Sự thay đổi cách tiếp cận trong Chỉnh nha đương đại.

Chỉnh nha đương đại với sự thay đổi toàn diện cách tiếp cận chỉnh nha, từ mục tiêu chính và mục tiêu quan trọng đến vấn đề chẩn đoán và điều trị. Mục tiêu chính của điều trị chỉnh nha đương đại là hướng đến mối quan tâm của bệnh nhân, mà đa phần là thẩm mỹ. Do đó, thẩm mỹ mặt, thẩm mỹ nụ cười và thẩm mỹ răng nướu được xem xét và đánh giá kỹ, sau đó kế hoạch điều trị phải làm thế nào đạt được những mục tiêu này. Khớp cắn mặc dù rất quan trọng, nhưng không còn được xem là mục tiêu tối thượng của điều trị chỉnh nha. Cùng tiến hành đánh giá về sự thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề chỉnh nha với triết lý chỉnh nha đương đại trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về chỉnh nha đương đại

Chỉnh nha đương đại với sự thay đổi toàn diện cách tiếp cận chỉnh nha, từ mục tiêu chính và mục tiêu quan trọng đến vấn đề chẩn đoán và điều trị. Chỉnh nha đương đại còn là sự đa dạng các triết lý điều trị và trường phái khác nhau cùng tồn tại, trong đó mỗi trường phái và triết lý đều có những thế mạnh riêng của mình. Đồng thời, nhiều kỹ thuật phát triển cùng với sự phát triển công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của bệnh nhân.

2. Sự thay đổi cách tiếp cận trong chỉnh nha đương đại

Mục tiêu chính của điều trị chỉnh nha đương đại là hướng đến mối quan tâm của bệnh nhân, mà đa phần là thẩm mỹ. Do đó, thẩm mỹ mặt, thẩm mỹ nụ cười và thẩm mỹ răng nướu được xem xét và đánh giá kỹ, sau đó kế hoạch điều trị phải làm thế nào đạt được những mục tiêu này. Khớp cắn mặc dù rất quan trọng, nhưng không còn được xem là mục tiêu tối thượng của điều trị chỉnh nha. Điều này hoàn toàn khác với quan điểm nguyên thuỷ từ Angle là khớp cắn đúng thì kết quả sẽ đẹp. Như vậy, không nhất thiết là phải đạt khớp cắn hạng I răng cối và răng nanh.

Với quan điểm thẩm mỹ, yếu tố mô mềm được chú trọng hàng đầu bao gồm sự hài hòa dạng mặt nhìn nghiêng, cân đối khi nhìn thẳng cùng với nụ cười đẹp, sự hài hòa của răng và nướu.

Có thể xem sự khác biệt giữa hai quan điểm mô cứng trước đây và quan điểm mô mềm hiện nay qua ca lâm sàng minh hoạ trong Hình 1 và Hình 2.

su-thay-doi-cach-1
Hình 1: Bệnh nhân đã được chỉnh nha hoàn tất, khớp cắn đạt tiêu chuẩn về tất cả các tương quan đường giữa, tương quan lồng múi và hạng I răng cối, răng nanh, nhưng không giải quyết được thẩm mỹ dạng mặt nhìn nghiêng (nguồn: Graber: Orthodontics: Principle and Technique, 2017).
su-thay-doi-cach-2
Hình 2: Bệnh nhân đã được chỉnh nha lại, khớp cắn không đạt tiêu chuẩn như đã chỉnh trước, nhưng giải quyết được thẩm mỹ dạng mặt nhìn nghiêng (nguồn: Graber: Orthodontics: Principle and Technique, 2017).

Ở Hình 1, bệnh nhân đã được chỉnh nha hoàn tất, khớp cắn đạt tiêu chuẩn về tất cả các tương quan đường giữa, tương quan lồng múi và hạng I răng cối, răng nanh. Tuy nhiên, dạng mặt nhìn nghiêng bệnh nhân mất hài hòa với tình trạng cằm lẹm đã không làm bệnh nhân hài lòng. Với quan điểm mô cứng trước đây, kết quả như thế này là đạt yêu cầu và kết thúc điều trị. Vì không hài lòng, bệnh nhân lại tìm đến một bác sĩ chỉnh nha khác và được tư vấn chỉnh nha kết hợp phẫu thuật để có thể đạt được yêu cầu thẩm mỹ. Bệnh nhân đã được chỉnh nha lại, nhổ hai răng cối nhỏ thứ nhất hàm dưới để kéo lùi răng lui sau. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt trượt hàm dưới ra trước cùng với tạo hình cằm. Kết quả khớp cắn kết thúc ở hạng III răng cối, răng cửa dưới nghiêng trong chứng tỏ một khớp cắn không hoàn hảo như kết quả điều trị chỉnh nha trước đó. Tuy nhiên, dạng mặt nhìn nghiêng bệnh nhân cải thiện rất nhiều và bệnh nhân rất hài lòng với kết quả điều trị lại này (Hình 2). Sự khác biệt về thẩm mỹ giữa hai cách tiếp cận khác nhau qua ca minh hoạ này, rõ ràng là không cần bàn cãi khi so sánh kết quả điều trị về phương diện thẩm mỹ (Hình 3).

su-thay-doi-cach-3
Hình 3: So sánh kết quả giữa hai quan điểm điều trị hướng mô cứng và hướng mô mềm về phương diện thẩm mỹ mặt (nguồn: Graber: Orthodontics: Principle and Technique, 2017).

Với quan điểm mô cứng, không chỉ không đạt yêu cầu điều trị mà nhiều trường hợp còn gây thảm hoạ, với kết quả điều trị không những không cải thiện thẩm mỹ mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng bất hài hòa của bệnh nhân, ví dụ như tăng cười lộ nướu mà trước đây bệnh nhân không có hoặc chỉ ở mức độ nhẹ. Với quan điểm đương đại, khớp cắn không nhất thiết phải đạt yêu cầu khớp cắn lý tưởng mà chỉ cần đạt yêu cầu khớp cắn chức năng, đảm bảo thực hiện tốt các chức năng nhai, phát âm và bảo vệ sự toàn vẹn hệ thống nhai.

Với sự thay đổi nảy, thẩm mỹ mô mềm là yếu tố quyết định, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch điều trị. Cơ sở để chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị là khám lâm sàng, đánh giá thẩm mỹ mô mềm và sử dụng kết hợp các phân tích đo đầu mô mềm. Nguyên tắc điều trị chủ đạo là lập kế hoạch mô mềm hài hòa trước, sau đó lập kế hoạch di chuyển răng để đạt được kết quả hài hòa này. Như vậy, với cùng kiểu hình khớp cắn, nhưng đặc điểm mô mềm khác nhau thì kế hoạch điều trị cũng sẽ khác nhau.

Nguồn: Sách Chỉnh nha lâm sàng – Từ nguyên lý đến kỹ thuật, NXB Y học Việt Nam


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *