Tổng quan về dây và kềm – Khí cụ chỉnh hình răng tháo lắp.

Bài viết dưới đây đề cập đến nội dung tổng quan rất sơ lược về hai dạng dụng cụ phổ biến nhất trong quá trình chế tạo, chỉnh sửa khí cụ chỉnh hình răng tháo lắp: Dây và Kìm. Cùng tìm hiểu những ý chính và phân tích các đặc điểm riêng của từng dụng cụ này.

1. Dây sử dụng trong khí cụ chỉnh hình răng tháo lắp

Dây sử dụng trong khí cụ tháo lắp thường được làm từ hợp kim thép không rỉ 18/8 trong đó thành phần chrome là 18% và nickel là 8%. Trước đây kim loại quí đã từng được sử dụng vì lý do thẩm mỹ, nhưng với đặc tính đàn hồi như lò xo, ngày nay vật liệu thép không rỉ được thay thế và sử dụng phổ biến dù khó thao tác hơn kim loại quí.

Một dạng hợp kim khác là Elgiloy có thành phần chủ yếu gồm chrome và cobalt, với đặc tính dẻo, dễ bẻ dây và sau đó được xử lý bằng nhiệt sau khi bẻ, chịu được lực căng và lực ép tốt hơn nên ít gãy dây hơn, rất được ưa chuộng để bẻ móc Adams và các loại móc khác.

Đặc tính của dây thép không rỉ

Các dây có đường kính từ 0,6mm trở lên, có độ cứng trung bình và có độ đàn hồi rất hữu ích để làm lò xo. Đặc tính dễ uốn của hợp kim cho phép bẻ được mọi góc độ. Cần lưu ý là phải dùng vật liệu thép không rỉ này ở đúng trạng thái như nhà sản xuất chế tạo, không dễ dàng thay đổi tính chất bằng xử lý nhiệt. Do đó, cần cẩn thận khi xử lý nhiệt hoặc khi hàn các thành phần của khí cụ chỉnh hình để không làm thay đổi đặc tính kim loại.

Điều cần lưu ý thêm là khi dây thép không rỉ được bẻ gập góc không đúng vị trí, dây được duỗi thẳng ra và bẻ lại. Cho dù lần bẻ sau không trùng với điểm bẻ cũ, dây có thể gãy tức khắc hoặc gãy sau một thời gian dài mang khí cụ trong miệng. Đây là tình trạng dây bị “quá tải” khi bẻ. Nên tránh khuyết điểm này bằng cách bẻ dây chính xác tối đa, như vậy cho dù có điều chỉnh dây trong miệng cũng không làm quá tải dây được.

Các dây thép không rỉ, dẻo được sử dụng khi không cần đến tính chất đàn hồi của lò xo, thí dụ như dây 0,7 mm dẻo dùng cho các móc kéo liên hàm. Các kềm mỏ nhỏ có thể dùng bẻ các dây này mà không hư hại kềm. Dây cực dẻo 0,3mm dùng để quấn trên thân dây lớn trước khi hàn hoặc dùng để cột trong khí cụ cố định.

Đường kính dây

Khí cụ tháo lắp dùng dây có thiết diện tròn, đường kính từ 0,15-1mm. Vài trường hợp đặc biệt dùng dây lớn 1,25-1,5mm.
Dây cung hoặc cung môi: 1,5mm, 1,25mm, 1,0mm, 0,9mm, 0,8mm.
Móc và lò xo: 0,7mm, 0,6mm. Lò xo ngón tay và lò xo tựa hoặc hàn trên dây lớn: 0,5mm, 0,4mm, 0,35mm.
Lò xo ruột gà: 0,25mm, 0,2mm, 0,15mm.

Nguyên tắc bẻ dây

  • Dùng kềm chuyên dụng: Có nhiều loại kềm chuyên dụng để bẻ dây, làm cho việc bẻ dây trở nên đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng, thí dụ kềm bẻ móc Adams, móc mũi tên… Tuy nhiên chúng giới hạn chỉ trên một hình dạng đặc biệt, độ lớn nhất định của dây và đòi hỏi phải trang bị quá nhiều kềm.
tong-quan-ve-day-1
Hình 1: Kềm chuyên dụng bẻ móc mũi tên.
  • Nguyên tắc bẻ dây dựa trên ba tiêu chí:
    • Chỉ cần một hoặc hai kềm cơ bản.
    • Biết cách bẻ dây.
    • Không chọn bẻ dây quá phức tạp mà không cần thiết.
  • Thao tác bẻ dây
    • Đoạn dây bẻ có chiều dài vừa đủ, cầm được đoạn “đuôi dây” để bẻ mà không ảnh hưởng đoạn đã bẻ trước đó.
    • Dùng kềm giữ chặt dây và tay uốn dần “đuôi dây” để bẻ. Chỉ có thể bẻ dây được chính xác và sắc nét tuyệt đối khi dây được đứng yên và được giữ chặt bằng kềm.
    • Dùng ngón tay để bẻ dây: Đầu tự do của dây được giữ trong lòng bàn tay và dây được bẻ bằng ngón tay cái ép chặt lên cán kềm. Như vậy sẽ kiểm soát được lực bẻ dây.

2. Tổng quan về kềm bẻ dây

Kềm bẻ dây

  • Đặc tính chung của kềm:
    • Khoảng cách từ khớp đến mỏ kềm ngắn, 22mm là chiều dài tối ưu. Cán to, chắc, cầm gọn trong lòng bàn tay.
    • Độ thuôn dần đều đặn từ mỏ đến khớp.
    • Mặt trong của mỏ phải phẳng.
    • Cạnh ngoài của mỏ kềm hơi vát cạnh, chứ không tròn.
    • Mặt trong của mỏ kềm thường không trơn láng.
    • Không nên thô nhám hoặc có rãnh khác ở mặt trong mỏ kềm.
    • Khi kẹp kềm lại, mỏ kềm chạm sát nhưng phần sát khớp kềm hở nhẹ và độ hở giảm dần về phía mỏ đến khi mỏ kềm tiếp xúc nhau. Đoạn hở 0,55mm- 0,6mm này giúp cho mặt trong kềm song song khi mỏ kềm mở ra 1,0mm. Điều này giúp cho kềm giữ rất chắc ngay cả đối với dây 1,0mm khi kẹp theo chiều dài mỏ kềm, hoặc không bị sút dây khi kẹp dây ở đầu mỏ kềm.
    • Cán kềm đủ cứng nhưng không quá cồng kềnh.
    • Có nhiều dạng kềm bẻ móc, trong đó có 3 kềm được sử dụng phổ biến như sau (Hình 2).
Hình 2: Các loại kềm A: kềm ba máu – B: kềm Adams – C: kềm hai máu Hình thiết diện mỏ kềm.
  • Kềm hai mấu: còn gọi là kềm 139 hay kềm mỏ chim, thông dụng nhất, dùng bẻ các vòng tròn nhỏ hoặc các đoạn cung. Kềm tốt được làm bằng thép không rỉ, có độ cứng cao, có một đầu chóp thiết diện vuông 1mm và một đầu chóp tròn Ø 1mm. Dùng mỏ kềm tròn để bẻ các vòng tròn thật nhỏ và đi dần về phía khớp kềm để bẻ các vòng tròn lớn hơn. Mỏ kềm dễ gẫy nếu bẻ các dây có đường kính quá lớn và đặt gần phía chóp mỏ kềm.
  • Kềm Adams: rất thông dụng để bẻ móc và thực hiện các khí cụ chỉnh hình. Kềm có hai mỏ vuông, mặt tiếp xúc của hai mỏ phẳng, đường kính mỏ 1mm, nhám, không đánh bóng bề mặt.
  • Kềm 3 mấu: cũng rất phổ biến, đặc biệt dùng cho thao tác trên miệng để điều chỉnh, thu hẹp các phần của khí cụ. Kềm này có thể dùng để bẻ dây nhưng phải lưu ý cẩn thận, vì hơi khó kiểm soát. Khi dùng kềm này nếu bẻ quá mạnh, dây kim lọai sẽ dễ gấp khúc và dễ gãy. Kềm có nhiều kích cỡ khác nhau, thường dùng cỡ nhỏ hoặc cỡ vừa cho thực hành lâm sàng.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *