Bài viết giới thiệu cách tiếp cận triệu chứng đau lưng, cung cấp kiến thức tổng quan và toàn diện về nguyên nhân, triệu chứng và tiên lượng của vấn đề này
1. Tổng quan về triệu chứng đau lưng
Đau lưng là một triệu chứng thường gặp trong thực tế lâm sàng. Triệu chứng này phản ánh các vấn đề trong hoạt động của cơ thể, bao gồm đau nhức, khó chịu, cảm giác nặng nề hoặc đau nhói ở vùng lưng, đau lan ra đùi hoặc chân, khó khăn trong việc di chuyển hoặc thay đổi tư thế, giảm khả năng vận động. Vậy làm cách nào để tiếp cận triệu chứng đau lưng một cách toàn diện, hãy cùng tìm hiểu bài viết sau.
*Phân loại: Có thể phân loại triệu chứng đau lưng thành 3 loại chính
– Cấp tính: < 4 tuần, thường xảy ra sau khi có chấn thương hoặc vận động mạnh.
– Bán cấp: 4-12 tuần
– Mạn tính: đau lưng dai dẳng, kéo dài hơn 12 tuần
2. Nguyên nhân gây đau lưng
Tùy theo nguyên nhân đau lưng mà có thể có nhiều cách tiếp cận triệu chứng này khác nhau.
2.1.Nguyên nhân cơ học
Bao gồm các vấn đề về cơ học của cột sống, như
– Do căng cơ
– Thoái hóa đốt sống
– Thoát vị đĩa đệm
– Trượt đốt sống
– Hẹp ống sống
– Loãng xương
– Chấn thương và dị tật bẩm sinh.
Những vấn đề này dẫn đến sự tổn thương hoặc giảm chức năng của cột sống, gây ra đau lưng.
2.2. Nguyên nhân ngoài cơ học
Những trường hợp mà nguyên nhân gây ra đau lưng không liên quan đến các vấn đề cơ học của cột sống.
– Viêm khớp: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến,…
– Các bệnh nhiễm khuẩn: áp xe cạnh sống, viêm xương tủy xương,…
– Ung thư hoặc các vấn đề tâm lý.
2.3. Nguyên nhân do bệnh lý của các cơ quan lân cận
– Vùng chậu: Viêm tuyến tiền liệt, lạc nội mạc tử cung, viêm khung chậu mạn tính
– Thận: Sỏi thận, viêm đài bể thận, áp xe quanh thận
– Viêm tụy, viêm túi mật
3. Cách tiếp cận triệu chứng đau lưng
3.1. Triệu chứng cơ năng
Khi khám bệnh nhân đau lưng, các triệu chứng cơ năng cần lưu ý và xem xét bao gồm:
– Đau lưng: Đây là triệu chứng chính của bệnh nhân và thường được mô tả bởi bệnh nhân là đau, nhức hoặc khó chịu ở vùng lưng.
– Tê, co cứng cơ: Bệnh nhân có thể cảm thấy tê, nặng ở vùng lưng, các khớp hoặc cơ có thể trở nên cứng, khó co duỗi
– Giảm sức cơ: Bệnh nhân có thể cảm thấy bị yếu cơ ở vùng lưng hoặc các chi liên quan.
– Khó khăn khi di chuyển: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi di chuyển, đặc biệt là khi cử động ở vùng lưng.
– Tình trạng thần kinh: Bệnh nhân có thể bị tê hoặc bị mất cảm giác nông, sâu ở các vùng cơ liên quan
– Các dấu hiệu toàn thân: sốt, sụt cân,…
Khi điều trị đau lưng, tiền sử và các thói quen sinh hoạt của bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý.
– Tiền sử bệnh: Các bệnh khác mà bệnh nhân đã từng mắc phải, đặc biệt là các bệnh ảnh hưởng đến cột sống và các bệnh về cơ xương khớp.
– Lối sống: bao gồm mức độ hoạt động, thói quen về tập thể dục, thói quen về thức ăn, thuốc lá, rượu bia và các thói quen khác liên quan đến sức khỏe.
– Tiền sử gia đình: tìm ra các yếu tố di truyền có thể gây ra đau lưng.
– Các yếu tố tâm lý: Các yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm cũng có thể gây ra đau lưng hoặc làm tình trạng đau lưng trở nên nặng hơn.
3.2. Triệu chứng thực thể
– Nhìn: xác định vị trí và mức độ đau lưng. Nhìn cột sống có bị gù vẹo hay có biến dạng cột sống hay không,
– Sờ: sờ và ấn vào vùng đau trên lưng để xác định vị trí, cường độ đau và đánh giá mức độ co cứng của cột sống, các mô mềm cạnh sống
– Đo tầm vận động: yêu cầu bệnh nhân thực hiện các động tác như cúi gập, xoay thân, nghiêng bên trái và phải để đánh giá tầm vận động của cột sống và các khớp.
– Thực hiện các nghiệm pháp căng rễ thần kinh: Thực hiện các nghiệm pháp căng rễ thần kinh để xác định nguyên nhân gây đau lưng. Một số nghiệm pháp quan trọng như Lassegue, Neri, dấu bấm chuông, nghiệm pháp ngón tay chạm đất.
– Đánh giá rễ thần kinh tổn thương: Thường là rễ L5 hoặc S1, thực hiện nghiệm pháp đứng gót- đứng mũi, khám phản xạ gân cơ tứ đầu đùi, phản xạ gân gót
– Khám cảm giác nông, sâu: đánh giá mức độ tổn thương rễ thần kinh
3.3. Các cận lâm sàng
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp Xquang là cần thiết khi các triệu chứng lâm sàng hướng đến triệu chứng đau lưng do các nguyên nhân cơ học. Hình ảnh thường thấy được trên Xquang là thoái hóa cột sống thắt lưng, loãng xương. Chụp cộng hưởng từ (MRI) khi nghi ngờ có thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh.
- Xét nghiệm máu: là cận lâm sàng thường quy, có giá trị chẩn đoán trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng hoặc ung thư
Ngoài ra cần làm thêm các xét nghiệm đặc hiệu khác tùy theo các triệu chứng thăm khám được trên bệnh nhân.
4. Tiên lượng :
Theo American College of Radiology, các dấu hiện sau có thể tiên lượng nặng
– Chấn thương nặng hoặc chấn thương nhẹ ở người > 50 tuổi
– Sụt cân không giải thích được
– Sốt không giải thích được
– Cơ địa suy giảm miễn dịch
– Tiền căn ung thư
– Sử dụng thuốc đường tĩnh mạch
– loãng xương, sử dụng cortioide kéo dài
– Tuổi > 70
– Thời gian đau lưng > 6 tuần
– Chèn ép thần kinh triến triển hoặc có triệu chứng mất khả năng vận động.
Từ các tiếp cận triệu chứng đau lưng ban đầu, bác sĩ sẽ có chẩn đoán toàn diện, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply