Tiếp cận bệnh nhi đến khám răng là một bước định quan trọng trong điều trị nha khoa cho trẻ. Nó có thể dẫn đến một quá trình điều trị dài hạn cho trẻ, nhưng cũng có thể dẫn đến việc kết thúc điều trị ngay từ buổi điều trị đầu tiên. Vì vậy, bác sĩ cần trau dồi kỹ năng tiếp cận bệnh nhân và áp dụng chính xác để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình điều trị.
1. Vai trò của phụ huynh trong phương pháp tiếp cận bệnh nhi
Bố mẹ có vai trò đầu tiên rất quan trọng trong việc này. Bố mẹ cần giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc chữa răng, động viên trẻ, giúp trẻ an tâm hơn khi đi chữa răng, không nên làm cho trẻ sợ và có một cái nhìn không tốt đối với các nha sĩ.
2. Cuộc gặp gỡ đầu tiên
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa trẻ, bố mẹ trẻ và nha sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của trẻ đối với nha sĩ, giúp cho trẻ có thể chấp nhận nha sĩ hay không. Do vậy, giữa nha sĩ và bố mẹ trẻ nên có những mối liên hệ trước để nha sĩ và các trợ thủ có thể hiểu được tâm lý của trẻ và có cách tiếp cận được tốt hơn với trẻ.
Trước khi đưa trẻ đến gặp nha sĩ nên có một cuộc hẹn riêng với nha sĩ để cung cấp cho nha sĩ những thông tin về trẻ: bệnh sử nội khoa, bệnh sử răng miệng, các đặc điểm tâm lý, trình độ hiểu biết của trẻ về bệnh răng miệng và thái độ của bố mẹ. Theo nhiều nghiên cứu thì phần lớn các trẻ không chấp nhận nha sĩ ngay lần đầu tiên, đó là những trẻ cũng có bố mẹ rất lo lắng và sợ đau như trẻ. Cuộc gặp gỡ này cũng là cơ hội để nha sĩ giải thích với bố mẹ về cách tiếp cận của mình với trẻ, những việc cần phải làm và đặc biệt là nha sĩ cũng cần phải làm yên tâm bố mẹ để cho bố mẹ hiểu mình là một người có năng lực thật sự, hết lòng quan tâm đến trẻ và sẵn sàng giúp trẻ, cùng chia sẻ những điều mà bố mẹ trẻ đang lo lắng.
Nếu bố mẹ trẻ không thể có được một cuộc hẹn trước với nha sĩ thì ít nhất cũng phải trao đổi với nha sĩ trước qua thư hoặc điện thoại để cho nha sĩ có được những thông tin cần thiết giúp ích cho cả trẻ và nha sĩ.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, tốt hơn hết là không nên can thiệp gì nếu không quá cần thiết để tránh cho trẻ những sợ hãi khi lần đầu tiên đến với nha sĩ. Trong lần đầu tiên này, chỉ cần làm cho trẻ an tâm, không lo lắng, hợp tác và tin tưởng nha sĩ là đã thành công.
3. Thiết kế phòng khám răng khi tiếp cận bệnh nhi
Phòng nha cần có phòng đợi riêng cho trẻ. Phòng đợi phải thiết kế sao cho phù hợp với trẻ không làm cho trẻ sợ hoặc lo lắng, phòng đợi phải tạo cho trẻ một cảm giác yên tâm và vui vẻ. Tại đó, có thể có các trò chơi giải trí cho trẻ như vẽ tranh, đọc tạp chí, xem phim,… Các nhân sự của phòng nha: tiếp đón, trợ thủ, kỹ thuật viên, vệ sinh viên và nha sĩ cần phải có những kiến thức chung về tâm lý trẻ em để có thể tiếp cận với trẻ em một cách hợp lý. Cần phải hiểu được trẻ một cách nhanh nhất có thể thông qua các cử chỉ, lời nói, hành vi, nguồn ngân và các biểu hiện khác của trẻ. Trước khi đưa trẻ vào phòng chữa rằng nha sĩ cần phải biết đủ những thông tin về tâm lý của trẻ.
4. Phương pháp của Wolpe
Phương pháp này đã được ứng dụng trong nhiều nghiên cứu. Đối với các trẻ hay lo lắng và sợ hãi đi chữa răng nên đưa trẻ đến phòng nha nhiều lần mà không có can thiệp gì để trẻ được quen dần và thân thiện với các dụng cụ chữa răng giúp trẻ bỏ đi nỗi sợ hãi và lo lắng. Khi trẻ đến phòng mạch có thể cho trẻ sở các dụng cụ để không còn sợ dụng cụ, ghế máy có thể trở thành trò chơi của trẻ giúp trẻ vui vẻ khi đưa ghế lên xuống nghiêng ngả. Dần dần, nha sĩ chi cho trẻ xem qua hết các dụng cụ chữa răng cần thiết, giải thích cho trẻ hiểu một số chức năng của dụng cụ để trẻ không còn lo lắng. Khi giải thích với trẻ nên dùng những ngôn ngữ phù hợp với trẻ và những hình ảnh minh hoạ hết sức cụ thể như “cái đẻ cao su này là một cái dù để che cho răng”, không nên dùng những từ ngữ làm trẻ sợ như không dùng tử tiêm thuốc mà nói với trẻ là bôi thuốc để cho bạn răng ngủ,…
5. Tiếp xúc với từng nhóm trẻ
Phương pháp này cũng giống như phương pháp Wolpe, nhưng nha sĩ có thể hẹn nhiều trẻ đến phòng mạch cùng một lúc để đưa các châu tham quan phòng mạch và giải thích cho các cháu hiểu một số vấn đề và sau đó sẽ tiến hành điều trị vào những buổi hẹn sau.
6. Tiếp cận bệnh nhi và làm thay đổi chúng
Có rất nhiều kỹ thuật để làm thay đổi hành vi của trẻ ở phòng nha. Sau đây là một số phương pháp cụ thể:
6.1. Phương pháp giải thích – phát hiện – phản ứng
Phương pháp này được mô tả bởi Addelston nhằm giúp cho trẻ giảm bớt lo âu do loại bỏ được các yếu tố mà trẻ chưa hiểu. Trước khi làm một động tác nào đó, nha sĩ nên giải thích cho trẻ một cách đơn giản để cho trẻ hiểu và không sợ hãi, tin tưởng vào nha sĩ. Buổi điều trị cho trẻ không nên kéo dài nên chia quy trình điều trị thành nhiều buổi và thời gian điều trị thì ngắn nhất có thể. Khi đã giải thích cho trẻ sẽ kết thúc công việc vào thời điểm nào thì phải giữ đúng lời hứa với trẻ để trẻ không mất niềm tin vào nha sĩ.
6.2. Phương pháp cho trẻ quan sát mẫu khi tiếp cận bệnh nhi
Có thể cho trẻ xem trực tiếp hình ảnh các trẻ khác đang điều trị hoặc xem các hình ảnh ghi lại trên máy tính để trẻ bớt lo âu và sợ hãi. Ngoài ra, nha sĩ có thể mời bố mẹ hoặc anh chị của trẻ lên ghế máy khám và điều trị trước để làm gương cho trẻ và trẻ sẽ làm theo.
6.3. Kỹ thuật làm trẻ thư giãn
Trẻ rất khó có thể chấp nhận một cuộc can thiệp kéo dài trên ghế máy. Do vậy, thời gian điều trị phải ngắn nhất có thể để cho trẻ không bị nhàm chán và mệt mỏi. Trong khi chữa cho trẻ có thể cho trẻ xem các bộ phim, các chương trình mà trẻ thích hoặc cho trẻ nghe nhạc hoặc nha sĩ và trợ thủ có thể hát hoặc kể chuyện cho trẻ nghe để trẻ không còn tập trung đến việc đang bị chữa răng nữa.
Nguồn: Sách Răng trẻ em – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply