Viêm thanh quản cấp tính hạ thanh môn là một bệnh lý thường gặp ở đường hô hấp và có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như ho, đau họng, khó thở và sốt. Bệnh thường xuất hiện trong mùa đông và xuân, và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong bài viết này, sẽ giúp hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị cho bệnh viêm thanh quản cấp tính hạ thanh môn, giúp Bác sĩ hiểu rõ hơn về bệnh và có cách phòng tránh và điều trị hiệu quả.
1. Định nghĩa
Viêm thanh quản là quá trình viêm xảy ra ở thanh quản có thể do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng, tiến triển cấp hoặc mạn tính thường gặp khi thời tiết thay đổi vào mùa lạnh. Gọi là viêm thanh quản cấp tính khi triệu chứng kéo dài dưới 3 tuần.
Biểu hiện lâm sàng tuỳ thuộc vào nguyên nhân, tuổi của người bệnh, vùng thanh quản bị tổn thương. Ở trẻ con viêm thanh quản, đặc biệt là viêm thanh quản cấp thường nặng hơn ở người lớn do khẩu kính thanh quản nhỏ hơn.
Viêm thanh quản cấp hạ thanh môn phù nề hay còn gọi là Croup là tình trạng phù nề cấp tính vùng hạ thanh môn thường gặp ở trẻ em 6 tháng – 5 tuổi.
2. Nguyên nhân
Thường do virus Parainfluenza, Adenovirus, vi khuẩn Hemophilus influenza.
3. Chẩn đoán
3.1. Chẩn đoán xác định viêm thanh quản cấp hạ thanh môn
3.1.1. Triệu chứng cơ năng
Ở trẻ em có triệu chứng khởi phát là sốt nhẹ, ho, chảy mũi. Sau 1-3 ngày, đột ngột xuất hiện khàn tiếng, khó thở thanh quản. Cần hỏi bệnh sử kỹ để loại trừ hội chứng xâm nhập trong dị vật đường thở.
Ở người lớn: bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng như nổi hạch cổ, nuốt đau, mệt mỏi, đau nhức, nghẹt mũi, chảy mũi. Bệnh xuất hiện một cách đột ngột, nặng hơn khoảng 2-3 ngày sau đó, giọng trở nên khàn.
3.1.2. Triệu chứng thực thể
Đối với trẻ em cần phải thăm khám nhẹ nhàng, nhanh chóng. Không nên soi thanh quản vào lúc này vì có thể làm trẻ kích thích gây co thắt thanh quản, khó thở sẽ nặng thêm.
Các triệu chứng thường gặp:
− Sốt nhẹ, nhức đầu.
− Khàn tiếng hoặc khó phát âm
− Ngứa họng, ho kích thích. Ho ông ổng ở trẻ em.
Khó thở thanh quản: thường gặp ở trẻ em nhiều hơn.
Phân độ khó thở thanh quản:
Độ I: Chỉ khàn tiếng, khó thở khi gắng sức, ở trẻ em là thở rít khi khóc.
Độ II:
+ Độ IIA: Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, thở rít khi nằm yên.
+ Độ IIB: Triệu chứng IIA kèm thở nhanh, rút lõm ngực.
Độ III: Triệu chứng IIB kèm vật vã, kích thích hoặc tím tái.
Nội soi thanh khí quản:
Có thể nội soi thanh quản bằng ống soi mềm hay bằng ống soi quang học. Ở trẻ em, nội soi thanh khí quản khi:
− Chẩn đoán phân biệt dị vật đường thở.
− Khó thở thanh quản tái phát.
− Thất bại khi điều trị nội khoa.
− Cận lâm sàng:
− Công thức máu.
− Phết họng loại trừ bạch hầu trong trường hợp nghi ngờ.
− Xquang cổ thẳng: dấu hiệu “nóc nhà thờ” (steeple sign) trong hẹp hạ thanh môn.
3.1.3. Chẩn đoán phân biệt
3.1.3.1. Dị vật đường thở
Dựa vào hội chứng xâm nhập. Xquang phổi có hình ảnh dị vật (cản quang), hình ảnh xẹp phổi.
3.1.3.2. Viêm thanh thiệt cấp tính
Lâm sàng đột ngột sốt cao và nhanh chóng biểu hiện khó thở thanh quản, bệnh nhân có kiểu ngồi đặc biệt cúi ra trước. Ở trẻ em còn có biểu hiện chảy nước bọt, khó nuốt, thở rít. Ở người lớn có dấu hiệu giọng nói ngậm hạt thị.
Xquang cổ nghiêng có hình ảnh “dấu ngón tay” (Thump sign) do phù nề thanh thiệt.
3.1.3.3. Viêm khí quản cấp tính
Sốt cao, vẻ mặt nhiễm trùng kèm đau ngực, thở rít
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc
− Loại trừ dị vật đường thở.
− Phục hồi thông thương đường thở.
− Đảm bảo tình trạng thông khí và oxy hóa máu.
4.2. Điều trị
4.2.1. Nhẹ: khó thở thanh quản độ I.
− Điều trị ngoại trú, nghỉ ngơi, hạn chế nói, uống nhiều nước.
− Điều trị triệu chứng: hạ sốt (Acetaminophen 10-20mg/kg), tan đờm (Acetylcysteine 100mg – 200mg x 2 lần/ngày).
− Hướng dẫn bệnh nhân dấu hiệu nặng cần đi tái khám ngay.
4.2.2. Trung bình: khó thở thanh quản độ IIA
− Có thể điều trị ngoại trú trong trường hợp bệnh nhân ở gần.
− Dùng thêm kháng viêm: corticoid.
− Dùng thêm kháng sinh uống nếu có triệu chứng nhiễm trùng.
− Cần tái khám mỗi ngày đối với trẻ em.
4.2.3. Nặng: khó thở thanh quản độ IIB, độ III
Nhập viện.
− Nghỉ ngơi tại chỗ. Đối với trẻ em, cần giữ yên trẻ hoặc cho cha mẹ bế, tránh để trẻ khóc vì làm tăng phù nề thanh quản.
− Thở oxy, duy trì SaO2 92-96%
− Kháng viêm dạng chích: corticoid, có thể lặp lại mỗi 6-12 giờ nếu cần.
− Nếu khó thở nhiều: sử dụng khí dung Adrenaline 1/1000 2-5ml, có thể lặp lại 30phút – 1giờ nếu cần.
− Kháng sinh dạng chích: nhóm Cephalosporin thế hệ III như Cefotaxime (100-200mg/kg/ngày), Ceftriaxone (75-100mg/kg/ngày).
− Nếu bệnh nhân lơ mơ, kiệt sức hoặc thất bại với nội khoa: đặt nội khí quản, mở khí quản. Ưu tiên đặt nội khí quản hơn mở khí quản. Rút nội khí quản hoặc canula sau 24-48 giờ nếu tình trạnh bệnh nhân ổn định
5. Tiên lượng và biến chứng viêm thanh quản cấp hạ thanh môn
5.1. Tiên lượng
Thể nhẹ và trung bình có tiên lượng tốt, triệu chứng sẽ giảm sau 3-5 ngày. Đối với thể nặng, tiên lượng dè dặt, cần theo dõi sát tình trạng bệnh.
5.2. Biến chứng
Nếu không điều trị đầy đủ, điều trị muộn có thể dẫn đến viêm thanh quản mạn tính khó hồi phục hoàn toàn. Với thể nặng, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn tới suy hô hấp, tử vong.
6. Phòng bệnh viêm thanh quản cấp hạ thanh môn
− Giữ ấm đường hô hấp.
− Tránh hút thuốc, tránh khói thuốc lá.
− Tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh viêm đường hô hấp.
− Chủng ngừa Haemophilus influenza có tác dụng giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm thanh quản cấp do HI một cách đáng kể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Nguồn tham khảo:
- Trích dẫn từ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng của Bộ Y tế 2015.
Leave a Reply