoạn ngoại vi ra trước, đổng thời người phụ cho gập cổ tay tối đa.
+ Sau cùng, người phụ kéo mạnh bàn tay vào trong kết hợp cùng người nắn đẩy đoạn ngoại vi vào trong chữa di lệch ra ngoài.
+ Kiểm tra hết di lệch thì bó bột từ 1 /3T cẳng tay tới khớp bàn – ngón tay, bàn tay nghiêng trụ, để thẳng theo trục cẳng tay hoặc hơi duỗi hoặc hơi gấp khoảng 20-30 độ tùy theo kiểu gãy.
+ Để bột rạch dọc trong tuần đầu để hết nề, sau đó phải bó bột tròn kín để giữ ổ gãy.
+ Để bột tối đa 5 tuần.
1.2. Phẫu thuật gãy đầu dưới xương quay
– Chỉ định: gãy thấu khớp, gãy hở, kèm theo gãy xương cổ tay, tổn thương mạch máu thần kinh, điều trị bảo tồn thất bại.
1.2.1. Xuyên đinh Kirschner qua da
Kỹ thuật này được đề nghị lần đẩu tiên của Lambotte năm 1908 bằng đinh Kirschner qua mỏm trâm quay. Một vài thay đổi về vị trí, hướng xuyên đinh được nghiên cứu, những mục đích vẫn là cố định mảnh gãy vào vỏ xương đối diện của các loại gãy phức tạp,
Kỹ thuật phổ biến là Kapandji hay được chỉ định với gãy đầu dưới xương quay ngoại khớp. Cách thức phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện, thời gian phẫu thuật ngắn.
Thứ Tự Xuyên, vị trí xuyên phải chính xác đảm bảo cố định xương tốt.
– Đinh thứ nhất (mặt ngoài): là điểm giữa cơ duỗi cổ tay quay ngắn ở trong và gân cơ dạng dài, duỗi ngắn ngón cái ở ngoài. Đẩu tiên xuyên đinh vuông góc qua thành xương thứ 1, sau đó chếch 1 góc 45° sang thành bên kia.
– Đinh thứ hai (mặt lưng): đi vào giữa gân duỗi dài ngón I và duỗi ngón II, ngay trong lồi củ Lister.
– Có thể thêm đinh thứ ba: đi vào phía trong gân duỗi dài ngón I hoặc có thể giữa gân duỗi ngón IV, V.
1.2.2. Kết hợp xương nẹp vít
– Phương pháp này hay được chỉ định ở những trường hợp gãy phạm khớp di lệch, gãy lún mặt khớp không thể nắn chỉnh hết bằng kéo liên tục. Phương pháp này cố định vững ổ gãy giúp cổ tay vận động sớm.
– Dùng đường mổ Henry để bộc lộ ổ gãy.
2. Biến chứng gãy đầu dưới xương quay
2.1. Tổn thương thần kinh giữa
Là biến chứng thường gặp nhất trong đa số các nghiên cứu, tổn thương thần kinh giữa tạm thời do đụng dập hoặc căng giãn quá mức liên quan đến loại gãy, mức độ di lệch ban đầu, nắn xương ban đầu. Ngược lại, chèn ép thần kinh giữa lâu dài thường do can lệch, nhất là can lệch gập góc ra sau nhiều.
2.2. Rối loạn dinh dưỡng
Là hiện tượng rối loạn vận mạch thần kinh gây rối loạn lưu thông máu cục bộ ở chi xuất hiện sau chấn thương hoặc viêm tấy.
2.3. Tổn thương gân
Gồm tổn thương: viêm dính gân gấp và gân duỗi, đứt gân. Vận động sớm các ngón tay phải được chú ý sau gãy đầu dưới xương quai gây hạn chế dính gân và giảm phù nề mô mềm.
Biến chứng thường gặp là đứt gân duỗi dài ngón cái. Nguyên nhân thường là do thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ hơn là do gai xương cọ mòn gân. Điều trị bằng nối tận tận thường không thành công, cần chuyển gân duỗi ngón II thay thế.
2.4. Cal lệch
Cal lệch thường xảy ra theo hướng di lệch ban đầu, gồm: gập góc, ngắn xương hay mất góc nghiêng trụ.
Cal lệch có ảnh hưởng lớn tới sự truyền lực qua khớp cổ tay và khớp quay trụ dưới, gập góc về phía lưng quá mức sẽ làm hạn chế gập và duỗi quá mức => đau khớp quay cổ tay và bán trật cổ tay, nhất là những người vận động cổ tay nhiều.
2.5. Khớp giả
Là biến chứng hiếm gặp. Nguyên nhân gồm bất động không tốt, kéo xa các mảnh gãy quá mức trong cố định ngoài. Điều trị gồm ghép xương, kết hợp xương, cố định ngoài thích hợp.
3. Phục hồi chức năng gãy đầu dưới xương quay
3.1. Đối với bệnh nhân bó bột
3.1.1. Giai đoạn bất động
+ Treo tay cao trong 1 -2 tuần để chống phù nề bàn tay.
+ Vận động tập chủ động tự do các khớp khuỷu, vai, các khớp liên đốt, bàn đốt bên tổn thương để duy trì tầm vận động các khớp này.
+ Co cơ tĩnh phẩn bất động trong bột sau khi bột khô để ngừa teo cơ, dính khớp, thúc đẩy quá trình liền xương.
3.1.2. Giai đoạn sau bất động
+ Vận động trị liệu: bài tập chủ động có trợ giúp tiến đến chủ động có đề kháng các động tác gập duỗi cổ tay, nghiêng trụ, nghiêng quay, quay sấp hay ngửa cổ tay, tập mạnh các cơ cầm nắm để gia tăng tầm vận động khớp cổ tay. Vận động tự do có đề kháng các khớp khuỷu, vai, liên đốt bàn đốt. Nếu tầm vận động gần đạt tới mức chức năng (gập 40°, duỗi 40°, kết hợp với nghiêng trụ nghiêng quay 40°) thì có thể bắt đẩu tập tạ nhẹ nhàng từ 1/2 kg tới 1 kg. Tăng cường bài tập với tạ trong suốt tầm vận động sau 10-12 tuần sau chấn thương nếu bệnh nhân chịu được.Tăng cường bài tập chương trình bằng các bài tập liên quan đến nghề nghiệp của bệnh nhân sau 16 tuần nếu được.
+ Hoạt động trị liệu: tăng cường các bài tập chức năng cổ bàn tay như cầm thả vật, vắt khăn, mở nắp chai lọ, mặc và cởi quần áo, lăn bóng, lật trang sách, lật quân bài.
3.2. Đối với bệnh nhân phẫu thuật
3.2.1. Giai đoạn sau phẫu thuật 1 -3 tuần
+ Nâng cao tay.
+ Vận động thụ động nhẹ nhàng cổ tay và bàn tay.
+ Vận động chủ động trợ giúp các khớp liên đốt bàn đốt, khớp khủy và vai.
+ Đặt cổ tay trong máng bột duỗi cổ tay 30°.
3.2.2. Giai đoạn sau phẫu thuật 4-7 tuần
+ Tập chủ động nhẹ các hoạt động của cổ tay như gập, duỗi, nghiêng trụ, nghiêng quay, quay sấp, hay ngửa.
+ Tập các bài tập tăng cường sức mạnh nhóm cơ cầm nắm bàn tay.
+ Hoạt động trị liệu các cử động phối hợp, khéo léo bàn ngón tay trong sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm, nhặt vật nhỏ…
4. Kết luận
– Gãy xương quay là một bệnh lý chấn thương rất phổ biến thường gặp trong phòng cấp cứu và các trường hợp gãy xương cẳng tay.
– Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng có ý nghĩa trong phân loại và điều trị.
– Điều trị bệnh đa số là điều trị bảo tồn nắn bó bột đem lại kết quả tốt.
– Với những trường hợp gãy di lệch phạm khớp, gãy lún khớp, gãy phức tạp kết hợp xương bằng nẹp vít hoặc xuyên đinh Kirschner trên màn tăng sang đem lại kết quả tốt.
Nguồn tác giả
Leave a Reply