Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp có nhiều cơ chế khác nhau với mục tiêu chung là giảm tật bệnh tim mạch, thận và giảm tử vong. Có 5 trong thuốc chính trong điều trị tăng huyết áp; Theo JNC-8 thì thuốc khởi trị không chọn Beta blocker. Chọn thuốc nào, đơn trị liệu hay phối hợp khởi đầu tùy vào bệnh nền, mức THA, đã kiểm soát bằng thuốc nào trước đó chưa và hiệu quả ra sao. Nhằm đạt mục tiêu này, theo tất cả các khuyến cáo hiện nay cần thay đổi lối sống và đạt trị số HA < 140/90mmHg. Riêng với bệnh nhân có kèm ĐTĐ hoặc bệnh thận mạn, mức HA cần đạt là dưới 130/80mmHg.
1. Nguyên tắc chung
Một số điều cần chú ý khi sử dụng thuốc điều trị THA :
– Hạ HA đến mức mong muốn < 140/90mmHg hoặc < 130/80 trên bệnh nhân có kèm ĐTĐ hoặc suy thận mạn mà không bị tác dụng phụ của thuốc hoặc xuất hiện triệu chứng như chóng mặt, buồn ngủ, giảm khả năng tự vệ. Khuyến cáo ESC 2013 đề nghị bệnh nhân THA kèm ĐTĐ có thể giữ mức huyết áp < 140/90 mmHg.
– Không hạ HA nhanh quá nhằm giảm tác dụng không mong muốn
– Cần chú ý đến tỷ lệ đáy đỉnh của thuốc (trough and peak ratio) nhằm bảo vệ HA suốt 24 giờ
– Lựa chọn thuốc đầu tiên điều trị THA còn cần quan tâm đến bệnh nội khoa phối hợp.
Rất nhiều bệnh nhân THA không triệu chứng cơ năng do đó không quan tâm hoặc sau một thời gian điều trị có HA ổn định lâu dài thường tự ý ngưng thuốc. Do đó có một số yếu tố mà thầy thuốc cần quan tâm nhằm gia tăng sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân:
– Thầy thuốc cần cảnh giác với vấn đề không tuân thủ điều trị và cần phát hiện sớm các dấu hiệu của vấn đề này
– Xác định mục tiêu điều trị là hạ HA đến mức bình thường với rất ít hoặc không tác dụng phụ của thuốc.
– Cắt nghĩa cho bệnh nhân về bệnh THA và khuyến khích tự đo HA tại nhà. Khuyến khích sự trợ giúp của gia đình.
– Cần sử dụng thuốc điều trị ít tốn kém và giản dị. Có thể dùng viên thuốc phối hợp sẵn nhằm giảm số viên thuốc phải uống hàng ngày.
– Cần tuân thủ điều trị theo qui trình chặt chẽ : khởi đầu liều thấp, giảm 5-10mmHg HA mỗi bước điều trị, mỗi lần tăng liều thêm 1 thuốc, mỗi bước điều trị cách khoảng 2-4 tuần lễ, phòng ngừa quá tải thể tích bằng hạn chế muối và lợi tiểu, uống thuốc ngay vào lúc sáng sớm mới thức dậy (có thể cả vào lúc 4 giờ sáng nếu tỉnh giấc).
2. Các nhóm thuốc điều trị huyết áp.
2.1 Lợi tiểu
Có 4 nhóm thuốc lợi tiểu sử dụng trong điều trị tim mạch :
– Thuốc ức chế men carbonic anhydrase, tác dụng trên ống lượn gần của vi cầu thận; thường dùng trong tâm phế mạn, ít dùng hạ HA.
- Lợi tiểu quai : tác động lên quai Henlé ; thường dành riêng cho b/n có độ lọc cầu thận < 30ml/ph/ 1,73 m2 dtet hoặc THA kháng trị.
- Các thiazides hoặc giống thiazides như indapamide (Natrilix Ò): phổ biến nhất trong điều trị
- Các lợi tiểu giữ kali.
Một số nguyên tắc cần chú ý khi sử dụng lợi tiểu điều trị THA:
– Dùng liều thấp nhất có thể được.
– Nên dùng thuốc có tác dụng dài vừa phải. Thuốc có tác dụng dài quá như chlothalidone làm mất nhiều hơn kali. Tuy nhiên một số tác giả lại thích sử dụng chlothalidone nhiều hơn
– Hạn chế muối natri < 100mmol/ngày
– Tăng kali trong thức ăn hàng ngày.
– Hạn chế sử dụng đồng thời thuốc nhuận trường.
– Nên phối hợp lợi tiểu mất kali với lợi tiểu giữ kali
2.2 Thuốc chẹn bêta
Chẹn bêta hoặc lợi tiểu thường được khuyên là thuốc lựa chọn đầu tiên điều trị THA không có chỉ định bắt buộc. Lựa chọn thuốc chẹn bêta cho phù hợp với tình trạng người bệnh dựa vào đặc tính của thuốc này: tính chọn lọc bêta 1, hoạt tính giống giao cảm nội tại (ISA), tính tan trong mỡ hay tan trong nước và có kèm ức chế alpha không. Ở những bệnh nhân tim đã chậm, nên chọn thuốc có ISA dương, ở bệnh nhân có bệnh lý phổi chỉ nên sử dụng chẹn bêta 1 chọn lọc, ở bệnh nhân có nhiều ác mộng từ khi sử dụng chẹn bêta, nên sử dụng chẹn bêta ít tan trong mỡ như atenolol hoặc nadolol. Chẹn bêta có kèm tác dụng alpha ít làm co mạch.
Ngoài sự lựa chọn là thuốc hạ HA đầu tiên trên hầu hết trường hợp THA không bệnh nội khoa kèm theo, chẹn bêta còn được đặc biệt chỉ định trong THA có kèm bệnh ĐMV, THA có kèm tăng động, THA có kèm lo lắng thái quá, THA trên bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, THA có kèm loạn nhịp nhanh và THA có kèm suy tim. Trường hợp THA có kèm suy tim, nên khởi đầu bằng UCMC hay lợi tiểu, thêm thuốc chẹn bêta có nghiên cứu trong điều trị suy tim, khởi đầu liều thấp (metoprolol succinate, carvedilol, bisoprolol, nebivolol)
2.3. Ức chế men chuyển
Có 4 cách để giảm hoạt tính của hệ renin-angiotensin ở người. Cách thứ nhất là sử dụng thuốc chẹn bêta để giảm phóng thích renin từ tế bào cạnh vi cầu thận. Cách thứ hai là ức chế trực tiếp hoạt tính của renin. Thứ ba là ngăn chặn hoạt tính của men chuyển, do đó ngăn Angiotensin I bất hoạt trở thành Angiotensin II (thuốc ức chế men chuyển). Cách thứ tư là ức chế các thụ thể của Angiotensin II (thuốc chẹn thụ thể angiotensin II).
Cơ chế tác dụng của UCMC
UCMC ngăn cản chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II, đồng thời ngăn sự phân hủy Bradykinin; do đó tác dụng chính là làm giãn mạch (hình 7). Ngoài hiệu quả dãn mạch, tác dụng hạ HA của UCMC còn thông qua các hoạt tính sau (19) :
– Giảm tiết aldosterone, do đó tăng bài tiết natri.
– Tăng hoạt 11b-hydroxysteroid dehydrogenase ; do đó bài tiết natri.
– Giảm tăng hoạt giao cảm khi dãn mạch, do đó UCMC dù làm dãn mạch nhưng tần số tim không tăng.
– Giảm tiết endothelin (chất co mạch từ nội mạc).
– Cải thiện chức năng nội mạc.
2.4 Chẹn thụ thể angiotensin II (chẹn AGII)
Có ít nhất 2 thụ thể của angiotensin II (AG II). Thụ thể AT 1 trung gian hầu hết các hoạt tính của AG II. Các thuốc ức chế chọn lọc thụ thể AT 1 của AG II đã được tổng hợp và sử dụng trong điều trị THA. Cho tới nay đã có 6 thuốc chẹn AG II đã được sử dụng.
Chẹn thụ thể AGII đẩy angiotensin II ra khỏi thụ thể AT 1 do đó làm mất tác dụng của AGII, trong khi nồng độ AGII tăng cao trong tuần hoàn. Ngoài đường men chuyển, angiotensin I có thể chuyển thành angiotensin II qua đường men chymase và vài đường khác ; Do đó thuốc chẹn thụ thể AG II sẽ ngăn chặn angiotensin II hoàn toàn hơn UCMC.
2.5 Các thuốc ức chế calci
Ion calci đóng vai trò chính trong sự co cơ, do đó co mạch máu. Các thuốc ức chế calci ngăn cản sự di chuyển ion calci vào trong tế bào qua các kênh calci tùy thuộc điện thế và kênh calci tác động qua thụ thể (kênh kiểu L); do đó có tác dụng dãn mạch.
Các thuốc ức chế calci được chia ra 2 nhóm chính :
* Nhóm dihydropyridine: bao gồm các thuốc dùng thường dùng như nifédipine, nicardipine,
isradipine, amlodipine, félodipine, lacidipine, nitrendipine, bercanidipine.
* Nhóm không dihydropyridine bao gồm :
– Verapamil (dẫn chất của diphenyl – alkylamine)
– Diltiazem (dẫn chất của benzothiazepine).
Xem thêm: Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp và những dấu hiệu cần chú ý
Leave a Reply