Tập thể dục là một phần quan trọng trong cuộc sống lành mạnh và được khuyến khích bởi các chuyên gia sức khỏe vì nó có thể giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh. Vận động và tập thể dục thường xuyên cải thiện chất lượng sống, cho người khỏe mạnh cũng như người có bệnh. Nhiều người cho rằng giữ sức khỏe là giúp duy trì một trái tim khỏe mạnh, giảm cân nặng và giảm nguy cơ bệnh tật như tiểu đường, nhưng tập thể dục cũng giúp cho phổi khỏe mạnh.
1. ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TRONG KHI TẬP THỂ DỤC.
Khi bạn vận động và các cơ bắp làm việc nặng nhọc, cơ thể bạn sử dụng nhiều oxy hơn và sinh ra nhiều khí carbonic hơn. Để thích ứng với nhu cầu thêm này, hơi thở của bạn phải tăng từ khoảng 15 nhịp một phút (12 lít không khí) khi nghỉ ngơi, lên đến khoảng 40 đến 60 nhịp một phút (100 lít không khí) trong lúc tập thể dục. Hệ tuần hoàn của bạn cũng phải tăng tốc độ chuyên chở oxy đến các cơ để chúng duy trì hoạt động.
Khi phổi còn khỏe mạnh, phổi vẫn giữ một khả năng dự trữ hô hấp lớn. Chúng ta có thể cảm thấy “hết hơi” sau khi tập, nhưng chúng ta sẽ không bị “hụt hơi”. Khi chức năng hô hấp bị giảm, phổi có thể sử dụng một phần lớn dự trữ hô hấp của mình. Điều đó có thể làm chúng ta cảm thấy “hụt hơi”, là một cảm giác rất khó chịu, nhưng nói chung là không có gì nguy hiểm.
2. NHỮNG LỢI ÍCH MANG LẠI
Hướng dẫn quốc gia khuyến cáo rằng tất cả người lớn nên có 30 phút hoạt động thể chất vừa phải 5 ngày một tuần. Một số ví dụ về hoạt động vừa phải bao gồm đi bộ nhanh, đạp xe giải trí, làm vườn và dọn dẹp nhà cửa tích cực.
Cả hoạt động aerobic và hoạt động tăng cường cơ bắp đều có lợi cho phổi. Các hoạt động aerobic như đi bộ, chạy hoặc nhảy dây giúp tim và phổi của bạn được tập luyện cần thiết để hoạt động hiệu quả. Các hoạt động tăng cường cơ bắp như cử tạ hoặc Pilates giúp xây dựng sức mạnh cốt lõi, cải thiện tư thế và làm săn chắc cơ hô hấp. Đặc biệt, các bài tập thở có thể củng cố cơ hoành và rèn luyện cơ thể, giúp thở sâu hơn và hiệu quả hơn.
Tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng sức mạnh và chức năng cơ bắp, làm cho chúng trở nên hiệu quả hơn. Các bắp thịt sẽ đòi hỏi ít oxy hơn khi vận động và chúng sẽ sản sinh ít khí carbonic hơn. Điều này ngay lập tức sẽ làm giảm lượng không khí ra vào cần thiết cho một mức độ vận động nhất định. Tập luyện cũng giúp cải thiện tuần hoàn và tim mạch.
Tập thể dục sẽ giúp cải thiện sức khỏe chung về thể lực và tâm lý. Nó có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh khác như tai biến mạch máu não, bệnh tim và trầm cảm. Tập thể dục thường xuyên cũng là một trong những can thiệp quan trọng nhất để phòng ngừa tiểu đường típ 2.
3. TẬP THỂ DỤC CÓ THỂ GÂY RA VẤN ĐỀ GÌ VỀ PHỔI?
Người theo chế độ luyện tập quá nặng, hoặc luyện tập thường xuyên trong một môi trường đặc biệt, có thể có nguy cơ bị hen phế quản, hoặc tình trạng tăng phản ứng tính phế quản, tình trạng này đưa đến tắt nghẽn phế quản sau khi tập thể dục.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tình trạng này là do các chất độc hại có trong môi trường không khí nơi họ luyện tập, như chất clorin trong hồ bơi, hoặc không khí lạnh và khô khi trượt tuyết đổ dốc. Các vận động viên luyện tập sức bền có khả năng đã hít phải các chất độc vào trong phổi, vì họ đã có tiếp xúc lâu dài trong điều kiện luyện tập.
4. KHI CẢM THẤY CÓ VẤN ĐỀ THÌ CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ?
Ngừng tập thể dục ngay lập tức và liên hệ với Bác sĩ chăm sóc sức khỏe nếu cảm thấy bất kỳ điều nào sau đây:
- Khó thở bất thường hoặc tăng dần
- Đau ngực hoặc khó chịu ở ngực
- Nóng, tức, nặng hoặc cảm giác đè ép trong ngực
- Đau nhức bất thường ở cánh tay, vai, cổ, hàm hoặc lưng
- Nhịp tim trở nên loạn nhịp
- Cảm thấy mệt mỏi hơn nhiều so với bình thường
- Choáng váng, chóng mặt hoặc buồn nôn
- Đau khớp bất thường
Điều quan trọng là bạn phải biết các triệu chứng liên quan đến bệnh lý phổi, như ho, khó thở hoặc mệt mỏi, và đi bác sĩ ngay để thăm khám các triệu chứng này. Khi bạn đi bác sĩ, chúng ta nên yêu cầu làm xét nghiệm chức năng phổi. Xét nghiệm này kiểm tra hơi thở của bạn và có thể giúp chẩn đoán vấn đề của phổi. Chúng ta sẽ được yêu cầu thở vào trong một dụng cụ đo lượng khí trong phổi và tốc độ thở ra. Chúng ta cũng có thể được yêu cầu làm nghiệm pháp gắng sức để xác định những hạn chế.
5. NÊN LÀM GÌ TRƯỚC VÀ SAU KHI TẬP THỂ DỤC?
- Luôn làm ấm trước khi tập
- Cải thiện sức mềm dẽo bằng các bài tập kéo dãn
- Cải thiện sức chịu đựng, giúp tập luyện được lâu hơn
- Gia tăng hoạt động phù hợp với sức của bản thân
- Cải thiện sức mạnh cơ bắp (thí dụ tập nâng tạ)
- Làm nguội đi sau mỗi lần tập luyện, để cho hơi thở trở về bình thường
Tập thể dục có thể mang lại lợi ích và thích thú, ngay cả trong trường hợp có bệnh lý mạn tính. Ngay cả khi một bài tập có vẻ khó lúc đầu, nếu được tiến hành theo nhịp điệu của bản thân thì khi đó chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra sự cải thiện triệu chứng.
Leave a Reply