Biện pháp kiểm soát mảng bám tốt nhất là kết hợp phương pháp cơ học và hóa học. Ví dụ, trong kem đánh răng thường chứa cả chất mài mòn, và chất chống mảng bám, chất chống vi khuẩn như sodium lauryl sulphate, thiếc fluoride, triclosan plus zinc citrate tri closan plus copolymers…Kiểm soát mảng bám bằng phương pháp hóa học bổ sung cho phương pháp cơ học chứ không thể thay thế cho phương pháp cơ học được.
1. Mục đích kiểm soát mảng bám bằng phương pháp hóa học
– Ngăn cản tạo thành mảng bám răng.
– Kiểm soát mảng bám răng.
– Thay đổi thành phần của vi khuẩn mảng bám.
– Có tác dụng kìm khuẩn, diệt khuẩn gây bệnh sâu răng, bệnh quanh răng.
– Thay đổi bề mặt của răng từ đó ảnh hưởng đến sự bám dính của mảng bám răng.
Mặc dù có nhiều chất chống vi khuẩn được giới thiệu để kiểm soát mảng bám, nhưng chỉ có một số ít đạt được hiệu quả làm sàng do vấn đề bám dính, hoạt động của chất đó trong miệng, khó khăn trong việc kết hợp vào các sản phẩm nha khoa khác.
Sử dụng kéo dài các chất này gây ra:
– Làm mất cân bằng tự nhiên vi sinh vật môi trường miệng.
– Dẫn tới phát triển vi sinh vật ngoại sinh.
– Dẫn tới sự kháng khuẩn. Có một vài chất thỏa mãn được những tiêu chuẩn trên.
2. Các chất kiểm soát mảng bám tại nhà
– Những chất này phải cung cấp với tần suất cao, 1 – 3 lần trong ngày
– Kiểm soát rất hiệu quả mảng bám trên lợi nhưng hạn chế ở dưới lợi.
– Cần cân nhắc tới sự thích ứng của bệnh nhân và giá cả để lựa chọn sản phẩm thích hợp.
3. Các chất kiểm soát mảng bám tại phòng khám
– Thường xuyên kiểm soát mảng bám để làm ngừng tiến triển của sâu răng và chữa trị viêm quanh răng giai đoạn sớm.
– Hiệu quả cao vì nó được cung cấp bởi nha sĩ.
– Tác dụng kéo dài có thể tăng thêm nhờ những chất giải phóng chậm, như vecni chlorhexidine.
4. Những nhân tố ảnh hưởng tới kiểm soát mảng bám bằng phương pháp hóa học
– Substantivity: Đó là khả năng một chất bám dính vào bề mặt mô, theo thời gian nó có thể giải phóng liều lượng thích hợp các chất có tác dụng chính.
– Tính thấm: là hiệu quả thấm sâu vào trong mảng bám răng của các chất.
– Tính đặc hiệu: là tác dụng đặc hiệu lên một loại vi khuẩn trong mảng bám răng của một chất.
– Tính tan: Là khả năng một chất có thể hòa tan theo các phương thức khác nhau để cho phép giải phóng nhanh vào môi trường miệng.
– Tính ổn định: là đặc tính của một chất không bị phá hủy, thay đổi thành phần hóa học trong quá trình bảo quản.
– Khả năng tiếp cận: Nó là một tiêu chuẩn quan trọng của kiểm soát mảng bám bằng chất hóa học. Một chất được đánh giá là hiệu quả khi nó tới được vị trí hoạt động, và tồn tại ở đó đủ lâu để tác dụng hiệu quả.
Chất kiểm soát mảng bám bằng phương pháp hóa học tốt nên tập hợp tất cả những nhân tố trên.
5. Tác dụng ngăn cản mảng bám
Chất hóa học ngăn cản tạo thành mảng bám bằng những cơ chế sau:
– Ngăn cản sự tập trung của vi khuẩn.
– Ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.
– Ngăn cản sự hoàn chỉnh mảng bám răng.
– Thay đổi môi trường vi sinh vật ở mảng bám răng.
Những chất kiểm soát mảng bám hiện nay thường có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng kháng khuẩn và diệt khuẩn. Chúng dính với màng vi khuẩn và tương tác với nó, bằng cách đó nó cản trở quá trình chuyển hóa của vi khuẩn và làm chết nó. Chúng cũng thay đổi tính thấm màng tế bào vi khuẩn, làm đứt gãy các bào quan bên trong tế bào, làm tan rã protein.
6. Các cách cung cấp
Các cách cung cấp phải thỏa mãn những tiêu chí sau:
– Phải phù hợp với tác nhân hoạt động.
– Đảm bảo cho tác nhân có tác dụng tối ưu.
– Không cần sự thích nghi của bệnh nhân, không cần thay đổi thói quen của bệnh nhân.
Các phương pháp như: nước súc miệng, gels, kem đánh răng, kẹo cao su, vecni… Những chất kiểm soát mảng bám có thể phân loại thành: chất cation, anion, không anion, những chất khác, và kết hợp những chất với nhau.
6.1. Những chất cation
Những chất này có khả năng chống lại vi sinh vật hơn các chất anion và chất không anion
– Chất bisbiguanide: chlorhexidine và alexidine – Có amine bac 4 trong cấu trúc: cetylpyridinium chloride, benzethonium chloride và domiphen bromide
– Những muối kim loại nặng; copper, tin, zinc
– Pyrimidine: hexidine
– Herbal extract: sanguinarine
Hiệu quả nhất là bisbiguanide, tiếp theo là muối kim loại nặng. Tác nhân sử dụng rộng rãi nhất là chlorhexidine.
a) Chlorhexidine
(1) Lịch sử
Chlorhexidine được phát hiện vào năm 1940 ở nước Anh, và xuất hiện trong siêu thị vào năm 1954 là một chất sát khuẩn cho vết thương. Sau đó nó được sử dụng rộng rãi trong y học, trong sản khoa.
(2) Phổ kháng khuẩn
Hoạt động chống vi khuẩn của chlorhexidine trong thí nghiệm là không nổi bật. Nhưng phổ kháng khuẩn của nó là rộng.
Nhìn chung, vi khuẩn gram dương nhạy cảm hơn vi khuẩn gram âm. – Streptococcus mutans rất nhạy cảm với chlorhexidine.
– Chlorhexidine tác dụng khác nhau với nồng độ khác nhau, ở nồng độ thấp nó có tác dụng kháng khuẩn, ở nồng độ cao nó có tác dụng diệt khuẩn.
(3) Cơ chế tác dụng của chlorhexidine
– Thay đổi màng tế bào vi khuẩn.
– Cation chlorhexidine bám dính nhanh lên màng tế bào vi khuẩn, phá hủy đặc hiệu phosphate chứa trong những thành phần đó.
– Màng tế bào vi khuẩn không còn giữ được tính nguyên vẹn, chlorhexidine bám dính vào lớp trong màng tế bào vi khuẩn.
– Chlorhexidine bám dính vào phospholipids và làm tăng tính thấm của màng, từ đó dẫn tới bẻ gãy những phân tử nhỏ như ion kali.
(4) Hoạt động chống vi khuẩn
Chlorhexidine là một chất chống vi khuẩn. Nó là một cation với
* Phổ kháng khuẩn rộng
* Độc tính thấp
* Bám dính với da và niêm mạc
Phổ kháng khuẩn rộng của Chlorhexidine là:
– Tác dụng trên vi khuẩn Gr(+),
– Tác dụng trên vi khuẩn Gr(-).
– Nấm lên men.
– Nám da.
– Virus.
(5) Tác dụng phụ
– Thay đổi vị giác.
– Đổi màu mô trong miệng.
– Tróc vảy và đau niêm mạc miệng.
(6) Chỉ định
* Dạng sử dụng Chlorhexidine
– Nước súc miệng được sử dụng rộng rãi.
– Chlorhexidine dạng xịt rất hữu ích cho những người bị tàn tật.
– Chlorhexidine trong kẹo cao su.
– Chlorhexidine trong kem đánh răng với nồng độ của nó là 1%.
* Sử dụng sau các phẫu thuật miệng, phẫu thuật quanh răng, cắt lợi.
* Bệnh nhân cố định hàm, sử dụng chlorhexidine có tác dụng cải thiện vệ sinh răng miệng, giảm vi khuẩn trong nước bọt.
* Chlorhexidine dạng xịt, nước súc miệng kiểm soát mảng bám rất hiệu quả cho những người bị tàn tật cả về thể chất lẫn tinh thần.
* Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, thường hay xảy ra nhiễm trùng đặc biệt là nhiễm nấm. Chlorhexidine được sử dụng và kết hợp với các thuốc chống nấm.
* Ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, sử dụng chlorhexine cùng với fluoride có tác dụng dự phòng sâu răng.
* Chlorhexidine được sử dụng để ngăn ngừa sự tái phát của aptơ vì nó có tác dụng chống bội nhiễm vi khuẩn.
Sử dụng khí cụ chỉnh nha tháo lắp và cố định sẽ tạo thành mảng bám nhiều hơn, loét do chấn thương. Chlorhexidine có tác dụng ngăn ngừa vấn đề này.
* Chlorhexidine được sử dụng để tăng thành công trong cấy ghép nha khoa.
* Những bệnh nhân ở lâu trong bệnh viện, những bệnh nhân cao tuổi, sử dụng chlorhexidine có tác dụng giảm Streptococcus mutans, và một số loại vi khuẩn khác.
* Hạn chế nhiễm khuẩn huyết sau phẫu thuật từ vi khuẩn miệng.
b) Những chất anionic
Sodium lauryl sulphate được sử dụng thường xuyên nhất.
6.2. Những chất non – anionic
– Phenol.
– Thymol.
– Listerine (thymol, eucalyptol, menthol và methylsalicylate).
– Triclosan.
– 2-Phenylphenol.
– Hexyl resorcinol.
Những chất hay sử dụng nhất là triclosan và Listerine.
6.3. Những chất khác
Những chất khác là:
– Delmopinol—một chất hoạt động bề mặt.
– Enzymes.
6.4. Kết hợp nhiều chất khác nhau
Mảng bám răng gồm nhiều loại vi khuẩn khác nhau, vì vậy cần kết hợp 2 hay nhiều chất để nâng cao hiệu quả kiểm soát mảng bám răng.
Nguồn: Nha cộng đồng tập 2 – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply