Đặc điểm hình ảnh siêu âm hội chứng ống cổ tay

Siêu âm là một công cụ hữu hiệu để chẩn đoán bệnh lý này, giúp xác định đặc điểm hình ảnh cụ thể của các ống cổ tay bị ảnh hưởng. Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý của cổ tay, gây ra sự viêm và sưng ở các ống dẫn chất nhờn và cơ bắp trong khu vực này.

Nhóm tác giả: PGS.TS. Trần Trung Dũng, BS. Ma Ngọc Thành, TS. Nguyễn Thị Liễu, BS. Trần Quyết

1. Các trang thiết bị và kỹ thuật siêu âm

Máy siêu âm độ phân giải cao có siêu âm Doppler năng lượng, đầu dò tần số trên 7,5MHz, có ổ DVD lưu trữ hình ảnh.

          Kỹ thuật siêu âm ống cổ tay

Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa hoặc ngồi đối diện với bác sĩ siêu âm, bộc lộ vùng cẳng bàn tay, tháo bỏ trang sức nếu có, tay bệnh nhân để ở tư thế nửa gấp. Cổ tay được đặt trên mặt phẳng thẳng với ngón tay ở tư thế nửa gấp. Cổ bàn tay không được cử động vì nó có thể làm dày thần kinh tăng kích cỡ. Định hướng dây thần kinh giữa trên siêu âm ống cổ tay: Dây thần kinh giữa nằm song song với khe ngón 2-3 khi bàn tay ngửa hoàn toàn.

Tu-the-benh-nhan-trong-sieu-am-ong-co-tay
Tư thế bệnh nhân trong siêu âm ống cổ tay

Các mặt cắt trong siêu âm ống cổ tay:

1.1. Mặt cắt ngang dây thần kinh giữa ở đầu xa ống cổ tay (ngang cơ sấp)

Vị trí đặt đầu dò: cách nếp lằn cổ tay 3cm. Ở mặt cắt này đo diện tích cắt ngang dây thần kinh giữa. Dây thần kinh giữa (mũi tên vàng) nằm ở giữa cơ gấp chung nông và cơ gấp chung sâu các ngón, cơ sấp ở trên. Đo diện tích dây thần kinh giữa ở vị trí này để tính giá trị Delta s (hiệu sổ chênh lệch diện tích thần kinh giữa ở đầu vào của Ống cổ tay và ngang cơ sấp), Đây là một chỉ số có giá trị chẩn đoán HCOCT.

Mat-cat-ngang-co-sap
Mặt cắt ngang cơ sấp

(Đầu mũi tên là hình ảnh dây thần kinh giữa)

1.2. Mặt cắt ngang đầu vào ống cổ tay

Vị trí: sát nếp lằn cổ tay, ngang mức xương đậu. Ở mặt cắt này quan sát 4 gân gấp chung nông, 4 gân gấp chung sâu, gân gan tay dài, gân gấp cổ tay quay và gân gấp cổ tay trụ. Động mạch trụ ở rất nông cạnh xương đậu, sát mạc chằng, tiếp theo là dây thần kinh trụ.

Thần kinh giữa thay đổi kích thước từ đầu xa (ngang cơ sấp) tới đầu vào ống cổ tay, nó lớn dần lên, đạt kích thước tối đa ở đầu gần ống cổ tay. Thần kinh giữa có cấu trúc bó, giảm echo, nằm giữa gân gấp chung nông và gân gan tay dài. Diện tích dây thần kinh giữa được đo ở đầu gần ống cổ tay có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán HCOCT.

Tính Delta S: là hiệu số giữa diện tích dây thần kinh ở đầu vào của ống cổ tay và ở đoạn ngang cơ sấp vuông

Mat-cat-ngang-dau-vao-ong-co-tay
Mặt cắt ngang đầu vào ống cổ tay

(Đầu mũi tên: mạc chằng cổ tay; hình elip là thần kinh giữa; các vòng tròn còn lại là bao gân gấp chung nông và gân gấp chung sâu cổ tay)

1.3. Mặt cắt ngang trong đường hầm cổ tay và đầu ra của ổng cổ tay

Tiếp tục kéo đầu dò từ nếp lằn cổ tay xuống dưới gan tay, đầu ra của ống cổ tay ngang mức xương móc. Thần kinh giữa nhỏ dần khi đi ra khỏi ống cổ tay. Ở mặt cắt này quan sát các cấu trúc giải phẫu trong ống cổ tay, tìm các tổn thương choán chỗ trong ống cổ tay, cơ giun phụ, viêm bao gân, kén bao gân.

Đo độ dẹt dây thần kinh ở mặt cắt ngang đoạn xa. Độ dẹt được tính bằng tỉ số giữa chiều rộng/chiều cao của dây thần kinh giữa.

Đo độ khum mạc chằng: đo ở đoạn xa ống cố tay, vị trí giữa xương thang và xương móc. Độ khum bình thường < 2mm. Độ khum dao động từ 2,5 – 4mm là bệnh lý tùy theo tác giả.

Mat-cat-ngang-trong-duong-ham-co-tay-va-dau-ra-cua-ong-co-tay
Mặt cắt ngang trong đường hầm cổ tay và đầu ra của ống cổ tay

(Đầu mũi tên chỉ mạc chằng cổ tay ở đầu xa OCT)

1.4. Cắt dọc dây thần kinh giữa

Xoay đầu dò vuông góc với mặt cắt ngang để quan sát dây thần kinh giữa ở mặt cắt dọc. Thần kinh giữa ở rất nông, ngay sau tổ chức dưới da và ở trên gân gấp nông. Bình thường dây thần kinh là các dải giảm âm xen kẽ các dải tăng âm (vỏ sợi thần kinh), cần phân biệt dây thần kinh và gân, dây thần kinh thường giảm âm hơn gân.

Trên lát cắt dọc xem thay đổi hình thái, kích thước, tìm các dấu hiệu Notch, Notch đảo ngược. Dấu hiệu Notch (encoche), dây thần kinh phình to trên chỗ hẹp như củ hành, giảm âm và dẹt trong ống cổ tay.

Dấu hiệu Notch đảo ngược: dây thần kinh dẹt trong ống cổ tay và phình to ở đoạn sau ống cổ tay.

Phổ Doppler giữa các đoạn để đánh giá mức độ tăng sinh mạch. Cửa sổ Doppler cần chiếm toàn bộ dây thần kinh cần đánh giá, chỉnh tần số dòng chảy thấp từ 5-10cm/s, không được ấn đầu dò khi phổ Doppler vì sẽ làm mất tín hiệu mạch.

Mat-cat-doc-than-kinh-giua-ben-trai
Mặt cắt dọc thần kinh giữa (bên trái)

1.5. Siêu âm động                                     

Đánh giá mức độ chuyển động của dây thần kinh giữa khi vận động nắm bàn tay

Sieu-am-dong
Siêu âm động

2. Các tổn thương trên siêu âm 2D trong Hội chứng ống cổ tay

Ở những thể mới bắt đầu, dây thần kinh giữ nguyên hình dạng bình thường. Dáng vẻ bình thường của dây thần kinh không loại trừ được hội chứng ống cổ tay.

2.1. Những dấu hiệu thay đổi hình dạng của dây thần kinh bao gồm

      Dấu hiệu khấc (Notch): là dấu hiệu phù dây thần kinh ở trên chỗ hẹp sát bờ trước ống cổ tay, và sự dẹt dây thần kinh giữa ở trong ống cổ tay. Dây thần kinh giữa sưng to như hình củ hành ở sát bờ gần ống cổ tay. Dấu hiệu này thấy rõ ở mặt cắt dọc.

Dau-hieu-Notch
Dấu hiệu Notch

      Notch đảo ngược: dây thần kinh giữa dẹt trong ống cổ tay và phù nề ở đoạn sau của ống cổ tay. Dây thần kinh giữa sưng to hình củ hành ở đoạn chui qua ống cổ tay.

      Phù dây thần kinh ở trên chỗ hẹp: phía trên đường hầm, dây thần kinh rộng, cấu trúc bó bình thường thay thế bằng cấu trúc giảm âm đồng nhất. Phù nề dây thần kinh giữa đoạn qua ống cổ tay. Dây thần kinh bị phù nề đoạn qua ống cổ tay được so sánh với đoạn ngang cơ sấp vuông hoặc với tay bên đối diện nếu tay đó không có triệu chứng lâm sàng.

2.2. Những dấu hiệu đo lường được đánh giá sự thay đổi về mặt tính chất của dây thần kinh

+ Diện tích của dây thần kinh: dây thần kinh giãn trên chỗ hẹp. Có thể đo diện tích dây thần kinh ở phía trên, đầu gần của đường hầm (ngang mức xương thuyền và xương đậu) hoặc đo trong ống cổ tay, đầu xa của ống cổ tay (ngang mức xương thang và xương móc) hoặc ngang cơ sấp. Ở người bình thường diện tích trung bình của dây thần kinh là 8mm2. Giá trị ngưỡng thay đổi tùy theo tác giả (9-15mm2). Giá trị 10mm2 có độ nhạy 85% và độ Đặc hiệu 92%.

+ Dấu hiệu Delta S: là hiệu số giữa diện tích dây thần kinh giữa ở ngang đầu vào của ống cổ tay và diện tích dây thần kinh giữa ở đoạn ngang cơ sấp. Dấu hiệu này dương tính khi hiệu số Delta S > 2mm2 (Klauser và cộng sự 2009). Theo Klauser và cộng sự 2011 ,trên bệnh nhân có thần kinh giữa tách đôi, khi Delta S > 4mm2, độ nhạy 92,5%, độ đặc hiệu 94,6%.

Vi-tri-do-dient-ich-day-than-kinh-giua-de-tinh-Delta-S
Vị trí đo điệnt ích dây thần kinh giữa để tính Delta S

+ Phần trăm chênh lệch diện tích: là hiệu số giữa diện tích dây thần kinh giữa ở đầu gần ống cổ tay và ngang cơ sấp chia cho diện tích thần kinh giữa ở đầu gần ống cổ tay.

+ Tỉ số diện tích đầu gần ống cổ tay và ngang cơ sấp. Theo Hobson 2008 nếu tỷ số này >1,4 thì độ nhạy và độ đặc hiệu 100%.

+ Độ khum của mạc chằng: đo ở mặt cắt ngang đầu xa ống cổ tay (từ nếp gấp cổ tay về phía ngón tay 1 -2 cm), nơi mạc chằng thẳng. Trong hội chứng ống cổ tay mạc chằng cong về phía trước. Độ cong bình thường dưới 2 mm, bệnh lý khi tăng từ 2,5   4mm tùy theo tác giả.

Do-do-khum-mac-chang
Đo độ khum mạc chằng

+ Chỉ số đánh giá độ dẹt của dây thần kinh: Phản ánh trực tiếp sự chèn ép của dây thần kinh trong ống cổ tay, độ dẹt được đo ở mặt cắt ngang tại đầu xa. Chỉ số được tính bằng tỉ số chiều rộng/chiều cao dây thần kinh. Chỉ số là bệnh lý khi lớn hơn 3.

Do-do-det-day-than-kinh
Đo độ dẹt dây thần kinh

      Những bất thường khác trong hội chứng ống cổ tay: viêm bao gân, viêm màng hoạt dịch, kén hoạt dịch, nhiễm bột, hạt Tophi, chondrocalcinose, bệnh lý các khối u….

+ Viêm bao gân gấp chung cổ tay là một trong các nguyên nhân gây chèn ép trong hội chứng ống cổ tay. Trên siêu âm quan sát thấy hình ảnh các bao gân dày, giảm âm, tăng sinh mạch trên siêu âm Doppler. Viêm bao gân gấp chung cổ tay thường gặp trong các bệnh Viêm khớp dạng thấp, Bệnh Gút, Bệnh Lao, Nhiễm khuẩn bao gân. Một số trường hợp viêm bao gân gấp mạn tính không đặc hiệu.

Viem-day-than-kinh-giua-do-viem-cac-bao-gan-gap
Viêm dây thần kinh giữa do viêm các bao gân gấp

+ Kén hoạt dịch ở vị trí gan cổ tay thường gây chèn ép thần kinh giữa. Trên siêu âm kén hoạt dịch là các cấu trúc trống âm, ranh giới rõ.

+ Bệnh Gút có hạt tophi trong ống cổ tay: hạt tophie thường tập trung trong bao gân gấp chung nông, bao gân gấp chung sâu và trong màng hoạt dịch khớp cổ tay làm tăng áp lực trong ống cổ tay, gây chèn ép thần kinh giữa. Trong các đợt gút cấp có hiện tượng viêm bao gân gấp chung cổ tay làm tăng mức độ chèn ép thần kinh giữa. Trên siêu âm thấy hình ảnh các nốt tăng âm, kèm bóng cản trong bao gân hoặc trong màng hoạt dịch khớp cổ tay. Thường kèm theo hình ảnh dày bao gân, dịch quanh bao gân và tăng tín hiệu mạch quanh và trong gân.

Viem-day-than-kinh-giua-trong-benh-Gut-co-hat-Tophi
Viêm dây thần kinh giữa trong bệnh Gút có hạt Tophi

+ Các nguyên nhân khác chèn ép thần kinh giữa ít gặp hơn: các khối u, kén hoạt dịch, chondrocalxinose… 

U-day-than-kinh
U dây thần kinh

3. Hình ảnh siêu âm Doppler

Bình thường mạch máu trong dây thần kinh nghèo nàn, không thấy tín hiệu mạch trên Doppler năng lượng. Khi thần kinh giữa bị viêm có tăng tín hiệu mạch trên Doppler năng lượng.

Tăng sinh mạch máu trong dây thần kinh trên Doppler năng lượng. Dấu hiệu này thấy ở đoạn trước ống cổ tay, nơi thần kinh giữa giãn rộng hoặc bên trong ống cổ tay. Có 4 mức độ tăng sinh mạch trên Doppler năng lượng theo Klauser Và Shio’:

Mức độ 0: không có tín hiệu dòng chảy.

Mức độ 1: có 01 tín hiệu mạch.

Mức độ 2: có từ 2-3 tín hiệu mạch.

Mức độ 3: > 3 tín hiệu mạch

Hinh-anh-day-than-kinh-giua-phu-ne-tang-sinh-mach-tren-Doppler-nang-luong
Hình ảnh dây thần kinh giữa phù nề, tăng sinh mạch trên Doppler năng lượng

(Nguồn tác giả)


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *