Các gãy xương thường gặp trong bóng đá

Gãy xương trong bóng đá là sự phá huỷ cấu trúc giải phẫu bình thường lầm mất tính liên tục của xương dưới tác động của cơ học trực tiếp hay gián tiếp gây nên. Gãy xương bao giờ cũng gây tổn thương gân cơ, dây chằng, thần kinh và mạch máu bao quanh. Gãy xương là một tổn thương nặng trong chấn thương thể thao. Được chia thành gãy xương kín, gãy xương không hoàn toàn, và gãy xương hoàn toàn, ít gặp gãy xương hở. Khi bị gãy xương, VĐV cần phải nghỉ tập luyện và thi đấu trong suốt quá trình lành xương. Dưới đây là một số gãy xương thường gặp trong bóng đá: 

 

1. Gãy bong điểm bám gân xương chậu

Thường bị nhầm lẫn với rách cơ, xảy ra ở lứa tuổi trẻ 14-25 tuổi hoạt động thể thao mạnh. Tuổi này các điểm hóa cốt chưa dính hoàn toàn nên xương chậu không chống lại được với sức kéo quá mạnh của các cơ bám vào. Nơi thường bị tổn thương:

  • Ụ ngồi
  • Gai chậu trước trên
  • Gai chậu trước dưới

Người bị thương thấy đau dữ dội vùng háng, nghe tiếng “bụp” rồi không vận động được nữa. Sau đó thường có máu tụ nơi bị thương. Khám căng cơ bắp liên quan sẽ làm bệnh nhân đau nhiều. Chụp X Quang thấy mảnh xương rứt. Điều trị chủ yếu bảo tồn từ 3-6 tuần.

2. Gãy thân xương đùi

Là xương lớn nhất và dài nhất, gãy xương đùi nguy hiểm đến tính mạng do lượng máu mất lớn. Nhiều cơ lớn ở vùng này nên gãy thường bị di lệch nhiều và khó cố định bằng các phương pháp bên ngoài.

Phân loại gồm 5 độ theo Winquist Hansen:

  • Độ 0: đơn giản
  • Độ 1: mảnh vỡ nhỏ
  • Độ 2: mảnh vỡ nhỏ không lớn hơn nửa thân xương
  • Độ 3: mảnh vỡ lớn hơn nửa thân xương
  • Độ 4: gãy nhiều mảnh

Điều trị gãy thân xương đùi hầu hết đều phải phẫu thuật cố định do nguy cơ di lệch lớn của nó. Ở trẻ em dưới 12 tuổi có thể áp dụng phương pháp kéo tạ do khả năng tự điều chỉnh tự nhiên khi còn sụn tiếp hợp. Gãy kín đơn giản có thể đóng đinh nội tủy, gãy phức tạp nên đóng đinh nội tủy có chốt dưới màng tăng sáng,…

3. Gãy thân xương cẳng chân

Là xương dài lớn nằm sát da, dễ chẩn đoán, nhưng dễ bị gãy hở. Biến chứng cần chú ý là chèn ép khoang cấp tính.

Phân loại theo vị trí chia thành gãy 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới. Đường gãy ngang là gãy vững, các loại đường gãy còn lại thuộc loại không vững.

Điều trị bảo tồn với loại gãy vững, nắn bó bột đùi bàn chân. Phẫu thuật với các loại gãy không vững, có nhiều phương pháp: đinh nội tủy, đinh nội tủy có chốt, đinh nội tủy mềm dẻo (trẻ em còn sụn tiếp hợp), nẹp vis kim loại.

 gãy xương thường gặp trong bóng đá

4. Gãy xương mắt cá

Mắt cá trong vào ngoài ôm lấy xương sên tạo nên khớp cổ chân vững chắc nhưng vẫn linh hoạt. Gãy xương mắt cá có thể do va chạm trực tiếp (cú chùi bóng gầm giày) hoặc gián tiếp do các cử động quá tầm của cổ chân (nghiêng trong, lật ngửa…). Khám thấy biến dạng cổ chân, sờ ấn các mắt cá có thể gây di lệch, ấm đau chóng…. Chụp X Quang thẳng nghiêng, chú ý phải có tư thế gọng chày mác (mortise view).

Gồm các loại gãy: gãy mắt cá trong, gãy mắt cá ngoài, gãy hai mắt cá (thường kèm tổn thương dây chằng chày mác dưới). Gãy mắt cá ngoài thường gặp hơn cả, phân loại thường dùng nhất theo Weber gồm 3 mức độ, mắt cá ngoài gãy càng cao tổn thương càng nặng:

  • Weber A; dưới gọng chày mác
  • Weber B: ngang gọng chày mác
  • Weber C: trên gọng chày mác

Chỉ định phẫu thuật khi nắn kín thất bại, gãy có di lệch, gãy không vững, mặt khớp cấp kênh.

5. Gãy bong sụn tiếp hợp

Chiếm khoảng ¼ trong tổng số các loại gãy xương ở trẻ em. Gãy bong sụn tiếp hợp rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ, phân loại được sử dụng nhiều là Phân loại Salter – Harris với 5 mức độ tăng dần:

  • Salter I: S = Straight (đường gãy đi thẳng ngang qua tấm sụn tăng trưởng)
  • Salter II: A = Above (đường gãy mở rộng lên trên hoặc ra xa tấm sụn tăng trưởng)
  • Salter III: L = Lower (đường gãy mở rộng xuống dưới tấm sụn tăng trưởng)
  • Salter IV: T = Through (đường gãy kéo dài qua các đầu xương, tấm sụn tăng trưởng, hành xương)
  • Salter V: R = Rammed (tấm sụn tăng trưởng bị nghiền nát)

6. Gãy xương do mệt trong bóng đá

Trong thể dục thể thao, các cử động có tính liên tục lặp đi lặp lại, ngày càng mạnh hơn theo thời gian. Sức chấn động tuy không lớn nhưng liên tục tạo ra phải ứng sinh học làm tăng hoạt động của hủy cốt bào ở những nơi xương chịu sức chấn động nhiều nhất: xương trở nên loãng dần rồi cuối cùng dẫn đến gãy xương.

Gãy xương mệt thường bị ở xương bàn chân, xương chày, cổ xương đùi. Lúc đầu chỉ đau khi vận động, ngưng vận động hết đau. Càng về sau đau càng dai dẳng làm giới hạn các hoạt động thể dục thể thao thậm chí sinh hoạt hàng ngày. Khám thấy nơi đau sưng nhẹ, đau khi đè vào.

Hình ảnh học X Quang tuy dễ tiếp cận nhưng độ nhạy không cao, dễ bỏ sót chẩn đoán. MRI là phương tiện tốt giúp chẩn đoán xác định cũng như theo dõi diễn tiến bệnh gãy xương mệt.

Điều trị thường là bảo tồn, nên ngưng tập nghỉ ngơi trong 4-6 tuần rồi tập phục hồi chức năng dần, có thể cân nhắc phẫu thuật nếu không đáp ứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *