Đại cương và phân loại cung môi – Khí cụ chỉnh nha tháo lắp.

Cung môi được dùng trong khí cụ tháo lắp hoặc khí cụ cố định. Cung môi khí cụ tháo lắp đi theo dạng chung của cung răng, có thể uốn thêm cung bù trừ hình chữ U ở vùng răng nanh hoặc răng cối nhỏ. Cung môi tiếp tục đi ngang qua kẽ răng nanh hoặc răng cối nhỏ ở cung môi ngắn hoặc vòng quanh răng cối sau cùng ở cung môi dài, và đi vào mặt trong của răng để cuối cùng có chân cung môi được chôn vào nền nhựa. Cùng tìm hiểu đại cương và phân loại cung môi đối với nhóm khí cụ chỉnh nha tháo lắp.

1. Đại cương về phân loại cung môi

Cung môi là một đoạn cung nằm ở mặt ngoài của các răng hàm trên hoặc dưới.

cung-moi-1
Hình 1: Cung môi được dùng trong nhiều dạng khí cụ khác nhau (A) khí cụ Hawley hàm trên, (B) khí cụ có nâng khớp cắn, (C) khí cụ duy trì có tạo lực (D) khí cụ Hawley hàm dưới, (E, F) khí cụ nguyên tảng.

Cung môi được dùng trong khí cụ tháo lắp hoặc khí cụ cố định. Cung môi khí cụ tháo lắp đi theo dạng chung của cung răng, có thể uốn thêm cung bù trừ hình chữ U ở vùng răng nanh hoặc răng cối nhỏ. Cung môi tiếp tục đi ngang qua kẽ răng nanh hoặc răng cối nhỏ ở cung môi ngắn hoặc vòng quanh răng cối sau cùng ở cung môi dài, và đi vào mặt trong của răng để cuối cùng có chân cung môi được chôn vào nền nhựa.

Phân loại theo hình dạng, cung môi có nhiều loại khác nhau như cung môi Ricketts, cung môi Witzig, cung mỗi dạng lò xo, cung môi ngược, cung mỗi chạm đều các rằng, cung môi ôm sát từng răng…

Phân loại theo thiết diện của dây, cung môi có thể có thiết diện tròn, vuông hoặc chữ nhật. Trong khí cụ chỉnh hình tháo lắp, cung môi thường có thiết diện tròn. Dây cung môi làm bằng thép không rỉ. Đường kính cung môi thông thường từ 0,7mm – 0,8mm trong khí cụ tháo lắp di chuyển răng. Khí cụ tháo lắp duy trì sử dụng dây cung môi có đường kính lớn hơn 0,9mm – 1,0mm.

Phân loại theo vị trí trên cung răng, có hai loại cung môi tháo lắp là cung môi ngắn và cung môi dài. Cung môi ngắn đi từ vùng răng nanh bên phải tới răng nanh bên trái hoặc từ vùng răng cối nhỏ bên phải tới răng cối nhỏ bên trái. Cung môi dài đi từ vùng răng cối lớn bên phải tới răng cối lớn bên trái.

Phân loại theo chức năng, cung môi có thể là cung tác động – nghĩa là tạo lực di chuyển răng trong khí cụ điều trị chỉnh hình răng mặt hoặc chỉ là cung môi thụ động trong khí cụ duy trì – không tạo lực di chuyển răng nhằm duy trì kết quả sau điều trị chỉnh hình răng mặt.

2. Các dạng cụ thể

2.1. Dạng thông dụng

Phổ biến, với cung môi ngắn chạm đều mặt ngoài nhóm răng trước trên hoặc dưới và đi vào nền nhựa vùng kẽ giữa răng nanh và răng cối nhỏ. Cung môi dài tới vùng răng cối lớn thứ nhất hoặc thứ hai.

cung-moi-2
Hình 2: (A) Cung môi ngắn (B) Cung môi dài (C) Cung môi nhìn từ phía trước.

2.2. Cung môi dạng ôm sát từng răng

Cung môi được bẻ ôm sát mặt ngoài của từng răng, có thể ở vùng răng trước hoặc răng sau. Sử dụng khi cần thiết giữ chặt răng thật đúng vị trí sau khi kết thúc giai đoạn điều trị chỉnh hình.

cung-moi-3
Hình 3: Cung môi dạng ôm sát từng răng (A) vùng răng trước (B) vùng răng sau.

2.3. Cung môi dạng phẳng

Sử dụng dây bề mặt phẳng thay vì dây có thiết diện tròn để bẻ cung môi. Đôi khi cung U bù trừ được hàn thêm móc kiểm soát răng nanh. Cung môi này được sử dụng làm khí cụ duy trì, lưu giữ rất tốt nhờ bề mặt phẳng tiếp xúc với mặt ngoài các răng trước nhiều hơn.

cung-moi-4
Hình 4: Cung môi dạng phẳng ôm đều các răng.

2.4. Cung môi phẳng dạng ôm sát từng răng

Dây bề mặt phẳng bẻ ôm sát toàn bộ mặt ngoài của từng răng và đi vào vùng kế các răng cửa. Nhờ sự tiếp xúc rất chặt này nên thường được dùng duy trì sau khi điều trị các răng bị xoay nhiều.

cung-moi-5
Hình 5: Cung môi dạng phẳng ôm sát từng răng.

2.5. Cung môi được bọc ống nhựa

Chỉ định khi các răng cửa có tái tạo bằng nhựa trám composite hoặc mão… Ống nhựa bọc ngoài dây cung bảo vệ bề mặt sứ, nhựa không bị mài mòn. Hiện nay có các dây cung thẩm mỹ giống màu răng.

cung-moi-6
Hình 6: (A) Cung môi được bọc ống nhựa (B) Cung môi thẩm mỹ.

2.6. Cung môi được phủ nhựa tự cứng

Nhựa trong ôm chặt mặt ngoài và vùng kẽ các răng trước giúp các răng được duy trì hoàn hảo. Chỉ định khi bẻ cung môi dài, do sự tiếp xúc chặt chẽ với răng nên giúp cho đoạn dây bẻ dài được thăng bằng, hoặc chỉ định trong trường hợp răng xoay trầm trọng trước điều trị.

Hình 7: Cung môi được phủ nhựa tự cứng.

2.7. Cung môi ngược

Cung môi ngược được bẻ với cung bù trừ đi từ phía xa tới phía gần của răng nanh như trong khí cụ duy trì Van der Linden. Chỉ định khi không muốn có cung dây đi ngang qua vùng kẽ giữa răng nanh và răng cối nhỏ, để tránh tạo lại khe hở vùng nhổ răng cối nhỏ hoặc muốn tiếp tục kiểm soát vị trí của răng nanh trong trường hợp răng nanh bị xoay nhiều.

Hình 8: Cung môi ngược.

2.8. Cung Ricketts

Giống như cung môi ngược, dây cung đi vào vùng kẽ giữa răng cửa bên và răng nanh. Chữ U được đặt ở răng cửa bên và phần xa uốn theo mặt ngoài răng nanh. Phần xa này giúp tăng lưu giữ cho khí cụ và có thể kiểm soát vị trí răng nanh, tránh xoay răng. Nếu kiểm soát lực tốt có thể xoay rất hiệu quả các răng nanh bị lệch một bên hoặc cả hai bên.

Hình 9: Cung Ricketts.

2.9. Cung môi Witzig

Đây là dạng biến thể của cung Ricketts, sử dụng cung U bù trừ được thu hẹp chiều ngang. Cung môi này giữ ổn định răng trước rất tốt, tuy nhiên giới hạn điều chỉnh rất ít. Có thể dùng trong khí cụ duy trì sau khi kết thúc giai đoạn điều trị tích cực.

Hình 10: Cung môi Witzig.

2.10. Cung môi dạng lò xo

Còn gọi là cung môi Robert. Cung bù trừ hình chữ U được thay thế bằng lò xo kim băng. Có thể điều chỉnh lò xo để nới rộng
hoặc thu hẹp cung môi.

Hình 11: Cung môi dạng lò xo.

2.11. Cung môi kiểm soát vị trí răng nanh

Cung môi có cung bù trừ hình M dùng di răng nanh vào phía khẩu cái. Hoặc xoay răng khi đặt đỉnh nhọn của chữ M về phía gần hoặc xa của răng nanh.

Hình 12: Các dạng cung môi có cung bù trừ kiểm soát răng nanh: (A) Cung bù trừ hình M, (B, C) Cung bù trừ nằm ngang (D) Cung bù trừ có thêm móc cho thun kéo trồi răng ngầm.

2.12. Cung môi cao

a. Cung môi cao gắn lò xo: tương tự như cung mỗi Robert. Cung môi bằng dây cứng Ø 0,9mm đặt cao ở vùng đáy hành lang, ép lui các răng cửa trên nhờ lò xo Ø 0,35-0,4mm. Thuận lợi của cung môi này là dễ dàng thay lò xo nếu bị gãy.

Hình 13: Cung môi cao với lò xo được cuộn ở nhánh gần và nhánh xa.

b. Cung môi có cung bù trừ lớn: Tác dụng như cung môi Robert để giảm độ cắn chìa nhiều hoặc để sắp ngay ngắn các răng trước không thẳng hàng. Do cung bù trừ lớn, nên chú ý khi điều chỉnh cung môi để tránh vướng cộm môi má.

Hình 14: Cung môi có cung bù trừ lớn.

2.13. Cung môi liên hàm

Cung môi được kéo dài đến hàm đối diện. Cung được làm bằng dây có tính đàn hồi, Ø 0,9mm. Có thể bẻ thêm vòng tròn bụng ở vị trí cung bù trừ hình U để giãm bớt độ cứng của dây. Cung này ngăn cản sự di chuyển ra trước của hàm dưới, hoặc dùng ép răng cửa dưới vào trong.

Hình 15: (A) Cung môi liên hàm đóng khe hở và nghiêng trong răng cửa dưới. (B) Cung môi liên hàm có thêm bụng lò xo ở vị trí cung bù trừ hình U.

Cung môi dài giữ răng ổn định tại vị trí rất tốt. Thường được hàn dính với móc Adams hoặc móc chữ C. Để giúp cung môi thăng bằng, có thêm đoạn dây nhỏ đặt giữa răng cửa bên và răng nanh. Ưu điểm của cung môi dài là không gây cản trở cắn khít và không tạo ra khe hở giữa các răng.

Hình 16: (A) Cung môi dài có hai nhánh bên giữ thăng bằng (B) Cung môi dài và tựa mặt nhai (C) Cung môi dài hàn với móc C hoặc (D) hàn với móc Adams.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *