Tổng quan về khí cụ Activator II và III trong chỉnh hình răng mặt.

Activator II là khí cụ chức năng loại tháo lắp. Khí cụ gồm nền nhựa hàm trên và nền nhựa hàm dưới liên kết với nhau ở mặt phẳng nhai thành một khối. Đồng thời với đó, khí cụ Activator III là một khí cụ tháo lắp chức năng được chỉ định trong điều trị sai khớp cắn hạng III, gồm hai phần nền nhựa hàm trên và hàm dưới được nối với nhau ở vùng liên khớp giữa hai hàm. Cùng tìm hiểu bản chất và tổng quan về hai loại khí cụ này trên thực tế lâm sàng.

1. Tổng quan về khí cụ và dấu cắn sáp của khí cụ Activator II

Activator II là khí cụ chức năng loại tháo lắp. Khí cụ gồm nền nhựa hàm trên và nền nhựa hàm dưới liên kết với nhau ở mặt phẳng nhai thành một khối. Nền nhựa hàm trên tiếp xúc với niêm mạc khẩu cái, phía trong gần của các răng sau và không tiếp xúc mặt trong các răng trước. Nền nhựa hàm dưới tiếp xúc với niêm mạc xương ổ răng ở mặt trong cung hàm, tiếp xúc phía trong xa các răng sau. Nền nhựa tiếp xúc mặt trong, bờ cắn và phủ 2mm về phía bờ cắn của mặt ngoài các răng trước hàm dưới.

Phần nhựa liên kết hàm trên và hàm dưới không tiếp xúc mặt nhai các răng sau hàm trên và hàm dưới.

Khí cụ activator hạng II thường được dùng để điều trị sai khớp cắn hạng II chi 1 (Hình 7.1 và 7.2).

tong-quan-ve-khi-1
Hình 1: Khí cụ activator hạng II.
tong-quan-ve-khi-2
Hình 2: Khí cụ activator hạng II: nhìn theo chiều trước – sau.

Khi mang khí cụ activator hạng II, hàm dưới của bệnh nhân bị đẩy về phía trước và tạo cắn hở ở vùng răng sau. Do đó, để thực hiện khí cụ này trong labo, cần có một dấu cắn sáp. Dấu cắn sáp được bác sĩ thực hiện trên miệng bệnh nhân tại ghế nha khoa sau khi đã hướng dẫn bệnh nhân cách đưa hàm dưới ra trước và cắn vào miếng sáp hình móng ngựa đã được chuẩn bị trước (Hình 3).

tong-quan-ve-khi-3
Hình 3: Dấu cắn sáp đã được thực hiện xong.

Dấu cắn sáp cùng với mẫu hàm được chuyển cẩn thận đến labo để kỹ thuật viên lên giá khớp. Điều quan trọng là chuyển dấu cắn sáp lên trên giá khớp phải thật chính xác. Sự thành công hay thất bại của khí cụ phụ thuộc vào việc tái lập lại chính xác vị trí của hàm dưới theo chiều đứng, chiều trước sau đã được xác định trên lâm sàng. Do đó, nếu có sự nghi ngờ gì về dấu cắn sáp, kỹ thuật viên cần trao đổi với bác sĩ. Nếu cần, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân để lấy một dấu cắn sáp khác. Bác sĩ có thể lên giá khớp để tránh sự biến dạng của dấu cắn sáp trong khi vận chuyển đến labo.

2. Nhìn nhận về khí cụ Activator III

Sai khớp cắn hạng III có thể nguyên nhân do răng, do xương nền hoặc kết hợp vừa răng và xương nền. Có nhiều loại khí cụ được sử dụng để điều trị dạng sai hình này. Khí cụ activator III là loại khí cụ chức năng được chỉ định điều trị những trường hợp sai khớp cắn hạng III. Thông thường khí cụ activator III sử dụng cho những trường hợp sai khớp cắn hạng III do chức năng (có trượt hàm dưới), hạng III có răng cửa hàm trên nghiêng trong, hạng III do hàm trên kém phát triển hoặc hạng III do bất thường xương ổ răng. Sử dụng khí cụ Activator để điều trị sai khớp cắn hạng III do xương hàm trên khả quan nếu điều trị sớm. Điều trị sai khớp cắn hạng III do xương hàm dưới thật sự có những giới hạn nhất định và tiên lượng dè dặt.

Tiên lượng điều trị bằng khí cụ Activator III có kết quả tốt nếu chẩn đoán đúng và điều trị bắt đầu trong giai đoạn răng hỗn hợp sớm. Để điều trị bằng khí cụ Activator III thành công, vai trò của người bác sĩ trong việc thiết lập dấu cắn, cách mài chỉnh khí cụ và theo dõi diễn biến điều trị là những vấn đề khá quan trọng. Ngoài ra không thể bỏ qua vai trò hợp tác của bệnh nhân giúp cho điều trị thành công.

Khí cụ Activator III là một khí cụ tháo lắp chức năng được chỉ định trong điều trị sai khớp cắn hạng III, gồm hai phần nền nhựa hàm trên và hàm dưới được nối với nhau ở vùng liên khớp giữa hai hàm (Hình 4).

Hình 4A, B, C, D: Khí cụ activator III nhìn từ phía trước, phía bên, phía trên và phía dưới.
Hình 5: (A) Lip pads; (B) Lò xo/ốc nới rộng; (C) Cung môi hàm dưới; (D) Hàng rào chặn lưỡi.
  • Hàm trên
    • Cung môi hàm trên: Cung môi hàm trên là cung môi thụ động nằm uốn theo mặt ngoài cung xương ổ răng hàm trên. Dây bẻ cung môi là dây thép không rỉ đường kính 0,8 – 0,9mm (.032 -.036 inches). Cung môi cần tránh thắng môi, hở niêm mạc mặt ngoài các răng trước hàm trên. Chân cung môi thường đi qua giữa răng nanh và răng cối nhỏ thứ nhất, hoặc răng cối sữa thứ nhất hàm trên, hở mặt nhai các răng. Chân cung môi được chôn vào phần nhựa phía trước của nền hàm trên.
    • Lip pad: Lip pad là hai phần nhựa được đặt ở vùng hành lang mặt ngoài các răng trước hàm trên, khoảng vùng răng cửa giữa và cửa bên, giới hạn phía trên đến sát đáy hành lang các răng trước hàm trên. Phần nhựa của lip pad sẽ bao phủ một phần cung môi.
    • Ốc nới rộng: Ốc nới rộng được đặt theo chiều trước sau trên nền nhựa hàm trên, thường ở khoảng vùng giữa răng nanh và răng cối nhỏ thứ nhất, hoặc răng cối sữa thứ nhất. Ốc nới rộng tách nền nhựa hàm trên thành hai phần: phần trước nền nhựa dính liền với lip pad và không dính với nền nhựa hàm dưới, phần sau nền nhựa được nối liền với nền nhựa hàm dưới. Tùy theo từng trường hợp, có thể gắn thêm các lò xo, móc … trên nền nhựa hàm trên.
  • Hàm dưới
    • Cung môi hàm dưới: Cung môi hàm dưới chạm các răng trước, đường kính dây khoảng 0,7- 0,8 mm. Theo chiều trước sau, chân cung môi nằm giữa răng nanh và răng cối nhỏ thứ nhất hoặc răng cối sữa thứ nhất hàm dưới, hoặc giữa răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai hàm dưới. Theo chiều đứng, chân cung môi nằm ở khoảng hở giữa hai hàm trên giá khớp.
    • Hàng rào chặn lưỡi: Ở mặt trong các răng trước hàm dưới và không chạm các răng này. Hàng rào chặn lưỡi ngăn cản lưỡi đẩy ra phía trước.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *